Sự Tha thứ và lòng thương xót đối với người khác là một quà tặng, và sự tiếp cận của chúng ta qua mối tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu, với lòng thương xót của Thiên Chúa
Bởi: John and Therese Boucher
Chúa Giêsu, lòng thương xót của Thiên Chúa đã trở nên người phàm, thường nói về sự tha thứ.
Chúa Giêsu thậm chí đã nói rằng nếu chúng ta mong muốn Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta, thì chúng ta phải tha thứ cho người khác (x. Mt 6,14-15). Đó là một đòi hỏi! Không có sự tha thứ, chúng ta có thể trở nên cay đắng và sự cay đắng có thể dẫn đến những tội lỗi khác. Là Kitô hữu, chúng ta phải tha thứ cho mọi người, không chỉ các Kitô hữu khác, nhưng là tất cả mọi người.
Thật khó để chọn một đoạn Thánh Kinh yêu thích về lòng thương xót của Chúa Giêsu, vì có rất nhiều đoạn trong số đó! Có câu chuyện về người phụ nữ xức dầu chân Chúa Giêsu và sau đó lấy tóc lau chân Người (x. Lc 7,36-50), chuyện về người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (x. Ga 7,53-8,11), hoặc câu chuyện về “người trộm lành” đã bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu (Lc 23,39-43). Thậm chí còn khó khăn hơn khi chọn một trong số rất nhiều hành động của Chúa Giêsu thể hiện lòng thương xót, chẳng hạn như ăn uống với các tội nhân và những người thu thuế hoặc tha thứ cho những người đã giết chết mình. Chúng ta có thể nói rằng Chúa Giêsu là sự nhân cách hóa lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ trong lịch sử loài người. Đây là phần đầu tiên nói về mầu nhiệm của sự tha thứ. Không phải là chúng ta yêu mến Chúa Kitô trước, mà đúng hơn là Chúa Kitô yêu thương và tha thứ cho chúng ta về tất cả những cách mà chúng ta chối từ Chúa, quay lưng lại với Chúa và chạy trốn Chúa và chạy trốn nhau. Từ tiếng Hy Lạp cho từ “forgiveness – sự tha thứ” là aphienai, có nghĩa là “buông lỏng (thả ra), “để cho đi”, “giải thoát, miễn, tha (nợ)” hoặc “bỏ qua, lờ đi”. Đó là quà tặng miễn phí của Chúa Kitô.
Chúa Giêsu tha thứ vì đó là sứ mệnh của Người. Người được Chúa Cha sai đến để sự tha thứ của Thiên Chúa sẽ thấm nhuần, lan tỏa vào trong lịch sử loài người. “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10-11). Quà tặng này đã thay đổi nhiều tâm hồn, những người nam cũng như phụ nữ có những câu chuyện được kể trong Tin mừng và vô số người khác qua nhiều thế kỷ. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, sự tha thứ này lan chảy từ trái tim của Chúa Giêsu đến tất cả chúng ta, kéo chúng ta vào niềm vui và sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi. Người phụ nữ Samari ở bờ giếng là một thí dụ điển hình cho câu trả lời vui mừng này khi chị chạy về để kể cho tất cả dân làng về Chúa Giêsu, chính những người dân làng mà chị đang tránh né (x. Ga 4, 1-42).
Nhiều vị thánh đã đưa ra những sự mô tả về bản chất của sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa. Thánh Gioan Vianney (1786-1859) đã viết: “Tội lỗi của chúng ta không là gì cả, chỉ tựa như hạt cát nằm dọc theo ngọn núi hùng vĩ của lòng thương xót Chúa”. Thánh Phanxicô Salê (1567-1622) tuyên bố rằng: “Có kẻ điên dại nào dám nghĩ rằng mình có thể phạm một tội nào đó mà Thiên Chúa không thể tha thứ được”. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo thì dạy:
“Tuy nhiên, không có ai, dù độc ác và tội lỗi, có thể không tin có niềm hy vọng được tha thứ, với điều kiện là người đó thực lòng ăn năn sám hối” (Giáo lý Rôma I, 11, 5). Chúa Kitô, Đấng đã chết cho tất cả mọi người, mong muốn rằng trong Giáo Hội của Người, cánh cổng của sự tha thứ phải luôn luôn mở cho bất cứ ai quay lưng lại với tội lỗi (982).
Điều này có nghĩa là mỗi người chúng ta phải đối diện với một lựa chọn xác định sự sống và bất chấp cái chết: tôi sẽ chấp nhận lời đề nghị này về tình yêu tha thứ vô điều kiện của Chúa Kitô hay tôi sẽ chối từ nó?
Phó Thác cho Quà Tặng của Sự Tha Thứ
Trong cuộc phỏng vấn công khai đầu tiên, được xuất bản vào tháng 9 năm 2013, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gây rúng động thế giới với câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên của người phỏng vấn: “Jorge Mario Bergoglio là ai?” Đức Giáo hoàng dừng lại vài giây và trả lời: “Tôi là một kẻ tội lỗi”. Đây là định nghĩa chính xác nhất. Nó không phải là một con số của bài phát biểu, một thể loại văn học. Tôi là kẻ tội lỗi… Tôi là một tội nhân mà Chúa đã nhìn đến” (nhấn mạnh thêm).
Đúng vậy! Kitô hữu là một người “được Chúa đã nhìn đến” với lòng thương xót và tha thứ. “Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta” (Tv 103,12). Nhưng bạn có thực sự tin điều này không? Bạn có biết làm thế nào để chấp nhận quà tặng này không? Bạn có đầu hàng Thiên Chúa như một tội nhân? Và bạn có biết làm thế nào để đáp lại bằng cách tha thứ cho chính mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa để bạn có thể đủ tự do để tha thứ cho người khác không?
Thiên Chúa Mời Gọi (Chúng Ta) Đến Với Lòng Thương Xót
Phần thứ hai của mầu nhiệm tha thứ là chúng ta được mời gọi trao tặng sự tha thứ cho những người khác. Để tha thứ cho người khác, chúng ta phải cho phép Chúa Thánh Thần hoạt động qua chúng ta để yêu thương và tha thứ cho họ. “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho em” (Mt 6,14-15). Đây là một sự thật tâm linh quan trọng có nghĩa là thước đo của mọi mối tương quan. Và nếu bạn đang nghĩ rằng tha thứ là không thể chỉ một mình bạn, thì bạn đã đúng! Sự tha thứ chỉ có thể là dấu ấn riêng biệt của bạn như một Kitô hữu nếu bạn sẵn sàng quỳ xuống và cầu xin quà tặng này. Sự tha thứ và thương xót được dành cho những người sẵn sàng mở lòng mình đối diện với một loạt các quyết định và lựa chọn có ý thức để đi vào lòng thương xót của Thiên Chúa, hết lần này đến lần khác, qua mối tương quan đang diễn ra với Chúa Giêsu Kitô sống trong quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Trích từ Việc Hàn Gắn Các Mối Tương Quan Bị Tan Vỡ, bởi John và Therese Boucher, The Word Among Us Press, 2015. Có sẵn tại wau.org/books
Theo the Word Among us [wau.org]
Prayer Resources
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương