“Lạy Chúa, này con xin đến. Lạy Chúa, này con xin đến để thi hành thánh ý Chúa, lạy Chúa. Lưỡi môi con xin ngài tẩy xóa. Bước con đi xin Ngài dẫn lối. Tấm thân con giờ đây hiến dâng Chúa ơi”. Lời của bài hát NÀY CON XIN ĐẾN được nhạc sĩ Thy Yên phổ nhạc lấy nội dung trong thư gửi tín hữu Do Thái (Dt 10,7;9a) diễn tả tâm tình và cuộc đời Đức Giêsu, Mẹ Maria và các thánh. Hôm nay, nội dung này còn là tâm tình và ý nguyện sống của mỗi chúng ta – những người theo sát Đức Giêsu Kitô trong đời sống dâng hiến.
Đức Giêsu Kitô – Con Một Chúa Cha, Mặt Trời Công Chính, là Anpha và Ômêga, trung tâm của dòng lịch sử cứu độ, là gương mẫu tuyệt vời cho chúng ta về đời sống thánh thiện. Chúng ta còn thấy nhiều gương sáng, gương nhân đức nơi Đức Maria và các thánh luôn sống tâm tình tin yêu, phó thác hoàn toàn cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Với Đức Maria, tâm tình này được dàn trải trong suốt đời Mẹ, nhưng tiêu biểu qua biến cố Truyền tin, nổi bật là lời thưa “Vâng”.
Biến cố Truyền Tin
Thiên Chúa chọn gọi những ai Ngài muốn. Vâng, Ngài đã chọn Đức Maria làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Mặc dù Thiên Chúa tùy nghi chọn lựa nhưng chắc chắn Mẹ là người đạo hạnh. Mẹ được sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia giáo với các đức tính nhân bản: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” (Bác Hồ) và bổn phận của người nữ Á Đông:
- Tam cương: “Quân thần cương, Phụ tử cương, Phu thê cương”.
- Ngũ thường: “Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”.
- Tam tòng: “Tại gia tòng phụ, Xuất giá tòng phu, Phu tử tòng tử”.
- Tứ đức: “Công, dung, ngôn, hạnh”.
- Riêng với người phụ nữ Việt nam còn thêm: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Là người kín đáo, dè dặt, Đức Maria không vui mừng ngay khi được sứ thần Gabriel chào và ca ngợi: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 28).
Vì Thiên Chúa ở cùng nên Đức Maria được tràn đầy ân sủng. Tràn đầy ân sủng thánh thiêng, Đức Maria được sống trong tình yêu. Mà Thiên Chúa là Tình yêu (1Ga 4,8.16b) nên Đức Maria luôn cảm nhận tình yêu, niềm vui, hạnh phúc vì có Chúa trong tâm hồn dù đối diện với nghịch cảnh. Đây là lý do khiến sứ thần Gabriel mời Mẹ hãy vui mừng.
Nghe sứ thần Gabriel chào hỏi, Mẹ “rất bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì” (Lc 1, 29).
Đối với người nông nổi nhất thời, họ sẽ vui vẻ đón nhận ngay những lời tốt đẹp đó mà không cần biết lý do, nguyên nhân, chủ thể, hậu quả, tương lai …Vì thế, họ sẽ bị chim trời ăn mất hay có mọc cũng không bén rễ sâu (x.Mt 13, 4 – 6). Họ là những người xây nhà trên cát (x.Mt 7,26 – 27).
Người theo thế gian, xác thịt, ma quỷ, ham danh, lợi, thú thì đón nhận (cảm thấy đương nhiên nên có thể giành giật) tất cả những lời tâng bốc, nịnh bợ, lợi lộc trước mắt mà quên sự thật nơi mình, anh chị em và Đấng Chân, Thiện, Mỹ.
Người yếu thế, tự ti thì xem ra mặc cảm, vô cảm, chai lì trước tình yêu, hồng ân Thiên Chúa. Họ khư khư cố chấp không nhận ra, không chấp nhận bản thân trong giây phút hiện tại. Vì thế, họ cảm thấy không xứng đáng với những hồng ân Chúa ban. Họ không dám, không can đảm mở trí, lòng và toàn thân để đón nhận chính Thiên Chúa nên đã vùi giấu. Đây là người “đầy tớ tồi tệ và biếng nhác” (Mt 25, 26).
