Tình yêu là Zêrô

0

Trước trào lưu của xã hội, con người vụt chạy theo công nghệ, lợi lộc, địa vị, sắc đẹp, ham muốn… Những giá trị trần thế đó như cuốn hút bất cứ ai đặt mình dưới vòng kiểm soát của nó. Chúng ta dễ dàng trở nên những “con nghiện” tìm đến “nhà phân phối” để thỏa mãn dục vọng, ham muốn và hưởng lạc. Có chăng mấy ai “thèm khát Chúa” để sống trong tương giao với Ngài, trở nên bạn hữu với Ngài? Có lẽ con người ngày nay đã đặt những giá trị trần thế vượt lên trên tình yêu với Thiên Chúa và coi Chúa là thứ yếu chỉ có trong phụng vụ, nơi nhà thờ và đóng kín Thiên Chúa trong cái khung vô hình do chính chúng ta đặt ra.

1. Tình yêu là “Zêrô”

Thiên Chúa đã tạo dựng muôn loài từ hư không và trân trọng trao ban tình yêu và sinh khí của Ngài cho con người. Nhưng con người không hiểu cái “hư không” nơi mình. Chúng ta lại dễ dàng rơi vào cám dỗ “muốn bằng Thiên Chúa”. Thánh Gioan Tông Đồ đã định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu, ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa” (1Ga 4,9). Thiên Chúa là nguồn mạch mọi tình yêu. Chỉ có Thiên Chúa mới thỏa mãn cơn khát của con người. Những giá trị trần thế rồi cũng sẽ tan biến. Nếu chúng ta coi “Tình yêu là Zêrô” thì chúng ta cũng đang đánh mất chính Thiên Chúa trong mình. Chúng ta phải hiểu sao về tình yêu nơi Ngài khi Ngài cứ “im hơi lặng tiếng”? Tình yêu là “Zêrô” khi ta để cho “Zêrô” ẩn tàng dưới những hành động tình yêu của mình như chính Thiên Chúa hiện diện cách vô hình nhưng hữu hình nơi hành động của ta. Ta cứ nghĩ yêu thương làm chi để rồi bị tổn thương, vùi dập, khác thường, loại trừ khỏi guồng máy của xã hội. Đó quả là một sai lầm khi ta không đặt tình yêu và sự thật trước những giá trị của trần thế. Nhìn vào các chữ số, nếu đặt “zêrô” đằng sau các chữ số khác thì giá trị của nó càng tăng lên rất nhiều lần. Tình yêu của ta với Thiên Chúa và tha nhân cũng cần đặt trên “zêrô”- một sự “nhưng không” vô vị lợi.

2. Tình yêu tự do

Thiên Chúa đã sai lầm khi trao ban cho chúng ta tự do ư? Không ai trong chúng ta muốn trở thành một con rối trong lòng bàn tay người khác. Ai cũng muốn mình là một cánh chim tự do nơi bầu trời trong xanh và được hát những khát vọng của mình. Đã có rất nhiều lời giải thích về tự do và ta chọn tự do để vâng phục Thiên Chúa. Không ít lần chúng ta gặp thất bại và phải trả giá rất đắt khi không vâng phục Thiên Chúa. Lời Kinh Thánh luôn dạy ta tuân phục Thiên Chúa qua những giao ước của Lời khấn, Giới luật, lương tâm… Chúa càng yêu thương ta bao nhiêu Ngài càng muốn ta tự do đáp trả vâng phục Ngài. Vì lòng yêu thương càng sâu sắc nó càng đòi hỏi ta lòng tôn trọng tự do của người khác. Điều đó, đòi chúng ta phân định trong tình yêu zêrô để khám phá sự hiện diện của Chúa và hành động của Ngài trong việc tự do đáp trả của ta.

3. Tình yêu trong tình bạn với Thiên Chúa

Trong tác phẩm “Người đã làm” Linh mục Nguyễn Cao Luật đã có một cách ví von rất hay về đời tu trong tương quan với Thiên Chúa như đôi vợ chồng già không có con và họ chăm sóc những đứa trẻ khác. Chúng ta cũng sống trong đời tu với tương giao tình bạn với Thiên Chúa. Ta biết gì về Thiên Chúa? Cái “biết” trong Kinh Thánh thường nói đến “yêu mến”. Tình yêu ấy luôn đi kèm với hy sinh, từ bỏ mọi sự, vác thập giá mình mà theo Chúa. Chúng ta có thể nói với Chúa Giêsu: “Tôi là một người bạn, một người bạn rất chân thành”. Câu nói đó phải được chứng minh bằng cả cuộc sống với tình bạn cao quý Chúa dành cho chúng ta và chúng ta dành cho Ngài. Trong tình bạn, có vui cùng hưởng, có họa cùng chia, vinh dự của bạn chính là vinh dự của tôi, ô nhục của bạn là ô nhục của tôi, chỉ có ganh đua mà không có ganh tị, chết thay cho bạn…Đó là những tình bạn rất người nhưng tôi cũng có thể sống tình bạn rất người ấy với Thiên Chúa. Sống thật chính mình trước mặt Ngài và trân quý tình bạn với Ngài để khuôn mặt của tôi cũng ẩn tàng khuôn mặt của Ngài.

 Nhìn lại những gì chúng ta đang sống và cảm nếm tình yêu Thiên Chúa dành cho mình, chúng ta sẽ thấy mình được quá yêu và nền tảng của tình yêu ấy từ “Thiên Chúa ban tặng cách nhưng không”. Chúng ta không đeo một mặt nạ “zêrô” nhưng chúng ta muốn sống cho những giá trị cao vời đến từ Thiên Chúa để kho tàng ân sủng của Thiên Chúa nơi ta không trở nên vô hiệu nhưng đem lại ân lộc cho tha nhân và cho chính chúng ta.

Maria Goretti Nguyễn Thu Phượng

                                                            

Comments are closed.

phone-icon