Thành phố đêm về đèn điện giăng kín lối đi tô đậm thêm sự tấp nập, hối hả của dòng người ngược xuôi. Mỗi người một vẻ nhưng nhìn chung ai cũng vội vàng, cái vội vàng đó tạo nên sự khác biệt rõ nét giữa Thành thị và Nông thôn: ở Thành phố, giờ này là giờ chuyển ca của các công nhân nên kẻ đi người về đều trong tình trạng vội vàng và mệt mỏi. Còn ở miền quê khi màn đêm buông xuống là lúc mọi hoạt động dường như cũng sẽ ngưng lại. Người thì ngồi gác chân uống chè xanh tán gẫu, kẻ thì lách cách trải chiếu sắp cơm tối cho cả gia đình. Mọi sự đều chuyển động chậm lại cho tới khi chỉ còn tiếng ễnh ương, và tiếng ộp ạp của lũ ếch đồng.
Tâm trí đang lang thang hết chuyện này đến chuyện khác bỗng bắt gặp giọt nước mắt lăn vội trên khuôn mặt nhăn nheo của một bà cụ chắc đã trạc tuổi mẹ. Nhìn kỹ trên tay bà đang cầm một xấp vé số, bà ngồi khiêm tốn nơi góc tường nhìn ra đài Đức Mẹ sầu bi bế Chúa Giêsu chịu nạn. Trong lòng lẩm bẩm đoán già đoán non, không biết bà cụ bị đau ở đâu hay bị ai bắt nạt, tôi đánh liều rảo chân đến gần bà hỏi thăm:
- Con chào bà, sao giờ này bà còn ngồi ở đây?
Bà ngẩng đầu lên vui vẻ:
- Chào Sơ, tôi đang nghỉ chân chút, tranh thủ đọc với Mẹ vài kinh.
Thấy bà có vẻ thân thiện tôi tiến gần hơn:
- Con thấy bà hình như đang mệt trong người phải không ạ?
Bà buồn buồn:
- Tôi nhớ nhà chút thôi Sơ ạ chứ có mệt gì đâu. Lên đây gần năm rồi mà vẫn còn nhớ đấy, hư quá nhỉ…
Tôi cười cười:
- Con xa nhà mười mấy năm rồi mà vẫn nhớ bà ạ, mỗi lần về thăm mẹ rồi ra đi đâu có bao giờ dám chào mẹ đàng hoàng đâu…sợ mẹ nhìn thấy nước mắt mẹ lại khóc theo. Mà sao bà lại không ở nhà, lớn tuổi rồi lên thành phố chi cho ồn ào?
Bà xua tay:
- Tôi nào có muốn, cũng vì con cái thôi: vợ chồng con trai cứ về nằn nì bán đất đi lên thành phố nó nuôi. Chúng nó nói hoài thấy tôi cũng phải, nhà có hai mẹ con mỗi người một nơi cũng kỳ kỳ nên tôi bán đất đai để được đoàn tụ với con cái. Thế rồi ngày lên tới bến xe ở đây, vợ chồng nó bảo chờ đi thuê xe…rồi không thấy trở lại nữa…
Tôi thảng thốt:
- Thế từ bữa đến nay anh chị không trở lại tìm bà sao?
Bà lắc đầu:
- Cũng may mà có mấy người tốt bụng, họ thấy hoàn cảnh tôi như vậy nên dẫn về phòng trọ cho ở chung và hướng dẫn đi bán vé số.
Tôi thở dài thườn thượt:
- Đúng là….
Bà vội xua tay:
- Nhưng không sao đâu Sơ, chắc chúng có nỗi khổ riêng. Tôi chỉ mong chúng được bình an và hạnh phúc thôi. Phần nào đó tôi cũng cám ơn chúng ấy chứ, vì cứ như tôi thì cả đời không biết thành phố là gì đâu.
Tôi vội nắm tay bà:
- Bà ơi! Chắc Chúa hài lòng với bà lắm đấy, ở trong hoàn cảnh của bà nếu không có được sự quảng đại và lòng tốt lành thì khó có thể vượt qua.
Mắt bà hướng xa xăm:
- Lúc đầu tôi cũng buồn lắm, nhưng nghĩ đi nghĩ lại buồn cũng vậy à. Nhìn lên Chúa, Ngài không tội lỗi gì mà còn bị treo trên thập giá cơ mà. Ấy vậy mà Ngài vẫn yêu và vẫn nói lời tha thứ thì một chút của mình đâu đáng là gì.
Cảm tạ Chúa đã ban cho bà – một bà già quê mùa nhưng lại sống trọn được điều mà ít ai có thể sống được. Bà đã sống và nói được điều Chúa sống: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34). Chỉ với điều này thôi tôi tin là mặc dù còn phải trải qua nhiều thử thách nơi trần gian này nhưng nơi bà, bà đã nhìn và cảm nhận thấy chính Chúa là gia nghiệp của bà. Đến lượt tôi, Chúa đã như vị Thầy tuyệt vời hôm nay qua bà đã nhắn nhủ tôi sứ điệp “Sống thứ tha” trong mùa chay thánh này, tôi cũng phải bắt đầu “Chạy đua” để nắm được phần thắng là chính Chúa làm gia nghiệp.
Sr. Maria Bùi An (HVTVK)