Những Thân Nhân Của Chị Em Tôi- Niềm Tin Chiến Thắng Covid

0

Suốt mấy tuần qua tôi hồi hộp chờ tin tức mỗi ngày qua Quỳnh – đứa cháu gái của Chị, người chăm sóc thuốc men, ăn uống vòng ngoài cho gia đình, vì vòng trong đều là bệnh nhân F0. Gia đình Chị đông anh em, nhưng lúc này chỉ có anh trai, chị gái và mẹ sống chung. Bà cố năm nay hơn 80 tuổi, lại bị đủ các bệnh nền tiểu đường, huyết áp. Nên Khi nhận được tin xét nghiệm PCR của Bà cố dương tính, ai cũng bàng hoàng. Chủng Delta lần này khủng khiếp lắm, những người lớn tuổi và bệnh nền khó mà qua khỏi.! Nếu có chuyên gì lúc này, Sài Gòn- Biên Hòa là quãng đường không dễ qua lại, Chị lại đang mang trách nhiệm với Hội Dòng. Biết bao lo toan: Chương trình những ngày khấn hứa, nhân sự, bài sai… Nhất là trong  thời điểm “nước sôi lửa bỏng” vì Covid này, số nhân sự tập trung ở Nhà mẹ đông đúc liệu có an toàn?

Không dám nói với ai vì bản thân thấy hoang  mang, và vì Chị cũng không muốn mọi người lo lắng thăm hỏi, chuyện riêng ảnh hưởng đến việc chung. Biết vậy tôi chỉ âm thầm liên hệ, để nếu có chuyện gì hy vọng kịp thời có thuốc, oxy, hay có thể nhập viện.

Ngày đầu tiên gọi đến, cháu Quỳnh lo lắng: Mẹ con đang sốt, Bà Ngoại và Bác Hưng thì chưa thấy sao.

Ngày thứ hai, rồi thứ ba: Mẹ con sốt cao phải tách ở trên lầu. Bà Ngoại con vẫn chưa sao.

Chúa Nhật hôm ấy, ngày 22/8/2021, trước ngày Quân đội đổ bộ, và TPHCM xiết chặt hơn trong 2 tuần. Tu viện Mẹ Fatima đã vội chuyển ít rau củ thực phẩm đến gia đình các chị em vùng Sài Gòn. Nhà Bà Cố bị giăng dây, nên các phần quà chỉ được chuyển cho cháu Quỳnh và gia đình cháu Đào gần đó nhận thôi.

Nói đến chuyện F0 chắc Bà Cố cũng chẳng hiểu gì nhiều? Suốt mấy tháng giãn cách, Bà cố không đi đâu, cũng không tiếp xúc với ai. Chỉ ngày ngày ngồi chơi ở chỗ cái cửa sổ cho thoáng mát. Bỗng một hôm thấy căn nhà sát cạnh có Công An vào, nghe nói mang mấy người đi cách ly. Sau mới biết nhà hàng xóm sát cạnh cửa sổ có người nhiễm. Thế là gia đình Bà cố cũng thành F0.

Mặc cho con cái lo lắng, Bà cố cứ thản nhiên vui tươi, suốt ngày lần hạt. Nhà mỗi ngày nấu mấy nồi nước lá chanh, xả, bảo Bà cố xông, Bà ngoan ngoãn vâng lời con cháu, ngồi vào trùm chăn một lúc thì ngủ gật, nhưng vẫn cứ ngồi đó đến lúc nào con nó bảo thôi thì thôi!

Một tuần căng thẳng trôi qua, các hướng dẫn, điều trị thuốc men được một Thầy đại chủng viện Thánh Giuse có bằng Bác sĩ, nhiệt tình giúp cho cả xóm. 

Khi các F0 khác lần lượt trải qua giai đoạn sốt, ho, mệt mỏi, khó thở, mất vị giác, thì… cơ thể Bà Cố vẫn chẳng phát tín hiệu gì, nên không phải uống thuốc. Thấy thế con cháu lại càng lo. Chẳng lẽ có con Covid nào hiền như vậy? Không triệu chứng thì ít là cũng mệt mỏi bỏ ăn? Có khi nào nó ủ bệnh lâu, hay có chủng virus lạ, đùng cái trở tay không kịp?

Nỗi phập phồng kéo thêm một tuần, rồi  một tuần nữa… hơn 20 ngày trôi qua, các F0 đây đó dần khỏe mạnh, trở lại nhịp sống bình thường. Kết quả Test lần nhất, lần hai rồi lần ba âm tính. Bà Cố cũng vậy! Tuy nhiên để chứng minh rằng gia đình không còn F0 nũa thì phải báo với Phường làm xét nghiệm PCR lần nữa. Sau 3 ngày chờ đợi, niềm vui vỡ òa: Tất cả âm tính.

Kể chuyện này, cháu gái Quỳnh và cả cháu Đào (cháu dâu) cứ cười nắc nẻ: Bà Cố không sợ Covid nên chắc nó sợ Bà! Mặc kệ Virus, Bà cứ ăn uống, cứ ngủ nghỉ, và lần hạt. Bà không sốt, không khó thở và cũng chẳng phải đụng tới thuốc…hi hi… Chuyện lạ nhưng hoàn toàn có thật!

Cũng ngày hôm nay chị Bích Ngọc, chị gái của Sơ Bích Mai, một người chị em trong Dòng tôi, từ Bệnh viện Dã chiến Thu Dung Số 6 được xuất viện. Đứa con gái của chị là F0 điều trị tại nhà cũng hoàn toàn bình phục và xét nghiệm PCR  âm tính. Gia đình Chị hân hoan xin lễ tạ ơn Chúa. Hai niềm vui chẳng hẹn mà đến chung một ngày.  Ngày 8/9 – Lễ Sinh nhật Đức Mẹ. Tuyệt chưa! Mừng sinh nhật của Mẹ mà con lại nhận quà. Mà có đến hai món quà to bự như vầy thì còn hạnh phúc nào hơn.

Tuy nhiên nói đến chiến thắng, phải nói về hành trình chiến đấu. Ngoài phần thưởng đặc biệt “Covid không triệu chứng” Chúa dành cho Bà cố ở trên, thì cuộc chiến còn lại hầu như trong lao nhọc, nước mắt, sự kiên nhẫn và quyết tâm rất cao của bệnh nhân. Ngoài ý chí và yếu tố tâm lý thì Niềm tin chính là “chiếc phao cứu mạng”.

Trong những ngày chị Ngọc bị mang đi cách ly tại một trường Tiểu học ở Thủ Đức, không Bác sĩ, không thuốc men, không những phương tiện tối thiểu… rồi đến những ngày cấp cứu ở Bệnh viện… là thời gian quả không dễ dàng gì! Cũng thế cháu Dung con gái Chị cũng như các F0 khác tôi gặp, điều trị ở nhà, một mình chống chọi với cơn sốt cao rồi hơi thở cứ hụt dần, hụt dần… cũng là nỗi hoảng sợ ám ảnh. Lúc này cần lắm một kết nối trợ giúp, một người ở sẵn bên cạnh, người neo giữ niềm tin và có thể khơi lên niềm hy vọng, ủi an nâng đỡ. Rất tiếc, Sơ em gái của chị vừa lên đường tham gia chuyến thiện nguyện đợt 3 của giáo phận Xuân Lộc – Đồng Nai. Tôi âm thầm thay vào chỗ trống đó! Mỗi buổi sáng tôi nhắn gởi một thông điệp yêu thương: Khi thì bông hoa xinh, bức ảnh đẹp kèm lời cầu nguyện, hay đôi dòng status để động viên và cũng để dò xem tình trạng sức khỏe chị đến đâu? Chiếc “nhiệt kế điện thoại” ngầm báo cho tôi biết mức độ sức khỏe, khi bên kia còn ríu rít chuyện trò được hay chỉ vài câu ngắt quãng, nội dung tin nhắn ngắn hay dài, tâm trạng đi lên hay đi xuống, hốt hoảng hay bình an?

