Thinh lặng bên Chúa

0

Lm. Phanxicô Salêsiô Lê Văn La Vinh, OP

Cuộc biến hình

Trong sự kiện biến hình, chúng ta xúc động vì những gì Phêrô không nói. Đây là một trong ít lần mà Tin Mừng cho chúng ta biết là Phêrô không biết phải nói gì. Ông chỉ nói: “Thưa Thầy, ở đây với Thầy thì thích quá” (Mc 9,2-8). Có vẻ như lúc này, một Phêrô hiếu động, nóng nảy, nhanh nhảu… chỉ muốn được ở yên lặng trong sự hiện diện của Thầy để vui thích với con người của Đức Giêsu mà vẫn thinh lặng.

Đức Hồng y John O’Connor, TGM New York, có lần khi được hỏi: “Thưa đức Hồng Y, có điều gì trong đời ngài mà ngài thực sự hối tiếc không?” Không chút do dự, ngài trả lời: “Tôi đã nói nhiều quá, lẽ ra tôi nên thinh lặng nhiều hơn”.

Nơi câu chuyện Biến hình với Phêrô. Ngài khiếp vía đến nỗi không biết phải nói gì. Phêrô dạy cho chúng ta một bài học cốt yếu về đời sống thiêng liêng: một cách mạnh mẽ và hiệu quả để tăng cường sự hiệp nhất với Chúa là cứ hiện diện với Người trong thinh lặng. Chúng ta đang nói về sức mạnh của sự hiện diện, sức mạnh của sự thinh lặng.

Chỉ cần hiện diện

Trong Tông Huấn Pastores Dabo Vobis (Đào Tạo Linh Mục Trong Hoàn Cảnh Ngày Nay) Của ĐGH Gioan Phaolô II – ngày 25-03-1992. Có nói rằng cám dỗ lớn nhất của cuộc sống hiện đại là tập trung và hai chữ CÓ và LÀM thay vì LÀ. Chúng ta là những con người hiện hữu, chứ không phải chỉ là những con người làm việc. Chúng ta LÀ quan trọng hơn là CÓ và hơn cả LÀM.

Trong nghi lễ truyền chức hay khấn dòng, khi được gọi tên, ứng sinh tiến về phía trước và chỉ trả lời “Có mặt”.

Đó là tất cả. Người ấy không nói “Tôi đã sẵn sàng. Tôi đã chuẩn bị. Tôi xứng đáng. Tôi nhiệt thành và mong muốn…” Ứng sinh chỉ nói Có mặt

Có mặt! Đó là tất cả những gì chúng ta có thể làm. Không cần nói gì nhiều. Không cần làm gì nhiều. Chắc chắn chẳng ai trong số những người ấy có thể tự cho mình là đáng được truyền chức, đáng được tuyên khấn trong nhà Dòng. Tất cả những gì mà người ấy có thể làm chỉ là dâng cho Chúa sự hiện diện. Người ấy chỉ có thể hiện diện với Chúa. Đây là sức mạnh: sức mạnh của sự hiện diện, sức mạnh của thinh lặng

Chính Chúa Kitô đã đến thế gian trong thinh lặng, thinh lặng trong đêm Giáng sinh. Chúa Kitô cứu chuộc thế giới trong thinh lặng, thinh lặng của con chiên câm nín trước người xén lông. Và giờ đây, Ngài ưa thích đến với tâm hồn chúng ta trong thinh lặng.

Nền văn hóa của chúng ta, thế giới hôm nay, xã hội hôm nay ưa chuộng CÓ – LÀM  và sự huyên náo, sự ồn ào. Chúng ta hầu như ưa chuộng tất cả mọi thứ, ngoại trừ sự hiện diện, sự thinh lặng.

Thưa Thầy ở đây thật thích quá”… cảm ơn Phêrô đã cho chúng ta cảm nghiệm này.

Mọi ngày đều là thời gian ở với Chúa Giêsu. Chúng ta thường nghĩ rằng, đề tăng trưởng đời sống thiêng liêng thì cần phải làm nhiều điều cho Chúa. Điều đó thật cần thiết và có giá trị. Thế nhưng, hãy noi gương Phêrô để chúng ta chỉ tập trung vào Chúa Giêsu, chỉ cần hiện diện. Vậy, làm sao để chúng ta có thể tập trung vào việc chỉ cần ở với Chúa? Chúng ta có vài phương cách này:

Cách thứ nht: CẦU NGUYỆN

Cầu nguyện là cách mà chúng ta có thể, cùng với Phêrô thưa: “Thưa Thầy, ở đây với Thầy thích quá”. Chúng ta thường ghĩ cầu nguyện là nói gì đó với Chúa. Dĩ nhiên, đó là một khía cạnh của sự cầu nguyện. Chúng ta tâm sự, trình bày, ca khen, cảm tạ, thú tội và xin ơn với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện của mình. Điều này thật đúng, cầu nguyện là thưa chuyện với Chúa Giêsu, là nói cái gì đó với Ngài. Nhưng đừng quên rằng, cầu nguyện còn là thời gian hiện diện với Thiên Chúa, ở với Chúa Giêsu.

