Bài 4: MÙA GIÁNG SINH
I. ỔN ĐỊNH
1. Thánh hóa:
Các em thân mến,
“Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1, 14), để dạy chúng ta biết sống như một người con của Cha trên trời. Mỗi người trong chúng ta hãy âm thầm dâng lên Chúa lời cầu xin tốt đẹp nhất là xin cho chúng ta biết can đảm mở lòng ra đón nhận Ngôi Lời.
(Thinh lặng giây lát cho các em cầu nguyện)
2. Kiểm tra bài trước: số 7 , 8
Giới thiệu bài mới:
Mùa Vọng chỉ là đường dẫn tới đích điểm là Mùa Giáng Sinh; và lữ khách đi đường là để tới đích, không ai lại ở lại trên đường. Đó chính là lý do chúng ta vui mừng bước vào bài học Mùa Giáng Sinh.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA
A. Dẫn nhập:
Có thể dùng bầu khí mừng Lễ Giáng sinh của chính gíao xứ để dẫn vào bài hôm nay. Điều quan trọng không phải là bầu khí lễ hội, tưng bừng với cảnh “ngựa xe như nước áo quần như nêm”, nhưng chính là Đức Giêsu có được sinh ra trong cõi lòng của bạn không, để bạn có thể nhưĐức Maria, dâng tặng Người cho thế giới.
B. Công bố Lời Chúa: Lc 2,1-17
(Gợi ý)
Thiên Chúa Ngôi Hai đã Nhập thể, Người đã đi vào trần gian, Người đã gõ cửa lòng nhân loại. Nhưng nhân loại, đại diện là Giêrusalem, đã không nghe được tiếng Người, và đã không có chỗ cho Ngài trong quán trọ! (Thinh lặng 1 phút). Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta can đảm mở cửa lòng để nghênh đón Chúa ngự vào, vì có Chúa, chúng ta có niềm vui hạnh phúc.
(Thinh lặng giây lát – ngồi)
C. DIỄN GIẢNG:
1. Ý nghĩa Mùa Giáng Sinh :
Qua bài Tin Mừng, Luca là tác giả duy nhất nói tỉ mỉ việc Chúa Giáng sinh. Ông xác định thời buổi Chúa sinh ra dưới thời Hoàng đế César – Augustô và Quirinio. Rõ rệt hơn, sự việc xảy ra vào đúng lúc kiểm tra dân số. Và Chúa đã giáng sinh tại một địa điểm rõ ràng: Ở Belem, xứ Giuđê, và trong một hoàn cảnh cụ thể: hai ông bà không tìm được nơi nào trong quán trọ, nên phải đặt Hài Nhi trong máng ăn của súc vật.
Với những nét tả chính xác như thế, Luca làm cho người ta thấy Đức Kitô thật là một người, đã sinh ra trong thời gian và không gian nhất định, và đã chấp nhận một hoàn cảnh lịch sử nhất định.
Như thế Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng mà các tổ phụ, ngôn sứ và muôn dân trông đợi – đã làm người để chia sẻ thân phận con người và phục hồi phẩm giá của nhân loại. Hơn nữa, khi mặc lấy bản tính nhân loại, Ngài cho chúng ta được tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa, được trở thành con Thiên Chúa, và dẫn đưa chúng ta vào đời sống vĩnh cửu (x Ga 1, 9.12.18)
Vì thế khi mừng Lễ Giáng sinh, Giáo Hội vừa tưởng niệm biến cố Giáng sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, vừa Kitô hóa các lễ ngoại giáo (mừng thần Mặt Trời) vào ngày đông chí, được cử hành tại Roma ngày 25 tháng 12 (Sinh nhật của Chúa Kitô – Mặt trời). và tại Ai Cập ngày 6 tháng 1(Lễ Chúa tỏ mình ra cho muôn dân. Đối với anh em Đông phương, việc “tỏ mình” cũng bao hàm trong mầu nhiệm Gíang Sinh như anh em Tây phương).
Phụng vụ cử hành 3 Thánh Lễ ngày Chúa Giáng sinh và mặc cho mỗi Thánh Lễ một ý nghĩa riêng:
- Lễ Nửa Đêm: Chú trọng Anh Sáng từ trời cao đã xé màn đêm xuống soi sáng nhân loại.
- Lễ Rạng Đông: Mời gọi ta theo gót các mục đồng đi thờ lạy Hải Nhi mới sinh.
- Lễ Ban Ngày: Giới thiệu cho ta thấy “Một Con Trẻ đã sinh ra”, Ngài là EMMANUEL: Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
2. Thời gian Mùa Giáng Sinh:
Mùa Giáng Sinh bắt đầu từ Kinh Chiều I của lễ Giáng sinh cho đến hết Chúa Nhật Lễ Hiển Linh, hoặc Chúa Nhật sau ngày 6 tháng 1.
