Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô về Mẹ Maria tại Romania: ‘Mẹ Maria lên đường, Mẹ Maria gặp gỡ, Mẹ Maria hoan hỷ’

0

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô về Mẹ Maria tại Romania:
‘Mẹ Maria lên đường, Mẹ Maria gặp gỡ, Mẹ Maria hoan hỷ’

‘Mẹ Maria ca khen những điều phi thường Chúa đã làm cho người tôi tớ hèn mọn của Người …’

31 tháng Năm, 2019 18:17

JIM FAIR

“Mẹ Maria lên đường, Mẹ Maria gặp gỡ, Mẹ Maria hoan hỉ.” Đó là những điều Đức Phanxico mô tả về Mẹ Thiên Chúa ngày 31 tháng Năm, 2019.

“Mẹ Maria ca khen những điều phi thường Chúa đã làm cho người tôi tớ hèn mọn của Người; bài ca của mẹ là bài tụng ca vĩ đại của niềm hy vọng cho những người không còn khả năng hát mừng vì họ đã mất tiếng nói của mình. Bài tụng ca hy vọng đó cũng là để khuấy động chúng ta hôm nay và làm cho chúng ta cùng hòa chung tiếng nói của mình vào đó.”

Những lời của Đức Thánh Cha nói trong bài giảng Lễ tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Giu-se ở Bucharest, sự kiện cuối cùng với công chúng trong ngày thứ nhất của chuyến tông du từ 31 tháng Năm đến 2 tháng Sáu đến Romania. Ngài tiếp tục mở rộng ba khía cạnh đó của đời sống Mẹ Maria.

Trước hết, ngài phân tích rằng cuộc sống của Mẹ gồm nhiều cuộc lên đường. Mẹ đi thăm người chị họ Ê-li-sa-bét. Mẹ về Bê-lem để sinh Chúa Giê-su. Mẹ trốn Hê-rô-đê bằng cách chạy sang Ai-cập. Mẹ lên Giê-ru-sa-lem hàng năm để dự lễ Vượt qua. Và Mẹ theo Chúa Giê-su đến nơi Người chịu đóng đinh.

“Tất cả những chuyến đi này đều có một điểm chung: chúng không hề dễ dàng; chúng luôn đòi phải có lòng can đảm và kiên nhẫn,” Đức Phanxico nói, “Những chuyến đi đó nói cho chúng ta biết rằng Mẹ của chúng ta thấu hiểu ý nghĩa của việc vượt qua đồi dốc là như thế nào, Mẹ thấu hiểu ý nghĩa cho chúng ta vượt qua đồi dốc là gì, và Mẹ là người chị bên mỗi bước đi của chúng ta trên đường. Mẹ biết sự mệt nhọc của cuộc lữ hành là như thế nào và Mẹ nắm tay dẫn chúng ta giữa những khó khăn, trong những phong ba nguy nan nhất và trả lại hành trình của cuộc sống chúng ta.”

Thứ hai, đời sống của Mẹ là một trong “những cuộc gặp gỡ.” Mẹ gặp bà Ê-li-sa-bét — nhưng cũng do Chúa Thánh Thần. Và Maria và Ê-li-sa-bét không xa cách do sự khác biệt tuổi tác.

Đức Thánh Cha giải thích, “Đáng chú ý là cô thiếu nữ đến gặp gỡ một người lớn tuổi, tìm kiếm nguồn cội của mình, trong khi người nữ cao tuổi được tái sinh và nói tiên tri về tương lai của người nữ trẻ. Ở đây, người trẻ và người già gặp gỡ, ôm lấy nhau và đánh thức những điều tốt nhất trong mỗi người. Đó là một phép lạ do văn hóa gặp gỡ đem đến, trong đó không ai bị loại bỏ hay bị gạt ra, nhưng tất cả đều được tìm kiếm vì tất cả đều là cần thiết để tỏ lộ dung nhan của Chúa.”

Thứ ba, Mẹ hoan hỉ. Mẹ ngập tràn niềm vui khi biết rằng Mẹ sẽ là Mẹ của Chúa. Và trong một thế giới có quá nhiều nỗi sợ hãi, Mẹ cho chúng ta thấy tầm quan trọng của niềm vui.

“Không có niềm vui, chúng ta ở trong tình trạng tê liệt, làm nô lệ cho những điều bất hạnh của chúng ta,” Đức Thánh Cha nói … “Đức tin sẽ bị dao động khi nó chỉ bồng bềnh trên những sự buồn bã và nản lòng. Khi chúng ta sống trong sự hoài nghi, co cụm vào bản thân, là chúng ta đi nghịch lại với đức tin.

“Mẹ Maria đến trợ giúp chúng ta, vì thay vì làm bớt đi mọi sự, Mẹ lại phóng lớn chúng lên trong ‘kính khuếch đại’ của Chúa, trong việc ca khen sự vĩ đại của Người. Đến đây chúng ta tìm được bí mật của niềm vui của chúng ta. Mẹ Maria, hèn mọn và khiêm nhường, khởi đi từ sự lớn lao của Chúa và bất kể những vấn đề của Mẹ – và không phải chỉ là một ít – Mẹ luôn tràn ngập niềm vui, vì Mẹ phó thác bản thân cho Chúa trong mọi sự. Mẹ nhắc chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa luôn luôn có thể thực hiện những điều trọng đại nếu chúng ta mở rộng tâm hồn cho Ngài và cho anh chị em của chúng ta.”

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha

Tin mừng chúng ta vừa nghe thu hút chúng ta chú ý vào cuộc gặp gỡ của hai người phụ nữ ôm lấy nhau, ngập tràn niềm vui và lời ca khen. Đứa trẻ nhảy mừng trong cung lòng bà Ê-li-sa-bét và bà chúc phúc cho người em họ vì niềm tin của mình. Mẹ Maria ca khen những điều phi thường Chúa đã làm cho người tôi tớ hèn mọn của Người; bài ca của mẹ là bài tụng ca vĩ đại của niềm hy vọng cho những người không còn khả năng hát mừng vì họ đã mất tiếng nói của mình. Bài tụng ca hy vọng đó cũng là để khuấy động chúng ta hôm nay và làm cho chúng ta cùng hòa chung tiếng nói của chúng ta vào đó. Nó thể hiện việc này qua ba yếu tố quý giá mà chúng ta có thể chiêm ngưỡng nơi người môn đệ đầu tiên: Mẹ Maria lên đường, Mẹ Maria gặp gỡ, Mẹ Maria hoan hỉ.

Mẹ Maria lên đường … Từ Na-da-rét đến nhà của ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét. Đó là chuyến đi đầu tiên của Mẹ Maria, theo tường thuật của Kinh thánh. Hành trình đầu tiên của rất nhiều chuyến đi. Mẹ sẽ đi từ Ga-li-lê đến Bê-lem, nơi Chúa Giê-su hạ sinh; Mẹ sẽ đi đến Ai-cập để bảo vệ Hài nhi thoát khỏi tay Hê-rô-đê; hàng năm Mẹ đi lên Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Vượt qua (x. Lc 2:31), và cuối cùng Mẹ sẽ theo chân Chúa Giê-su lên đồi Can-vê. Tất cả những chuyến đi này đều có một điểm chung: chúng không hề dễ dàng; chúng luôn đòi phải có lòng can đảm và kiên nhẫn. Những chuyến đi đó nói cho chúng ta biết rằng Mẹ của chúng ta thấu hiểu ý nghĩa của việc vượt qua đồi dốc là như thế nào, Mẹ thấu hiểu ý nghĩa cho chúng ta vượt qua đồi dốc là gì, và Mẹ là người chị bên mỗi bước đi của chúng ta trên đường. Mẹ biết sự mệt lử của cuộc lữ hành là như thế nào và Mẹ nắm tay dẫn chúng ta giữa những khó khăn, trong những phong ba nguy nan nhất và trả lại hành trình của cuộc sống chúng ta.

Là người Mẹ nhân lành, Maria biết rằng tình yêu lớn lên mỗi ngày trong những điều nhỏ bé của cuộc sống. Tình yêu và sự khéo léo của một người mẹ đã có thể biến một chuồng bò thành căn nhà cho Giê-su, với những tã lót nghèo nàn nhưng dư tràn tình yêu (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 286). Chiêm ngưỡng Mẹ Maria khiến chúng ta có thể hướng ánh mắt nhìn của mình về tất cả những người phụ nữ, những người mẹ và bà của những miền đất này, họ là những người với sự hy sinh lặng lẽ, sự tận tụy, và xả thân, đang định hình cho hiện tại và dọn đường cho những giấc mơ của ngày mai. Những hy sinh của họ là hy sinh lặng lẽ, kiên cường và chẳng được ca tụng; họ không e ngại “xắn tay áo lên” và vác trên vai những khó khăn vì ích lợi cho những đứa con và gia đình của họ, “hy vọng dù không có gì để hy vọng” (Rm 4:18). Ký ức sống động của dân tộc anh chị em bảo toàn ý thức mạnh mẽ của niềm hy vọng này chống lại mọi nỗ lực làm lu mờ nó hoặc dập tắt nó. Nhìn đến Mẹ Maria và tất cả những khuôn mặt của các người mẹ, chúng ta có kinh nghiệm và được ấp ủ bởi ý thức hy vọng đó (x. Aparecida Document, 536), nó tạo sinh và mở ra những chân trời của tương lai. Chúng ta hãy mạnh mẽ tuyên bố rằng: trong dân tộc của chúng ta còn rất nhiều không gian cho niềm hy vọng. Đó là lý do tại sao hành trình của Mẹ Maria vẫn tiếp tục cho đến hôm nay; Mẹ mời gọi chúng ta để cùng nhau lên đường cùng với Mẹ.

Mẹ Maria gặp gỡ bà Ê-li-sa-bét (x. Lc 1:39-56), một người phụ nữ đã cao niên (c. 7). Nhưng bà Ê-li-sa-bét, dù đã già nhưng lại là người nói về tương lai, và “được tràn đầy Thánh Thần” (c. 41), nói tiên tri những lời báo trước về mối phúc cuối cùng trong các mối phúc của tin mừng: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (x. Ga 20:29). Đáng chú ý là cô thiếu nữ đến gặp gỡ một người lớn tuổi, tìm kiếm nguồn cội của mình, trong khi người nữ cao tuổi được tái sinh và nói tiên tri về tương lai của người nữ trẻ. Ở đây, người trẻ và người già gặp gỡ, ôm lấy nhau và đánh thức những điều tốt nhất trong mỗi người. Đó là một phép lạ do văn hóa gặp gỡ đem đến, trong đó không ai bị loại bỏ hay bị gạt ra, nhưng tất cả đều được tìm kiếm vì tất cả đều là cần thiết để tỏ lộ dung nhan của Chúa. Họ không e sợ việc cùng nhau đồng hành, và khi việc này xảy đến, Chúa xuất hiện và thực hiện những điều kỳ diệu trong dân tộc của Người. Chúa Thánh Thần thúc bách chúng ta cởi bỏ con người của mình, thoát ra ngoài những thứ vây bọc chúng ta, thoát khỏi những thứ chúng ta bấu víu vào.

Thần Khí dạy chúng ta biết nhìn vượt ra ngoài hình dáng bên ngoài và khiến chúng ta nói tốt về người khác – chúc phúc cho họ. Điều này lại rất đúng khi liên quan đến những người anh chị em chúng ta là những người vô gia cư, thiếu thốn không chỉ một mái nhà che đầu hay một mẩu bánh, mà còn thiếu tình bạn và hơi ấm của một cộng đoàn để ôm lấy, trú ngụ và chấp nhận họ. Đây là văn hóa gặp gỡ; nó thúc giục người Ki-tô hữu chúng ta trải nghiệm tình mẫu tử kỳ diệu của Giáo hội, khi Giáo hội tìm kiếm, bảo vệ và tập họp những đứa con của mình. Trong Giáo hội, khi các nghi thức gặp gỡ, khi điều quan trọng nhất không phải là sự gia nhập, nhóm hay sắc tộc của riêng một người, nhưng là Dân Chúa cùng nhau ngợi khen Chúa, và rồi những điều lớn lao sẽ xảy đến. Một lần nữa, chúng ta hãy tuyên xưng mạnh mẽ: Phúc cho những ai không thấy mà tin (x. Ga 20:29), và những ai có lòng can đảm thúc đẩy sự gặp gỡ và hiệp nhất.

Khi lên đường đi thăm bà Ê-li-sa-bét, Mẹ Maria nhắc chúng ta về những nơi Thiên Chúa muốn cư ngụ và sống, nơi thánh điện của Người, và nơi chúng ta có thể cảm nhận nhịp đập trái tim của Người: đó là ở giữa Dân Người. Người ở đó, Người sống ở đó, Người chờ đợi chúng ta ở đó. Chúng ta hãy lấy lời kêu gọi của ngôn sứ cho bản thân mình là đừng sợ hãi, đừng để cho đôi cánh tay chúng ta trở nên rã rời! Vì Đức Chúa là Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta; Người là Đấng Cứu tinh đầy quyền năng (x. Xp 3:16-17). Đây là sự huyền nhiệm của mọi người Ki-tô hữu: Thiên Chúa ở giữa chúng ta như là Đấng Cứu tinh quyền năng. Cũng như Mẹ Maria, sự chắc chắn này làm cho chúng ta có thể cất lên tiếng hát vang và hoan hỷ ngập tràn niềm vui.

Mẹ Maria hoan hỷ vì Mẹ mang trong cung lòng mình Đấng Ê-ma-nu-en, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta: “Đời sống người Ki-tô hữu là niềm vui trong Thánh Thần” (Tông huấn Gaudete et Exsultate, 122). Không có niềm vui, chúng ta ở trong tình trạng tê liệt, làm nô lệ cho những điều bất hạnh của chúng ta. Thường thường những vấn đề về đức tin không liên quan nhiều đến việc thiếu những phương tiện hoặc cấu trúc, thiếu số lượng, hay thậm chí là sự có mặt của những người không chấp nhận chúng ta; thật ra chúng liên quan đến việc thiếu niềm vui. Đức tin sẽ bị dao động khi nó chỉ bồng bềnh trên những sự buồn bã và nản lòng. Khi chúng ta sống trong sự hoài nghi, co cụm vào bản thân, là chúng ta đi nghịch lại với đức tin. Thay vì nhận biết rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa, là những người mà Ngài làm cho những điều trọng đại (x. c. 49), chúng ta lại đưa mọi điều đó trở thành vấn đề của riêng mình. Chúng ta quên rằng chúng ta không phải là những đứa con mồ côi, vì chúng ta có một người Cha ở giữa chúng ta, một Đấng Cứu tinh quyền năng. Mẹ Maria đến trợ giúp chúng ta, vì thay vì làm bớt đi mọi sự, Mẹ lại phóng lớn chúng lên trong ‘kính khuếch đại’ của Chúa, trong việc ca khen sự vĩ đại của Người.

Đến đây chúng ta tìm được bí mật của niềm vui của chúng ta. Mẹ Maria, hèn mọn và khiêm nhường, khởi đi từ sự lớn lao của Chúa và bất kể những vấn đề của Mẹ – và không phải chỉ là một ít – Mẹ luôn tràn ngập niềm vui, vì Mẹ phó thác bản thân cho Chúa trong mọi sự. Mẹ nhắc chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa luôn luôn có thể thực hiện những điều trọng đại nếu chúng ta mở rộng tâm hồn cho Ngài và cho anh chị em của chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ đến những chứng nhân vĩ đại của những miền đất này: những con người đơn sơ tin tưởng vào Chúa, và từ đó họ kiên trì. Cha xin gửi lời cảm ơn đến những người chiến thắng thầm lặng này, những vị thánh nhân hàng xóm, họ chỉ cho chúng ta con đường. Những dòng lệ của họ không trở nên vô nghĩa; chúng là một lời kinh dâng lên tới thiên đàng và nuôi dưỡng niềm hy vọng của dân tộc này.

Anh chị em thân mến, Mẹ Maria lên đường, gặp gỡ và hoan hỷ vì Mẹ mang theo một điều còn lớn lao hơn chính Mẹ: Mẹ là người mang đến sự chúc lành. Giống như Mẹ, ước mong rằng chúng ta không e sợ mang đến sự chúc lành mà Romania đang cần. Ước mong anh chị em trở thành những người thúc đẩy một văn hóa gặp gỡ để đưa sự dối trá rơi vào sự thờ ơ và chia rẽ, và cho phép vùng đất này cất lên lời ca vang lòng thương xót của Chúa.

[00955-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

© Libreria Editrice Vatican

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/6/2019]

Comments are closed.

phone-icon