Đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô
“Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha…” (Ga 15,26). Với những lời này, Chúa Giêsu hứa sẽ sai Chúa Thánh Thần đến với các môn đệ, ơn tối thượng, ơn của các ơn. Ngài sử dụng một từ khác thường và bí ẩn để miêu tả về Thần Khí: Paraclete (Đấng Bảo trợ). Hôm nay chúng ta cùng suy tư về từ ngữ này, một từ không dễ dịch nghĩa, vì nó có một số nghĩa. Về cơ bản, nó mang hai ý nghĩa: Người An ủi và Người Bênh Vực.
Đấng Bảo Trợ là Người An ủi. Tất cả chúng ta đều tìm kiếm sự an ủi, đặc biệt là vào những thời điểm khó khăn như những gì chúng ta đang trải qua hiện nay do đại dịch. Tuy nhiên, thông thường, chúng ta chỉ hướng tới những nguồn an ủi của thế gian, những sự an ủi phù du nhanh chóng phai nhạt. Hôm nay, Chúa Giêsu ban cho chúng ta sự an ủi của nước trời, Chúa Thánh Thần, Đấng là “Đấng an ủi tuyệt vời” (Ca Tiếp liên Lễ Hiện xuống). Sự khác biệt đó là gì? Những sự an ủi của thế gian giống như một liều thuốc giảm đau: chúng có thể giúp giảm đau tạm thời, nhưng không chữa khỏi căn bệnh mà chúng ta mang sâu trong lòng. Chúng có thể xoa dịu chúng ta, nhưng không thể chữa lành chúng ta về cốt lõi. Chúng hoạt động trên bề mặt, ở mức độ của các giác quan, nhưng hầu như không chạm đến tâm hồn của chúng ta. Chỉ người làm cho chúng ta cảm thấy được yêu thương với chính con người của chúng ta mới có thể mang lại sự bình an cho tâm hồn chúng ta. Chính Chúa Thánh Thần là tình yêu của Thiên Chúa thực hiện điều đó. Ngài ngự xuống trong chúng ta; với tư cách là Thần Khí, Ngài hoạt động trong tinh thần của chúng ta. Ngài ngự xuống “trong tâm hồn”, là “khách trọ hiền lương của linh hồn” (sđd). Ngài là tình yêu của Thiên Chúa, Đấng không bỏ rơi chúng ta; vì sự hiện diện với những người cô đơn tự nó đã là một nguồn an ủi.
Anh chị em thân mến, nếu anh chị em cảm thấy bóng tối của sự cô độc, nếu anh chị em cảm thấy một chướng ngại trong mình cản trở đường hy vọng, nếu tâm hồn anh chị em có vết thương đang sưng tấy, nếu anh chị em không thấy được lối thoát, thì hãy mở rộng tâm hồn cho Chúa Thánh Thần. Thánh Bonaventura nói với chúng ta rằng, “nơi nào những thử thách lớn hơn, thì Ngài mang đến sự an ủi lớn hơn, không phải như thế gian, họ an ủi và tâng bốc chúng ta khi mọi việc diễn ra tốt đẹp, nhưng lại chê bai và lên án chúng ta khi chúng không được như ý” (Bài giảng trong Tuần Bát nhật Thăng thiên). Đó là những gì thế gian làm, đặc biệt là những điều mà kẻ thù địch, là ma quỷ, làm. Đầu tiên, hắn tâng bốc chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy là vô địch (vì những lời nịnh hót của ma quỷ vỗ về thói kiêu căng của chúng ta); sau đó hắn hạ gục chúng ta và khiến chúng ta cảm thấy rằng chúng ta chỉ là những kẻ thất bại. Hắn đùa bỡn chúng ta. Hắn làm mọi cách để quật ngã chúng ta, trong khi Thần Khí của Thiên Chúa Phục sinh muốn nâng chúng ta lên. Hãy nhìn vào các tông đồ: họ cô đơn vào buổi sáng hôm đó, cô đơn và hoang mang, thu mình sau những cánh cửa đóng kín, sống trong sợ hãi và bị bủa vây bởi những yếu đuối, những thất bại và tội lỗi của họ, vì họ đã chối Đức Kitô. Những năm tháng họ đã trải qua cùng với Chúa Giêsu không làm họ thay đổi: họ không khác gì so với trước đó. Rồi khi họ đón nhận được Thần Khí và mọi sự thay đổi: các vấn đề và những thất bại vẫn còn, nhưng họ không còn sợ hãi những điều, cũng như những kẻ thù địch với họ. Họ cảm nhận được sự an ủi trong lòng và họ muốn ngập tràn sự an ủi của Thiên Chúa. Trước đây, họ đầy sợ hãi; giờ đây nỗi sợ hãi duy nhất của họ là không làm chứng cho tình yêu mà họ đã đón nhận. Chúa Giêsu đã báo trước điều này: “[Thần Khí] sẽ làm chứng về Thầy, cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng” (Ga 15: 26-27).
Chúng ta hãy tiến thêm một bước nữa. Chúng ta cũng được kêu gọi để làm chứng trong Chúa Thánh Thần, để trở thành những người bảo trợ, những người an ủi. Thần Khí đang yêu cầu chúng ta hãy là hiện thân của sự an ủi mà Ngài mang đến. Chúng ta có thể làm điều này như thế nào? Không phải bằng cách tạo ra những bài diễn thuyết tuyệt vời, nhưng bằng cách đến gần người khác. Không phải bằng những lời sáo rỗng, mà bằng lời cầu nguyện và sự gần gũi. Chúng ta hãy nhớ rằng sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng luôn là “nhãn hiệu” của Thiên Chúa. Đấng Bảo trợ đang nói với Giáo hội rằng hôm nay là thời gian để an ủi. Đây là thời gian để hân hoan loan báo Tin Mừng hơn là chống lại chủ nghĩa ngoại giáo. Đây là thời gian để mang đến niềm vui của Chúa Phục Sinh, không phải để ta thán về những tấn kịch của sự tục hóa. Đây là thời gian để rót đổ tình yêu thương trên thế giới, không phải để ôm lấy sự trần tục. Đây là thời gian để làm chứng cho lòng thương xót hơn là khắc sâu các quy tắc và quy định. Đây là thời gian của Đấng Bảo trợ! Nó là thời gian giải phóng tâm hồn, trong Đấng Bảo trợ.
Đấng Bảo trợ cũng là Người Bênh vực. Vào thời Chúa Giêsu, những người biện hộ không làm những gì như họ làm ngày nay: thay vì lên tiếng thay cho bị cáo, họ chỉ đứng bên cạnh bị cáo và gợi ý những lý lẽ mà bị cáo có thể sử dụng để bào chữa cho mình. Đó là những gì Đấng Bảo trợ làm, vì Ngài là “Thần Khí sự thật” (câu 26). Ngài không thay thế vị trí của chúng ta, nhưng bảo vệ chúng ta khỏi sự lừa gạt của sự dữ bằng cách khơi gợi những suy nghĩ và cảm xúc. Ngài làm như vậy một cách kín đáo, không ép buộc chúng ta: Ngài đề xuất nhưng không áp đặt. Thần lừa gạt là ma quỷ làm điều ngược lại: hắn cố ép buộc chúng ta; hắn muốn làm cho chúng ta nghĩ rằng chúng ta phải luôn luôn chấp nhận những quyến rũ và những mời gọi của trụy lạc. Chúng ta hãy cố gắng chấp nhận ba đề nghị điển hình của Đấng Bảo trợ, là Đấng Bênh vực chúng ta. Chúng là ba liều thuốc giải độc cơ bản cho ba cám dỗ rất phổ biến ngày nay.
Lời khuyên đầu tiên mà Chúa Thánh Thần đưa ra là, “Hãy sống trong hiện tại”. Hiện tại, không phải quá khứ hoặc tương lai. Đấng Bảo trợ khẳng định tính ưu việt của ngày hôm nay, chống lại sự cám dỗ để bản thân bị tê liệt bởi những hiềm thù hoặc ký ức của quá khứ, hoặc bởi sự bấp bênh hay sợ hãi về tương lai. Thần Khí nhắc nhở chúng ta về ân sủng của giây phút hiện tại. Không có thời gian nào tốt hơn cho chúng ta: bây giờ, ở đây và ngay lúc này là thời điểm duy nhất để làm việc thiện, để làm cho cuộc sống chúng ta trở thành một món quà. Chúng ta sống trong hiện tại!
