Ở Với Chúa

0

Một mình con với Chúa trong nơi cô vắng. Tâm hồn con nghe lắng đọng Lời của Chúa trong lòng con thiết tha. Một mình con với Chúa tâm tư thao thức khi chiều buông nắng vàng nghe từng bước chân đi vội đi, về đâu.

Bài hát Một Mình Con Với Chúa của nhạc sĩ Giang Ân đã nói lên phần nào kinh nghiệm gặp gỡ Chúa rất riêng tư, “lắng đọng”, thầm kín của tác giả. Dù khó khăn, vất vả, mù tối, đau thương, gai chông hay thất vọng, tác giả vẫn bám chặt, tín thác vào tình yêu Thiên Chúa.

1. Ở VỚI ĐỨC GIÊSU

Người ta nói: “Vô tri bất mộ”. Chưa cảm nhận (bằng ngũ quan, có thể thêm giác quan thứ sáu), chưa hiểu biết về một ai đó, chúng ta không thể yêu mến. Cũng vậy, chưa một lần gặp gỡ, học hiểu về Đức Giêsu, chúng ta chưa thể yêu mến Người.

Thời xưa, các tông đồ (nhóm mười hai) và các môn đệ (bảy mươi hai người) đi theo Đức Giêsu với nhiều nguyên nhân, cách thức, mục đích khác nhau. Tựu chung, họ muốn chính họ, gia đình, thân tộc, làng xóm, đất nước họ thay đổi, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đức Giêsu là người thầy đại tài. Người thu nhận, dạy dỗ, huấn luyện họ. Ở với Người, Người dần biến những ước mơ tạm bợ của họ thành vĩnh cửu, thấp kém thành cao thượng. Người biến luyện họ từ nhát đảm trở thành dũng sĩ can trường trong đấu trường để đối đầu với thế gian, xác thịt, ma quỷ. Nhưng có phải các ông tự chọn Chúa và đi theo Người? Không thể chối bỏ sự tự do, tự nguyện của các ông, nhưng chính Thiên Chúa mới là tác nhân chính. Người đi bước trước trong hành trình các ông đi theo, ở với Đức Giêsu và để Người sai các ông đi rao giảng Tin mừng với quyền trừ quỷ (x. Mc 3, 13 – 15).

2. TÍNH THÁNH THIÊNG CỦA HUYỀN NHIỆM TÌNH YÊU (x. Mc 3, 13)

Chúa Giêsu mời gọi tất cả chúng ta quảng đại đáp lại tiếng Chúa: “Hãy theo Ta” (x. Mt 4, 19; Mc 1, 17; Lc 5, 27). Theo Chúa để chúng ta được ở với Chúa. Ở với Chúa để chúng ta cảm nhận được Chúa yêu thương. Ở với Chúa để chúng ta thấm nhuần giáo huấn của Chúa đến từ Chúa Cha. Như các tông đồ, ở với Chúa để chúng ta học cách sống như Chúa: yêu thương: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4, 8. 16), thành tín, cảm thông, chia sẻ, chữa lành(x. Mt 8, 16; Mc 1, 34; Lc 4, 40), tha thứ(Ep 4, 32), nhân hậu, khiêm nhu(Mt 11, 29; Ga 13, 1 – 20) v.v… Chúng ta ý thức ơn gọi của chúng ta do ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa mời gọi, tuyển chọn, thánh hiến và sai đi chúng ta chứ không phải người phàm: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai mến yêu Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rm 8, 28 – 30; x. Ep 1, 4a). Trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã thi ân giáng phúc, cho chúng ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần (x. Ep 1, 3b). Nhờ Đức Giêsu Kitô, theo ý muốn và lòng nhân ái, Thiên Chúa đã tiền định cho chúng ta làm nghĩa tử (x. Ep 1, 5), “để trước Thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện nhờ tình thương của người” (x. Ep 1, 4b).

Ở với Đức Giêsu, chúng ta tha thiết gắn bó với Chúa như Chúa gắn bó với Chúa Cha qua đời sống cầu nguyện: “Sáng ngày, người đi ra một nơi hoang vắng” (Lc 4, 42); “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1, 35); “Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa”(Lc 6, 12); lời cầu nguyện hiến tế(Ga 17); Đức Giêsu cầu nguyện tại vườn Giệtsimani (Mt 26, 36 – 46; Mc 14, 32 – 42; Lc 22, 42 – 46).

Ở với Chúa, chúng ta cảm nhận, học hiểu về Chúa. Ở với Chúa, chúng ta có kinh nghiệm sống cá nhân với Chúa: ngọt ngào, khát vọng, sâu đọng, trầm lắng, vui tươi, hân hoan, hạnh phúc, tha thiết v.v…để cảm nhận Chúa bổ sức (x. Tv 23, 3), an ủi, vỗ về, thông cảm, tha thứ, yêu thương, quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, truyền cảm hứng (Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống, số 30)… Ở với Chúa, mỗi ngày chúng ta trở nên thiết thân với Chúa hơn: bạn hữu (x. Ga 15, 13 – 15). Ở với Chúa, mỗi ngày chúng ta trở nên bản sao, sống như Đức Giêsu đã sống: suy nghĩ, nói, cử chỉ, thái độ, việc làm trong hòa nhã, lịch thiệp; cởi mở, quảng đại; thinh lặng, nhịn nhục; lòng nhân ái, tha thứ v.v…

Ở với Chúa, chúng ta được đào tạo về mọi mặt: thể lý, tâm lý và tâm linh; theo cách thức: phổ quát, đại trào hay riêng lẻ, cá nhân?; theo hướng: một chiều hay hai chiều(có đối thoại)?; với tư cách, tương quan: chủ – tớ (Lc 17, 7 – 10), thầy – trò (x. Mt 5; x. Ga 15), cha – con (x. Lc 15), anh – em , bạn hữu(x. Ga 15, 13 – 15), người yêu với người yêu (x. Hs 2, 18. 21 – 22; x. Dc 1, 7; 2, 8 – 10) và với phong cách: truyền thống, cấp tiến hay hội nhập văn hóa? Câu trả lời tùy vào ý thức, ý niệm, ý định, cách sống của chúng ta trong tương quan với Ngài.

Ở với Đức Giêsu, chúng ta được biến đổi.

Để xứng đáng ở trong nhà Chúa: “Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa, được ở trên núi thánh của Ngài? Là kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng, bụng nghĩ sao nói vậy, miệng lưỡi chẳng vu oan, không làm hại người nào, chẳng làm ai nhục nhã, coi khinh phường gian ác, trọng ai kính Chúa Trời, lỡ thề mà bị thiệt, thì cũng chẳng rút lời, cho vay không đặt lãi, chẳng nhận quà hối lộ mà hại đến người ngay. Phàm ai làm những điều này, không hề nao núng chuyển lay bao giờ” (Tv 15, 1 – 5).

Ở với Đức Giêsu, các môn đệ được tai nghe, mắt thấy (ngũ quan, có thể có giác quan thứ sáu) con người và cuộc sống của Người. Chung một mái nhà, các môn đệ được cùng ăn, cùng uống, cùng ngủ nghỉ, cùng chung chia vui buồn sướng khổ, cùng chung lý tưởng, ý hướng: sống trong tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi và chia sẻ, giới thiệu, loan báo tình yêu ấy cho mọi người. Hôm nay, Đức Giêsu không hiện diện bằng xương thịt cho chúng ta thấy nhưng Người hiện diện trong Lời Chúa, các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể. Người cũng hiện diện nơi huấn quyền, các bệnh nhân, những người cô thế cô thân, những kẻ cơ bần, túng thiếu. Đức Giêsu cũng hiện diện nơi tất cả mọi người chúng ta, nhất là những ai hiếu trung với Chúa.

Ở với Đức Giêsu là ở giữa anh chị em trong đời sống cầu nguyện. Và ngược lại, chúng ta hiệp nhau cầu nguyện thì có Chúa ở giữa chúng ta (x. Mt 18, 19 – 20). Nhưng chúng ta cầu nguyện thế nào nếu không có Thần Khí giúp đỡ: “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho các thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8, 26 – 27). Nhờ đời sống cầu nguyện, chúng ta thẳng thắn quyết chiến đấu và chiến thắng với sự dữ nhờ ơn Chúa. Ở với Chúa, chúng ta sẽ thành trang chiến sĩ quyết dấn thân cho sứ vụ rao giảng Tin mừng nguyện vinh danh Chúa, xây dựng Giáo hội và mưu ích các linh hồn.

Để được như thế, trước tiên chúng ta phải tách khỏi đám đông, khỏi sự ồn ào huyên náo, lên nơi cao, vào chỗ thanh vắng, cô tịch để nghỉ ngơi lấy lại sức. Tiếp đó, nhờ ơn Chúa soi sáng, chúng ta tìm ra sự cần thiết là chính Chúa. Có Chúa là có tất cả. Có Chúa chúng con chẳng sợ thiếu thốn chi: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Ðầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa. Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23). Có Chúa, chúng con trào tràn niềm vui vì được Chúa bao bọc, chở che:  “Còn những người trú ẩn bên Chúa, ước chi họ đều được hỷ hoan và reo vui mãi tới muôn đời. Chúa bảo vệ những người mến yêu Danh Thánh. Nhờ Ngài, họ phấn khởi mừng vui. Vâng lạy Chúa, Ngài ban phúc lành cho người công chính, lấy ân tình bao phủ như thuẫn đỡ khiên che” (Tv 5, 12 – 13).

3. Ở VỚI ĐỨC GIÊSU ĐỂ NGƯỜI SAI ĐI RAO GIẢNG TIN MỪNG (x. Mc 3, 14).

Ở với Chúa, trở thành môn đệ Chúa, chúng con được Chúa sai đi rao giảng Tin mừng như các môn đệ xưa (x. Lc 10, 1-2) vì “vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1Cr 9, 16) và “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5, 14). Hơn nữa, chính Chúa Giêsu đã nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9, 37; Lc 10, 2). Chủ mùa gặt biết rõ “lúa chín đầy đồng”, tùy ý sai thợ gặt cần chi chúng ta phải xin? Phải chăng Ngài muốn chúng ta ý thức trách nhiệm là thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo của Chúa? Cánh đồng truyền giáo quá bao la làm sao chúng ta gặt hết?

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi thời, sứ mạng truyền giáo khác nhau. Thời gian này, mọi người trên thế giới ở tại chỗ trong nhà mình vì cơn đại dịch virus Corona. “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”, chúng ta, những nữ tu Đa Minh Tam Hiệp, chúng ta sẽ rao giảng Tin mừng bằng cách nào? Không đi được bằng đôi chân, chúng ta sẽ đi tới những vùng biên cương bằng tâm trí, cõi lòng. Không hiện diện bằng thân xác, chúng ta sẽ hiện diện bằng tâm hồn: tha thiết cầu nguyện cùng Thiên Chúa, xin Ngài ban ơn chữa lành hồn xác cho các bệnh nhân và tăng sức cho các thiện nguyện viên, nhân viên y tế. Ý thức thân phận giòn mỏng, chúng ta cậy nhờ lòng xót thương của Chúa, xin Chúa sớm đưa các linh hồn mới qua đời trong cơn đại dịch về hưởng tôn nhan Chúa. Bên cạnh đó, chị em chúng ta còn sốt sắng cầu nguyện cùng Chúa Giêsu Thánh Thể: chầu Thánh Thể theo lời kêu gọi của các vị chủ chăn trong Giáo Hội. Ngoài việc cầu nguyện, chị em cũng thực hành việc ăn chay, hy sinh, hãm mình, giúp đỡ người nghèo v.v… “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, một người đau bệnh, qua đời, ai cũng thương tiếc, phương chi trên thế giới bây giờ có cả hơn một triệu người nhiễm bệnh. Chẳng ai nói với ai, ai cũng cảm thấy buồn buồn. Buồn chưa phải vì sợ nhiễm bệnh rồi chết, chúng ta buồn vì chiếc khăn tang đang bao trùm thế giới. Lạy Chúa, có phải đã tới lúc Chúa đổi mới mặt đất này?

Xin Chúa thương xót, tha thứ những lỗi lầm chúng con đã xúc phạm đến Chúa và anh chị em con bằng cách này hay cách khác. Nguyện xin Chúa sớm ban phúc lành, bình an của Chúa xuống trên thế giới và từng tâm hồn chúng con, Amen.

Tạm kết

Lạy Thiên Chúa Toàn Năng và Yêu Thương, tạ ơn Chúa đã sinh dựng nên con từ muôn thuở; cứu độ con bằng máu châu báu của Chúa; thánh hóa, bảo vệ, giữ gìn con khi con còn trong lòng mẹ (x. Gr 1, 5). Tạ ơn Chúa đã cho con làm người, làm con Chúa, được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 10b). Con trân trọng sức khỏe Chúa ban vì con thấy rất nhiều người không được sinh ra đời hay còn trẻ mà đã yếu mệt, bệnh tật. Tạ ơn Chúa đã ban cho con chính Chúa làm gia nghiệp (x. Tv 16), là tất cả cuộc sống của con.

Có Chúa là Đấng Cứu Tinh (x. Lc 1, 69), con chẳng sợ hãi chi mỗi lúc con tội tình, mỗi lúc con tinh nghịch rơi xuống lầy sình, ảnh hưởng tới cuộc sống bình sinh. Có Chúa là Đấng Cứu Tinh, dù lâm bệnh thập tử nhất sinh, con vẫn an bình, thắm xinh. Tâm linh con vẫn trung trinh, coi khinh mọi mối tình bất chính và sự khườn khĩnh của những người thích hưởng thụ. Đối với con, Chúa là Cột Trụ mỗi khi con muốn mình trở thành lãnh tụ, “xu xu”. Suốt cuộc đời tu, con theo Chúa là Đấng Nhân Từ (x. Mt 11, 28 – 30; x. Lc 6, 36; x. Tv 23, 6; x. Tv 125; x. 2Cr 10, 1; x. 1Pr 2, 23). Nhiều lúc tư lự, con muốn chống cự với Chúa nơi anh chị em của con nhiều điều. Nhưng Chúa lại yêu kiều nói nhỏ trong thẳm cung hồn con: “chớ liều”, nhưng phải nhìn xa trông rộng trăm chiều, để trước mặt Chúa và mọi người, con trở nên ngoan hiền, thảo hiếu chứ không là “ngoại kiều”.

Lạy Chúa Giêsu, mỗi buổi chiều con tịch liêu chiêm ngắm Chúa. Con cảm thấy “lúa” trước mặt Người và anh chị em con. Con cảm thấy thân phận mỏng giòn, dễ vỡ khi con đứng trước những man rợ của cám dỗ chợ đời. Có lúc tơi bời khi con còn bám víu vào những điều khác, người khác ngoài Chúa. Giây phút này ở trước chúa con cảm thấy nhen nhúm trong khi Chúa muốn con là tơ lụa thượng hạng để làm đẹp và niềm vui cho mọi người. Chúa muốn con là nụ cười, có khi là tiếng cười giòn giã để quy tụ những người buồn bã, xa lạ thành một mối. Mỗi tối, con lặng im suy gẫm mọi sự. Có những lúc chìm ngập trong đêm tối nhưng con lại được rạng ngời nhờ ánh sáng Lời Chúa chiếu tỏa vì: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119, 105). Lạy Chúa, con là chi, con đáng là gì mà Chúa quan tâm, chăm sóc? (x. Tv 8, 5)

Được ở, được sống, được cùng chung lý tưởng, ý hướng, thao thức, làm việc và học nơi Chúa là niềm vui, hạnh phúc suốt đời con (x. Mt 11, 28 – 30). Xin ban Thánh Thần Tình yêu của Chúa trên con. Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn gắn kết đời sống con với Chúa để không bao giờ con lìa xa nhưng ở lại với Chúa, bên Chúa, trong Chúa như cành nho gắn liền với cây nho, sinh hoa trái và làm vinh danh Chúa: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15, 8), Amen.

Nt.Maria Phạm Thị Thái Thanh

Comments are closed.

phone-icon