3. Tâm tình Mùa Giáng Sinh:
Mỗi mùa Giáng sinh về, chúng ta thường nghe câu chuyện “Ba Vua” cưỡi lạc đà từ xa đến triều bái Chúa Hài Nhi Giêsu ở Belem. Tin Mừng theo Thánh Matthêu xác định họ chỉ là các vị đạo sĩ ở Phương Đông, hay đúng hơn là các nhà chiêm tinh, từ lâu họ đã theo dõi điềm trời và phát hiện ra một ngôi sao lạ chói ngời. Họ tin rằng có một vị vua Do Thái mới sinh ra… Con số 3 vị cũng chỉ là theo truyền thống dân gian với một ông da đen, một ông da vàng, và một ông da trắng, tượng trưng cho các sắc dân trên thế giới.
Văn sĩ Johannes Jocrgensen, người Đan Mạch đã phác họa thêm chân dung vị đạo sĩ thứ tư, nhưng lễ vật ông dâng là những gì? Đó là ba viên ngọc vô giá, nó tựa những quả trứng chim câu, mà Ông đã lựa trong kho báu của Hoàng Triều…
Trên đường đi, Ông đã tặng viên ngọc quý đó cho:
- Một người ăn xin…
- Một người con gái gặp nạn giữa rừng sâu…
- Một Hài nhi nghèo khó…
Ông đến Belem với đôi bàn tay trắng và ông thưa với Chúa: “Lạy Chúa Hài Nhi. Chính vì tất cả những câu chuyện xảy ra dọc đường mà giờ này, con đến đây, trên tay không còn gì để dâng tặng Ngài. Nhưng con tin chắc Ngài thấu rõ tấm lòng thành của con. Con đã muốn dâng cho Ngài trọn vẹn ba viên ngọc quý giá ấy. Nhưng cụ già ăn xin khốn khổ kia. Đời người con gái đáng thương và mạng sống của đứa bé vô tội ấy đã dành mất phần của Ngài. Xin Ngài hãy tha thứ cho con.”
Theo các bạn, Lễ vật của 4 vị đã dâng Chúa, lễ vật nào đẹp lòng Chúa nhất? … Chính là lễ vật của vị vua thứ tư, ông đã dâng lễ vật cao đẹp hơn bất cứ thứ lễ vật nào có thể tìm thấy trên dương gian…
Chúa Giêsu Hài Nhi cũng mong muốn các bạn có tấm lòng nhân ái như thế (Mt 25,37-40).
D. Hướng ý cầu nguyện :
Sống “nền văn minh tình thương” luôn luôn là mơ ước của mọi người, và mãi là giấc mộng đẹp nhất trần gian! Nhưng phải chăng, con người hôm nay chỉ sống yêu thương đích thực, khi Sứ điệp của Thiên thần trong đêm Giáng sinh: “Bình an dười thế cho người thiện tâm” được mọi người, mọi nhà chọn làm lẽ sống.
Mời các em chúng ta cùng cầu nguyện… (Sau thinh lặng giây lát, có thể hát bài thích hợp, hoặc dâng 2, 3 lời cầu nguyện tự phát, nhưng phải báo các em chuẩn bị trước nếu chưa quen.)
III. SỐNG LỜI CHÚA :
1. Bài học: theo sách thủ bản
2. Gợi ý sống đạo: Dầu hôm nay không phải là Mùa Giáng sinh, nhưng Chúa Giêsu vẫn phải được tiếp tục đón nhận và sinh ra, lớn lên trong tâm hồn mỗi người Kitô hữu. Các bạn nghĩ, chúng ta sẽ làm gì? (Biết đón nhận Đức Giêsu vào đời mình, tiếp tục cưu mang Người (qua việc lãnh nhận các BT, nhất là Thánh Thể, học hỏi giáo lý… , và sinh Người ra cho thế giới, bằng chứng từ cuộc sống)
IV. KẾT:
Qua bài giáo lý hôm nay giúp chúng ta ý thức:
– Cảm tạ Chúa Cha, Đấng đã tặng ban cho nhân loại một món quà tuyệt vời nhất đó chính là Đức Giêsu Kitô, để nhờ Người chúng ta được giao hòa và chuộc lại ơn làm nghĩa tử của Cha (Ga 3,16).
Mùa Giáng sinh là mùa của yêu thương, bạn hãy cộng tác với ơn Chúa ban và canh tân cuộc sống để sống tốt mỗi ngày qua những việc tốt bạn có thể thực hiện.
Kinh Sáng Danh – hoặc hát bài thích hợp.
Sr. Têrêsa Nguyễn Thị Phượng