Bài Giảng Của Cha Timothy Radcliffe, OP.
Trong Lễ Kính Chúa Thánh Thần
Tổng hội Biên Hòa ngày 13 tháng 7 năm 2019
Khi ấy, các môn đệ của Đức Giêsu đang sợ hãi lẩn trốn trong phòng tiệc ly kín cửa. Đức Giêsu xuất hiện giữa các ông và thổi hơi ban Chúa Thánh Thần, cho họ được tự do và ra đi thi hành sứ vụ.
Cũng vậy, hôm nay chúng ta đang cầu xin Chúa Thánh Thần xuống. Chúng ta không giấu mình trong tổng hội Biên Hòa vì sợ hãi. Nhưng mỗi người đều có những nỗi sợ vốn giam hãm và cản trở chúng ta thi hành sứ vụ.
Vậy chúng ta sợ hãi điều gì? Có thể chúng ta sợ thất bại. Nếu chúng ta dấn thân vào những dự án đầy tham vọng, chúng ta sẽ thất bại. Đó có thể là nỗi sợ không muốn rời khỏi ngôi nhà an toàn và tiện nghi của mình để lên đường thi hành sứ vụ tại những nơi thiếu an toàn. Chúng ta cũng có thể sợ khi phải đối diện với những câu hỏi mà chính mình chưa biết câu trả lời. Cha Yves Congar đã từng trả lời khi được hỏi rằng, liệu câu trả lời của ngài có đúng không, ngài nói rằng ngài không chắc, nhưng câu hỏi thì chắc chắn đúng. Chúng ta đừng sợ những câu hỏi khó. Chúng ta cũng có thể sợ, đặc biệt ở phương Tây, rằng liệu Tỉnh dòng mình có thể tồn tại không. Một số anh em lớn tuổi cũng sợ các tu sĩ trẻ và các dự phóng của họ.
Vì vậy, chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần giải thoát chúng ta khỏi những nỗi sợ và can đảm rời khỏi căn phòng đóng kín của mình để ra đi rao giảng. Chúng ta hãy cầu xin điều mà cha tổng quyền Vincent Cougesnogle gọi là “can đảm hướng tới tương lai.” Nhưng nếu chúng ta làm như vậy, chúng ta sẽ dễ bị tổn thương. Có một tu sĩ Đa Minh người Anh, cha Herbert McCabe, thường nói rằng: “Nếu anh yêu, anh sẽ bị tổn thương; thậm chí anh có thể bị giết chết. Nhưng nếu anh không yêu, anh đã chết rồi.” Phải, chúng ta sẽ bị tổn thương. Chúng ta có thể bị giết, như Chân phước Pierre Claverie ở Algeria. Nhưng Đức Kitô Phục Sinh đã tỏ cho các môn đệ những vết thương của Người. Nếu chúng ta không dám để mình bị tổn thương, chúng ta sẽ không bao giờ làm được bất cứ điều gì.
Chúng ta cũng đang cầu nguyện xin Thánh Thần đến hướng dẫn các nghị huynh trong việc bầu vị tân Tổng quyền Dòng. Ngài không cần phải là người dũng cảm nhất để giải phóng chúng ta. Chính Chúa Thánh Thần sẽ làm điều đó, chứ không phải là Tổng quyền của Dòng! Vai trò chính của Tổng quyền là cổ võ các Tỉnh dòng, cổ võ những anh em mà Thiên Chúa đã kêu gọi để thi hành sứ vụ Đa Minh.
Trong thực tế, luôn có những anh em bị ép phải đảm nhận những công việc mới rất phiêu lưu, hoặc có thể không hiệu quả, hoặc phải làm việc quá nhiều, nhưng lại bị hiểu lầm. Điều đó không tốt chút nào. Vai trò của Tổng quyền là giúp anh em vượt qua nỗi sợ hãi đó. Chúng ta có hàng trăm anh em trẻ nhiệt tình nhưng lại muốn làm điều gì đó có chút “dở hơi”. Chúng ta phải thực tế, nhưng đừng bao giờ ngăn cản họ. Việc đầu tiên mà thiên thần nói với những người phụ nữ sau khi sống lại là: ‘Đừng sợ.’
Thường thì anh em muốn Bề trên, Giám tỉnh, Tổng quyền của mình phải giải quyết mọi vấn đề. Có lần kia, một vị Giám tỉnh chỉ cho tôi xem văn khố của Tỉnh dòng và bảo, cha xem đi, trong đống tài liệu này, chỉ có 10% liên hệ trực tiếp đến các tu sĩ, nhưng nó chiếm hết 90% thời gian của tôi.
Nhưng, nếu một bề trên nào tự coi mình là ‘nhà giải quyết vấn đề,’ người đó sẽ sớm thấy rằng, càng ngày chính anh em họ lại là vấn đề. Một cuộc khảo sát các bệnh viện Canada chỉ ra rằng bệnh viện lý tưởng nhất chính là bệnh viện không có bệnh nhân. Cũng vậy, một số vị Giám tỉnh có thể cho rằng Tỉnh dòng lý tưởng là Tỉnh dòng ít anh em, sẽ ít có vấn đề.
Các Tông đồ trong phòng tiệc ly cũng có thể nghĩ rằng Tông đồ Tôma có vấn đề nào đó. Tại sao anh đã không ở đó cùng với những anh em khác? Ai đã cho phép anh đi ra ngoài vào lúc đang nước sôi lửa bỏng như thế? Nếu anh gặp vấn đề gì thì chắc chính những người ở nhà phải cất công đi tìm anh ấy. Rồi thì ai sẽ trả tiền thuốc thang? Nhưng chính người môn đệ có vấn đề đó (Tôma) lại là những người đầu tiên tuyên xưng thiên tính của Đức Kitô. Tất nhiên chúng ta cần phải giải quyết hết các vấn đề bao nhiêu có thể, nhưng vai trò chính của vị Tổng quyền hay vị Giám tỉnh là khuyến khích những gì cha Bruno gọi là ‘sự sáng tạo tông đồ.’
Đức Giêsu nói rằng: “Bình an cho anh em.” Lời giảng của chúng ta xuất phát từ sự bình an này. Tạ ơn Chúa, Dòng chúng ta vẫn được bình an. Có thể đôi khi chúng ta có những căng thẳng, thậm chí lắm khi mâu thuẫn, nhưng chúng ta vẫn là một. Nhiệm vụ đầu tiên của Tổng quyền là chăm lo cho sự bình an này. Cha Bruno Cadoré đã làm điều này rất tuyệt vời.
Sự bình an này sẽ bị phá vỡ khi chúng ta nhốt mình trong căn phòng ý thức hệ. Ngày nay, nhiều người trên thế giới đang co cụm trong căn nhà đóng kín của mình. Họ hoặc là bảo thủ hay cấp tiến, quá truyền thống hay quá tự do. Kỹ nghệ thông tin đã khóa chặt họ trong những chuyện ảo huyền, điều mà chúng ta gọi là những “thái cực,” tốt và xấu, chúng ta và họ.
Trong cuối sách mới đây của mình, cha Bruno đã nói rằng, đó chính là tư tưởng của lạc giáo Cathar. Tất cả mọi thứ phải là trắng hoặc đen. Có một thần dữ và một thần lành. Có cái tinh khiết và cái dơ bẩn. Lời giảng của thánh Đa Minh bắt đầu bằng việc mời gọi họ ra khỏi tinh thần tù túng để bước vào không gian thoáng đãng của một Thiên Chúa làm nên mọi sự. Ngày nay chúng ta cần một vị Tổng quyền khả dĩ dẫn dắt Dòng thắng được sự phân tán, bè phái và trở thành những người yêu chuộng Chân lý.
Các sách Tin Mừng cho biết, các môn đệ vui mừng vì được xem thấy Chúa. Lời giảng của chúng ta khởi phát từ niềm vui đó. Không có niềm vui, chúng ta lãng phí cuộc đời mình. Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta một tổng quyền tràn đầy niềm vui.
Nguồn: daminhvn.net