Ý nghĩa ngày xuân

0

ngay xuan

CÂU CHUYỆN 1:

Vào những ngày cuối năm, cũng như thường lệ tôi cùng với một chị đi thăm các bệnh nhân ung bướu và trao Mình Thánh Chúa cho họ. Những ngày này, tưởng chừng bầu khí bệnh viện sẽ lạnh tanh vì ai nấy bên ngoài xã hội đang hối hả sắp xếp mọi công ăn việc làm cho ổn thỏa để kịp đón tết. Nhưng không, bầu khí lại càng nhộn nhịp hơn bởi rất nhiều đoàn từ thiện, bao gồm cá nhân, tập thể, công ty…nhớ đến các bệnh nhân vào để thăm hỏi và chúc tết họ trước khi họ về ăn tết bên gia đình của mình.

Lòng tôi không khỏi bùi ngùi xúc động, những giọt nước mắt chảy ra không phải vì đau khổ mà là một niềm vui ngập tràn đến nhỏ lệ. Tôi khóc, vì nghĩ đến xung quanh mình còn biết bao tấm lòng tốt bụng. Tôi khóc vì những người bệnh đã không bị bỏ rơi trong căn bệnh “quái ác” này. Họ cũng có một mùa xuân, một mùa xuân không giống như những mùa xuân sum vầy bên con cái gia đình. Dĩ nhiên, “xuân sum vầy, xuân đoàn tụ” là một xuân lý tưởng, xuân hoàn hảo ai cũng mong ước.  Nhưng trong tình trạng bất khả kháng này thì ta không nên hoài niệm và mong ước một cái gì đó không nằm trong tầm tay. Mùa xuân tại đây đã được đón theo cách khác, đó là những bông mai, những cành đào của tình người ngày ngày đến trao cho bệnh nhân, chia sẻ cho các bệnh nhân những bông mai có tên là “dành dụm”, những cánh đào có tên là “tiết kiệm” mà trong suốt năm qua các nhà hảo tâm đã “tưới tắm” và “vun trồng” để cuối năm “hoa nở” đem đến trao tặng cho những người gọi là “kém may mắn” hơn mình.

Chính những tấm lòng cao thượng và quảng đại này đã khiến tâm hồn các bệnh nhân cũng thêm động lực, thêm phấn khởi để chiến đấu với bệnh tật. Đồng thời, cũng làm dịu đi những lo lắng, những nỗi nhớ về một mùa xuân tại quê nhà. Tôi ước mong sao, tương lai sẽ còn có thêm nhiều những ‘bông mai’, những “cành đào” khoe nở thật nhiều nơi đây; không những thế, còn khoe nở ở nhiều chỗ khác nữa, nhất là những nơi hiện nay những người nghèo khó, bệnh tật đang phải sấp mặt để kiếm kế sinh nhai mong có được cái tết ấm no, hạnh phúc bên gia đình.

CÂU CHUYỆN 2:

Tôi có dịp được ghé thăm một anh làm việc trong hội chữ thập đỏ của quận, anh đang tất bật với những lo lắng sắp xếp chuyến xe cho các bệnh nhân để họ được đoàn tụ với gia đình trong những ngày cuối năm. Anh đúng là một con người có “một tấm lòng” dành trọn vẹn cho người nghèo, nhất là các bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân ung bướu.

Hằng ngày, vào mỗi buổi sáng lúc 2 giờ anh đã lục đục thức dậy để cùng với những cộng tác viên của nấu cháo cho bệnh nhân với mong ước những người bệnh có được chén cháo nóng hổi và chất lượng. Trong anh, luôn thao thức cho những bệnh nhân đau khổ này, bởi họ cũng là một con người như anh mà họ phải gánh một gánh quá nặng, phải chịu một thiệt thòi thật lớn, nên anh sẵn sàng giúp đỡ họ bao nhiêu có thể trong khả năng của mình. Chính vì thế, ngoài việc nấu cháo hằng ngày cho họ, anh còn sẵn sàng cho họ những chuyến xe miễn phí để họ trở về gia đình khi mà được bác sĩ báo rằng “cơ thể của bạn không còn khả năng nhận thuốc”. Lúc này, hầu như trong gia đình họ đã hoàn toàn dốc hết tiền bạc, nhà cửa trong việc chữa trị cho họ, thậm chí còn vay mượn trên dưới trước sau là đàng khác. Nên bây giờ việc bệnh viện trả về với vết ung thư lở loét, sưng phù đang từng giây phút cắn rứt từng tế bào của họ. Chưa hết, nó còn ngăn cản luôn cả lượng khí oxy vốn có mà ông trời ban cho mọi người cách nhưng không. Đã ngặt lại ngặt hơn! Tình trạng thế này, làm sao họ có thể trở về gia đình với những chuyến xe bình thường. Họ phải có một chiếc xe chuyên chở gọi là xe cứu thương. Như vậy, một chuyến có thể từ 3-5 triệu là bình thường. Họ có thể đào ở đâu ra bây giờ? Anh quan sát, anh chứng kiến và anh hiểu, nên anh đã quyết định mua xe để chuyên chở bệnh nhân. Bất kể bệnh nhân ở đâu, bất kể họ về vào giờ giấc nào chỉ cần điện thoại “alo” là anh đáp ứng ngay lập tức. Ban đầu, anh đích thân chở họ về nhà, nhưng sau này do lớn tuổi cũng như mức độ công việc tăng nên anh mướn tài xế để chạy mỗi khi bệnh nhân cần.

Chưa hết, vào những ngày cuối năm những bệnh nhân có thể cầm cự được mà bác sĩ tiên lượng có thể cho họ về quê ăn tết với gia đình được thì anh sẵn sàng thuê hẳn những chiếc xe để chở họ về từ Bình Định xuống Cà Mau. Bởi anh biết, cuối năm mà về thì họ lấy đâu ra tiền với số giá có thể tăng lên gấp 4 gấp 5 ngày thường. Rồi tôi hỏi anh, vậy mấy ngày tết thì anh cũng nghỉ ngơi không nấu cháo cho họ nữa chứ? thì anh trả lời rằng. Ngày tết mới cần, ngày Mùng Một Tết đa số các quán xá đóng cửa, những bệnh nhân phải ở lại bệnh viện trong ngày tết là những bệnh trầm trọng “chẳng đặng đừng” mới để lại bệnh viện. Họ cũng cần được ăn những chén cháo cho ấm lòng trong ngày đầu năm. Mà nếu có nấu vào ngày đầu năm, thì cũng chỉ có anh và vợ thôi chứ có ai, vì những người cộng tác viên của anh sẽ về quê ăn tết với gia đình của họ. May ra được một vào người nhiệt tình và thương anh thì đến để giúp anh đôi chút rồi cũng nhanh cho chóng để về nhà ăn tết.

Tôi thật sự nể phục anh về những gì anh đã làm cho những người bệnh nhân đau khổ này. Anh là một người không đạo, nhưng anh có một cái tâm tràn đầy Thánh Thần của Chúa. Anh đã dâng hiến hết “tuổi xuân” của anh cho những bệnh nhân, những người mà kém may mắn hơn anh. Dù anh làm gì, đi đâu anh luôn hướng về họ – những con người đau khổ. Và thật sự, anh đã mang đến cho những người Ladaro của Chúa một mùa xuân thật tuyệt vời trong cuộc đời còn lại của họ.

Lạy Chúa, trong mùa xuân này chúng con sẽ là những đóa hoa mai, đào xinh tươi tỏa hương sắc yêu thương, nụ cười, quan tâm và thân thiện đến cho mọi người, nhất là những người đang sống cạnh chúng con, những người chúng con sẽ gặp gỡ. Và hơn hết, chúng con sẽ đến với những anh chị em bệnh tật, nghèo khổ đang sống xung quanh chúng con, để mùa xuân của chúng con sẽ được tròn đầy hơn. Một mùa xuân dạt dào tình Chúa thắm đượm tình người

Nt Têrêsa Nguyễn Vân

Comments are closed.

phone-icon