Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Trong Phúc Âm (Ga 14,2), Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở”. Và trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài lại nói : “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào”.
Vậy phải chăng vì Nước Trời ít chỗ, cần phải hạn chế? Có sự tương phản nào đó trong giáo huấn của Chúa chăng? Vấn đề không phải là “bao nhiêu” người được vào “Nhà Cha Thầy” mà là những ai được vào “phải làm gì”. Nước Trời rộng bao la, có thể đón tiếp tất cả mọi người. Nhưng không phải tất cả mọi người vào được, vì vào Nước Trời đòi buộc phải có những điều kiện cần thiết. Cửa hẹp chính là để tuyển lựa những người có phẩm chất thích hợp với Nước Trời. Ai muốn vào Thiên Đàng phải chiến đấu, đi qua cửa hẹp.
Hành hương Đất Thánh, ai cũng muốn đến kính viếng nơi Chúa Cứu Thế hạ sinh. Thánh đường Giáng Sinh nguy nga đồ sộ nhưng cửa chính lại rất thấp và hẹp, chiều cao chừng 01 mét, chiều rộng chừng 80 phân nên chỉ đủ chỗ cho một người “chui” vào. Có lẽ khi xây dựng, tác giả muốn nói đến ý nghĩa tâm linh. Muốn bước vào bên trong Thánh đường nơi Chúa Giáng Sinh, thì dù là ai đi nữa, thuộc màu da, chủng tộc, tôn giáo nào, dù là đấng bậc nào trong xã hội, tất cả đều phải cúi mình xuống thấp mà đi vào. Đó là một cử chỉ khiêm nhường, cúi mình để thờ lạy Thiên Chúa.
Cửa hẹp là cửa khó đi qua. Kinh Thánh dùng hình ảnh cửa hẹp để chỉ những đòi hỏi của Thiên Đàng. Hẹp ở đây không có nghĩa là hẹp hòi hay kém giá trị. Tính từ hẹp chỉ sự thách đố, chông gai, đòi hỏi nỗ lực để kiên vững bước đi. Hẹp chỉ sự khó khăn, vất vả, từ bỏ, cần phải “chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào”, vì “cửa hẹp dẫn đến sự sống đời đời”(Mt 7,14). Cửa vào Thiên Đàng nhỏ hẹp vì Nước Trời luôn là một mầu nhiệm được ẩn giấu mà chỉ có những người cố gắng tìm kiếm mới gặp thấy và biết “thu nhỏ” mình lại mới đi qua được.
“Thời nay gọi là thời mở cửa. Có những khung cửa lành mạnh của chính sách kinh tế thông thoáng làm tiền đề cho đất nước vươn mình cất cánh cùng với các nước trong khu vực Á châu, nhưng cũng không thiếu những khung cửa rộng mở đầy cạm bẫy có nguy cơ đưa đẩy con người dần dà sa chân mà không một lời cảnh báo: cửa của những quán cà phê mộng mơ đợi chờ đèn mờ làm cớ vấp phạm cho kẻ đi ngang; cửa của những đường dây sextour lạ đời phơi phới hàng mới giá hời như lời quảng cáo; cửa của sự cấu kết quyền lực làm lũng đoạn đời sống xã hội và cửa của những quyền lợi bất chính gây thiệt hại đến tài sản chung. Đàng sau những khung cửa tưởng như rộng mở ấy là một sự trống rỗng đạo đức nếu không muốn nói đến những thứ hẹp hòi nghiệt ngã của bất công vun quén cá nhân, coi thường nhân phẩm, ghẻ lạnh với số phận người khác”. (x. Nút vòng xoay, trang 117).
Chúa Giêsu dùng hình ảnh “cửa hẹp” mời gọi mọi người phải không ngừng chiến đấu để bước vào Nước Trời. Cửa hẹp Chúa Giêsu nói tới không phải là cửa hậu, cũng không phải là cánh cửa “chạy chọt” theo kiểu thế gian, nhưng là một con đường chiến đấu liên tục với bản thân và với ngoại cảnh. Cửa rộng là sự dễ dãi tự do buông thả, là lối sống buông chiều theo bản năng và những lôi kéo của cám dỗ, xã hội. Trái lại, cửa hẹp đòi phải hy sinh, tiết chế, làm chủ bản thân. Bước qua cửa hẹp, chúng ta không thể mang những hành lý cồng kềnh, những bận vướng là những gai góc trên mỗi người, những tính hư tật xấu, ích kỷ nhỏ nhen, nhưng phải có một tâm hồn nhẹ nhàng thanh thoát.
“Cửa hẹp” theo tác giả thư Do Thái, đó là sự kiên nhẫn trong thử thách. “Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy?”. Những gian khó mà chúng ta gặp phải trên đường đời, nếu được đón nhận bằng cái nhìn đức tin, sẽ được coi như sự sửa dạy của Chúa để chúng ta nên con người hoàn thiện. Mà nếu Chúa sửa dạy ai, là vì Ngài yêu thương người đó và muốn kéo người đó lên kẻo họ chìm sâu trong bùn lầy.
Thiên Chúa đến với con người qua khung cửa hẹp. Thiên Chúa sai Con Một xuống thế làm người hiến thân chịu chết khổ đau trên thập giá vì loài người và để cứu rỗi muôn người. Thiên Chúa chọn con đường hẹp để mở lối vào khung trời bao la của tình thương. Tình thương cao cả cúi xuống với thân phận thấp hèn của con người. Sau cửa hẹp là tình thương rộng lớn của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã mở đường về Nước Trời. Muốn vào Nước Trời chẳng có con đường nào khác ngoài con đường Chúa Giêsu đã đi. Chẳng có cửa nào khác ngoài khung cửa hẹp mà Chúa Giêsu đã qua. Con người đến với Thiên Chúa cũng phải qua khung cửa hẹp. Ai muốn qua đó cũng phải noi gương Chúa Giêsu hạ mình xuống và bé nhỏ đi. Chỉ những ai hạ mình khiêm tốn và từ bỏ hết cái tôi cồng kềnh ích kỷ mới qua được khung cửa hẹp mà vào Nước Thiên Chúa.
Vấn đề không phải là khung cửa hẹp mà chính là bản thân mình quá cồng kềnh với những thứ danh vọng chức quyền tiền bạc. Chấp nhận thanh tẩy cần thiết, trút bỏ vướng víu để nhẹ nhàng qua khung cửa hẹp mà đến với sự sống đời đời. Sau khung cửa hẹp là tình thương đẹp ngời Thiên Chúa mở ra cho vận mệnh con người.
Cửa Nước Trời không làm bằng vật chất, nhưng là Lề Luật và các phương tiện nên thánh. Nước Trời vừa mang tính hữu hình, vừa mang tính thần thiêng. Sự khó khăn chật hẹp khi đi qua cửa là đời sống kỷ luật.Vào cửa hẹp phải đi qua một mình, từng người một.Bước qua cửa hẹp là giữ và sống lời Đức Giêsu và giáo huấn của Giáo hội một cách nghiêm chỉnh suốt cuộc hành trình trần gian. Cửa hẹp nên để qua phải hy sinh, vất vả. Đứng trước cửa hẹp, ai lại không ngần ngại, ai dám khẳng định con đường cứu độ thật dễ dàng, ai dám tự hào về thành công bản thân? “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”. Lối vào dẫn tới nguồn vui vẻ và hạnh phúc đời đời.
Khung cửa hẹp, con đường hẹp là con đường tu đức Chúa Giêsu dạy cho chúng ta, nhưng đó không phải là mục tiêu. Mục tiêu là ơn cứu độ, là hạnh phúc, là niềm vui, là Thiên Đàng, là tình yêu và sự sống mà Chúa dành cho con người. Mục tiêu ấy chúng ta chưa đạt được cách trọn vẹn ở đời này, nhưng cũng đã đạt được một phần nào ngay trong hành trình của cuộc sống đời thường.
“Phấn đấu sẽ thành quen, tập luyện sẽ thành tác phong, thao dợt sẽ thành cốt cách, và khung cửa hẹp sẽ trở nên khung cửa đẹp lên hy vọng và đẹp khít khao cho hạnh phúc đời đời. Khung cửa hẹp đã nên lối mở gọi mời đi qua. Một đời tin mến đậm đà, mới mong thanh thoả vào nhà trời cao. Xin Chúa chúc lành cho thiện chí của mỗi chúng ta”. (x. Nút vòng xoay, trang 118).
Hãy bước theo Đức Kitô. Hãy trở nên giống Ngài bằng cách chấp nhận những thử thách, những thập giá. Vì đó là khung cửa hẹp, chúng ta cần phải bước qua để tiến vào cõi sống vĩnh cửu, đón nhận vinh quang phục sinh. Một cuộc “chiến đấu” để cuối cùng có thể nói được như thánh Phaolô: “Tôi đã chiến đấu trong cuộc sống chính nghĩa; đã chạy đến cùng đường; kiên vững trong lòng tin. Giờ đây, triều thiên công chính được dành sẵn cho tôi, và Thiên Chúa, Đấng phán xét chí công, sẽ hoàn lại cho tôi trong ngày ấy, không chỉ cho tôi mà thôi, nhưng còn cho hết mọi người đã đầy lòng mến yêu trông đợi Ngài xuất hiện” (2 Tm 4,6-8).
Thiên đàng có cửa, để vào được cửa Thiên đàng phải phấn đấu với rất nhiều cố gắng và quyết tâm nỗ lực… Cửa hẹp mà vào được thì mới quý, mới hãnh diện. “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào” là lời mời gọi mang tính hiện sinh thúc giục người tín hữu bước theo Đức Kitô trên con đường tin tưởng và kiên vững. Ai chấp nhận đi qua cửa hẹp sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính, như Thánh Phaolô khẳng định.