Sự sợ hãi dẫn bạn đến với Thiên Chúa như thế nào?

0

Từ lâu tôi đã học được rằng việc sợ những điều nhất định là hoàn toàn tốt.

Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27).

Từ lâu, tôi đã học được rằng việc sợ những điều nhất định là hoàn toàn tốt. Trong thực tế, nỗi sợ hãi có thể là một động lực tuyệt vời để giúp ai đó tránh xa những thứ có thể rất có hại cho cuộc sống của họ. Sợ hãi có thể giúp một người cẩn thận hơn nhiều khi ở trong một tình huống rất nguy hiểm. Chẳng hạn, có một bãi biển đặc biệt khá gần nơi chúng tôi sống thường có sóng đánh vào bờ rất dữ dội. Thật không may, mỗi năm đều có những người bất cẩn khi bơi ở bãi biển đó và họ bị sóng dữ cuốn đi và chết đuối. Khi chúng tôi đến bãi biển đó với các cháu của chúng tôi, chúng tôi ở ngay đó với chúng và không rời khỏi chúng vì sợ rằng chúng có thể dễ dàng bị chết đuối.

Tôi sống ở nông thôn và chúng tôi có một số thiết bị máy kéo hạng nặng để giúp giữ gìn tài sản của chúng tôi. Hầu hết mọi thiết bị hạng nặng đó đều rất nguy hiểm khi nó đang chạy và có thể giết người rất dễ dàng. Vì thế, chúng tôi có một nỗi sợ hãi lành mạnh đối với từng thiết bị đó và sử dụng từng thứ một cách rât thận trọng.

Như thế, một người nên đối phó với nỗi sợ thực sự như thế nào?

Từ “sợ hãi”, được sử dụng trong Kinh Thánh, nói chung nói đến một điều gì đó làm cho một người lo lắng và sợ hãi. Sợ hãi gần như có thể được coi là một hệ thống báo động rằng một cái gì đó có thể không đúng và rằng một cái gì đó rất nguy hiểm có thể sắp xảy ra. Nỗi sợ hãi có khả năng làm chúng ta khiếp sợ và khiến chúng ta hoang mang hoảng hốt. Tôi thường nghe mọi người nói rằng họ “đã sợ hãi chết đi được” về điều gì đó. Con rể của tôi, một thanh niên rất to lớn và mạnh mẽ, lại là người “sợ hãi đến chết được”. Cậu hầu như từ chối leo lên một cái thang cao để sửa chữa một cái gì đó. Do đó, chúng ta biết rằng một số hoàn cảnh nhất định có thể làm cho chúng ta sợ hãi. Khi điều đó xảy ra, hãy chú ý đến sự đơn giản của những gì mà Thánh vịnh 56,3 khuyên một người nên làm.

Khi con sợ hãi, con tin tưởng vào Ngài” (Tv 56,4)

Thiên Chúa thường dùng những hoàn cảnh đáng sợ để giúp dạy chúng ta rằng chúng ta luôn có thể tin cậy vào Người. Người ở ngay đó với chúng ta và Người muốn chúng ta biết sự thật đó một cách rất thực tế. Khi vợ tôi dạy bơi cho mấy đứa nhỏ, lúc đầu chúng rất sợ. Các con tôi sợ nước tràn qua đầu vì chúng không biết bơi và sợ có thể bị chết đuối. Tuy nhiên, tôi có thể nhớ vợ tôi đã ở ngay đó với chúng như thế nào và cô ấy liên tục nói với các con: “Đừng sợ. Mẹ ở ngay đây với các con mà”. Vâng, đó là những gì câu này nói với chúng ta khi chúng ta có thể sợ hãi. Chúa đang nói với chúng ta: “Đừng sợ. Ta ở ngay đây với con mà”. Chúa biết chính xác những gì đang xảy ra với chúng ta và đã hứa rằng Người sẽ không bao giờ rời bỏ hoặc bỏ rơi chúng ta.

Bình an của Thiên Chúa có thể làm gì cho tôi?