Người tài thì đón nhận như phương thế để tiến (bắt buộc): tiến thân, tiến dân, tiến quân, tiến quốc (quốc gia, quốc tế).
“Người đầy tớ tài giỏi và trung thành” (Mt 25,21. 23), người tài đức, người khiêm cung của Thiên Chúa (điển hình Đức Maria) thì “bối rối và tự hỏi” (Lc 1, 29), “hằng ghi nhớ…suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Đức Maria phân định nhờ lương tâm được đào luyện trong bối cảnh đất nước Do Thái thời đó: chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, dân sự vv… Đồng thời, Mẹ được hướng dẫn, tập rèn trong môi trường gia đình. Bên cạnh đó, Mẹ còn được đào luyện trong lãnh vực tôn giáo (riêng tư và cộng đoàn): đọc sách Thánh, suy niệm, cầu nguyện, chia sẻ và sống theo đường lối Thiên Chúa. Hơn nữa, Mẹ được chính Thiên Chúa đào luyện và mạc khải trong tình yêu vĩnh cửu của Chúa Cha, ân sủng và bình an của Chúa Giêsu Kitô (x. Rm 1,7b; 1Cr 1,3; 2Cr 1,2; Gl 1,3; Ep 1,2; Pl 1,2; 2Tx 1,2) và ơn thông hiệp, sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Khi biết rõ ý nhiệm của Thiên Chúa, Đức Maria trân trọng đón nhận sứ điệp của Thiên Chúa qua lời sứ thần. Mẹ cảm nhận lồng trong hồng ân lớn lao cưu mang Đức Giêsu là cả trách nhiệm cộng với mặt trái của cuộc sống. Đức Maria là người xây nhà trên đá mà Đức Giêsu đã đề cập tới trong Tin mừng thánh Luca (Lc 7,24-25).
Dù “bối rối, tự hỏi” (Lc 1,29) trong ý tưởng nhưng sứ thần Gabriel biết Mẹ Maria muốn được giải thích. Sứ thần liền nói rõ nội dung: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa (Lc 1,30).
Trong tục ngữ, ca dao Việt nam nói tới nét đẹp của người nữ: đẹp thể lý (tự nhiên, luyện tập) và nét đẹp thể lý được thể hiện nhờ nét đẹp tinh thần, tâm sinh lý (ngoại diện thể hiện nội tâm): duyên trời phú, thần thái…
“Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua
Năm thương cổ yếm đeo bùa
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng
Bẩy thương nết ở khôn ngoan
Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh.
Chín thương cô ở một mình
Mười thương con mắt có tình với ai”.
“Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh.
Trúc xinh trúc mọc bờ ao
Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh”.
“Mình về mình nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười,
Trăm quan mua lấy miệng cười
Nghìn quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen”.
“Người thanh tiếng nói cũng thanh
Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu”.
“Những người con mắt lá răm
Đôi mày lá liễu đáng trăm quan tiền”.
“Chân mày vòng nguyệt có duyên
Tóc mây gợn sóng đẹp duyên tơ hồng”.
“Vì cam cho quýt đèo bòng
Vì em nhan sắc cho lòng nhớ thương”.
“Nhấp nhánh là nhấp nhánh ơi
Mắt người lấp lánh như sao trên trời
Nhớ người lắm lắm người ơi!”
“Hoa thơm hoa ở trên cây
Mắt em lúng liếng
Dạ anh say lừ đừ”.
Trong tác phẩm “Truyện Kiều”, Nguyễn Du mô tả sắc đẹp tuyệt thế giai nhân của hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân:
“Đầu lòng hai ả tố nga
Thuý Kiều là chị em là Thuý Vân.
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười, ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn.
Làn thu thuỷ nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai.
Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm”.
Nét đẹp của mỗi người, cách riêng người phụ nữ là do Thiên Chúa ban. Thiên Chúa trao vốn cho chúng ta. Chúng ta có bổn phận phải sinh lời, nghĩa là không chỉ nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe thể xác mà còn linh hồn (lý trí, ý chí, tình yêu và tự do). Nét đẹp thể xác đã quý, nét đẹp tâm lý, tâm hồn còn cao quý hơn. Vì thế, có thể có người hình dáng không đẹp lắm nhưng cách sống, cách ăn ở tự trọng, đứng đắn, chín chắn, công chính v.v… thì đáng quý, đáng trân trọng hơn người đẹp hình dáng bên ngoài mà chưa đẹp phẩm cách bên trong như tục ngữ, ca dao Việt nam có câu:
“Cái nết đánh chết cái đẹp”.
“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.
“Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng,
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Vâng, có thể hình dáng bên ngoài Đức Maria không đẹp như những minh tinh màn bạc, các mỹ nhân hay như những hoa hậu, hoa khôi, nhưng chắc chắn Mẹ là một thiếu nữ hiền hậu, nhu mì, dễ nhìn, dễ coi, dễ thương, dễ mến, khôn ngoan, quán xuyến, đảm đang vv… Vì lòng tin tưởng, trông cậy, yêu mến Thiên Chúa nên Đức Maria đã tuân giữ tất cả những điều luật trong đạo Do Thái thời đó: mười điều răn, ba trăm sáu mươi lăm điều luật vv… Được đẹp lòng Thiên Chúa không phải do Mẹ làm đủ mọi cách để lấy lòng Ngài, nhưng “hữu xạ tự nhiên hương”, Mẹ gắn bó mật thiết và sống trọn vẹn cho Thiên Chúa. Tự sức không ai có thể đẹp lòng Thiên Chúa. Với Đức Maria cũng thế. Như vậy, chính Thiên Chúa muốn và Ngài ban ơn cho những người Ngài tuyển chọn, cách riêng Đức Maria: “chọn mặt gửi vàng”. Còn Đức Maria thì cộng tác hết mình cho chương trình của Thiên Chúa. Hơn và vinh dự trong tất cả mọi loài, mọi người, cách riêng người nữ, Đức Maria được Thiên Chúa ưu tuyển, ban đặc ân để làm Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa. Và Mẹ cũng đã ngoan thảo thưa tiếng “vâng” khi biết rõ ý định của Ngài.
Đẹp lòng Thiên Chúa, Thiên Chúa đã ban cho Đức Maria nhan sắc tuyệt vời, “sắc nước hương trời” (Tv 45, 12): thần sắc, thần duyên như trong sách Khải Huyền chương 12, câu 1 nói: “một người phụ nữ mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao”.
Thiên Chúa thật tuyệt vời. Ngài vô cùng tâm lý. Ngài ca ngợi Đức Maria nơi sứ thần Gabriel: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 28); “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa (Lc 1, 30). Ngài tuyển chọn Đức Maria giữa muôn người nữ và liền sau đó là một sứ mạng:
“Và này đây, bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu” (Lc 1, 31). Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,30 – 33).
Nghe nội dung, Mẹ Maria biết chắc chắn mình được Thiên Chúa đoái thương, được diễm phúc cưu mang và sinh hạ Đấng Thiên Sai như các ngôn sứ đã báo trước (St 49,10; Is 4,2;7;14b – 15; 11,1-3a; 45,8; Gr 23,5 – 6; 30,21 – 22) và muôn dân hằng mong đợi. Mẹ khẽ nhắm mắt, nhớ từng lời sứ thần nói rồi nuốt từng lời ấy và niềm hạnh phúc vào lòng. Nhưng thật sự căng thẳng, khó hiểu với cách thức để cưu mang Hài Nhi này vì Mẹ và thánh Giuse mới chỉ đính hôn (thành hôn) chứ chưa về chung sống. Không giấu giếm, Mẹ đã thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1, 34). Tế nhị biết bao khi phải nói tới “việc vợ chồng” với người phụ nữ Á Đông. Vả lại, Mẹ còn rất trẻ. Mẹ lại đang trực diện, nói chuyện với vị khách không phải là người phàm mà là sứ thần của Thiên Chúa, tổng lãnh thiên thần Gabriel. Tuy nhiên, việc Mẹ đã đính hôn với thánh Giuse cũng cho thấy Mẹ đã, đang và sẽ quan tâm, tìm hiểu vấn đề này. Mẹ là thiếu nữ đứng đắn, chín chắn, đạo hạnh. Tuy e dè, cộng với một chút nhút nhát, nhưng Mẹ phải can đảm hỏi sứ thần cho rõ ràng. Và quả nhiên, cách thức Thiên Chúa làm cho Đức Giêsu thụ thai trong lòng Đức Trinh nữ Maria thật nhiệm lạ.
