Làn sóng thứ hai của đại dịch Covid đã một lần nữa làm ngủ yên tiếng chuông nhà thờ nơi các xứ đạo của người công giáo, đặc biệt là người công giáo trên quê hương Việt Nam thân yêu.
Không thể quên được cái cảm giác buổi sáng sớm hôm ấy, buổi sáng khi gà chưa gáy của cái ngày 29/3/2020- ngày mà lệnh cách ly toàn xã hội bắt đầu thi hành vì đại dịch Covid. Buổi sáng mà lần đầu tiên không còn được nghe thấy tiếng chuông nhà thờ đổ dồn bên tai.
Tiếng chuông ngân vang mỗi sáng ban mai và vào mỗi buổi chiều đã trở nên quen thuộc và trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong trái tim của mọi tín hữu. Tiếng chuông có thể thay thế cho tiếng gà gáy cũng như đồng hồ báo thức vào mỗi sáng sau một đêm ngủ thật dài.
Tiếng chuông hướng lòng con người về một thực tại rất thánh thiêng. Tiếng chuông nâng bước chân con người đến nhà thờ để ca tụng, tạ ơn vì những hồng ân Thiên Chúa ban. Tiếng chuông vang lên từng tiếng đều đặn báo hiệu một người anh em từ giã cõi trần để trở về với Thiên Chúa. Tiếng chuông đổ dồn trong đêm Giáng Sinh hòa lẫn tiếng hát du dương của các thiên thần báo hiệu tin vui con Chúa Giáng trần. Tiếng chuông rộn rã hân hoan phá tan không khí trầm lắng của đêm Vọng Phục Sinh loan tin Thiên Chúa chiến thắng tử thần và sống lại hiển vinh.
Không những thế, tiếng chuông còn ngân nga, quấn quýt trong những khóm tre làng, ngân rung trên những nóc phố rêu phong. Tiếng chuông nhà thờ không chỉ là những nốt nhạc thánh thiện, mà còn là tiếng lòng, là nỗi niềm của những con chiên-những con người đủ mọi tầng lớp trong xã hội vút qua tầng không trung baola để tới Thiên Chúa. Tháp chuông cao vút và thứ âm thanh thiêng liêng, thanh bình, ẩn chứa nhiều thông điệp cất lên sớm sớm, chiều chiều theo nhịp quay đều đặn của thời gian ấy[1].
Tiếng chuông nhà thờ còn trở thành cảm hứng cho các nhạc sĩ để thể hiện cảm xúc của mình qua những tác phẩm âm nhạc: “Làng tôi xanh bóng tre từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung.”[2].
“Tiếng buông hồi chuông nhắc nhở cầu Chúa ban phước ơn lành cho nhân loại.
Tiếng buông hồi chuông tươi cười nối duyên đôi lứa uyên ương lập gia đình.
Tiếng buông hồi chuông nhân từ vui đón rửa tội tổ tông trẻ sơ sinh.
Tiếng buông hồi chuông rĩ rền đưa cất linh hồn kẻ chết về thiên đường”[3].
Dọc dài gần 500 quê hương Việt Nam được diễm phúc đón nhận Tin Mừng cũng là bằng ngần ấy năm tiếng chuông nhà thờ luôn ngân vang chưa một lần bị ngắt quãng. Dù là chiến tranh, dù bom đạn có phá tan những tháp chuông hay cả những ngôi nhà thờ thân yêu của người tín hữu, nhưng người giáo dân vẫn một lòng gìn giữ nhà Chúa để tiếng chuông luôn được ngân vang đều đặn theo nhịp sống thường hằng của con dân.
Ấy thế mà chỉ vì một con virus nhỏ xíu, mắt thường không trông thấy mà lại có thể làm ngủ yên tiếng chuông nơi các giáo đường.
Thật nhiều tâm trạng khi không còn được nghe tiếng chuông vang vọng mỗi sáng, cũng chẳng còn những câu nhắn nhủ ấm áp của mẹ cha: “dậy đi con, chuông nhất rồi đấy….” cũng chẳng phải nài nỉ để xin được ngủ nướng: “cho con ngủ thêm xíu, chuông hai con dậy còn kịp mà….”. Cũng chẳng còn thấy những hình ảnh quen thuộc trên những con đường đến nhà thờ, đặc biệt nơi những xứ đạo vùng nông thôn, những cụ ông lững thững sơ mi đóng thùng hay những cụ bà áo dài khăn đống, hoặc là những em bé miệng còn ngái ngủ, mắt mở chưa ra nhưng bước chân đều thoăn thoắt tiến vào nhà thờ….Giờ chỉ còn lác đác vài người khẩu trang nghiêm chỉnh, bàn tay phải sát khuẩn trước khi vào nhà thờ, mỗi người một ghế, Linh mục đeo khẩu trang lạnh lẽo giữa bàn thờ, hát cộng đồng cũng chẳng dám lớn tiếng.
“Không có phiếu có được vào nhà thờ không bác”, “cả tuần nay em mới được đi lễ”, “Lâu rồi không đi nhà thờ cũng nhớ thiệt…..” là những câu nói của giáo dân chợt nghe mà cảm động, thương thật thương những tâm hồn khát khao sự thánh thiện.
Mong ngày mai cho đại dịch chấm dứt.
Chuông vọng vang con lại đến nhà thờ.
Lạy Chúa, Chúa hiểu rõ khát khao của mỗi chúng con trong cơn đại dịch này. Xin Chúa ban cho cơn đại dịch mau chấm dứt để tiếng chuông nhà thờ được ngân lên đều đặn sớm tối, tiếng chuông nâng tâm hồn chúng con lên tới trời cao, tiếng chuông thúc dục bước chân chúng con mau mắn đến với Chúa, tìm gặp Chúa là nguồn vui, nguồn bình an và hạnh phúc vĩnh cửu của cuộc đời chúng con. Amen.
Nt. Maria Phạm Trang
[1] http://hoinhacsi.vn/tieng-chuong-nha-tho-trong-ca-khuc-viet-nam
[2] Bài hát làng tôi của nhạc sĩ Văn Cao-http://www.lyrics.vn/lyrics/1529-lang-toi.html
[3] Bài hát Tiếng chuông nhà thờ của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát-https://nhacchuongmienphi.com/loi-bai-hat/lyric/tieng-chuong-nha-tho/4plua