“Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì” (Mt 16,26)
Lời đã được gieo, đã được đón nhận, và đã đem lại mùa gặt bội thu.
Nay, Lời lại vang xa, và mãi gọi mời…
Sr. Mary Phạm (Binhsanhdevo,op)
1. Phanxicô – đất tốt chờ Lời
Phanxicô Xavie sinh ngày 7.4.1506 tại lãnh địa Xavie, miền Navarre, nước Tây Ban Nha, là con út trong gia đình có năm người con, một gia đình danh giá và giàu có. Năm 19 tuổi, Phanxicô rời quê hương, theo học tại đại học Paris. Sau khi tốt nghiệp văn chương và triết lý, Phanxicô được chọn làm giáo sư triết tại đại học Paris. Giáo sư trẻ Phanxicô sớm nổi tiếng và được ca tụng trong giới sinh viên đại học thời bấy giờ. Hãnh diện về gia thế, về trí thông minh xuất chúng và về những thành tích đạt được, Phanxicô Xavie hy vọng tiến xa hơn trên con đường công danh và sự nghiệp.
Đường danh vọng rộng mở, báo trước một tương lai tươi sáng mà thế gian đang chào mời người trai trẻ đầy sức sống ấy. Nhưng Thiên Chúa lại hướng một tương lai khác, tạo một ngã rẽ khác cho Phanxicô, qua người bạn Ignatiô Loyola đang cùng dạy học, với trích dẫn Lời Chúa đầy vẻ thách thức: “được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? (Mt 16,26). Thành công là thế, nhưng Phanxicô không để chúng cản trở khao khát hướng thiện của mình, Ngài vẫn ra công học hỏi và hết lòng tìm kiếm Chân lý. Vì thế, khi Chân lý gọi mời, Lời đã cất tiếng, tâm hồn quảng đại của Phanxicô được thức tỉnh, Ngài đã nghe bạn thách thức mà không giận, đã đón nhận và không để Lời rơi mất, đã thành tâm để Lời Chúa chất vấn và chinh phục thành công. Hạt giống được gieo vãi, gặp đất tốt, đã nảy mầm và phát triển xanh tươi, báo hiệu một mùa lúa dồi dào, một mùa gặt bội thu. Chúa khơi dậy, nhưng nếu Phanxicô không cộng tác thì làm sao có được Phanxicô của ngày hôm nay, một Phanxicô tông đồ truyền giáo, và một Phanxicô bổn mạng các xứ truyền giáo. Đúng như lời của Thánh Augustino: “Chúa dựng nên con không cần có con, nhưng Ngài không thể cứu con nếu con không cộng tác”.
Chấp nhận bỏ lại tất cả để bước vào cuộc phiêu lưu mới, cuộc chạy đua tìm kiếm cái lợi cho linh hồn, cuộc đời Phanxicô đã sang trang mới, sẵn sàng mở ra cho Thiên Chúa và cho tha nhân.
2. Phanxicô – Tông đồ của Lời
Sau khi nghe được tiếng Chúa, phân định và chấp nhận bước theo, ngày 15.8.1534, cùng với Ignatiô và 5 sinh viên khác, vị giáo sư trẻ Phanxicô từ giã cuộc chạy đua“tìm lời lãi cả thế gian” để tận hiến cho việc phụng sự Chúa, cho vinh Danh Chúa, và cho việc “tìm lợi ích cho chính linh hồn mình và các linh hồn khác nữa”. Chức Linh Mục như cơ hội vàng để Ngài danh chính ngôn thuận đi khắp các thành phố Bắc Ý hăng say rao giảng Lời Chúa, đến các nhà thương để tận lực phục vụ các bệnh nhân. Phanxicô cùng Lời vào đời.
Khi được cử đến Ấn Độ, Malaysia, Indonesia hay Nhật Bản, nơi cánh đồng Chúa mời và đặt Ngài vào, Ngài đã bắt tay ngay vào việc gieo Lời, dù trong môi trường nào, khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, dân chúng được rửa tội hay chưa… Ngài cứ gieo, cứ giảng dạy, cứ âm thầm hiện diện, thăm viếng và sẻ chia, để hiểu tâm tư nguyện vọng của họ mà đáp ứng. Chính Ngài đã viết điều này trong thư gửi cho Thánh Ignatiô: “Chúng tôi đã tới nhiều làng tân tòng mới được chịu phép rửa cách đây ít năm… Vì không có linh mục nên các Ki-tô hữu bản xứ chẳng biết gì khác ngoài việc mình là Ki-tô hữu. Chẳng có ai cử hành bí tích cho họ, chẳng có ai dạy họ kinh Tin Kính, kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, chẳng có ai dạy họ biết các điều răn của Chúa”. Còn với các làng chưa biết Đạo Chúa: “Từ khi đến đây, tôi chẳng ngưng chút nào: Tôi rảo khắp làng mạc, làm phép rửa cho nhiều trẻ em chưa được lãnh bí tích này. Tôi đã làm phép rửa cho một số rất đông các em chưa biết phân biệt bên phải với bên trái. Khi tôi đến các làng, trẻ em không để cho tôi đọc kinh nhật tụng, ăn uống, ngủ nghỉ, nếu tôi chưa dạy cho chúng một kinh” (x. Bài đọc II, kinh sách ngày 03 tháng 12). Bước chân Ngài len lỏi qua khắp các thành thị cũng như thôn quê, trên biển cả hay nơi đất liền; tiếng Ngài vang vọng từ phương Tây đến phương Đông, lòng Ngài hướng từ trời Âu đến bầu trời Á, với chỉ một khao khát duy nhất và cháy bỏng: tất cả vì các linh hồn, để nhiều linh hồn được biết Chúa. Một hành trình không ngưng nghỉ. … Phanxicô cùng Lời giữa đời.
Cuộc đời chỉ 46 xuân xanh, trong đó có 15 năm linh mục, nhưng thánh Phanxicô Xaviê đã sống trọn vẹn, hết lòng hết sức cho Chúa và vì các linh hồn. Hơn 10 năm đi truyền giáo (11 năm 8 tháng), ngài đã đi tàu khoảng 3 năm 7 tháng, với hơn 80.000 km đường dài, trung bình một ngày đi 60 cây số, ba ngày lại sống trên biển một ngày. Ngài đã rửa tội cho khoảng 30 ngàn người tại Á Châu. (x. Enzo Lodi, Chư Thánh theo lịch Rôma II, tr.334). Ngài đã chết khi lòng vẫn ước ao đến với vùng đất mới Trung Hoa, vẫn nồng cháy khát khao nhiều linh hồn được biết Chúa. Người ta ví hành trình truyền giáo của Thánh nhân như những cuộc chinh phục của Alexandre đại đế hay của Christophe Colomb tìm ra Mỹ Châu, nhưng không phải là việc tìm kiếm những vùng đất mới và thiết lập những thể chế dân sự, mà là tìm kiếm những công dân Nước Trời và thiết lập vương quốc Tin Mừng. Có thể nói: Phanxicô Xavie là Phaolô của thế kỷ XVI, người đã đi qua thế giới như một nhà chiêm niệm trong hoạt động. Hạt giống đã nở hoa. Lời đã kết trái và hoàn thành sứ mạng của mình. Chứng nhân đã sống và hoàn trọn sứ vụ được trao phó. Phanxicô cùng Lời với người.
“Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn,
thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó”.(Is 55, 10-11)
3. Phanxicô – ân thưởng từ Lời
Dù vẫn còn muốn tiếp tục chiến đấu để dành lại các linh hồn về cho vương quốc Tin Mừng, nhưng Thánh nhân sẵn sàng vâng theo Ý Chúa, giã từ dương thế trong khao khát cháy bỏng. Hạt lúa đã chấp nhận mục nát. Mùa gặt đã sẵn sàng. Ngài qua đời tại đảo Shanchuan (Trường Xuyên) nơi cửa ngõ của đất Trung Hoa, rạng sáng ngày 03.12.1552.
Một đời tôi tớ trung tín, hết lòng vì Lời, cùng Lời và cho Lời, nên mũ triều thiên vinh quang danh dự đã được trao cho Ngài: ngày 25.10.1619, Đức Phaolô V phong chân phước cho Ngài; ngày 12.03.1622, Đức Grêgôriô XV nâng Ngài lên bậc hiển thánh; năm 1748, thánh nhân được tôn phong làm Bổn Mạng của Phương Đông; đến năm 1904, Ngài được tôn phong làm Bổn Mạng công cuộc truyền bá Đức Tin. Năm 1927, một lần nữa, Đức Piô XI tôn phong ngài làm Bổn Mạng các xứ truyền giáo.
“Các con là ánh sáng trần gian” (Mt 5,14)
Thánh Phanxicô đã thực sự trở nên ánh sáng theo lời mời gọi của Thầy Giêsu. Ánh sao được phát sáng từ nguồn là chính Chúa, và Lời Chúa tiếp thêm sức mạnh. Ánh sao ấy phản chiếu khuôn mặt thánh thiện của Thiên Chúa giữa lòng thế giới, chiếu ánh Tin Mừng sự sống được ban tặng cho nhân loại, và nay, vẫn mãi chiếu sáng những vùng đất của miền Á Đông, và, vẫn mãi là bài ca bất diệt của tất cả các xứ truyền giáo.
Tạ ơn Chúa đã cho Giáo Hội một khuôn mẫu sáng ngời của hồn tông đồ.
Tri ân và cảm phục Thánh Phanxicô Xavie, vì đã dám khước từ những công danh sự nghiệp trần thế để say mê tìm kiếm lợi ích các linh hồn, nhờ đó, các dân tộc Á Đông được nghe biết và đón nhận Tin Mừng;
Xin gương sáng và lòng nhiệt thành của Thánh nhân, mãi khơi động nơi nhiều người sự khao khát thánh thiện và tình yêu đối với Lời, để bài ca Tin Mừng vẫn được viết tiếp nơi nhiều tâm hồn đã-đang và sẽ chờ đón. Amen.