Tiếp Sức trong Tình Yêu Thiên Chúa

0

Hẳn ai trong chúng ta cũng từng nghe đến tên của Abraham Lincoln, tổng thống thứ 16 của Mỹ. Ông nổi tiếng nhất lịch sử của Mỹ với mệnh danh là “người giải phóng vĩ đại”. Những tư tưởng đổi mới của ông đã giúp ích cho rất nhiều người vượt qua giới hạn của bản thân mình để thành công. Một trong những câu  nói ông đã để lại cho thế hệ tương lai đó là “Nếu cho tôi 6 giờ để đốn hạ một cái cây, tôi sẽ dành 4 giờ đầu để mài sắc lưỡi rìu[1]. Và để diễn giải cho câu nói này thì ông đã kể lại một câu chuyện có tên: “Mài Chiếc Rìu Cùn”. Câu chuyện được kể lại như sau:

Ngày xưa, có một anh tiều phu đến xin việc ở nhà một thương gia giàu có. Trông anh khỏe mạnh, hiền lành và chăm chỉ nên người thương gia nhận anh ngay.Tiền công anh được nhận khá cao, điều kiện làm việc cũng rất tốt. Chính vì thế anh tiều phu quyết định phải nỗ lực hết mình để xứng đáng với những gì được trả. Anh cầm rìu vào rừng đốn gỗ.

Ngày đầu tiên, anh tiều phu mang về 18 cây gỗ – một con số đáng nể.

“Tốt lắm, hãy tiếp tục phát huy” – ông chủ vỗ vai động viên anh.

Lời động viên của ông chủ như chất kích thích, càng khích lệ anh chàng làm việc chăm chỉ hơn. Tuy nhiên, dù nỗ lực hơn ngày đầu, nhưng ngày hôm sau anh chỉ mang về 15 cây gỗ. Ngày thứ ba anh càng cố gắng hơn nữa, cũng chỉ mang về được 10 cây. Càng ngày, anh càng mang về ít hơn.

Anh tiều phu buồn rầu vì nghĩ sức khỏe của mình đã yếu. Anh tìm đến ông chủ, xin lỗi vì đã không làm được như kỳ vọng của ông và thắc mắc không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình.

– “Lần cuối cùng cậu mài chiếc rìu của mình là bao giờ?” – người thương gia hỏi
– “Mài rìu ư? Tôi đã dành hết thời gian của mình để đốn cây mà không để ý đến việc mài nó’” – anh tiều phu buồn rầu đáp.[2]

Câu chuyện trên đây nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của việc tiếp sức nghỉ ngơi nhằm chuẩn bị cho công việc mới. Như người thợ được ông chủ mời gọi dành thời gian để mài lại lưỡi rìu thật sắc để có thể chặt cây cho thật nhanh, thật nhiều thì hồn tông đồ của chúng ta cũng được mời gọi hãy dành thời gian để hun nóng lại lửa nhiệt thành qua việc gắn bó với đời sống cầu nguyện nhờ vào việc chiêm ngắm mẫu gương cầu nguyện của Chúa Giêsu để ý thức vai trò quan trọng của việc cầu nguyện và nhờ việc cầu nguyện làm động lực đem Chúa đến cho mọi người chúng ta gặp gỡ.

1. Đức Giêsu – Mẫu Gương Cầu Nguyện Của Hồn Tông Đồ

Các thánh sử Tin Mừng đều cho chúng ta thấy Đức Giêsu có một đời sống cầu nguyện gắn bó với Chúa Cha. Đặc biệt trong mọi biến cố quan trọng của cuộc đời tại thế, Đức Giêsu luôn cầu nguyện để vâng theo thánh ý Chúa Cha. Khi bắt đầu hành trình rao giảng Tin Mừng, trước khi chọn gọi các môn đệ, Đức Giêsu đã thức suốt đêm để cầu nguyện cùng Chúa Cha. Cụm từ “trong những ngày ấy[3] cho thấy việc cầu nguyện của Đức Giêsu lúc này không chỉ không chỉ là một đêm nhưng cả là một thời gian dài và nối tiếp. Các môn đệ sau khi đã được Chúa chọn thì không phải tất cả đều tuyệt vời, mỗi người đều có thiếu sót này kia nhưng đây là hoa trái của việc Đức Giêsu kết hiệp với Chúa Cha nên Đức Giêsu đã hết sức trân quý gìn giữ các môn đệ[4] và Ngài còn hứa chuẩn bị chỗ cho các môn đệ sau  khi Ngài đã về trời. Trong hoạt động sứ vụ, khi làm phép lạ, khi rao giảng, Đức Giêsu luôn hướng về Chúa Cha. Và ngay cả khi “Giờ đã đến[5], giờ bước vào cuộc tử nạn, Đức Giêsu luôn cầu nguyện để xin vâng theo ý Cha.

Như vậy, cả cuộc sống của Đức Giêsu là một đời cầu nguyện cho hoạt động tông đồ và cho những ai thuộc về Ngài. Khi gắn bó với đời sống cầu nguyện như vậy thì Đức Giêsu được Chúa Cha tiếp thêm sức mạnh để cho toàn tốt sứ mạng mà Chúa Cha trao phó khi đến trần gian.

2. Cầu Nguyện – Hơi Thở Của Một Đời Sống Đức Tin

Thử hỏi trên đời này có ai biết trước cuộc đời của mình sẽ như thế nào? Có thể chúng ta đang có nhiều dự tính cho tương lai nhưng rồi một căn bệnh nan y chợt đến thì điều đó còn được bảo đảm không? Nhớ lại câu chuyện Đức Giêsu cùng đi trên thuyền với các môn đệ, thánh sử Mác- cô cho biết lúc trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền  khiến thuyền đầy nước thì  Đức Giêsu  đang gối đầu ngủ tại đàng lái của chiếc thuyền[6]. Câu hỏi được đặt ra là Đức Giêsu đang ngủ thật hay chỉ nhắm mắt? Điều nhấn mạnh là niềm tin của các môn đệ lúc này thật bấp bênh. Các môn đệ trách Chúa: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi mà Thầy còn ngủ sao?”[7]. Tại sao lại có sự hoảng sợ nơi các môn đệ? Vì các môn đệ chưa ý thức thực sự về sự hiện diện đầy quyền năng của Chúa trên con thuyền khi mà Chúa cùng đồng hành với các ông. Nơi con thuyền sóng gió cuộc đời, mỗi người trong chúng ta cũng đầy giới hạn với niềm tin yếu kém nên cần phải đặt trọn niềm tin trong bàn tay quyền năng của Đấng vô hạn là Thiên Chúa như lời Đấng Đáng kính Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận đã nhắn nhủ: “Chính qua lời cầu nguyện mà con sống trong Chúa. Linh hồn con ở trong Chúa, như bé thơ nép mình trong lòng mẹ, hơi thở hiệp nhất với hơi thở của mẹ, con tim đập nhịp với con tim của mẹ[8]. Khi vững tin vào Chúa, chúng ta sẽ đứng vững trước những khó khăn và hành trình sứ vụ.

Thế nhưng, nhiều lúc nhìn lại đời sống cầu nguyện, đôi khi tâm trí đặt nặng cho công việc đã khiến chúng ta đến với Chúa như một sự gượng ép, đến với Chúa mà lòng còn đầy những suy tư khác không phải là Chúa. Hãy quảng đại với Chúa và chúng ta sẽ nếm cảm được sự dịu ngọt, ủi an, sự hiện diện tròn đầy của Chúa trong cầu nguyện và trong cuộc sống. Vậy chúng ta có thể quảng đại với Chúa bằng cách nào? Hãy đến đúng giờ và cầu nguyện đủ giờ, buổi sáng khi thức dậy hãy nghĩ ngay đến Chúa với lời tạ ơn và dành ưu tiên cho Chúa trong mọi công việc khi ý thức làm vinh danh Chúa. Cũng có lúc chúng ta cảm thấy giờ cầu nguyện thật khô khan, hãy kiên trì và trung thành, Chúa sẽ dẫn  ta bước vào sự thinh lặng của tình yêu mến. Chính khi ở lại trong Chúa như vậy, Chúa sẽ ở lại trong chúng ta và thúc đẩy chúng ta đem Chúa đến cho những người chúng ta gặp gỡ\

3. Cầu Nguyện – Động Lực Đem Chúa Đến Cho Mọi Người

Nhờ gắn bó với đời sống cầu nguyện, chúng ta sẽ cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa trải rộng trên cuộc đời của chúng ta biết là dường bao. Với ý thức mỗi người là một thụ tạo rất riêng của Chúa được Chúa yêu thương, chúng ta nhận ra rằng chỉ khi yêu thương thì chúng ta mới có thể phản chiếu vẻ đẹp thần linh của Ngài.

Một cách cụ thể hơn, đời sống tu trì mang tính cộng đoàn đòi hỏi chúng ta yêu thương những người chị em đang ở ngay bên cạnh ta. Chúng ta thể hiện tình yêu thương qua những hành động tưởng chừng như rất nhỏ bé: giúp đỡ chị em khi cần, nở một nụ cười, nói một lời an ủi xây dựng, dành chút thời giờ nói chuyện với chị em cao niên và động viên những em nhỏ… Rất nhiều việc sáng kiến của tình yêu thương mà chúng ta có thể làm. Nhưng chúng ta cũng cần biết rằng tình yêu thương để tồn tại thì rất cần sự hy sinh và bỏ mình. Càng hy sinh nhiều thì tình mến nơi Thiên Chúa sẽ đổ đầy trong ta và nhờ đó mà thánh giá đời ta sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Hãy cầu nguyện với Đức Giêsu dưới chân thập giá vì: “không ai có thể tiếp cận và chạm vào Thánh Giá Chúa Giêsu mà không để lại một cái gì đó của chính họ dưới chân Thánh Giá, và không mang lấy một cái gì đó của Thánh Giá Chúa Giêsu vào cuộc sống của riêng mình[9]

Trên hành trình sứ vụ làm chứng cho Chúa, chúng ta hãy tiếp sức và luôn giữ lửa hồn tông đồ bằng việc trung thành với đời sống cầu nguyện. Vì chỉ có Thiên Chúa mới giữ lại được trong cõi lòng ta một ngọn lửa nhiệt tình để làm vinh danh Ngài qua công tác sứ vụ và qua những con người chúng ta gặp gỡ bằng cuộc sống đượm tình mến thương. Hãy luôn để cho tình yêu thương của Thiên Chúa lấp đầy trái tim  và là động lực tông đồ của mỗi chúng ta.

Nt. Anna Ngô Thị Thanh Trang

[1] https://www.pinterest.com/pin/641763015627057719/
[2]https://soha.vn/cau-chuyen-mai-chiec-riu-cun-bai-hoc-tu-nguoi-dan-ong-giai-phong-vi-dai-nhat-cua-nuoc-my-20170511173337729.htm
[3] Lc 6,12

[4] Ga 17,12
[5] Ga 13,1-Mt 26,36
[6] Mc 4,35-38
[7] Mc 4,38
[8] Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận, trích sách Chứng nhân hy Vọng
[9] Đức Giáo Hoàng Phanxicoâ, buổi đi đàng Thánh Giá với Giới Trẻ Thế Giới tại bãi biển Copacabana, Brazil- ngày 26/7/2013)

Comments are closed.

phone-icon