Bạn được Thiên Chúa yêu thương cách phi thường.
Bạn được yêu thương
“Giống như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống” (Rm 5,18).
Bạn có đã từng hỏi ai đó: “Chuyện gì vậy?” khi rõ ràng là có điều gì đó làm họ bối rối, nhưng bạn chỉ nhận được một câu trả lời: “Ồ, … không có chi?” Có thể là chính bạn đã trải nghiệm cả hai phía của đoạn đối thoại nhỏ này và còn nhiều hơn thế nữa.
Tại sao đây là một kinh nghiệm thông thường như thế? Tại sao chúng ta thường nói: “Không sao cả” khi chúng ta biết điều đó không đúng? Đôi khi chúng ta có thể chỉ cần biết rằng người đang hỏi chúng ta có thực sự quan tâm để biết có điều gì bất ổn chăng. Đôi khi đó là vì câu trả lời thực sự của chúng ta là: “Tôi không chắc. Tôi không biết chính xác”.
Khi chúng ta đối diện với câu hỏi đó – “Chuyện gì vậy?” – câu trả lời không đầy đủ của chúng ta đều là phủ nhận (“không có gì”) hoặc sự xao lãng, bởi vì trong sự tĩnh lặng và trong những khoảnh khắc trung thực với chính mình – bạn có thể phải thú nhận rằng có điều gì đó bất ổn. Có lẽ trong những đêm khi bạn không thể ngủ, bạn nằm đó trong đêm tối và thừa nhận những gì bạn không thể tránh: điều gì đó bị đổ vỡ trong thế giới này. Điều gì đó bị đổ vỡ trong tôi.
Một Quy Chuẩn Mới?
Chúng ta đã quá quen với sự đổ vỡ là bình thường trong thế giới này đến nỗi chúng ta quên rằng nó bị đổ vỡ. Chúng ta thấy những mối tương quan gẫy đổ, con người làm tổn thương lẫn nhau, sự đau đớn và đau khổ thuộc đủ mọi loại. Chúng ta quên rằng mọi thứ không thực sự như chúng đáng lẽ phải là. Chúng ta sống trong một thế giới còn dở dang. Và có những trái tim còn đang thổn thức.
Thừa nhận sự đổ vỡ của chúng ta là đi ngược với sứ điệp mà nền văn hóa hiện tại mang đến cho chúng ta. Khi nền văn hóa đặt câu hỏi: “Có chuyện gì không ổn với bạn sao?” Nó luôn luôn trả lời: “Không có gì. Không có gì bất ổn với bạn. Bạn hoàn hảo theo cách của bạn”. Và nếu trung thực, bạn có thể nghĩ: “Thật không? Bạn đã dành thời gian cho tôi chứ?” Tôi đã dành thời gian cho tôi và tôi biết rằng câu “chân ngôn”: “Bạn hoàn hảo theo cách của bạn” chỉ đơn giản là không đúng. Điều đó thậm chí không phản ánh sự thật về chính mình!
Một trong những sự thật hiển nhiên nhất trong cuộc sống là “Tôi không OK. Sứ điệp văn hóa ngày nay luôn luôn là – Tôi ổn, bạn ổn” – là những gì bạn phải nói khi bạn không biết phải làm gì với một con tâm hồn và một thế giới còn dang dở.
Đây là tin tuyệt vời nhất về việc trở thành một tín hữu Công Giáo: Chúng ta biết những gì phải làm với một thế giới chưa hoàn hảo. Niềm tin của chúng ta không chỉ dạy chúng ta rằng thế giới này lúc khởi đầu như thế nào và những gì đã bất ổn nhưng còn dạy chúng ta biết tin tưởng Thiên Chúa như thế nào để thực hiện những gì còn dở dang. Bởi vì đó là những gì Thiên Chúa đang chuẩn bị. Tất cả bắt đầu với việc nhận thức rằng thế giới đáng lẽ phải tốt hơn chứ không như chúng ta đang thấy đây.
Lúc khởi đầu
Trong ba chương đầu của Sách Sáng Thế, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa đã tạo dựng nên thế giới này rất hài hòa, nguyên vẹn và thân thiện. Thế giới không thù địch với chúng ta và chúng ta không thù địch chống đối lẫn nhau. Con người hợp nhất với Thiên Chúa, với nhau và với thiên nhiên.
Như thế tại sao Thiên Chúa đã ban cho những con người đầu tiên một mệnh lệnh là không được phép ăn một loại trái cây mà Chúa cấm? Tại sao không bỏ cây đó ra khỏi vườn? Bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng những con người này giống như Người, theo hình ảnh của Người. Thiên Chúa là ai nơi chính yếu tính của Người. Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa tạo dựng chúng ta vì tình yêu và tình yêu đòi hỏi phải có “khả năng của sự từ chối”. Nếu tôi không thể nói không, thì tiếng nói có của tôi chẳng có ý nghĩa gì. Thiên Chúa phải có một quy tắc.