Thần Khí cũng nói với chúng ta, “Hãy nhìn đến toàn thể”. Toàn thể, không phải là một phần. Thần Khí không đúc rèn những cá nhân riêng biệt, nhưng uốn nắn chúng ta thành một Hội thánh với muôn vàn đặc sủng khác nhau của chúng ta, trở nên hiệp nhất nhưng không bao giờ là đồng nhất. Đấng Bảo trợ khẳng định tính ưu việt của toàn thể. Ở đó, trong toàn thể, trong cộng đoàn, Thần Khí hoạt động và mang lại sự mới mẻ. Chúng ta hãy nhìn vào các tông đồ. Tất cả các ông đều hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn, các ông bao gồm Mátthêu, một người thu thuế đã cộng tác với người La Mã, và Simon được gọi là người nhiệt thành, người đã chống lại các ông. Họ có những ý tưởng chính trị trái ngược, những tầm nhìn khác nhau về thế giới. Tuy nhiên, khi nhận được Thần Khí, họ học được cách chọn sự ưu tiên không phải cho những quan điểm của con người mà cho “toàn thể” đó là chương trình của Thiên Chúa. Hôm nay, nếu chúng ta lắng nghe Thần Khí, chúng ta sẽ không quan tâm đến những người bảo thủ và những người tiến bộ, những người theo chủ nghĩa truyền thống và những người cải cách, cánh hữu và cánh tả. Khi những điều đó trở thành tiêu chuẩn của chúng ta, thì Giáo hội đã quên đi Thần Khí. Đấng Bảo trợ thúc đẩy chúng ta đến sự hiệp nhất, sự hòa hợp, đến sự hài hòa của đa dạng. Ngài làm cho chúng ta nhìn thấy mình là những chi thể của cùng một thân thể, là anh chị em của nhau. Chúng ta hãy nhìn vào tính toàn thể! Kẻ thù muốn sự đa dạng trở thành đối nghịch, và từ đó hắn làm cho chúng trở thành những hệ tư tưởng. Hãy nói Không với các hệ tư tưởng, nói Có với toàn thể.
Lời khuyên thứ ba của Thần Khí là, “Hãy đặt Thiên Chúa lên trước”. Đây là bước quyết định trong đời sống thiêng liêng, không phải nhờ tất cả những công trạng và thành tựu của chúng ta, nhưng là sự khiêm nhường rộng mở cho Thiên Chúa. Đấng Bảo trợ khẳng định tính ưu việt của ân sủng. Chỉ bằng cách từ bỏ bản thân, chúng ta mới dành không gian cho Thiên Chúa; chỉ bằng cách dâng mình cho Người, chúng ta mới tìm thấy chính mình; chỉ bằng cách trở nên nghèo khó về tinh thần, chúng ta mới trở nên giàu có trong Chúa Thánh Thần. Điều này cũng đúng với Giáo hội. Chúng ta không cứu được ai bằng chính nỗ lực của chúng ta, kể cả chính bản thân mình. Nếu chúng ta dành ưu tiên cho các dự án của bản thân, cho các cơ cấu của chúng ta, cho các kế hoạch cải cách của chúng ta, chúng ta sẽ chỉ quan tâm đến tính hiệu lực, hiệu quả, chúng ta sẽ chỉ nghĩ theo chiều ngang và kết quả là chúng ta sẽ không sinh hoa trái. Hậu tố “-ism” (chủ nghĩa) là một hệ tư tưởng chia rẽ và tách biệt. Giáo hội là con người, nhưng không chỉ đơn thuần là một tổ chức của con người, mà còn là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu đã mang lửa của Thần Khí đến thế gian và Giáo hội được canh tân bằng việc xức dầu của ân sủng, ân huệ của việc xức dầu ân sủng, sức mạnh cầu nguyện, niềm vui sứ mệnh và vẻ đẹp của sự nghèo khó. Chúng ta hãy đặt Chúa ở vị trí thứ nhất!
Lạy Chúa Thánh Thần, Thần Khí Bảo trợ, xin hãy an ủi tâm hồn chúng con. Hãy biến chúng con trở thành những người thừa sai cho sự an ủi của Người, thành những người biện hộ cho lòng thương xót của Người trước thế giới. Lạy Đấng Bảo trợ chúng con, vị cố vấn ngọt ngào của linh hồn chúng con, hãy làm cho chúng con trở thành các chứng nhân cho “ngày hôm nay” của Thiên Chúa, những tiên tri của sự hiệp nhất cho Giáo hội và nhân loại, và là các tông đồ cậy dựa vào ân sủng của Người, Đấng sáng tạo và đổi mới mọi sự. Amen.
[Nguồn: vatican.va]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/5/2021]