Hiện ra với các Tông đồ – Suy niệm CN III Phục Sinh, Năm B

0

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH, NĂM B
HIỆN RA VỚI CÁC TÔNG ĐỒ

LỜI CHÚA: Lc 24,35-48

Một vấn nạn xưa như trái đất của những người không tin đặt ra với các người công giáo là biến cố Chúa Giê-su sống lại là sự kiện tâm lý lây lan. Tư tưởng này đã ăn sâu nơi những người chưa một lần biết Chúa Phục Sinh hay nói đúng hơn chưa cảm nghiệm về Người. Ân huệ này chỉ có Đấng là sự sống, là sự bình an, là niềm hoan lạc mới có thể ban cho những người mở lòng ra với Người. Hôm nay Chúa Giê-su cũng phải vất vả lắm mới có thể làm cho các môn đệ tin vào Ngài. Mồ trống và những lần hiện ra vẫn chưa biến đổi được các ông hoàn toàn. Ngài phải cho các ông cảm nghiệm để lòng các ông rung lên những điệu nhạc tình yêu nóng rực mới có thể đánh đổ được sự nghi ngờ. Và nhất là nhờ Thánh Thần của Ngài củng cố và ban sức mạnh, các ông mới có thể trở nên chứng nhân Tin Mừng Phục Sinh thực sự.

Khi dạy các anh em tân tòng những người có trình độ cũng thường đặt ra câu hỏi tương tự đó với tôi và tôi đã lần lượt chia sẻ với anh em. Những bằng chứng để chứng thực Chúa đã sống lại đó là:

1. Mồ trống: Nếu nói Chúa sống lại mà xác Ngài còn đó hẳn là bịp bợ và điên rồ. Nhưng sáng sớm các phụ nữ và các Tông Đồ đến mộ và rất ngạc nhiên vì xác Ngài không còn ở mộ. Madalenna nghĩ một ai đó đã ăn cắp xác Ngài. Nhưng nếu chỉ căn cứ vào mồ trống thôi vẫn chưa đủ để xác quyết Ngài đã sống lại. Phải có những lần hiện ra nữa.

2. Hiện ra: Đấng Phục Sinh hiện ra với các môn đệ và nhiều người. Hiện ra với đoàn môn đệ, hiện ra với từng người. Nhất là hiện ra với người cứng tin nhất trong các Môn đệ là Toma, người đã khẳng định: Nếu tôi được xỏ ngón tay vào lỗ đinh và thọc bàn tay vào cạnh sườn Người tôi mới tin. Đấng Phục Sinh đã đáp lại đòi hỏi này của ông. Và ông đã tuyên xưng niềm tin của mình. Nhưng những lý do này vẫn chưa thuyết phục được chúng ta.

a. Các môn đệ làm chứng bằng chính mạng sống mình: Ai cũng yêu quí mạng sống mình. Không ai điên rồ để chết cho một sự lừa bịp, nếu người ta bảo các môn đệ là những người lừa dối dân chúng. Người ta chỉ dám hi sinh mạng sống mình vì một điều cao cả, vì một lý tưởng vì họ nắm chắc mình sẽ được đền bù xứng đáng. Điều này cũng có người dám hi sinh vì một điều cao cả. Nhưng còn một điều chắc chắn là cảm nghiệm Đấng phục Sinh đang sống nơi mình.

b. Cảm nghiệm Đấng Phục Sinh: Tôi nói với các anh em dự tòng: Dì không ép buộc chúng con tin những điều Dì chia sẻ, nhưng Dì mời anh chị lên đường tìm kiếm bằng cầu nguyện,bằng học hỏi, bằng đọc lời Chúa, bằng việc tham dự thánh lễ, để qua đó, Đấng Phục biểu lộ mình cho anh em. Ngài sẽ cho anh em cảm nghiệm điều mà các Tông Đồ đã cảm nghiệm để anh em có thể sống thân tình với Ngài và làm chứng về Ngài.

Thật thế, sau một thời gian học hỏi và cầu nguyện, các anh em chia sẻ: mình cảm được sự bình an hạnh phúc  mà trước đây không có. Càng tiến sâu vào cầu nguyện, anh em tin Chúa hơn, điều mà chính tôi là người chia sẻ cho anh em không thể làm được. Quả thật, Đấng Phục Sinh sẵn sàng tỏ mình cho những ai chân thành tìm kiếm Ngài.

Hôm nay Tin Mừng thuật lại cho chúng ta: Đấng Phục Sinh hiện ra với Tông Đồ đoàn trong nhà tiệc ly với cửa đóng then gài. Căn phòng này ám ảnh bởi cái chết của Thày, nơi đây, đã diễn ra những kỷ niệm ngọt ngào lẫn cay đắng. Chính nơi đây, Thày đã rửa chân cho họ và đã cùng họ ăn bữa cuối cùng. Chính nơi đây, họ đã thề nguyền trung thành với Thày và cũng nơi đây, xẩy ra sự đau lòng phản bội.  Các môn đệ đang bị tổn thương cá nhân bởi sợ hãi, hồ nghi, phản bội, cay đắng và thất vọng. Nhưng các Ngài cũng bị tổn thương tập thể  vì sự hiệp nhất của đoàn đã bị gẫy đổ: Hai trong họ đã vắng mặt, một Giu-đa đã chết vì phản bội; Toma bị khủng hoảng niềm tin. Trong cơn đau đớn này, họ đã dựng một hàng rào chung quanh họ.