Ngày nay chúng ta có hàng ngàn thứ quy tắc luật lệ là vì chúng ta đã bị đổ vỡ thành hàng ngàn mảnh. Nhưng từ lúc khởi đầu, tất cả chúng ta là một thực thể thống nhất, đầy đủ và nguyên vẹn. Đã chỉ có một mệnh lệnh: “Hãy yêu Ta và đừng ăn trái cây đó. Tất cả phần còn lại là của các con”. Bạn có thể tưởng tượng điều đó như thế nào không?
Kinh Thánh nói rằng: “Thiên Chúa đã không làm ra sự chết … Nhưng chính bởi sự ghen tỵ của ma quỷ, cái chết đã đột nhập vào thế gian” (Kn 1,13;2,24). Chúng ta biết rằng sự ghen tỵ khác với sự ghen tương. Sự ghen tương có thể là xấu, nhưng nó không luôn luôn xấu. Nếu tôi có khuynh hướng chiếm hữu thái quá điều gì đó và nếu tôi ngày càng muốn nhiều hơn điều gì đó không chỉ dành cho chính tôi, đó là một loại ghen tương xấu. Nhưng về phương diện nào đó, sự ghen tương cũng có thể là tốt. Thiên Chúa cũng ghen tương. Những đôi vợ chồng yêu nhau thì ghen tương: họ muốn bảo vệ tình yêu đích thực của họ. Thiên Chúa đã đặt chúng ta trong vườn và nói: “Ta ghen tương về con, không phải Ta muốn tham lam và chiếm hữu, nhưng vì Ta muốn bảo vệ con”.
Ma quỷ thì có sự ghen tỵ. Nếu sự ghen tương nói: “Tôi muốn điều đó là của tôi”, sự ghen tỵ nói: “Tôi không quan tâm điều đó có phải là của tôi hay không; tôi chỉ không muốn bạn có nó”. Ma quỷ đã nói với Thiên Chúa: “Tôi không muốn tình yêu của Ngài”. Và nó nhìn thấy Thiên Chúa tuôn đổ tình yêu của Người cho con người, và nó cũng không muốn họ có tình yêu đó. Đó là sự ghen tỵ: Tôi không muốn nó nữa. Tôi cũng không muốn bạn có nó.
Do đó, Satan nói với người đàn bà rằng nếu bà ăn trái cấm, chắc chắn bà sẽ không chết, vì Thiên Chúa biết rõ rằng khi nào họ ăn nó, họ sẽ nên giống như Người. Satan ngụ ý rằng Thiên Chúa đang nói dối Adam và Eve, Người đang cất giữ điều tốt đẹp gì đó bởi vì Người không muốn cho họ nên giống như Người. Đây là một sự dối trá có tính hủy diệt theo hai cách.
Sự dối trá thứ nhất là Thiên Chúa không muốn chúng ta nên giống như Người. Sự thật là, chúng ta đã là: chúng ta đã được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa. Còn sự dối trá thứ hai thậm chí còn tệ hại hơn. Những lời của Satan ngụ ý rằng Thiên Chúa không yêu thương chúng ta.
Chấp nhận sự thật này như bi kịch của sự lường gạt mà ma quỷ đã gieo vào tâm trí con người rằng chúng ta không được yêu thương và không đáng yêu – là một sự lựa chọn đã không chỉ phá vỡ một nguyên tắc; nhưng thực sự nó đã tàn phá cả thế giới. Đó là lý do tại sao nó được gọi là “tội nguyên tổ”. Đó là tội lỗi đầu tiên và chúng ta đã gánh chịu những hậu quả của một thế giới bất ổn vì lời nói dối này.
Hậu quả này đã đổ xuống chúng ta theo hàng ngàn cách. Đó không chỉ là những con người vi phạm một mệnh lệnh nhỏ bé nhưng còn là tin rằng Thiên Chúa đã không hoàn thành. Đó không chỉ là một số người đàn ông hiện giờ đang sẵn sàng thống trị phụ nữ nhưng là những mối tương quan bị gẫy đổ. Điều đó không chỉ có nghĩa là bây giờ chúng ta chết nhưng còn là cuộc sống đã không trọn vẹn.
Vào một trong những ngày đầu tiên đến lớp, một giáo viên trường trung học Công Giáo tiến lên bảng và viết trên phần cuối tấm bảng: “Tôi tin Thiên Chúa hiện hữu” và phần bên kia, ông viết: “Tôi không tin Thiên Chúa hiện hữu”. Ông nói: “Tôi chỉ muốn biết các bạn đến từ đâu, rồi hãy đứng phía câu đó”. Chín mươi phần trăm các em đứng phía câu: “Tôi tin Thiên Chúa hiện hữu”.
Sau đó, thầy giáo xóa hai câu đó và viết hai câu mới: “Tôi tin Thiên Chúa yêu tôi” và một câu ngược lại: “Tôi không tin Thiên Chúa yêu tôi”. Và thầy chờ đợi. Khi đó hai học sinh đứng lên và chọn đứng về phía câu: “Tôi không tin Thiên Chúa yêu tôi”. Và thầy chờ đợi thêm chút nữa. Cuối cùng, toàn bộ học sinh trong lớp trung học Công Giáo này, 90% những người đã tin Thiên Chúa hiện hữu, rốt cục đã chọn đứng phía câu: “Tôi không tin Thiên Chúa yêu tôi”.
