Đã một tháng trôi qua và thêm một tháng nữa, hai nữ tu Maria Đỗ Thị Mộng Hiền và Têrêsa Nguyễn Thị Vân của Hội dòng chúng con vẫn âm thầm phục vụ tại bệnh viện dã chiến số 16.
Từ ngày hai chị đi phục vụ, con đã mấy lần nhắn tin hỏi thăm tình hình hai chị thế nào. Có khỏe không? Có nhiều việc lắm không? … Mỗi lần như thế hai chị chỉ có thể trả lời bằng một nút like hay một câu nói ngắn gọn : “Dạ tụi em ổn nha. Cầu nguyện cho tụi em nhé.” Và hiếm lắm con mới có được một cuộc nói chuyện dài 5 – 7 phút như hôm nay.
Tạ ơn Chúa, hai chị vẫn khỏe. Cũng như một ca trực của bác sĩ, các chị làm việc 8 tiếng ban ngày và nếu đến phiên trực đêm thì sẽ là 10 tiếng trọn vẹn. Khoác bộ đồ bảo hộ trên người, các chị bước vào phòng bệnh như những nhân viên y tế. Trong số các bệnh nhân nằm viện có người dễ thương, dễ chiều, nhưng cũng có những người cọc cằn, dễ quát tháo, dễ đòi hỏi. Thật ra cũng không có gì khó hiểu bởi vì hầu hết người bị nhiễm Covid đều phải trải qua quá trình khủng hoảng tâm lý, nhất là khi nằm trong bệnh viện, phải đối chọi với nỗi cô đơn không có người thân bên cạnh, nhiều người rơi vào trầm cảm. Hiểu được tâm lý người bệnh và đồng cảm với những nỗi đau của họ, hai chị Hiền và Vân chọn làm những công việc mà sẽ cho hai chị cơ hội tiếp xúc với bệnh nhân nhiều nhất. Đó là bưng các phần ăn đến từng giường cho bệnh nhân, đút từng muỗng cơm, muỗng cháo, làm vệ sinh và thay tã cho họ… Theo lời các chị kể, có nhiều bệnh nhân bệnh nặng không thể cử động, các chị nhẹ nhàng đút từng muỗng cháo, khuyến khích họ để họ ăn để mau phục hồi. Có người chủ ý nhịn ăn, nhịn uống vì sợ đi vệ sinh, các chị động viên “Đừng ngại con sẽ thay tã cho cô”. Có người khó tính hay hạch sách, quát tháo, các chị đối lại bằng sự ân cần, nhẹ nhàng đáp ứng từng nhu cầu của họ. Một lần rồi qua hai, ba lần tiếp xúc, có nhiều bệnh nhân thay đổi thấy rõ, họ không còn quát tháo thay vào đó là những lời cảm ơn thường xuyên hơn. Trong tâm niệm của các chị, khi được phục vụ ở đây, các chị muốn trở nên người nhà của bệnh nhân. Là người nhà, nên các chị luôn ở bên cạnh để lắng nghe và thấu hiểu. Là người nhà nên các chị sẵn sàng cúi xuống, ân cần phục vụ họ cả đến những vấn đề tế nhị nhất.
Con đã khá xúc động khi nghe người chị em con muốn làm “người nhà” của bệnh nhân, con đã trải qua kinh nghiệm về sự bất lực của bản thân khi không thể giúp gì được cho người thân là ba con khi ba lâm trọng bệnh. Vì vậy, hai người chị em của con hôm nay bất chấp mệt nhọc và thậm chí cả tính mạng để được là “người nhà” của hàng trăm bệnh nhân nhiễm CoVid, thiết nghĩ điều này có giá trị rất lớn lao không chỉ động viên người bệnh mau được chữa lành, nhưng còn làm cho cho người nhà của bệnh nhân được an ủi vì họ biết đã có người chăm sóc người thân của họ thay cho mình.
Xin tạ ơn Chúa cùng với hai người chị em.
Sr. Ber Vu