Trong câu Lời Chúa trong Tin Mừng theo Thánh Gioan 14,27, Chúa Giêsu biết rằng sau khi Người phục sinh, các môn đệ của Người sẽ phải đối diện với nhiều thời khắc rất khó khăn trong cuộc sống của họ, điều này có thể dễ dàng khiến họ sợ hãi. Họ sẽ bị đánh đập, bị bỏ tù và cuối cùng bị xử tử. Tuy nhiên, giữa tất cả những khoảnh khắc có khả năng đáng sợ đó, Chúa Giêsu muốn họ biết rằng Người có một cái gì đó mà họ cần. Người có một “sự bình an” siêu phàm và Người sẽ ban cho họ giữa những khoảnh khắc đáng sợ đó. Khi Người nói những lời đó với họ, họ sợ rằng Người sẽ rời bỏ họ và điều đó làm họ vô cùng sợ hãi. Sự bình an mà Chúa Giêsu hứa ban cho bất cứ ai đang sợ hãi một cái gì đó hoặc ai đó là một điều rất cần trong những hoàn cảnh của họ. Sự bình an siêu nhiên của Chúa là thứ làm cho một người được bình an trong cuộc sống. Sự bình an của Người giúp trấn an chúng ta rằng Người thực sự hoàn toàn kiểm soát các hoàn cảnh của chúng ta. Khi các con tôi sợ chết đuối, vợ tôi hoàn toàn kiểm soát sự an toàn của chúng và sẽ không bao giờ để chúng bị chết đuối. Cô ấy muốn chúng có được sự bình an tuyệt vời giữa một điều gì đó khiến chúng sợ hãi – và điều tương tự cũng đúng với những gì Chúa mong muốn cho cuộc sống của chúng ta. Thiên Chúa luôn kiểm soát hoàn toàn mọi thứ đang diễn ra trong cuộc sống của chúng ta và Người muốn chúng ta hiểu thực tại tâm linh đó.

Vậy, tôi nên làm gì khi trở nên sợ hãi?

Hơn bất cứ điều gì khác, chúng ta cần phải luôn luôn liên kết với Cha trên trời. Bằng cách hoàn toàn liên kết với Chúa, chúng ta đang học cách tin cậy vào Người. Chúng ta càng tin tưởng vào tình yêu và sự chăm sóc của Chúa dành cho chúng ta, chúng ta sẽ càng ít sợ hãi hơn khi những khoảnh khắc rất khó khăn xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Sợ hãi có khả năng làm tê liệt một người cả về cảm xúc lẫn tinh thần. Nó có sức mạnh làm họ mất tinh thần và khiến họ không thể hoạt động trong cuộc sống. Tôi biết một thanh niên bị thương nặng trong một tai nạn ô tô và anh bị liệt hoàn toàn từ cổ trở xuống. Anh không thể làm bất cứ điều gì cho mình – và đó chính xác là những gì nỗi sợ gây ra cho một người. Sự sợ hãi ngăn cản khả năng nhìn thấy bàn tay của Chúa trong hoàn cảnh của họ và điều đó khiến họ không tập trung vào Chúa mà chỉ chú ý vào hoàn cảnh của họ. Tuy nhiên, Thiên Chúa mong muốn điều ngược lại – Chúa muốn rằng những khoảnh khắc khó khăn sẽ giúp chúng ta tập trung vào Người; và vì thế sẽ luôn có những lúc trong cuộc sống, Thiên Chúa cho phép chúng ta ở trong những hoàn cảnh khiến chúng ta sợ hãi để chúng ta có thể biết rằng Chúa được chúng ta tin tưởng ngay cả giữa những khoảnh khắc gay go thử thách.

Hãy cầu nguyện trong tuần này:

Lạy Cha, con biết rằng những điều khác biệt thường khiến con sợ hãi, nhưng con thực sự muốn Cha là trung tâm của đời con. Con không muốn bị tê liệt vì sợ hãi. Cha sẽ giúp con đối diện với những nỗi sợ hãi dường như đe dọa cuộc sống của con và giúp con cho biết chân thành dâng chúng cho Cha?

Được viết bởi Gary Fleetwood 09/07/2019
Nguồn: [Godlife]
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

Comments are closed.

phone-icon