Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
TIN MỪNG (Mt 3, 1-12)
1 Hồi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng:2 “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”3 Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.
4 Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn.5 Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông.6 Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan.
7 Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?8 Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối.9 Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham.” Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham.10 Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.11 Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa.12 Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
* * *
Hôm nay, chúng ta đã bước qua Chúa Nhật II Mùa Vọng! Thời gian của Mùa Vọng này và của Mùa Vọng cuộc đời chúng ta đang qua đi và qua đi rất nhanh. Vậy, chúng hãy xin cho Lời Chúa đánh động và biến đổi lòng chúng ta, để chúng ta luôn sẵng sáng đón Chúa, vì Người chắn chắn sẽ đến và đang đến với chúng ta mỗi ngày.
Và nhất là xin cho chúng ta ước ao thực hiện điều mà ngôn sứ Isaia báo trước về sứ điệp của thánh Gioan Tẩy Giả:
Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa,
sửa lối cho thẳng để Người đi. (c. 3)
Con đường và lối đi của Chúa, chính là cách sống của chúng ta, là cuộc đời của chúng ta.
1. Thánh Gioan Tẩy Giả
Như chúng ta đều biết, trong Mùa Vọng, có tất cả bốn Chúa Nhật ; và trong bốn Chúa Nhật này, có hai Chúa Nhật, tức là Chúa Nhật II hôm nay và Chúa Nhật III tuần tới, Giáo Hội mời gọi chúng ta lắng nghe sứ điệp, chiêm ngắm chân dung và cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả.
Hình ảnh của thánh Gioan xuất hiện trong Tin Mừng của hai Chúa Nhật Mùa Vọng liên tiếp, đủ để nói cho chúng ta biết rằng sứ điệp và cuộc đời của thánh Gioan có tầm quan trọng đặc biệt cho cách chúng ta đón nhận Đức Ki-tô, sống gắn bó với Đức Ki-tô và loan báo Đức Ki-tô. Ngoài ra, tầm quan trọng của thánh Gioan còn được nhấn mạnh bởi sự kiện, chính ngài, vốn là một ngôn sứ cũng được loan báo bởi một ngôn sứ khác đi trước, đó là ngôn sứ Isaia; như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng: “ông chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới” (c. 3).
Có thế nói, cùng với Đức Ki-tô, thánh Gioan cũng được Kinh Thánh loan báo. Chính vì thế mà, sự sinh ra, sự sống và sự chết của thánh Gioan đều loan báo Đức Ki-tô, đều trở nên một với Đức Ki-tô. Chúng ta, với tư cách là Ki-tô hữu nhờ phép Thanh Tẩy, trong ơn gọi gia đình hay tu trì, cũng được mời gọi trở nên một Gioan khác, nghĩa là sự sinh ra, sự sống và sự chết của chúng ta cũng phải loan báo Đức Ki-tô và trở nên một với Đức Ki-tô. Nhưng thực ra, Đức Ki-tô đã trở nên một với chúng ta trước rồi, qua sự sinh ra, sự sống và sự chết của Ngài; và mỗi ngày, Ngài tiếp tục trở nên một với chúng ta ngang qua Lời của Ngài, ngang qua Mình và Máu Thánh của Ngài. Chúng ta chỉ cần đáp lại thôi, là ở lại và trở nên một với Đức Ki-tô.
Như thế, trước khi lắng nghe sứ điệp của thánh Gioan, thì chính cuộc đời của ngài đã là một sứ điệp mạnh mẽ và cuốn hút chúng ta rồi.
2. Hoang địa
Chúng ta hãy trở lại với bài Tin Mừng để lắng nghe lời rao giảng của thánh Gioan. Trước hết, đó là một lời rao giảng được công bố trong hoang địa: ngôn sứ Isaia báo trước sẽ có tiếng người hô trong hoang địa; và thực sự đã xẩy ra như vậy, vì Tin Mừng kể lại: “Hồi ấy, ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê”. Chúng ta có lẽ đã quá quen thuộc với chi tiết này, nên không còn thấy ngạc nhiên; nhưng đó thực sự là một điều đáng cho chúng ta ngạc nhiên: Tại sao lại rao giảng trong hoang địa, là nơi không có người hoặc có rất ít, chứ không rao giảng ở trong làng mạc, thành phố hay đền thờ, như Đức Giê-su sau này sẽ làm?
Đúng là trong hoang địa thì không có ai, hay có rất ít, nhưng thánh Gioan cứ rao giảng ở đó; và vì hoang địa thì vắng vẻ, nên ngài phải hô to lên, giống như lời loan báo của ngôn sứ Isaia: “có tiếng người hô trong hoang địa”. Đó là vì, trong bối cảnh lịch sử cứu độ và nhất là khởi đi từ kinh nghiệm Xuất Hành và hành trình tiến về Đất Hứa của Israel:
– Hoang địa là nơi Thiên Chúa dẫn con người vào để gặp gỡ Ngài, là nơi con người phải bỏ lại tất cả phương tiện, công việc, những lo lắng, những ràng buộc, những ngẫu tượng hay thần tượng như tiền bạc, danh vọng, lạc thú, để được tự do và bình tâm.
– Hoang địa là nơi không nhiều lương thực hay nước uống, để con người chỉ sống bằng của ăn, của uống, như là ơn Chúa ban từng ngày, giống như em bé được mẹ nuôi nấng từng ngày.
– Và hoang địa là nơi không có đường đi, để chỉ nhận Lời Chúa là “ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho con đi”, như lời Tv 119 diễn tả.
Vì thế, để nghe được lời thánh Gioan rao giảng người ta phải bỏ lại đàng sau tất cả, để vào hoang địa, như bài Tin Mừng thuật lại: “Người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông”. Nhưng điều quan trọng là phải tạo ra một hoang địa ngay trong nội tâm của mình, ngay trong con tim của mình, thì mới lắng nghe, hiểu và sống thực sự.
Và chúng ta phải bỏ lại tất cả, cho dù chỉ là một thời gian ngắn, nhưng rất cần thiết và quan trọng, mỗi khi đến Nhà Thờ hay một tu viện để nghe giảng hay tĩnh tâm. Còn nếu cứ ở nhà, thì sẽ khó nghe, hay không thể nghe Lời Chúa. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ, tâm trí chúng ta cũng phải tạm rời bỏ tất cả, để tạo ra hoang địa ngay trong lòng của chúng ta.
3. “Anh em hãy sám hối !”
Trong bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu của Thánh lễ hôm nay, sứ điệp của thánh Gio-an là mời gọi mọi người sám hối:
Anh em hãy sám hối,
vì Nước Trời đã đến gần. (c. 2)
Trước hết, với những nhân vật đặc biệt như những người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc, mà thánh Gio-an gọi là “Nòi rắn độc”, ngài cũng nhắc lại cùng một lời mời gọi:
Nòi rắn độc kia,
ai đã chỉ cho các anh
cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa
sắp giáng xuống vậy?
Các anh hãy sinh hoa kết quả
để chứng tỏ lòng sám hối. (c. 7-8)
Về những lời nói mạnh mẽ, vừa khiển trách và vừa đe dọa đối với những nhóm người này, thì “ai có tật thì sẽ giật mình”, khi cảm thấy mình giống như “rắn độc”, chuyên đi hại người, gieo rắc nghi ngờ, gây chia rẽ, dụ dỗ người ta và làm cho người ta xa Chúa, như con rắn trong Vườn Địa Đàng.
Nhưng thế nào là sám hối? Có lẽ hình ảnh “dọn đường, sửa lối” sẽ giúp chúng ta hiểu và sống tâm tình sám hối một cách sâu sa, tận căn và bền vững, chứ không chỉ dừng lại ở một vài nghi thức, cử chỉ hay hành động bên ngoài mà thôi, rồi sau đó, đâu lại vào đó như cũ. Sám hối mà thánh Gioan mời gọi, thì liên quan đến cách sống của chúng ta, liên quan đến cuộc đời của chúng ta; nhưng ngôn sứ Isaia lại so sánh cách sống của chúng ta, so sánh cuộc đời của chúng ta với con đường mà Chúa sẽ đi : “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”.
Như thế, cách sống và cả cuộc đời của chúng ta chính là lối đi, là đường đi của Chúa. Thực vậy, ngang qua Lời của Ngài, Mình và Máu Thánh của Ngài, Ngài muốn đi ngang qua thân xác chúng ta, ngang qua tâm hồn và con tim chúng ta, ngang cách sống và cả cuộc đời của chúng ta.
Nhưng Lời báo trước của thánh Gio-an có thể làm chúng ta lo sợ:
– Rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.
– Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.
Nhưng khi Đức Ki-tô đến, Ngài đã không thực hiện điều thánh Gioan loan báo (giống như trường hợp ngôn sứ Giona), nhưng Ngài đã sống và ứng xử khác hẳn, nhất là đối với những người tội lỗi. Ngài khác đến độ, thánh Gioan không chắc đó có phải là Đức Ki-tô mà mình loan báo hay không, như bài Tin Mừng của Chúa Nhật tuần tới tường thuật lại cho chúng ta.
Bởi vì, đúng như thánh Gioan loan báo, Đức Ki-tô đến để ban phép rửa bằng Thánh Thần, nhưng không phải là Thánh Thần thiêu hủy, lên án và giết chết, nhưng là Thánh Thần bao dung, thương xót, tha thứ, phục hồi, tái tạo, để làm tái sinh loài người chúng ta, mỗi người chúng ta cho sự sống mới (x. Ga 3, 8). Thánh Thần là lửa, nhưng không phải là lửa hủy diệt, nhưng là lửa yêu mến, làm con tim chúng ta bừng cháy nhưng không thiêu hủy, như hình ảnh bụi gai bừng cháy, mà ông Mô-sê chứng kiến.
* * *
Hình ảnh Đức Ki-tô chịu đóng đinh trao ban thần khí nói cho chúng ta điều này (Ga 19, 30). Bởi vì Thánh Thần là Thánh Thần ban sự sống, và Đức Giê-su đến là để làm cho chúng ta được sống và sống dồi dào ngay hôm nay (x. Ga 10, 10).