Tác giả: JEANNE KUN
Nguồn: WAU, Prayer Resources
Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương chuyển ngữ
Một cách để diễn tả niềm tin của bạn vào Thiên Chúa.
Tổ tiên Do Thái của chúng ta đã bày tỏ niềm tin của họ vào Thiên Chúa bằng các thánh vịnh và hiểu sâu sắc về ý nghĩa của việc đứng trước sự hiện diện của Thiên Chúa như những tạo vật đơn thuần.
Là Kitô hữu, chúng ta biến lời của họ thành của riêng mình, cầu nguyện bằng các thánh vịnh không thay đổi. Chúng ta có cùng niềm vui trong Chúa, cùng niềm hy vọng được giải thoát, cùng lòng tin tưởng vào việc kêu cầu lòng thương xót của Chúa. Tuy nhiên, chúng ta cầu nguyện bằng các thánh vịnh với sự phong phú hơn nhờ nhận thức sự thành toàn của chúng nơi Đức Giêsu Kitô. Chúng trở nên ý nghĩa hơn đối với chúng ta khi chúng ta giải thích chúng dưới ánh sáng của mạc khải về giao ước mới.
Tất cả những thực tại của Cựu Ước là những “kiểu” mà ngày nay vẫn đầy đủ ý nghĩa như trong bối cảnh ban đầu của chúng. Chúng cũng được nhận thức đầy đủ qua việc Nhập Thể của Chúa Giêsu và cuối cùng sẽ được hoàn thành khi Người đến lần thứ hai. Việc giải thích các thánh vịnh với sự nhận thức này – nắm bắt nội dung tiên tri và ý nghĩa của loại hình được trình bày nơi chúng (các thánh vịnh) – giúp chúng ta là những Kitô hữu có thể cầu nguyện bằng các thánh vịnh hoàn toàn không thay đổi so với hình thức nguyên thủy của tiếng Hipri nhưng với một ý nghĩa sâu sắc mới. Tiếng của chúng ta lặp lại những lời của người Ítraen (sống) trước chúng ta, nhưng những lời này giờ đây vang vọng với một sự trọn vẹn đã đến với chúng ta nhờ ơn cứu chuộc trong Chúa Giêsu Kitô.
Với việc Nhập Thể của Chúa Giêsu, lần thứ nhất Người đến với tư cách là Ngôi Lời mặc lấy xác phàm, chúng ta nhìn thấy sự hoàn thành của tất cả những gì đã được tiên báo trước trong Ítraen xưa. Chúa Giêsu là Adam mới. Người cũng là Môsê mới, vị tư tế cao cả vĩ đại và vị vua được xức dầu hay Đấng Mêsia.
Thay vì có lãnh thổ như trong thời đại của các thánh vịnh, chúng ta, dân tộc mới của Thiên Chúa, nhận biết di sản của chúng ta với tư cách là con cái Thiên Chúa, và chúng ta biết triều đại của Thiên Chúa trên trần gian. Thay vì chiến đấu bằng những bằng vũ lực chống lại kẻ thù như trên chiến trường của dân Ítraen, chúng ta cầu nguyện cách vinh thắng bằng thánh vịnh của người chiến sĩ (Tv 144) khi chúng ta tham gia vào cuộc chiến chống lại Satan và quân của nó, những kẻ đang cố hủy diệt dân Thiên Chúa.
Đền Thờ giờ đây đang hiện diện trong thân mình của Đức Kitô, và Chúa Giêsu vừa là thượng tế cao cả vừa là lễ tế. Người đã dâng hiến của lễ cao cả và hoàn hảo nhất cho chúng ta trên thập giá. Sion cổ xưa đã tiên báo thành của Thiên Chúa, Giêrusalem mới đến từ trời. Như thế, với niềm vui và sự mong đợi sâu xa chúng ta kêu lên: “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: ‘Ta cùng trẩy lên đền thánh CHÚA!’ Và giờ đây, Giêrusalem hỡi, cửa nội thành, ta đã dừng chân” (Tv 122,1-2). Chính ở đó chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu, xuất thân từ vua Đavít, được tấn phong làm vua muôn đời (x. Tv 110).
Làm cho các Thánh vịnh thành của riêng Chúng Ta
Bằng sự giải thích theo Kitô giáo này, chúng ta làm cho các Thánh vịnh trở thành của riêng chúng ta tham gia với Chúa Kitô trong lời cầu nguyện của Người. Khi cầu nguyện bằng Thánh vịnh, dù ở một mình hay với các Kitô hữu khác, chúng ta tham dự vào lời cầu nguyện của Giáo Hội, dân Thiên Chúa. Chúng ta chia sẻ các Thánh vịnh cách chung như các chi thể của thân thể Chúa Kitô – trong một số Thánh vịnh, chúng ta thưa cùng những lời cầu nguyện mà chính Chúa Kitô đã dâng cho Chúa Cha; ở những Thánh vịnh khác, chúng ta nghe những lời của Chúa Cha nói với chúng ta về Con của Người và nhận biết Chúa Giêsu là Chúa của chúng ta.
Dù chúng ta cầu nguyện bằng các Thánh vịnh đáp ca trong các bài đọc Thánh Lễ hằng ngày, bằng các Bài Đọc giờ kinh Phụng Vụ, hãy chọn một câu Thánh vịnh ngẫu nhiên, hoặc sử dụng một số cấu trúc khác để kết hợp chúng vào trong giờ cầu nguyện của chúng ta, chúng ta nên cố gắng cầu nguyện với tất cả các Thánh vịnh trong một khoảng thời gian. Các Thánh vịnh dạy chúng ta cầu nguyện và chúng cho chúng một kinh nghiệm cụ thể về việc dâng lên Thiên Chúa lời ca ngợi và sự thờ phượng hằng ngày. Giống như dân tư tế của Ítraen đã dâng hy lễ ngợi khen và tạ ơn lên Tòa Chúa (chẳng hạn Thánh vịnh 5,3; 66,13-15; 116,17-19; 118,19.26), chúng ta là tôi tớ của Thiên Chúa cũng dâng cùng một kiểu tôn thờ và hy lễ này. Và các Thánh vịnh, được linh hứng bởi Chúa Thánh Thần và được chính Chúa Giêsu cầu nguyện, có thể hình thành nên lời cầu nguyện của chúng ta và tạo nên thái độ của chúng ta trong đời sống thực của Kitô hữu.
Chẳng hạn, cầu nguyện bằng các Thánh vịnh sám hối có thể giúp chúng ta nhận thức sâu sắc về sự yếu đuối và khuynh hướng phạm tội của con người chúng ta, đồng thời, hình thành trong tâm trí chúng ta thái độ thống hối đúng đắn trước mặt Chúa. Từ đó, chúng ta được thấm nhuần một sự hiểu biết về cách sám hối và đó là một sự trợ giúp lớn lao trong những lúc chúng ta cần từ bỏ những tội lỗi cụ thể. Tương tự, từ các Thánh vịnh, chúng ta có thể học cách đáp trả bằng niềm vui, lời ngợi khen và lòng biết ơn đối với Thiên Chúa vì sự tốt lành khôn nguôi của Người mà không cần dựa vào cảm xúc cao độ để diễn tả chúng.
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả kỹ thuật hay phương pháp thích hợp để cầu nguyện bằng các Thánh vịnh, là chỉ đơn giản hòa mình vào các Thánh vịnh, biến chúng thành lời cầu nguyện riêng của chúng ta, tự phát và lặp lại trên môi miệng chúng ta cách tự nhiên và cho phép chúng tràn ngập tâm hồn chúng ta. Khi chúng ta làm như thế, chúng ta sẽ khám phá ra rằng, như tu sĩ dòng Xitô Nhặt Phép Thomas Merton đã viết: “Thiên Chúa sẽ ban chính Người cho chúng ta qua các Thánh Thi nếu chúng ta dâng chính mình cho Người mà không do dự, trong khi đọc các Thánh Vịnh”. Và, như Merton giải thích, điều đòi hỏi duy nhất là “một đức tin thuần khiết và một lòng khao khát yêu thương mãnh liệt và trên hết là một niềm hy vọng chắc chắn sẽ tìm thấy Thiên Chúa ẩn mình trong lời mạc khải của Người”.
Jeanne Kun cựu biên tập viên của tạp chí The Word Among Us.