Có một sự khác biệt lớn giữa những người tin vào Chúa và những người chưa có đức tin. Ngày sống của người thân chị em tôi luôn bắt đầu bằng Thánh lễ, chuỗi Mân Côi, hay ít nhất là một kinh dâng mình cho Đức mẹ. Có lẽ vì thế mà họ bước vào cuộc chiến bệnh tật với tâm thế rất lạc quan.

  • Con vừa lễ online xong, giờ con tập thở.
  • Tạ ơn Chúa, hôm nay con đỡ hơn rồi, con cố ăn để uống thuốc, rồi tập thở.
  • Sao tập mãi vậy? Tôi đùa. “Hãy nói với Chúa, Con biết thở rồi, cho con tốt nghiệp thôi!.”
  • Dạ vâng, nhất định con sẽ nói.

Có hôm đoán được chị mệt, tôi giục chị hay là gọi Bác sĩ, nhưng chị trả lời: “Chúa bảo các Bác sĩ mệt rồi, để họ nghỉ tí, đừng nhõng nhẽo”. Sau đó chị nhắn thêm: Con sẽ cố tập để hít oxy miễn phí Chúa cho, khi nào không thể được nữa, con mới cầu cứu Bác sĩ, Sơ yên tâm”. Cứ thế bóng dáng của niềm tin, của sự tin tưởng, phó thác và sức mạnh của Chúa giúp chị vượt qua bản thân cách ngoạn mục.

Tôi đã lưu lại tất cả các tin nhắn ấy để thỉnh thoảng đọc lại, gẫm nghĩ, để nhắc nhở mình… và nếu được , tôi còn muốn kể nhiều nữa về con gái Chị, và về một vài người khác cũng là những gia đình Kito giáo mà tôi có cơ hội được gặp gỡ trong cơn đại dịch và cùng chung chia niềm vui “trong đau khổ có Chúa đồng hành”.

Cuối cùng, những tin nhắn này lẽ ra tôi chỉ lưu trong điện thoại, và những kỷ niệm đẹp ghi trong ký ức. Nhưng rồi chiều nay, một niềm vui nữa vỡ òa, thúc bách tôi phải cầm bút. Bác sĩ Lệ Hoa – một thành viên trong cộng đoàn chúng tôi từ Bệnh viện Dã chiến An Bình nhắn về: “Ông bà cố của Sr. Anh Thy nhà mình vừa được xuất viện mạnh khỏe”. Ồ… Tôi reo lên! Cách đây 3 tuần, nhận được tin ông bà cố bị nhiễm Covid phải nhập viện, bà cố trong tình trạng nguy kịch. Lúc đó người con của ông bà cố lại đang trong nhóm Tu sĩ thiện nguyện, phục vụ ở tuyến đầu, không về thăm ba mẹ được. Tin trên mạng xin cầu nguyện, nhiều người xót xa, và chúng tôi thì hết sức bối rối lo lắng. Niềm vui xuất viện hôm nay là hồng ân quá lớn cho gia đình ông bà cố, cho Sơ Anh Thy, và cả Hội dòng chúng tôi nữa. “Ôi lạy Chúa! Chúa đã thử thách chúng con, nhưng rồi lại ban nguồn an ủi” (x Tc Is 12,1-6). Hầu như cho đến lúc này, tất cả người thân của chị em chúng tôi đều đã vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh. Vâng, vì thế nên tôi phải viết! Xin phép các Chị để viết, trong tâm tình cảm tạ, và để kể ra muôn việc lạ Chúa làm! Có các câu chuyện vui, cảm động, có những kinh nghiệm chiến đấu cam go, nhưng trên hết vẫn là bằng chứng hùng hồn của  một kinh nghiệm NIỀM TIN CHIẾN THẮNG COVID.

Nữ tu Lucia Xuân Trang

Comments are closed.

phone-icon