Ai chờ đến tết nhất? Ai đợi đến tết nhất? Câu hỏi này có lẽ thoáng qua ai cũng nực cười vì xưa nay ta vẫn nghe người lớn nói: “Chỉ có đám con nít mới mong đợi đến ngày tết”. Mà quả thật, con nít mong đến ngày tết là điều đương nhiên rồi. Tết, con nít được lì xì, được nghỉ học rồi được diện đồ mới đi khắp nơi, được ăn bánh kẹo thỏa thích… Còn người lớn thì phải lo toan sắm sửa mọi thứ cho tươm tất, lo đi chúc tết hết chỗ này đến chỗ nọ, rồi lo lì xì cho con nít… Bao nhiêu thứ lo khiến người lớn “mệt vì tết”. Thế nhưng, có phải chỉ con nít mới mong đến tết?
Hãy cùng tôi du lịch một chuyến ra bến xe, ga tàu và trở về với vùng quê ta sẽ thấy được sự chờ đợi tết của mọi người như thế nào.
Nơi bến xe, ga tàu bắt đầu từ ngày 20 (âm lịch) trở đi lúc nào cũng tấp nập người, đồ đạc thì khỏi phải nói, ta chỉ có thể nghiêng người mới lách được đến chỗ cần đến. Xe và tàu đều phải tăng chuyến ra vào liên tục nhưng chuyến nào cũng quá tải. Thậm chí có người phục ở bến xe, ga tàu cả tuần mà còn chưa mua được một tấm vé để về. Cái tết đầu tiên cách đây 14 năm tôi được chứng kiến cảnh người chen chúc nơi ga tàu mà cảm thấy rùng mình. Lúc đó tôi tự hỏi người ở đâu ra mà nhiều dữ vậy? Và tôi cũng tự nhún vai trả lời: Họ là những công nhân nghèo ở khắp các vùng quê đổ về thành phố để làm việc với ước mong công việc sẽ ổn định hơn, đồng lương sẽ nhiều hơn so với công việc làm rẫy, làm ruộng thấp thỏm trông chờ vào sự phù hộ của thời tiết. Vì cuộc sống mưu sinh họ phải xa quê, xa gia đình…chỉ có tết họ mới có cơ hội trở về đoàn tụ với gia đình sau một năm xa nhà đằng đẵng. Mặc dù vất vả là vậy nhưng chắc chắn không ai muốn nằm dài nơi phòng trọ để đón tết. Hơn nữa cái không khí tết với những tiếng lợn kêu, những đêm thức trắng canh nồi bánh chưng… đã nhiễm vào máu của mỗi người rồi, nên tết không về nó cứ khó chịu làm sao ấy.
Trở về miền quê, những ngày gần tết cũng là những ngày xóm làng vui nhất, người người, nhà nhà đều mong ngóng mỏi mòn – họ mong ngóng những đứa con đi làm xa trở về. Tôi nhớ những ngày còn ở nhà được chứng kiến những chuyến xe ôm chạy vào làng mà lòng hồi hộp như trận đá banh sắp đến hồi kết vậy, cứ từ sáng sớm cho tới lúc đêm về hễ thấy chiếc xe ôm nào lắc lư chạy vào con đường làng là tất cả mọi người dù đang ở bất cứ tư thế nào cũng đều ngước nhìn xem xe đó rẽ về phía nào để rồi lại đoán già đoán non: “Con ông A về rồi, con bà B đã về rồi…nó có hiếu thật”. Những lúc đó mọi người vui lắm, nhất là những bậc làm cha, làm mẹ có con đi làm ăn xa về là hớn hở đi khoe với chòm xóm….và màn cuối cùng đứa con nít nào cũng thích đó là được các cụ phát bánh kẹo để lấy thảo cho người từ phương xa trở về. Đây cũng là lý do vì sao những người đi làm xa về thường phải mang đùm đề đồ đạc, bánh kẹo là vậy. Còn những gia đình nào chẳng may con bận hoặc có một trục trặc nào đó không về được là ôi thôi tết ăn đó ăn uống chẳng ngon lành gì, ai hỏi đến là rươm rướm nước mắt liền. Nơi quê nghèo là vậy, tết về chờ một chút, đời một chút nhưng lòng lại thấy ấm áp làm sao. Đến đây tôi thầm nghĩ tết không chỉ mang dáng dấp của một ngày cổ truyền, một ngày hội vui. Nhưng tết còn là điểm mốc của sự đoàn tụ, dù ai đi xa tới đâu ngày tết cũng mong được trở về bên gia đình, dù anh em có cả năm giận hờn nhau thì đến tết là cơ hội làm hòa để đến bên nhau.
Nơi bến xe, ga tàu, và nơi các gia đình ở vùng quê là vậy, còn nơi nào nữa không nhỉ? Không phải suy nghĩ lâu tôi nhớ ngay một nơi nữa cho thấy tết cũng thật thú vị, cũng đích thực là ngày đoàn tụ đó chính là các nhà thờ ở miền quê. Ngày thường quanh năm nhà thờ vắng teo chỉ có lèo tèo vài người lớn tuổi và đám con nít đang còn đi học. Ngày tết thì chật ních người, không chỉ trong nhà thờ chật ních mà cả các hành lang cũng chật ních luôn. Nhìn những gương mặt trẻ trung, lạ hoắc với đủ thứ Model sắc màu tôi chợt thấy Giáo xứ sống động hẳn lên như cây già khẳng khiu được cơn mưa xuân dội vào làm cho chồi non cả năm mải mê ngủ phải bật dậy vươn cao sức sống…Các Cha xứ cũng tranh thủ mấy ngày tết để họp mặt, điểm danh các con cái mình đi làm ăn xa ở khắp mọi nơi… Những ngày đó Giáo xứ ngày đêm tấp nập người người, ai ai cũng tranh thủ vun vén cho Giáo xứ sau một năm biền biệt nơi xứ người
Thế đấy, đi một vòng trở về chắc chắn ta đã có được kết luận: không chỉ riêng con nít chờ, con nít đợi ngày tết, nhưng với nhiều lý do khác nhau cả người lớn cũng chờ cũng đợi ngày tết. Và có lẽ Chúa đang ngự ở nhà thờ tại những nơi vùng quê xa xôi cũng mỉm cười mỗi khi tết về, vì thấy con cái mình từ nơi xa trở về bình an, thấy con cái mình được bố mẹ nó thúc giục: “Cả năm xa Giáo xứ rồi con, chỉ có vài ngày tết là được đi lễ ở Giáo xứ thôi nên đi đến đó để đi lễ và chào các ông bà trong xứ, mọi việc cứ để bố mẹ lo…”.
Sr. Maria Bùi An