Thai nhi Ngôi Hai Thiên Chúa trong lòng Mẹ Maria không hình thành theo lẽ tự nhiên con người mà theo cách thế của Thiên Chúa: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà. Vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1, 35).
Tuy mắt phàm trần Đức Maria không nhìn thấy Chúa Thánh Thần và “quyền năng Đấng Tối Cao” ngự xuống, nhưng linh hồn, con mắt đức tin, niềm trông cậy và lòng yêu mến Thiên Chúa đã giúp Mẹ cảm nhận điều đó. Nói thế không có nghĩa là ai cũng cảm được mà chỉ Thiên Chúa ban ơn cho ai, người ấy mới có. Vả lại, không chỉ tự nhiên một số ít người đó cảm nhận, hay cảm nhận một sớm một chiều mà là tập rèn cả một tiến trình hay có khi cả đời. Như vậy, đời sống cầu nguyện đã giúp Mẹ Maria sáng suốt nhận ra những dấu chỉ linh thiêng mà Thiên Chúa muốn mặc khải.
Tuy nhận ra những dấu chỉ thiêng liêng mà Thiên Chúa muốn trao ban, nhưng Đức Maria không thể thấy rõ tỏ tường như ban ngày tất cả mọi sự. Vì thế, sứ thần Gabriel mới đưa ra dẫn chứng cụ thể, dễ hiểu nơi con người là bà Êlisabeth: “Kìa bà Êlisabeth, người họ hàng với bà tuy già rồi mà cũng đang cưu mang một người con trai. Bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 36 – 37). Biết Thiên Chúa Toàn năng, Đức Maria không chỉ tâm phục, khẩu phục mà toàn trọn con người Mẹ suy phục Ngài.
Từ “bối rối” trong ý tưởng, Đức Maria chuyển qua tâm trạng phân vân rồi đối thoại bằng văn vần (lời). Nhờ sự soi sáng, hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và lời giải thích của sứ thần Gabriel (ân sủng linh thiêng và hiện tỏ nơi gia đình ông Dacaria), Đức Maria đã phân định và quyết thưa tiếng xin vâng: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).
Đức Maria thưa tiếng “Vâng” trong tâm tình ngoan thảo, khiêm tốn, tín thác trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Lời thưa “vâng” của Mẹ như ánh nắng ban mai dàn trải trên vạn vật xua tan đêm tối. Từ thâm cung lòng Mẹ thốt lên lời thưa “vâng” như vầng mây trắng hồng bao bọc chở che mọi loài. Lời thưa “có” của Mẹ như ngọn gió mát ùa vào từng loài, từng tâm hồn mỗi người xóa tan mọi phiền muộn. Lời thưa năm xưa của Mẹ như cơn mưa rào tràn trào ơn phúc trên vũ hoàn. Lời thưa ấy như “máy sấy” nhân loại đang giá lạnh, rét run trước biển gào sóng thét của sự dữ đang vây bủa. Lời đồng ý của Mẹ như sợi chỉ đỏ nối kết từng con tim nhân loại đang xa dần Thiên Chúa. Lời “dạ” của Mẹ trước Thiên Chúa như khúc hát, câu ca quyến hồn những ai đang sa đà đam mê xấu trở về với Ngài. Xin vâng trọn tấm hình hài, Đức Maria tận tài từng bước khẽ khàng, nhịp nhàng đem Đức Giêsu Kitô đến cho nhân loại và đưa nhân loại về với Người nhờ “quyền năng của Đấng Tối Cao” ( Lc 1, 35) và sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Đức Maria là người mẹ thể lý, tâm lý và tinh thần, anh chị em, người bạn thiết thân của Đức Giêsu từ lúc Người thành thai trong lòng Mẹ. Mọi vui buồn, sướng khổ, lo âu của Đức Giêsu, Đức Maria đều can thiệp. Mẹ là bạn hữu tuyệt vời của Đức Giêsu khi Mẹ là người đầu tiên thực hiện những điều Người truyền dạy (x.Ga 15, 14).
Nữ tu Maria Phạm Thị Thái Thanh