Hỏi rằng có gì lợi khẩu hơn thinh lặng, hơn là sự hiện diện của mình trước người khác? Chúng ta cũng đã có kinh nghiệm này trong cuộc sống của chúng ta khi đón nhận được sự hiện diên của ai đó với mình. Và điều này càng rõ nét hơn nữa trong những trường hợp đau yếu, nằm liệt của những bệnh nhân và những người nhà. Người bệnh yếu liệt không nói gì, và người nuôi bệnh – nhiều lúc – cũng không nói gì trong trường hợp đó… nhưng cả hai đều cảm thấy yên tâm, yên lòng vì sự hiện diện của người đối diện trong hoàn cảnh này. Và người ta vẫn nghiệm thấy rằng khi chỉ cần ở bên ai đó, thì sức mạnh của sự hiện diện, sức mạnh của sự im lặng đôi khi lại nói nhiều hơn đến nỗi bạn chẳng cần lời nói nào.

Hãy nghĩ đến những lời trong Tin Mừng mà Đức Giêsu đã nói khi Người mời gọi các môn đệ đến với Người. Người không dùng những lời nói biểu thị hành động. Người không nói “Hãy làm việc với Thầy”; “Hãy hành động với Thầy”;  và cũng không nói “Hãy tổ chức việc này với Thầy…” hoàn toàn không.

Chúa Giêsu chỉ nói là “Hãy ở với Thầy”; “Hãy ở lại với Thầy”; Hãy hiện diện với Thầy”; “Hãy thức với Thầy”; “Hãy tỉnh thức với Thầy”…

Và đây là những cách thế mà chúng ta có thể ở Với Chúa Giêsu, hiện diện với Ngài.

– Cầu nguyện trước sự hiện diện của Chúa

Trước hết là việc cầu nguyện trước Thánh Thể. Các câu chuyện về thánh linh mục Gioan Vianney. Ngài thường cầu nguyện mỗi ngày và ngài dành nhiều thời gian cho việc  cầu nguyện. Con chiên bổn đạo thường quy tụ quanh ngài và không ít người tò mò vì thấy ngài vẫn thường cầu nguyện lâu giờ trong nhà thờ.

Cuối cùng có một người trong giáo dân lấy can đảm hỏi ngài, “Thưa cha, những lúc cầu nguyện như vậy, cha nói gì với Chúa Giêsu?”. Ngài trả lời, “tôi chẳng nói gì cả, tôi nhìn Chúa, Chúa nhìn lại tôi, thế thôi”.

Ở với Chúa Giêsu, “Thưa Thầy, ở đây thích quá

Đức cha Timothy M. Dolan kể rằng, khi ngài mới chịu chứ linh mục, có một giờ chầu Thánh thể vào tối Thứ Năm Tuần Thánh trong giáo xứ. Giáo dân được mời gọi đăng ký dự chầu từ 9 – 12g đêm, và ngài phụ trách hướng dẫn giờ chầu đó.

Là một linh mục non trẻ, ngài cứ băn khoăn, “ta nên đọc đoạn sách nào? Có nên hát thánh vịnh không?, Hay là đọc 50 Kinh Mùa Thương? Hay là cho suy niệm Đàng Thánh giá? … Ta nên làm gì?” và rồi ngài hỏi một nữ tu lớn tuổi, Soeur ơi, nên làm gì trong giờ chầu Thánh Thể? Ngài hỏi, Bạn có biết người nữ tu già nói gì không? “Thưa cha, chỉ cần thinh lặng, chỉ cần hiện diện với Chúa. Người nữ tu đã hiểu được lời nói của Phêrô “Thưa Thầy, ở đây với Thầy thích lắm”.

Như vậy, có một cách thực tế để hiện diện với Chúa Giêsu, đó là cầu nguyện thinh lặng trước Chúa hiện diện thực sự trong Thánh Thể.

– Cầu nguyện với Tin Mừng

Cách thứ hai để hiện diện bên Chúa là kính cẩn đọc Tin Mừng, truyền thống cổ điển gọi đây là lectio divina, đọc sách thiêng liêng, tức là chiêm ngắm Tin Mừng một cách kính cẩn, thong thả suy niệm để học biết về  Chúa Giêsu.

Chúng ta có thể thuộc lòng Tin Mừng, chúng ta đã nghe Tin Mừng từ tấm bé… nhưng Tin Mừng luôn mới mẻ; luôn tươi mới và luôn táo bạo. Tin Mừng luôn mở ra những hiểu biết mới nếu chúng ta lắng nghe với đôi tai đức tin. Và đức tin nói cho chúng ta biết rằng Đức Giêsu vẫn đang ở đây – lúc này, để nói cho chúng ta, để dạy dỗ chúng ta, để chữa lành chúng ta và để thúc đẩy chúng ta trong lời Tin Mừng. Như vậy, một cách rất thực tế để hiện diện với Chúa Giêsu là cầm lấy sách Tin Mừng mà đọc, chậm rãi và kính cẩn và hiện diện với Chúa Giêsu như chính Người đang ở trong Tin Mừng.

Việc đọc Kinh Thánh cách thinh lặng và cần mẫn là phương thế tốt nhất. Trong thinh lặng mà chúng ta được đặt đối diện với Lời của Chúa, Người ở gần chúng ta, Người không rời bỏ chúng ta. Chúng ta nhận biết Người và Người nhận biết chúng ta. Việc đọc Kinh Thánh giúp chúng ta tập trung cầu  nguyện, chúng ta đừng quên mối liên hệ sống động giữa cầu nguyện và Lời Chúa[1].

– Chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Giêsu

Để hiện diện được với Chúa Giêsu trong cầu nguyện, chúng ta có thể dùng cách thứ ba, đó là chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Giêsu. Lối thực hành này cổ xưa, có từ thời các Giáo phụ và ngày nay nhiều nơi nhiều người vẫn áp dụng.

Trong thông điệp Ngàn năm thứ ba nhân dịp kết thúc năm thánh 2000, ĐGH Gioan Phaolô II đã nói về vấn đề này một cách rất cảm động và thi vị: “Trong cuộc biến hình, dung nhan Chúa chói lọi trước mặt Phêrô. Dung nhan Người vẫn chói sáng trước mặt chúng ta khi chúng ta chiêm ngắm Người”.

Đức Hồng y Joseph Ratzinger trong một tham luận tại một Thượng Hội đồng GM tại Roma khi nói với các Giám mục rằng ngài cảm thấy mối đe dọa lớn lao mà Hội thánh ngày nay phải đương đầu là sự giảm sút thực tại về Chúa Kitô. Ngài cho rằng chúng ta đang gạt bỏ thực tại tính lịch sử của Đức Giêsu. Trong cuốn sách Đức Giêsu Nazaret, Đức Hồng y nêu lên câu trả lời cho câu hỏi “Đức Giê su đến để làm gì?”; “Để cho Thiên Chúa một khuôn mặt”.

Đức Giêsu trở nên rất thực đối với chúng ta khi chúng ta chiêm ngắm khuôn mặt Người. Thiên Chúa chúng ta có một khuôn mặt! Thiên Chúa chúng ta là một ngôi vị. Và khi chiêm ngắm khuôn mặt của Ngôi thứ Hai trong Ba Ngôi chí thánh – trong khi cầu nguyện – đó là cách thức tuyệt diệu để hiện diện với Người.”

Chúng ta mường tượng Người nhìn chúng ta chăm chú. Đôi khi điều đó làm chúng ta sợ, vì chúng ta biết rằng Người biết và hiểu rõ chúng ta hơn chúng ta biết chính mình. Nhưng chúng ta phải biết rằng, Người luôn nhìn chúng ta với tình yêu, với lòng yêu thương, với sự thương xót và lòng nhân từ. Như Phêrô, chúng ta muốn nói “Thưa Thầy, ở đây với Thầy, thích quá”. Chúng ta có thể hiện diện với Đức Giêsu qua kinh nguyện, nhất là kinh nguyện trước Thánh Thể, với việc kính cẩn đọc Tin Mừng, để cho Tin Mừng nói với chúng ta, chúng ta chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa.

Nói về việc cầu nguyện, tác phẩm “Sức mạnh của sự thinh lặng” có viết: “Cầu nguyện hệ tại ở việc hình dung trong thinh lặng về đời sống hàng ngày của Chúa Giêsu, không phải nhờ lại một biến cố lịch sử, nhưng là tìm cách để cho Con Thiên Chúa đi vào tâm hồn chúng ta một cách âm thầm.

Như vậy, việc quan trọng là ở lại trong sự hiện diện của Thiên Chúa, để Người thấy chúng ta sẵn sàng, và đưa chúng ta vào thinh lặng nội tâm, sự thinh lặng này cho phép Người nhập thể vào tâm hồn chúng ta, nơi Người, chúng ta được biến đổi. Cầu  nguyện chính là đạt được sự im lặng, nghe được tiếng Chúa và biết lắng nghe tiếng thì thầm của Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trị trong tâm hồn chúng ta và âm thầm nói với chúng ta[2]                        

Cách thứ hai: THINH LẶNG

Cách thực hành thứ hai để có thể hiện diện với Đức Giêsu là thinh lặng. Một trong những dòng chữ đáng chú ý trong Tin Mừng nơi trình thuật biến hình là bạn chẳng bao giờ nghe nói đến Phêrô ở chỗ nào khác trong các Tin Mừng: Phêrô không hiểu mình nói gì.

Đôi khi không biết mình nói gì với Chúa lại là một hồng ân, vì thinh lặng là một điều đẹp ý Chúa. Thiên Chúa ưa thích sự thinh lặng. Thinh lặng là điều cần thiết để chúng ta hiện diện với Chúa. Bạn có nhận ra rằng thế giới hôm nay nhiều chuyện, nhiều vật đe dọa sự thinh lặng từ sáng sớm đến đêm khuya… hầu như nhiều chuyện tất bật và ồn ào… thế nhưng, thinh lặng là một trong những điều kiện tốt để chúng ta hiện diện với Đức Giêsu.

Trong Giờ kinh Phụng vụ mỗi sáng, Hội Thánh ca bài BenedictusThiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho vầng đông từ chốn cao vời viếng thăm ta.” Hành động của Thiên Chúa trong đời ta thật dịu dàng, nhân hậu, tinh tế như sự lặng lẽ của ánh vừng hồng tỏa sáng tự nhiên. Bình minh là lúc tĩnh lặng nhất trong ngày, và chính sự tĩnh lặng này đã sinh ra một ngày mới. Chính trong sự tĩnh lặng như thế mà Chúa đến và hiện diện với chúng ta.

Chúa Kitô đến trần gian trong thinh lặng và Ngài cũng đến trong tâm hồn mỗi người chúng ta trong thinh lặng.

Về vần đề này, trong tác phẩm của mình, Đức Hồng y Sarah có viết: “Làm thế nào để đạt được thinh lặng nội tâm? Câu trả lời duy nhất là trong khổ hạnh, trong bỏ mình và trong khiêm nhường. Nếu con người không tự hủy, cứ ở lại trong con người cũ của mình, thì họ ở ngoài Thiên Chúa”.

Và ngài còn nhấn mạnh hơn: “Nếu không có lòng khao khát tự hủy mãnh liệt nếu không trở nên nhỏ bé trước tôn nhan Chúa, thì không thể có những cuộc trò chuyện với Người”

“HÃY IM ĐI!”

Còn ai nói lời đó mạnh mẽ hơn Thiên Chúa

Trong chuyến hành hương về Balan năm, ĐGH Bênêdictô XVI, khi thăm trại tập trung Auschwitz, chỉ phát biểu, “Người ta có thể nói gì ở đây? Chúng ta chiêm ngắm sự thinh lặng của Thiên Chúa”, thực là sâu xa khi nghe ĐGH nói, “Thiên Chúa ở đâu trong tất cả những chuyện này?” Đó là sự thinh lặng của Thiên Chúa.

Một sử gia lỗi lạc, khi dạy về lịch sử của Hội thánh cũng có lần nói, “Các bạn biết đấy, Hội thánh có lẽ sẽ tốt hơn nếu thường xuyên im lặng. Thời của tôi, Hội thánh cảm thấy bắt buộc phải nói về mọi vấn đề, có câu trả lời cho mọi sự, luôn luôn đưa ra lập trường. Tôi không biết khi tôi về già, Hội thánh có khá hơn khi thỉnh thoảng biết im lặng hay không?”.

Tạ ơn Chúa, Hội thánh có những câu trả lời hơn bất cứ ai khác nhờ mặc khải của Thiên Chúa, nhờ huấn quyền và hơn 2000 năm truyền thống. Hội thánh có nhiều hơn bất cứ ai khác, nhưng Hội thánh không có MỌI câu trả lời. Và đôi khi, câu trả lời tốt nhất là thinh lặng. thinh lặng một cách kính cẩn, thinh lặng một cách chăm chú.

KIÊNG ỒN ÀO

Tại đại chủng viện Gioan Vianey tổng Giáo phận St Paul và Mineapolis, mỗi tuần có một đêm kiêng ồn ào. Rất hiệu quả xét về quan điểm sư phạm, trong nền văn hóa xúc giác mà chúng ta đang sống.

Các chủng sinh làm gì? Họ đem tất cả điện thoại, máy tính bàn, máy tính bản vào nhà nguyện. Họ đem vào đó để thực hành giờ khắc thinh lặng, kiêng ồn ào từ sau cơm tối cho đến sáng hôm sau.

Cha giám đốc cho biết “Đây là một cử chỉ mang tính ngôn sứ , trong một xã hội mà sự ô nhiễm bởi tiếng ồn ào ảnh hưởng mạnh đến những người trẻ của chúng ta. Họ thực hành kiêng ồn ào”. Rồi ngài cho biết, trong mấy tháng đầu tiên, các chùng sinh năm đầu, cảm thấy rất khó và cần đến thuốc hỗ trợ giúp tập trung vì họ không quen thinh lặng. Nhưng đây là qua khí cụ thiêng liêng hữu ích đối với họ giúp cho họ kiêng sự ồn ào.

Đức TGM Timothy M. Dolan chia sẻ: Tôi cố gắng hết sức để hàng ngày cầu nguyện một cách nghiêm chỉnh, và thời điểm tôi thích nhất là 4-5g sáng. Tôi đọc kinh sách, kinh sáng rồi cố gắng giữ thinh lặng, dành tâm trí cho những tư tưởng và lời cầu nguyện trong buổi sáng yên tĩnh, kế đến là dâng thánh lễ ban mai. Trước khi đi ngủ đêm, tôi trở lại nhà nguyện để có ít giây phút thinh lặng ban đêm. Tôi làm như thế như thời khóa biểu cho chính mình, và tôi khám phá ra rằng, giây phút tĩnh mịch buổi sáng đối với tôi là thời khắc đẹp nhất trong này. Tôi thấy mình ngày càng thích thú với sự hiện diện của Chúa Giêsu, bầu bạn với Người, thinh lặng, hiện diện trước mặt Người. tôi thấy mình như đang ở trên núi cùng với thánh Phêrô, chỉ nói “Thầy ơi, ở đây với Thầy, thích quá”, vì cũng như Phêrô, tôi không biết mình phải nói gì.

 Hãy nghĩ đến những nhân vật trong Thánh kinh như Đức Trinh nữ Maria. Không có nhiều trình thuật nói về những gì Đức Mẹ nói. Đức Mẹ không nói gì nhiều. Và những lời cuối cùng của Mẹ được ghi lại trong Thánh kinh là “Hãy làm những gì Người bảo anh em làm” khi nói về Chúa Giêsu, Con Mẹ.

Thánh Giuse cũng vậy, Ngài không nói một lời nào, Ngài thực là một con người của thinh lặng, ấy thế mà ơn Cứu chuộc của Thiên Chúa sẽ không diễn ra trong cách thức như chúng ta biết nếu không có sự thinh lặng của thánh Giuse.

Thiên Chúa ưa chuộng sự thinh lặng và ngài đã thực hiện điều này trong 30 năm ẩn dật của Đức Giêsu.

Hơn nữa, trong các phép lạ trừ quỷ, Chúa Giêsu thường quát bảo với quỷ là “Im đi!, Câm đi!. Tại sao vậy, vì Chúa biết rằng ma quỷ sợ sự thinh lặng. Satan thích ồn ào và hỗn loạn, vì nó biết trong chính sự thinh lặng và yên ổn mà Thiên Chúa đến với chúng ta.

Thầy ơi, ở đây thật thích quá”. Thật thích khi ở với Đức Giêsu. Ở với Người trong kinh nguyện, nhất là trước thánh Thể… khi đọc Tin Mừng, khi chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa Kitô. Ở với Đức Giêsu trong thinh lặng, không cần biết phải nói gì. Ở đây Phêrô là tấm gương tốt cho mỗi người chúng ta.

AMEN

________________________

[1] ĐHY Robert Sarah, Sức mạnh của sự thinh lặng, NXB Đồng Nai 2019, Trg 82

[2] Ibd trg 88

Comments are closed.

phone-icon