Chúa Giê-su không đợi họ đến với Ngài, Ngài đến với họ để bẻ gẫy hàng rào ngăn cách này. Ngài không làm họ xấu hổ hay biểu lộ sự tức giận vì đã làm Ngài thất vọng. Đấng Phục Sinh biết họ đang ưu sầu nên Ngài không đổ dầu thêm. Ngài mang điều cần thiết đến cho họ trong lúc này. Ngài chúc bình an. Khi nhận được sự bình an, các Ngài nhận được sự tha thứ. Quá vui mừng, nhưng họ vẫn vô cùng sợ hãi. Chúa Giê-su đọc được tư tưởng của họ, Ngài bảo các Ngài đừng lầm tưởng mình là ma: “ Ma làm gì có xương có thịt như chúng con thấy Thày có đây”. Để đánh tan nỗi sợ, tạo sự gần gũi, và chứng tỏ Ngài có xương có thịt, Ngài xin họ chút cá và ăn trước mặt họ.

Hôm nay họ sẽ được bình an, bình an phủ lấp mặc cảm tội lỗi. Tình yêu, sự sống đã chiến thắng. Chính sự khiêm nhường của Chúa Giêsu trong cuộc tử nạn đã chiến thắng sức mạnh của sự dữ chống lại Ngài. Tình yêu phục sinh đã chữa lành vết thương lòng họ, làm mới lại niềm hy vọng nơi họ và cho họ sự sống và sức mạnh. Từ sự gẫy đổ và thất bại một sức sống mãnh liệt đã vươn lên. Kết qủa là họ tin vào Ngài và tin vào chính mình.

Như thế phục sinh làm cho những đau khổ của chúng ta có ý nghĩa. Nó thắp sáng đau khổ bằng niềm hi vọng. Tất cả sẽ khác vì Chúa Giê-su đang sống và Ngài nói lời bình an cho chúng ta như Ngài đã nói với các môn đệ xưa.

Hôm nay Đấng Phục Sinh cũng lặp lại một kiểu như Ngài đã làm với Toma là chỉ cho các Môn đệ xem tay chân mình. Những vết thương của sự lăng nhục, hành hạ và đóng đinh. Đó là chứng tích của tình yêu tự hiến. Ngài không dấu những vết thương này, vết thương khi bảo vệ đàn chiên. Nhờ những thương tích đó mà Ngài mang ơn cứu độ và sự bình an đến cho chúng ta.

Chắc chắn ai trong chúng ta cũng thích câu nói nổi tiếng của Thánh Phaolo: “ Nếu Chúa Giê-su không phục sinh từ cõi chết, lòng tin của chúng ta trở nên vô ích và chúng ta là người bất hạnh nhất trong mọi người”( 1Cor 15, 17-19). Thánh Phaolo đã đặt tấc cả cuộc đời Ngài trên cuộc gặp gỡ Đấng Phục Sinh, vì Ngài không biết Chúa Giê-su khi còn sống như các môn đệ. Ngài trung thành với đạo truyền thống của cha ông, nên không chấp nhận một giáo thuyết mới nào khác. Trong lúc đang hăng say bắt các Ki-Tô hữu thì Đấng Phục Sinh đã chộp bắt Ngài cách mạnh mẽ nghiệt ngã: “ Saolo! Saolo! Sao người tìm bắt Ta. Quờ quạng vì mù lòa sau cú ngã đau đớn, Ngài run sợ thưa: “ Thưa Ngài, Ngài là ai? Tiếng phát ra từ luồng ánh sáng: “ Ta là Giê-su mà ngươi đang tìm bắt”.Từ đó, Phao-lô đã sống rất nhiệt tình cho tiếng mời gọi này. Ngài đã là chứng nhân đặc biệt cho Đấng Phục Sinh đến nỗi Ngài khẳng định: “ Tôi sống nhưng không còn là tôi sống mà là Đức Ki-Tô sống trong tôi”.

Chúa Phục Sinh, Người tiên báo sự phục sinh của chúng ta sau này. Nên là Ki-Tô hữu chúng ta phải sống niềm tin này cách ý nghĩa. Chúng ta không thể sống buông thả như những người không có niềm hi vọng. Niềm tin của chúng ta vào sự sống đời đời cũng như niềm tin vào sự phục sinh của mọi người phải trở thành qui luật duy nhất và tuyệt đối trong tất cả sự chọn lựa của chúng ta. Và chúng ta phải giúp cho mọi người sống cuộc sống xứng với con người bất tử sau này. Tin vào Đấng Phục Sinh là sẵn sàng ra đi làm chứng về Ngài, sống chết cho Ngài và vì Ngài.

Xin Đấng Phục Sinh dùng chúng ta như những dụng cụ của Ngài để mọi người được hưởng sự bình an, hạnh phúc mà đời này không thể cho họ.

Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon