Cây Bút Chì

0

Một trích đoạn nhỏ trong tác phẩm của nhà văn Adam Braun, tác phẩm mang tên “Lời Hứa Về Một Cây Bút Chì”. Đây là một câu chuyện thực tế do chính tác giả trải nghiệm, ông viết:

“Tôi tách đoàn và bắt gặp một cậu bé có đôi mắt nâu to tròn trước đó ăn xin, nhưng giờ đang ngồi một mình. Khi tôi tiến đến gần em để nói chuyện, một người đàn ông đã đến thông dịch cho chúng tôi. Tôi muốn biết, cậu bé này muốn có gì nếu em có thể có bất kỳ điều gì? Cậu bé ngẫm nghĩ vài giây, sau đó trả lời một cách tự tin:

– “Một cây bút chì ạ.”

– “Em chắc chứ?” tôi hỏi. Cậu bé không có gia đình, không có gì cả, nhưng yêu cầu của em lại quá đỗi giản dị.

Những người đàn ông khác lại gần và bắt đầu xen vào câu chuyện giữa chúng tôi. Họ hối thúc cậu bé, “Cháu có thể có bất cứ thứ gì. Anh ta có thể tặng nó cho cháu đấy!”

Cậu bé vẫn không thay đổi mong muốn của mình: “Một cây bút chì ạ.”

Tôi có một cây bút chì màu vàng trong ba lô. Tôi lấy nó ra và đưa cho cậu bé. Khi chiếc bút từ tay tôi qua tay cậu bé, khuôn mặt cậu rạng rỡ hẳn lên. Cậu nhìn nó như thể đó là một viên kim cương. Những người đàn ông giải thích, cậu bé chưa bao giờ được đi học, nhưng cậu đã thấy những đứa trẻ khác viết bằng bút chì. Đối với tôi, cây bút chì đó chỉ là một dụng cụ để viết, nhưng đối với cậu bé kia, nó là một chiếc chìa khóa. Nó là một biểu tượng. Nó là cánh cổng đến với sự sáng tạo, sự hiếu kỳ và khả năng. Tôi nhận ra rằng ngay cả những con sóng lớn cũng bắt đầu từ những gợn sóng nhỏ.”

Ngay cả những con sóng lớn cũng bắt đầu từ những gợn sóng nhỏ. Vâng trong cuộc sống, chẳng có cái gì mà không cần phải có một bước khởi đầu, cho dù khởi đầu ấy chỉ là những bước rất giản đơn và không ai nghĩ tới, nhưng nó là cái cần để có những bước tiếp theo. Cũng như cây bút chì trong tay cậu bé kia, tuy đơn giản bình thường nhưng lại có thể tạo nên những thành công phi thường. Giờ đây, đối với tôi cây bút chì không còn là một vật dụng để viết, để vẽ nhưng còn mang những sứ mạng sâu xa, tuyệt vời hơn nữa. Khi nó được trải nghiệm với những chân trời mới và những câu chuyện chưa bao giờ được kể, nó sẽ là một chiếc chìa khóa cho sự thành công, tìm tòi, khám phá, hay là nút “start” của những sự sáng tạo, cây bút chì có thể sẽ làm thay đổi một sự vật hay một con người. Nó sẽ thay đổi một tờ giấy trắng trở thành một bức tranh tuyệt đẹp, sẽ là một nhịp cầu mang đến cho nhau những thông điệp đầy yêu thương…

Nghĩ đến đây, tôi thấy cuộc đời tôi cũng có những điểm chung giống cây bút chì. Có thể với thế giới bao la rộng lớn ngoài kia tôi chẳng là gì, bởi tôi đâu phải là một doanh nhân thành đạt, đâu phải một nghệ sĩ tài ba, hay một người trổi vượt với một tài năng đặc biệt nào đó. Tôi chỉ là tôi, một cây bút chì nhỏ bé và giản đơn. Tôi không có vẻ ngoài cầu kì, rực rỡ sắc màu như bút lông chim, hay những bút chì màu; không thông minh, hiện đại như bút bi; không mềm mại, tinh tế và chỉn chu như bút máy nét thanh nét đậm. Nhưng dù như thế, tôi vẫn cảm thấy rất hạnh phúc vì tôi được chọn gọi để trở thành một người bạn, một người được đồng hành cùng họa sĩ tài ba Giêsu. Có đôi khi tôi tự hỏi tại sao một họa sĩ tài ba như Giêsu lại nhìn đến và chọn tôi, một cây bút chì thô sơ và kém cỏi, giữa biết bao cây bút xinh đẹp và tài giỏi khác, Ngài đã chọn tôi. Và tôi nhận ra rằng được chọn gọi là một ân huệ, một nhiệm mầu nhưng không Ngài dành riêng cho tôi “Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn” (Mc 3,13).

Qua bao năm tháng được cùng họa sĩ Giêsu rong ruổi trên mọi nẻo đường, tôi nhận ra một điều, cùng đi với Ngài không phải là những bước đi của cuộc dạo chơi, nhưng là cùng Ngài vẽ nên những bức tranh tuyệt vời. Và để làm nên những điều tuyệt vời ấy, người họa sĩ đòi hỏi bút chì hai điều: là lắng nghe và can đảm. Thật vậy, cần lắm một tâm hồn biết lắng nghe để bút chì nhận ra và mau mắn đáp lại tiếng gọi yêu thương, nhưng âm thầm của họa sĩ dành cho bút chì, như Samuel đã lắng nghe và đáp lại thánh ý Thiên Chúa khi người gọi cậu trong Đền thờ: “Samuel, Samuel!” và Samuel thưa: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe” (1Sm 3,10); Cần lắm sự can đảm để dám vượt ra khỏi những an toàn quen thuộc, để từ bỏ, dám dấn thân và cuối cùng là can đảm quay trở về.

  • Lắng Nghe

Một thụ tạo nhỏ bé được góp phần trong công trình của họa sĩ Giêsu, tôi hãnh diện vì đã biết lắng nghe. Nghe đàn chim ríu rít đón chào bình minh đến, tiếng róc rách của dòng nước nối tiếp nhau trong buổi trưa hè, tiếng những người bạn chia sẻ với nhau và với tôi về chuyện vui – buồn – thành công – hạnh phúc trong cuộc sống và công việc. Phải chăng, lắng nghe chỉ như thế đã là đủ? Lắng nghe không phải là một quá trình thụ động với việc chỉ đón nhận mọi âm thanh, nhưng là quá trình chủ động với việc tập trung – đón nhận – thấu hiểu – thực hành. Biết lắng nghe cũng là một đòi hỏi dành cho những cộng tác viên của họa sĩ Giêsu, trong đó có tôi.

“Thiên Chúa nói trong thinh lặng, vì thế chúng ta cần sự thinh lặng để có thể lắng nghe tiếng Chúa” (Đức Thánh Cha Biển Đức XVI). Như ngôn sứ Êlia, ông không nhận ra tiếng Chúa trong cơn gió lốc, động đất, sấm chớp và lửa, nhưng nhận ra tiếng Người trong cơn gió mát nhẹ (x. 1V 19, 11-13). Nghe mà không lắng thì làm sao nghe được tiếng Chúa, vì Chúa không nói trong sự ồn ào náo động, trong những nhộn nhịp thường nhật, Chúa nói trong thinh lặng. Đôi khi trên cuộc hành trình cần có những điểm dừng, những khoảng lặng để nghỉ ngơi, để nhìn lại cuộc đời và để lắng nghe, không phải nghe những âm thanh ồn ào mà là nghe tiếng nói của tâm hồn, nghe lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa ưu ái dành cho mỗi người. Là một cộng tác viên của họa sĩ Giêsu, cây bút chì cũng cần dành cho mình những khoảng lặng để có thể nhận ra được mong muốn của họa sĩ trên con đường cây bút chì đang đi. Nhưng nghe thôi chưa đủ, cây bút chì còn phải giữ Lời và thực hành Lời nữa, cũng như hạt giống gieo vào lòng đất nếu không chết đi và bám rễ sâu thì chẳng thể sinh hoa kết quả.

  • Can Đảm

Là một cây bút chì trong bàn tay họa sĩ tên Giêsu, tôi biết mình cần phải can đảm vượt ra những an toàn, can đảm để từ bỏ những điều không quan trọng trong sự nghiệp vẽ vời của mình. Đó là một sự can đảm cần thiết có thể dấn thân theo từng nét vẽ của người họa sĩ đang cầm tôi trên tay.

+ Can đảm vượt ra những an toàn:

Vượt ra nhưng an toàn! Đó là dám can đảm đáp trả lại lời mời gọi của Chúa như các môn đệ đầu tiên “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người” (Mt 4, 19-20), hay “Người gọi các ông, lập tức các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người” (Mt 4, 22). Bút chì cũng phải can đảm dám đứng lên, bước ra khỏi chiếc hộp an toàn là gia đình, là bạn bè,… để bước theo họa sĩ Giêsu, bỏ lại công việc đã quen thuộc để cùng họa sĩ làm nên những điều kì diệu tuyệt vời hơn.

+ Can đảm để từ bỏ:

Trên đường đi với họa sĩ Giêsu, bút chì sẽ phải gặp rất nhiều khó khăn thử thách, bởi con đường Ngài đi chẳng phải là con đường cao tốc rộng lớn, cũng không phải con đường thênh thang, chẳng là con đường bê tông dễ dàng đi lại. Con đường mà họa sĩ bước vào và mời gọi cây bút chì cùng đi là một con đường hẹp, con đường của Thập giá. Con đường ấy chẳng mấy người đi, vì bước đi trên con đường này là phải chấp nhận từ bỏ, phải hy sinh và phải chiến đấu. “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8, 34). Bước trên con đường hẹp không chỉ là bỏ lại gia đình, bạn bè, những mối tương quan, bỏ lại ước mơ, những của cải vật chất, nhưng hơn hết là từ bỏ chính mình, bỏ đi cái tôi, sự ích kỉ và hẹp hòi, vì“Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình, thì con chưa bỏ gì cả, vì chính con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con bỏ trước” (ĐHV-3). Chấp nhận bỏ mình là chấp nhận để được cắt tỉa, gọt giũa, sẽ rất đau và mệt mỏi, nhưng cuối cùng bút chì nhận ra bản thân trở nên sắc bén, và trưởng thành hơn. Trước những đòi hỏi của con đường hẹp, bút chì sợ và lo lắng lắm, bởi ý thức được bản thân nó còn nhiều bất toàn, thiếu xót và dễ ngã lòng, nó sợ mình không đủ can đảm, đủ liều lĩnh để đi theo họa sĩ. Biết được những lo lắng, băn khoăn ấy, người họa sĩ đến bên và nhẹ nhàng an ủi “Đừng lo, Ta sẽ ở cùng con luôn mãi” (x. Mt 28, 19-20). Người họa sĩ còn nói rằng, để vẽ nên những bức tranh đẹp, làm mê mẩn lòng người, cây bút chì cần phải biết đặt niềm tin tưởng, phó thác và nương ẩn vào đôi bàn tay tài hoa của người họa sĩ, để Ngài hướng dẫn và dắt dìu những nét vẽ của nó, đừng cậy sức mình để làm mọi chuyện, nhưng hãy để cho Ngài hoạt động “Hãy kí thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 35,5).

+ Can đảm để dấn thân:

Cây bút chì nhỏ bé ngày xưa, nay vẫn thế, vẫn kém cỏi và bình thường. Nhưng công việc của nó không còn chỉ là viết trên giấy, trên gỗ, mà bằng sự nỗ lực và cố gắng, người họa sĩ mong muốn cây bút chì phải để lại dấu ấn, những nét vẽ đẹp ở bất cứ nơi đâu nó đặt chân đến. Cho dù hoàn cảnh và điều kiện có khắc nghiệt như thế nào đi nữa, thì bút chì vẫn phải tiếp tục viết. Can đảm dấn thân để mọi người xung quanh có thể nhận ra những nét chữ, nét vẽ yêu thương của họa sĩ Giêsu và để tiếp tục là công cụ của tình yêu thương trong tay Ngài.

+ Can đảm quay trở về:

Trong cuộc đời ai rồi cũng một lần mắc sai lầm, cây bút chì cũng thế, nhưng một điều ưu ái mà Tạo hóa đã dành riêng cho bút chì là nó có thể sửa chữa bất kì sai sót nào đã lỡ ghi ra. Quan trọng là có đủ can đảm để nhận ra lỗi lầm, đủ khôn ngoan để rút ra bài học từ những lỗi lầm ấy và biết vượt qua chúng để hướng về phía trước.

Trước khi đưa cây bút chì vào thế giới, người tạo ra nó đã tặng thêm cho nó một cục tẩy ở phía sau, đó là cục tẩy yêu thương, cục tẩy ân sủng và lòng thương xót, để nhắc nhở bút chì rằng dầu cho nó có gây ra bao nhiêu sai sót đi nữa, người họa sĩ vẫn sẽ chờ đợi bút chì quay đầu trở lại để lại được người yêu thương và xóa bỏ mọi lỗi lầm xưa “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông” (Is 1,18)

Thay lời kết:

Qua bao chặng đường và vượt qua nhiều thử thách, cây bút chì nhận ra nó thật sự là một người được yêu, đang yêu, và sẽ tiếp tục bước đi trong tình yêu ấy. Và để đáp trả lại tình yêu vô biên ấy cây bút chì luôn cố gắng mỗi ngày, để qua nó mọi người có thể nhận ra những nét chữ yêu thương của họa sĩ Giêsu trong đời sống. Bút chì cũng hiểu rằng việc người họa sĩ chọn nó không quan trọng vì nó là ai, làm gì, nhưng chỉ cần nó biết đặt mình trong tay họa sĩ thiên tài, thì bút chì có thể cùng với người làm ra những tuyệt tác.

Để kết thúc, tôi xin mượn tâm tình của mẹ Têrêsa Calcutta để tạm kết lại những suy tư còn non dại của mình. Xin cho cuộc đời tôi luôn là cây bút chì dễ thương trong bàn tay của Thiên Chúa để Ngài có thể chuyển trao từng nét vẽ yêu thương đến muôn người.

“ Này con là cây bút chì nhỏ bé
Trong tay Thiên Chúa, Ngài đã vẽ đời con
Này con chỉ là một con người nhỏ bé
Trong tay Thiên Chúa con phục vụ anh em”

Ter. Nhật Lan (TTS)

Comments are closed.

phone-icon