Chúa Giêsu Đến để Làm Lại Những Gì Còn Dang Dở
Ngay trước khi thi hành sứ vụ công khai của mình, Chúa Giêsu đã trải qua bốn mươi ngày ăn chay và cầu nguyện trong hoang địa. Bốn mươi ngày này nhắc lại bốn mươi năm dân Ítraen đã lang thang trong sa mạc vì sự không tuân theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Thậm chí đặc biệt hơn nữa, ba cám dỗ của Satan mà Chúa Giêsu đã chiến thắng trong hoang địa để hoàn toàn vâng phục Chúa Cha là chính những thử thách mà dân Do Thái đã không vượt qua được: để tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, để vâng phục một mình Thiên Chúa và để tôn thờ một mình Thiên Chúa. Trong sự vâng phục ba lần của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha, Người đã bắt đầu làm lại tất cả những gì chưa hoàn thành trong thế giới này.
Thậm chí, Chúa Giêsu làm giải trừ sự ghen tỵ của kẻ thù. Trong khi Satan nói với chúng ta “ta không muốn có điều tốt lành; tôi chỉ không muốn ngươi có điều tốt lành”, thì Chúa Giêsu, trong hoang địa và trên thập giá, lại nói với chúng ta: “Các con đã được tạo dựng cho điều tốt lành và Ta không cần nắm giữ nó. Ta chỉ muốn các con có điều tốt lành mà thôi. Các con được tạo dựng cho Chúa Cha và Ta có thể ở trong hình bóng của Người; Ta chỉ muốn các con có Người”.
Đúng vậy, trong mọi sự Chúa Giêsu đã đến để hoàn thành cho chúng ta và vì chúng ta, Người đang nói với chúng ta và với thế giới bị đổ vỡ này:
“Không, con không hoàn hảo, nhưng Ta sẽ chiến đấu cho con để làm cho con là của Ta”.
“Không, con không hoàn hảo, nhưng con xứng đáng để Ta hiến mạng sống của Ta cho con trong sự sự bất toàn của con”.
“Đúng vậy, thế giới này đã dang dở. Ta đang bước vào trong thế giới này để làm lại những gì còn dở dang”.
Thế giới này không hoàn hảo. Và chúng ta không hoàn hảo. Nhưng “sự bất toàn” không có nghĩa là không được yêu thương.
Vì thế, tuần lễ này bạn hãy đặc biệt chú ý để nhận ra những gì chưa hoàn thành – trong thế giới và trong bạn – và hãy ghi lại những điều ấy. Mỗi ngày bạn hãy dành ít phút tĩnh lặng mà suy niệm, hãy tự hỏi chính mình: Tôi có thể tìm thấy bằng chứng nào từ hai mươi bốn giờ qua chứng tỏ thế giới chưa hoàn thành? Nơi nào có sự đổ vỡ xung quanh chúng ta? Điều gì đổ vỡ trong tôi?
Đừng sốc bởi sự đổ vỡ mà bạn thấy. Đừng xấu hổ vì chính bạn hoặc vì người khác về điều đó. Hãy chỉ nhìn sự đổ vỡ ấy, ghi lại và mang nó đến với Chúa Giêsu. Nếu bạn nhìn ra thế giới và nghĩ: Thật kỳ quá, có quá nhiều nỗi đau đớn và quá nhiều vấn đề, hãy chỉ nói: “Ồ, đúng rồi: thế giới còn dở dang mà”.
Nếu bạn nhìn thấy cách xử sự của ai đó và nghĩ: “Tại sao họ lại giật mình như thế? Có điều gì không ổn với họ sao?” thì hãy nhớ điều này: “Đúng rồi; họ là một con người chưa hoàn hảo mà”. Nếu bạn chứng kiến một mối tương quan được cho là tràn đầy tình yêu nhưng dường như lại bị gượng ép với sự chia rẽ và tổn thương, ở đó hãy nhớ rằng: “Tôi thấy nó rồi: một tình yêu chưa hoàn hảo”.
Hãy tin tưởng Chúa Giêsu với tất cả sự đổ vỡ mà bạn nhìn thấy trong thế giới, nơi những người khác và nơi chính bạn. Hãy tạ ơn Chúa vì Người yêu thương bạn như bạn là và vì chiều dài thời gian mà Người sẽ đi để làm trọn vẹn tất cả những gì chưa hoàn thành. Hôm nay hãy xin Người phục hồi những gì còn dở dang trong cuộc sống của bạn.
Đây là một trích lọc từ cuốn sách Một Thế Giới Chưa Hoàn Thành (Dở Dang) của Cha Mike Schmitz ((The Word Among Us Press 2020), có sẵn tại www.wau.org/books.
BY: FR. MIKE SCHMITZ
Theo Word Among Us, Personal Spirituality Resources
Nguồn: https://wau.org/resources/article/undone_but_not_unloved/
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương