Bình an của Ðức Kitô – Chúa Nhật 20 Thường Niên – C

0

Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca (Lc 12, 49-53).

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!

“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha: mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ: mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.”

*************

Khi nghe bài Tin Mừng hôm nay, chắc hẳn chúng ta sẽ ngạc nhiên và cảm thấy “sốc” vì hai câu nói của Ðức Giêsu :

1. “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” Lửa thiêu đốt cả mặt đất là lửa nào? Có thể đó là lửa phán xét, thanh luyện thế gian. Sự hiện diện của Ðức Giêsu và giáo huấn của Người vạch trần những sâu thẳm của lòng người. Người tiết lộ những bóng tối và ánh sáng của chúng ta. Lửa này cũng có thể là lửa tình yêu Chúa muốn nung đốt các tâm hồn tin yêu Chúa. Cuối cùng, lửa này là ơn của Chúa Thánh Thần ban cho các Tông đồ, dưới dạng lưỡi lửa, trong ngày lễ Ngũ Tuần.

2. “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.” Làm sao chúng ta có thể hiểu được sự mâu thuẫn của những lời nói này với những tuyên bố khác của Ðức Giêsu hứa ban bình an: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14, 27)?

Trước tiên, chúng ta phải phân định ý nghĩa câu nói của Ðức Giêsu. Câu này không diễn tả mục đích mà là hậu quả. Khi một người nào đó, nhân danh Ðức Giêsu và Tin Mừng, muốn cổ vũ chung quanh mình sự công bình, người đó thường phát động sự bạo lực của những người không muốn sự công bình. Khi một người nào đó, nhân danh Ðức Giêsu và Tin Mừng, đòi hỏi sự bình đẳng cho mọi người, người đó lại gây giận dữ cho những người không muốn buông bỏ những đặc quyền của mình. Ðể mọi người được bình yên, được thanh thản, có nên nín lặng không? Ðó là điều xảy ra trong một số cặp vợ chồng, một số gia đình, một số cộng đoàn Kitô hữu. Họ muốn tránh đề cập những vấn đề nóng bỏng, “nhạy cảm” về tôn giáo, xã hội hoặc chính trị.

Dĩ nhiên, Ðức Giêsu không xuống trần gian để gieo sự chia rẽ giữa mọi người. Việc Người đến trong thế gian là khởi điểm cho việc phân định của con người. Sự hiện diện của Người làm cho mỗi người phải chọn lựa, và sự lựa chọn này có thể gây nên những việc đau lòng. Sự chia rẽ mà Ðức Giêsu nói, chính là sự phân tranh giữa thiện và ác, giữa tốt và xấu. Ngày xưa, khi gặp Hài Nhi Giêsu trong đền thờ Giê-ru-sa-lem, cụ già Si-mê-ôn đã tiên báo: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng.” (Lc 2, 34)

Tin Mừng làm xáo trộn cuộc sống của nhiều người, đảo lộn quá nhiều tập quán và đặt lại vấn đề về những cơ cấu mà mọi người không thể không có phản ứng. Bạn thử giảng sự hòa giải giữa kẻ thù địch với nhau, thử thực hành bất bạo động trong sự khiêm nhu, hiền lành của Tám mối Phúc, thử nói thẳng với các nhà cầm quyền trên thế giới rằng họ chẳng là gì nếu họ từ chối làm “tôi tớ” của nhân dân… Bạn sẽ thấy những gì sẽ xảy ra sau đó!

Nhiều khi vì lo sợ, e ngại, chúng ta buông xuôi, nản chí, lảng tránh và bỏ cuộc, có khi chọn giải pháp trung lập, an phận để không làm phiền đến ai.

Ta có bổn phận phải tuyên xưng và bảo vệ chân lý, mặc dù đôi khi gặp phải những phản ứng mạnh mẽ và hung bạo, ngay cả đối với gia đình và bạn bè của mình. Tất cả các ngôn sứ đều có kinh nghiệm đau thương này: ngôn sứ Giê-rê-mi-a bị thả xuống hầm (bài đọc 1), ngôn sứ Gioan Tẩy Giả bị chém đầu, và cái chết thê thảm của Ðức Giêsu trên thập giá! Các ngôn sứ ngày hôm nay vẫn tiếp tục kêu to trước toàn dân để bảo vệ một số chân lý, mặc dù những chân lý đó làm mình khó chịu hoặc phiền toái!

Chúng ta có can đảm bảo vệ những sự lựa chọn Kitô giáo của mình không? Chúng ta có can đảm bảo vệ đức tin của mình trong một môi trường không thuận lợi hoặc không có cùng một niềm tin hay không? Có một điều chúng ta phải nhớ, đó là chúng ta không cô độc: Ðức Kitô luôn đi trước chúng ta và luôn đồng hành với chúng ta trên con đường khó khăn nhưng chắc chắn sẽ đưa chúng ta đến hạnh phúc.

“Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16, 33)

Comments are closed.

phone-icon