Gia đình Đa Minh Châu Á Thái Bình Dương: đẩy mạnh sự hiệp thông, tham gia và sứ vụ theo tinh thần của thượng hội đồng (p.2)

0

Bài chia sẻ của cha Quirico T. Pedregosa, OP. trong Hội nghị các cấp lãnh đạo của Gia đình Đa Minh Châu Á Thái Bình Dương tại Gangwon-do, Hàn Quốc từ ngày 23 đến 27/10/2023 (Phần 2)

Sr. Teresa Nguyễn Thị Ngọc Hà, OP chuyển ngữ

ĐẨY MẠNH HỢP TÁC TRONG SỨ MỆNH

Tinh thần hiệp hành mời gọi mọi thành phần dân Chúa tham gia vào sứ mạng của Giáo hội. Chắc chắn việc tham gia vào sứ mạng của Giáo hội thì rất đa dạng. Các giáo sĩ, những người thánh hiến và anh chị em giáo dân tham gia vào sứ mạng của Giáo hội theo đoàn sủng ơn gọi của mỗi người. Việc tham gia này dành cho tất cả mọi người, không miễn trừ ai.

Cũng vậy, sự hiệp hành mời gọi các tu sĩ Đa Minh đẩy mạnh và cổ võ những cách thức tham gia vào sứ mạng rao giảng ngay ở trong và giữa các thành phần của Gia đình Đa Minh. Chúng ta phải gia tăng khả năng làm việc cùng nhau. Ngoài sự hợp tác, liên đới và nối kêt, Gia đình Đa Minh chúng ta nhận thấy sự hợp tác là phương tiện hiệu quả nhất để thúc đẩy việc tham gia vào sứ vụ.

Hợp tác là gì?

Động từ hợp tác được ghép bởi hai từ trong tiếng Latin, cum, nghĩa là với, và laborare, nghĩa là làm việc. Hợp tác có nghĩa là làm việc với nhau. Vì vậy, hợp tác có thể được mô tả như một phương thức liên kết và làm việc với nhau, được mỗi cá nhân hoặc nhóm tham gia cách tự do, vận dụng được mọi tài năng của tất cả những người tham gia để phục vụ cho một mục tiêu hoặc sứ vụ chung.

Từ định nghĩa trên, chúng ta thấy một số đặc điểm của sự hợp tác. Trước hết, hợp tác mang tính thực tiễn cao, nó diễn ra trên bình diện liên kết và làm việc ít là giữa hai bên với nhau. Cách tốt nhất để hiểu hợp tác là xem nó diễn tiến như thế nào. Một trở ngại chung trong việc mời gọi mọi người hợp tác, đó là trước khi bắt đầu, chúng ta luôn muốn có một định nghĩa rõ ràng về sự hợp tác. Thứ đến, hợp tác là một chọn lựa tự do. Hợp tác không thể bị áp đặt từ bên ngoài nhưng đòi người ta tự nguyện chọn lựa. Điều này làm giảm bớt nỗi lo lắng sợ hãi của những cứ ai bị ép phải hợp tác. Thứ ba, hợp tác thúc đẩy sự chia sẻ và trao đổi tài năng. Nhân tố quyết định của hợp tác là trao tặng và đón nhận khả năng của nhau. Đó là cách thế của việc phát huy và bổ trợ của các tài năng. Thứ tư, hợp tác không phải là cùng đích nhưng là một phương tiện, một công cụ rất hữu ích cho một dự án, mục tiêu hoặc sứ vụ chung.

Không có một hình thức hay một phương pháp cố định nào cho sự hợp tác. Nhưng hợp tác luôn là một tiến trình năng động và cởi mở. Tiến trình đó mở ra cho những thay đổi. Nó chuyển biến từ cấp độ này sang cấp độ khác.

Tại sao chúng ta phải củng cố sự hợp tác?

Gia tăng sự hợp tác trong sứ vụ không chỉ là lời kêu gọi mang tính hiệp hành. Trước hết, nó là bản chất ơn gọi Đa Minh của chúng ta với ít nhất theo ba lý do sau:

Trước hết, sự hợp tác gắn liền với chúng ta vì căn tính và ơn gọi của chúng ta là trở nên môn đệ của Chúa Kitô. Chúa kêu gọi và quy tụ các môn đệ của Người thành một cộng đoàn. Vì vậy, ơn gọi Kitô hữu của chúng ta là một ơn gọi mang tính cộng đoàn. Ơn gọi đó được bắt nguồn và phản ánh mầu nhiệm Ba Ngôi: sự hiệp thông trong đời sống và sứ vụ của Ba Ngôi. Chúa Giêsu đã trao nhiệm vụ của Ngài cho cộng đoàn của Chúa là Giáo hội, nơi đó mọi thành viên đều có vai trò và trách nhiệm thi hành sự hiệp thông. Qua lời mời gọi họ thành một cộng đoàn và sai đi thi hành sứ vụ, các Kitô hữu cũng được mời gọi cộng tác với nhau. Bằng sự hợp tác, chúng ta trở thành điều mà chúng ta được gọi là: một cộng đoàn các môn đệ cùng nhau làm việc cho một sứ vụ chung. Thật vậy, nếu các tu sĩ Đa Minh muốn trở thành một gia đình các môn đệ của Chúa Kitô cùng nhau thi hành sứ vụ, thì họ không còn chọn lựa nào khác ngoài sự hợp tác với nhau nhiều hơn nữa.

Thứ hai, sự hợp tác thuộc về căn tính rất riêng của tu sĩ Đa Minh. Giáo hội đã châu phê cho Dòng được thiết lập với mục đích rất đặc biệt là giảng thuyết Tin Mừng. Đó là sứ mạng và là trách nhiệm của toàn thể Hội dòng. Giảng thuyết là một trách nhiệm chung của cộng đoàn, trong đó mọi thành viên tham gia vào sứ vụ của cộng đoàn tùy theo nhu cầu sứ vụ, đặc sủng và tài năng riêng của mỗi người. Vì vậy, việc rao giảng Tin Mừng được ủy thác cho toàn Dòng theo theo truyền thống Đa Minh của chúng ta. Lời giảng của chúng ta mang tính cộng đoàn và cộng đoàn của chúng ta là một cộng đoàn giảng thuyết. Vì thế, theo truyền thống, cộng đoàn Đa Minh được gọi là “sacra predicatio” – giảng thuyết thánh thiện.

Tham gia vào sứ mạng của Dòng, mỗi tu sĩ Đa Minh đều mang trong mình căn tính của người rao giảng Lời. Tuy nhiên, không có tu sĩ Đa Minh giảng thuyết đơn độc, người đó luôn thuộc về một cộng đoàn và lời giảng của họ mang tính cộng đoàn. Giảng thuyết là sứ mạng chung mời gọi mỗi tu sĩ Đa Minh hợp tác và tham gia tùy theo đặc sủng của mình. Nếu chúng ta là một Gia đình của những nhà Giảng thuyết thì việc chúng ta hiệp thông với nhau thôi vẫn chưa đủ mà còn phải hợp tác với nhau nữa. Do đó, Tổng hội Bologna 1998 đã xác quyết: “Căn tính Đa Minh của chúng ta được thể hiện rõ nét nhất ở chính sự hợp tác giữa chúng ta với nhau”.

Thứ ba, việc đòi buộc phải tăng cường sự hợp tác cho thấy sự xác quyết của chúng ta. Cha Cựu Bề trên Tổng quyền Vincent de Couesnongle, OP, khẳng định: “Đặc sủng Đa Minh của chúng không thể phát triển trọn vẹn khi nó chỉ co cụm ở trong một Hội dòng hoặc trong nhánh hoạt động của mình…. Đúng hơn, đặc sủng Đa Minh chỉ được phát triển và sinh hoa kết trái dồi dào khi nó được mọi thành phần trong gia đình Đa Minh chia sẻ và hợp tác. Sự hợp tác hiệu quả của tất cả mọi thành viên sẽ tạo nên sự phong phú cho mỗi cá nhân và mỗi nhóm trong Gia đình Đa Minh.” Nói cách khác, hợp tác không chỉ đòi hỏi của sự trung thành với căn tính của chúng ta, nhưng còn là lời mời gọi để cùng giúp nhau phát triển và làm phong phú lẫn nhau trong sứ vụ.

Trong ý nghĩa đó, việc đẩy mạnh sự hợp tác của chúng ta trong sứ vụ là một trong những mục tiêu chính được nhiều Tổng hội Dòng và các chương trình thuộc cấp quốc tế cũng như cấp vùng của Gia đình Đa Minh đặc biệt hướng tới. Thách đố ở đây là làm cách nào để đưa ra những cách thức cụ thể để việc hợp tác giữa các nhóm, các Hội dòng và toàn thể Gia đình Đa Minh cách thiết thực và hiệu quả hơn. Hợp tác được xác định như một phương tiện cần thiết để xây dựng tương lai của Gia đình Đa Minh. Như Hội nghị Quốc tế của Gia đình Đa Minh tại Manila năm 2000 đã tuyên bố: “Hợp tác là con đường hiệu quả nhất đưa chúng ta bước vào thiên niên kỷ mới”[1]. Điều này có nghĩa là chúng ta hãy cũng nhau xây dựng tương lai trong sự hiệp thông và hợp tác của một Gia Đình Giảng Thuyết. 

Nói tóm lại, hợp tác để giảng thuyết là một mô hình thiết yếu trong sứ vụ của chúng ta trong tư cách là một Gia đình Đa Minh, để cùng nhau loan báo triều đại của Thiên Chúa trong tư cách là những Kitô hữu và là những tu sĩ Đa Minh. Đó là con đường tốt nhất hướng tới tương lai nếu chúng ta muốn thực sự trở thành một Hội dòng hay một Gia đình Giảng thuyết. Nó không chỉ ở trên danh nghĩa mà hơn thế nữa ở mức độ cùng sống và làm việc với nhau trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Vì vậy, chúng ta có mọi lý do để thúc đẩy và tăng cường sự hợp tác của chúng ta hơn nữa trong sứ vụ!

Những phương cách để đẩy mạnh sự hợp tác

1. Phong cách lãnh đạo tập thể

Cổ võ và tăng cường sự hợp tác trong và giữa các thành phần của Gia đình Đa Minh đòi chúng ta chú trọng vào việc áp dụng phong cách lãnh đạo tập thể.

Lãnh đạo là gây ảnh hưởng đến một nhóm để đạt được mục tiêu, sứ vụ chung[2]. Do đó, lãnh đạo có hai chức năng kép: đưa ra tầm nhìn về mục tiêu, kế hoạch hoặc sứ vụ chung cho nhóm và cùng nhau thi hành để đạt được tầm nhìn đó. Về việc lãnh đạo cộng đoàn, chức năng kép đó thuộc về cộng đoàn. Cả cộng đoàn cùng nhau đưa ra tầm nhìn về mục tiêu chung và quyết định phương cách thực hiện. Vì thế, việc đạt được mục tiêu đó thuộc về cộng đoàn. Peter Senge đưa ra một nhận xét rất sâu sắc: “Ngày nay, khi nói về lãnh đạo, chúng ta thường có xu hướng coi việc lãnh đạo như một hiện tượng cá nhân. Tuy nhiên, theo thời gian, tôi thấy xu hướng này càng ngày càng có nhiều hạn chế. Trong mọi trường hợp, tôi đều nhận ra rằng sự duy trì và phát triển của cộng đoàn hệ tại ở công sức và khả năng đóng góp của rất nhiều người chứ không phải của riêng một cá nhân nào.” [3]

Peter Senge định nghĩa lãnh đạo là “khả năng của một cộng đoàn trong việc định hình tương lai của mình”[4] Từ khóa ở đây là cộng đoàn. Việc lãnh đạo gắn liền với cộng đoàn chứ không phải của cá nhân người lãnh đạo. Khả năng định hình tương lai thuộc về cộng đoàn chứ không phải của riêng cá nhân người lãnh đạo. Phác thảo một tương lai (xây dựng các mục tiêu) và tiến đến các mục tiêu đó (đạt được mục tiêu), đó là công việc và trách nhiệm của cộng đoàn với sự tham gia tích cực của mọi thành viên trong cộng đoàn.

Theo hướng đó, trong việc đưa ra tầm nhìn về mục đích và mục tiêu cho các kế hoạch sứ vụ của Gia đình Đa Minh, lãnh đạo cộng đoàn đòi buộc sự tham gia của mọi thành viên trong việc cùng nhau bàn thảo và đưa ra quyết định. Ban điều hành Gia đình Đa Minh phải thảo luận hoặc tham khảo ý kiến với các thành viên về những vấn đề liên quan. Bằng mọi cách, các thành viên phải được phép tham gia vào việc đưa ra quyết định, cho dù họ có thể không tham gia vào quá trình đưa ra quyết định. Tuy nhiên, điều quan trọng là họ có quyền tham gia vào quá trình đưa ra quyết định. Điều đó làm cho họ cảm thấy mình thực sự là thành viên và thuộc về Gia đình Đa Minh.

Gia đình Đa Minh vùng Châu Á Thái Bình Dương là nơi có con số anh chị em Huynh đoàn đông nhất. Tuy nhiên, sự tham gia của anh chị em Huynh đoàn còn rất hạn chế. Sự hạn chế này chủ yếu hệ tại ở việc hoàn thành công việc và vận hành những công việc đó. Họ rất ít và dường như không tham gia vào việc đưa ra quyết định. Nếu xét ở cấp độ điều hành, họ luôn là những thành phần sau hết đón nhận những công việc và hướng dẫn cách thức thi hành từ các cấp lãnh đạo, đặc biệt từ những anh chị em tu sĩ.

Với tinh thần tham gia toàn diện vào sứ vụ mang tính hiệp hành, đây là cơ hội để các thành phần khác trong Gia đình Đa Minh mời gọi và trao quyền cho các nữ tu và anh chị em Huynh đoàn tham gia vào vai trò đưa ra quyết định trong bất kỳ nhóm nào của Gia đình Đa Minh. Điều này có thể được thực hiện bằng cách mời gọi anh chị em Huynh đoàn tham gia vào việc quyết định khác nhau với các dự án truyền giáo có ảnh hưởng trực tiếp hoặc liên quan đến họ. Hoặc với những quyết định tham gia vào những sứ vụ tông đồ khác. Bằng cách này, họ có thể cộng tác nhiều hơn vào sứ vụ của Gia đình Đa Minh ở cấp độ đưa ra quyết định, chứ không chỉ ở cấp độ thi hành.

Với sự tham gia nhất định vào việc đưa ra quyết định, anh chị em Huynh đoàn sẽ xây dựng cảm thức tham gia vào việc điều hành và hoạch định những điều cần làm. Họ nhận ra rằng những gì đã được cùng nhau quyết định thực sự là một dự án chung vì lợi ích và sứ vụ của Gia đình. Họ sẵn sàng chia sẻ và cộng tác hết mình để làm cho dự án đó thành hiện thực. Họ là những thành viên rất có khả năng và nhiệt thành của Gia đình Đa Minh trong việc cộng tác vào sứ vụ giảng thuyết.

2. Giá trị của đặc sủng

Tất cả các Kitô hữu khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội được Chúa Thánh Thần xức dầu để tham dự vào sứ mạng ngôn sứ, tư tế và vương đế của Chúa Giêsu Kitô. Thế nhưng, việc tham gia vào sứ mạng của Chúa Kitô được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau tùy theo chức vụ, công việc phục vụ và đoàn sủng khác nhau (1 Cr 12,4-11, 27-31; Rm 12, 6-8), tất cả đều được ban cho bởi cùng một Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, chức vụ Giám mục, Linh mục và Phó tế thì được ban cho một số ít. Một số người được trao cho các thừa tác vụ như: đọc sách, giúp lễ, trừ quỷ, giáo lý viên, … Mỗi người khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội đều được Chúa Thánh Thần ban cho ít là một đặc sủng (1 Cr 12,7).

Có thể nói rằng các chức vụ thánh và các thừa tác vụ đều được trân trọng và thực hiện các xứng đáng như những món quà đặc biệt Chúa ban để hoàn thành sứ mạng của Chúa Kitô. Tuy nhiên, điều đó không thể áp dụng cho các đặc sủng. Các đặc sủng là những hồng ân còn hay bị lãng quên và chưa được khai thác đúng mức trong Giáo hội. Riêng đặc sủng của Gia đình Đa Minh là truyền giáo.

Vì vậy, để gia tăng sự hợp tác trong sứ vụ, chúng ta phải luôn trân trọng các đặc sủng của mọi thành viên trong Gia đình Đa Minh. Đối với mỗi người chúng ta, Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người một đặc ân khác nhau nhằm phục vụ cho lợi ích chung của cộng đoàn và để thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng của cộng đoàn (1 Cr 12,4-11). Do đó, chúng ta phải hết sức trân trọng đặc sủng của mỗi thành viên trong Gia đình Đa Minh và cùng nhau sử dụng những đặc sủng đó trong tâm tình tạ ơn để phục vụ cho sứ mạng của chúng ta là rao giảng Tin Mừng.

Một cách rất đặc biệt, chúng ta phải lưu ý rằng, Gia đình Đa Minh vùng Châu Á Thái Bình Dương có rất đông anh chị em Huynh đoàn. Chỉ riêng ở Việt Nam, số anh chị em Huynh đoàn đã hơn một trăm hai mươi ngàn thành viên. Nhờ Bí tích Rửa tội, mỗi thành viên Huynh đoàn Đa Minh đều được lãnh nhận một đặc sủng. Với số lượng đông đảo như thế, chắc chắn giữa anh chị em Huynh đoàn có rất nhiều đặc sủng! Tôi ước mong các anh chị em Huynh đoàn nhận ra rằng, với đặc sủng được ban cho mỗi người, họ có thể cộng tác để làm nhiều điều tốt đẹp cho sứ vụ của Dòng. Họ được Chúa Thánh Thần trang bị đầy đủ mọi ơn ban để tham gia vào việc rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng.

Tôi cũng ước mong các thành phần khác của Gia đình Đa Minh cũng sẽ chân nhận cách đúng đắn về các đặc sủng của anh chị em Huynh đoàn Đa Minh. Với đặc sủng và ân ban của mình, anh chị em Huynh đoàn sẽ vận dụng được các ân huệ thiêng liêng cũng như các nguồn lực phục vụ cho sứ vụ của Dòng. Bằng sự hợp tác, chúng ta hãy cổ võ và khuyến khích anh chị em Huynh đoàn tham gia nhiều hơn vào sứ vụ giảng thuyết của Dòng.

3. Các sáng kiến đa dạng thúc đẩy hợp tác

Để tăng cường hợp tác, chúng ta cần có nhiều sáng kiến đa dạng trong việc thúc đẩy hợp tác. Sáng kiến không phải lúc nào cũng bắt đầu từ các anh em, nhưng đúng hơn đến từ sự hợp tác. Nhưng có lẽ sẽ tốt hơn nếu những sáng kiến hợp tác đó đến từ mọi thành phần của Gia đình Đa Minh. Nó cũng có thể đến từ các nữ tu, các đan sĩ hoặc anh chị em giáo dân. Tại sao không?

Tỉnh dòng chúng tôi tại Philippine được các nữ Đa Minh ở Mindanao mời cộng tác vào việc mục vụ tĩnh tâm của các nữ tu Dòng Đa Minh thánh Catarina Siena tại thành phố General Santos, Nam Cotabato, và giúp mục vụ tại cơ sở giáo dục của Dòng Nữ tu Đa Minh Chúa Ba Ngôi thuộc thành phố Davao.

Hiện nay, Gia Đình Đa Minh đang điều hành và phục vụ tại một bệnh viện từ thiện St. Martin de Porres ở thành phố San Juan, Metro Manila, Philippines. Sứ vụ này được khởi đi từ sáng kiến của một người giáo dân Đa Minh cùng với sự hỗ trợ của các anh em thuộc Tỉnh Dòng Mân Côi. Sau đó, các nữ tu Religiosas Misioneras de Santo Domingo cũng hợp tác trong sứ vụ này.

Tôi đến thăm một cơ sở dành cho người cao niên ở thành phố Sài Gòn, miền Nam Việt Nam. Cơ sở này được bắt đầu như một công việc từ thiện từ một giáo dân Đa Minh. Để đáp ứng nhu cầu thiêng liêng và ban các Bí tích cho các đối tượng, các cha Đa Minh cũng được mời để cộng tác trong việc mục vụ tại cơ sở. Hiện nay các chị em Đa Minh cũng đang cộng tác trong việc phục vụ tại cơ sở này.

Cách tuyệt vời nhất để bắt đầu một chương trình hợp tác sứ vụ là quy tụ đại diện các thành phần của Gia đình Đa Minh để họ gặp gỡ, thảo luận và cùng nhau phác họa một sứ vụ chung hoặc một dự án hợp tác. Tất cả đều tham gia vào xây dựng đường hướng, lập kế hoạch, cách tổ chức và phương thức thực hiện. Đó là tiền đề cho Hội nghị các nhà Đào tạo Đa Minh và Ủy ban Công lý Gia đình Đa Minh được tổ chức tại Philippines. Với Gia đình Đa Minh vùng Châu Á Thái Bình Dương, đó cũng là lý do để chương trình Đào tạo các nhà Đào tạo của Đa Minh Châu Á Thái Bình Dương được bắt đầu.

Sự hiệp hành mời gọi chúng ta mở ra để đón nhận sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong mọi lãnh vực. Chúa Thánh Thần thổi bất cứ nơi nào Chúa muốn. Trong Hội nghị này, tôi hy vọng các nghị viên có thể xác định được những phương cách linh hoạt và đa dạng hơn để thúc đẩy các sáng kiến hợp tác trong sứ vụ.

4. Phác họa một số hình thức hợp tác

Tạ ơn Chúa vì Gia đình Đa Minh Châu Á Thái Bình Dương chúng ta đã có nhiều hoạt động hợp tác ở cấp địa phương, quốc gia và vùng miền. Tuy nhiên, ắt phải có những lãnh vực sứ vụ khác mà chúng ta có thể hợp tác và cùng nhau thực hiện. Những đòi hỏi của sứ vụ thay đổi theo thời gian và tùy từng bối cảnh. Vì vậy, chúng ta cần nhìn lại và đánh giá đúng mức về các hình thức hợp tác hiện nay và can đảm đưa ra những hình thức hợp tác mới. Chúng ta không nên giới hạn những sáng kiến của Chúa Thánh Thần nhưng cần mở ra để đón nhận sự thúc đẩy của Ngài hầu có thể tìm ra những hình thức mới của sự hợp tác.

Cho phép tôi hình dung một vài hình thức hợp tác. Gia đình Đa Minh trong vùng của chúng tôi có nhiều thành phần khác nhau và cũng có nhiều cơ sở giáo dục ở nhiều cấp độ khác nhau. Chỉ riêng ở Philippines, Gia đình Đa Minh phục vụ khoảng hai trăm trường học, cao đẳng và đại học. Vậy tại sao chúng ta không phác thảo một dự án hợp tác giữa cấp vùng, cấp khu vực của chúng ta?

Hội nhập đức tin và văn hóa là một nhiệm vụ lớn trong sứ vụ truyền giáo của chúng ta tại Châu Á Thái Bình Dương. Vào thời điểm này, chúng ta chắc chắn đã đề ra những phương cách thích hợp và hiệu quả cho nhiệm vụ này. Tại sao chúng ta không lập một nhóm gồm các thành viên đại diện cho những thành phần khác nhau và từ các quốc gia khác nhau để gặp gỡ, trao đổi và cùng lên dự án phát triển hợp tác trong sứ vụ truyền giáo và hội nhập văn hóa?

Là những người phục vụ Lời trong một thế giới đa tạp, chúng ta cần chú tâm vào việc học hỏi và nghiên cứu. Học tập và nghiên cứu được thực hiện tốt nhất theo cách tiếp cận liên ngành. Chúng ta có thể tưởng tượng một cách hợp tác để thúc đẩy nghiên cứu và nghiên cứu liên ngành trong vùng của chúng ta không?

Chúng ta có thể bận tâm đến những mối quan tâm và nhu cầu của cộng đồng địa phương, các tổ chức và các ngành cụ thể. Tuy nhiên, bằng việc dành thời gian để đến tham dự Hội nghị, cùng nhau thảo luận, chia sẻ và lắng nghe nhau, cùng nhau cầu nguyện và hiểu biết nhiều hơn về những thách thức của nhau trong sứ mạng, tôi hy vọng các bạn có thể mơ ước và tưởng tượng ra những cách thức cộng tác mới và nhiều hơn nữa.

Kết luận

Xin cảm ơn sự kiên nhẫn lắng nghe của các tham dự viên. Với những giới hạn của mình, tôi mạn phép đưa ra một số điểm và những đề nghị trên đây để Hội nghị tiếp tục xem xét, trao đổi, đồng thời đưa ra những phương thế hợp tác phù hợp hơn. Tôi hy vọng những cuộc gặp gỡ, thảo luận, trao đổi và những quyết định của anh chị em trong Hội nghị này sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, đặc biệt trong việc đẩy mạnh sự hiệp thông và hợp tác mạnh mẽ và bền vững hơn trong sứ vụ giữa các anh chị em Đa Minh vùng Châu Á Thái Bình Dương.

_______________________

[1] From the ubpublished proceedings of the General Assembly of the Dominican Family, 2020.

[2] Cf. Timothy Brown, SJ and Patricia Sullivan, RSM, Setting Hearts on Fire: A Spirituality for Leader (New York: Alba House, 1997), 3.

[3] Peter Senge, Afterword, in Servant Leadership, Robart K. Greenleaf (New York: Paulist Press, 2002) 359.

[4] Ibid

Comments are closed.

phone-icon