Thánh Giuse “Người Cha can đảm sáng tạo”

0

Hành trình chữa lành nội tâm, vốn là một trong những mục đích quan trọng của sứ vụ đồng hành thiêng liêng, theo Đức Thánh Cha gồm hai yếu tố gắn liền với nhau: đón nhận và can đảm sáng tạo. Đón nhận là dành chỗ nơi bản thân chúng ta, cho những điều mình không chọn, vốn luôn xẩy ra trong cuộc sống; và khi gặp những khó khăn, cần phải can đảm sáng tạo:

“Nếu giai đoạn đầu tiên của tiến trình chữa lành nội tâm thực sự hệ tại ở việc đón nhận lịch sử của riêng mình, nghĩa là dành chỗ nơi bản thân chúng ta, cho cả điều mà chúng ta đã không chọn trong cuộc sống, thì tuy vậy, vẫn phải nói thêm một đặc tính quan trọng khác: can đảm sáng tạo, nhất khi gặp khó khăn. Thực vậy, trước một khó khăn, người ta có thể dừng lại và bỏ cuộc, hoặc người ta có thể chịu thương chịu khó. Tuy nhiên, đôi khi những khó khăn lại làm bật ra từ nơi chúng ta, những nguồn lực mà chúng ta không nghĩ mình đang có.”

Ở phần trên, Đức Thánh Cha đã nói về con đường thiêng liêng đón nhận. Vậy tại sao còn cần phải “can đảm sáng tạo”, ngay sau khi đã “đón nhận”? “Can đảm sáng tạo” là gì? Đâu là tầm quan trọng của “can đảm sáng tạo”, trong cung cách hành động của Thiên Chúa?

Đức Thánh Cha không định nghĩa với những khái niệm trừu tượng, hay chỉ dừng lại ở bình diện kinh nghiệm nhân bản, theo đó những khó khăn, một khi được đảm nhận với sự can đảm sáng tạo, sẽ: “làm bật ra từ nơi chúng ta, những nguồn lực mà chúng ta không nghĩ mình đang có”, nhưng ngài còn mời gọi chúng ta hãy chiêm ngắm Thánh Giuse trong những “tình huống éo le”, được kể lại trong các Tin Mừng, qua đó hiểu được lòng can đảm sáng tạo của thánh nhân, nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, cách Người can thiệp và tin tưởng con người. Từ đó, Đức Thánh Cha mời gọi mỗi người:

“Chúng ta phải học từ Thánh Giuse chính sự chăm sóc và trách nhiệm đó : yêu mến Hài nhi và mẹ Người, yêu mến các Bí Tích và đức bác ái, yêu mến Giáo hội và những người nghèo. Từng điều trong những thực tại đó, luôn luôn là Hài nhi và mẹ Người.”

1. “Can đảm sáng tạo” và mầu nhiệm Nhập Thể

(a) Thánh GiuseMầu Nhiệm Giáng Sinh

Nhiều lần khi đọc “Các Tin Mừng thời thơ ấu”, chúng ta tự hỏi: tại sao Thiên Chúa không can thiệp một cách trực tiếp và rõ ràng. Nhưng Thiên Chúa lại can thiệp ngang qua các biến cố và những con người.

Thánh Giuse là người, mà qua ngài, Thiên Chúa nâng niu những bước khởi đầu của lịch sử cứu chuộc. Ngài là “phép lạ” thực sự, qua đó Thiên Chúa cứu Hài Nhi và mẹ Người. Trời Cao can thiệp bằng cách tin tưởng nơi lòng can đảm sáng tạo của người, khi tới Bê-lem và không tìm được nơi để Đức Maria sinh con, đã tìm được một cái chuồng dành cho loài vật và sắp xếp dọn dẹp, để nó trở thành, bao nhiêu có thể được, một nơi tiếp nhận cho Con Thiên Chúa đến thế gian (x. Lc 2, 6-7). Trước nguy hiểm sắp đến do vua Hêrôđê muốn giết Hài nhi, Thánh Giuse được báo tin, một lần nữa trong giấc mơ, để bảo vệ Hài nhi, và ngài tổ chức cuộc vượt biên sang Ai-Cập vào giữa đêm khuya (x. Mt 2, 13-14).

(b) Cách Thiên Chúa hành động

Một cách đọc hời hợt những trình thuật này luôn mang lại ấn tượng rằng, thế giới bị để mặc cho những kẻ mạnh và những người quyền lực. Nhưng “tin mừng” của Phúc Âm cho thấy rằng, làm thể nào mà, bất chấp sự ngạo mạn và bạo lực của những người thống trị dưới đất, Thiên Chúa luôn tìm được cách thức để thực hiện kế hoạch cứu độ của Ngài.

Cũng vậy, đôi khi cuộc sống của chúng ta dường như bị để phó mặc cho những quyền lực mạnh bạo. Nhưng Tin Mừng nói với chúng ta rằng, điều gì là đáng kể, Thiên Chúa luôn thành công trong việc cứu nó, với điều kiện chúng ta cần có lòng can đảm sáng tạo của người thợ mộc làng Nadarét, vốn biết biến đổi một vấn đề thành thời cơ, bằng cách tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

(c) Thiên Chúa tin tưởng

Nếu có những lúc dường như Thiên Chúa không trợ giúp chúng ta, điều đó không có nghĩa là Người đã bỏ rơi chúng ta, nhưng có nghĩa là, Người tin trưởng chúng ta, Người tin tưởng nơi điều chúng ta có thể dự phóng, sáng tạo, tìm ra.

Cùng là sự can đảm sáng tạo được thể hiện bởi những người bạn của người bị bại liệt, họ thả người bệnh xuống từ mái nhà để mang đến cho Đức Giê-su (x. Lc 5, 17-26). Khó khăn đã không ngăn được sự mạnh dạn và lòng cương quyết của những người bạn. Họ tin chắc rằng Chúa Giêsu có thể chữa người bại liệt, và « vì có đám đông, họ không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giê-su. Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: “Này anh, anh đã được tha tội rồi” » (c. 19-20). Đức Giêsu nhìn nhận niềm tin sáng tạo, mà với niềm tin ấy, những người này đã tìm cách đưa người bạn bệnh tật của họ đến với Ngài.

2. “Can đảm sáng tạo” và đời sống tha hương

Tin Mừng không đưa ra những thông tin liên quan tới thời gian Đức Maria, Thánh Giuse và Hài nhi lưu lại Ai Cập. Tuy nhiên, chắc chắn các ngài cần phải dùng bữa, tìm ra nơi ở, việc làm. Chẳng cần phải nhiều tưởng tượng để lấp đầy sự thinh lặng của Tin Mừng về chuyện này.

Thánh Gia đã phải đối mặt với những vấn đề cụ thể, giống như tất cả những gia đình khác, giống như nhiều anh chị em di dân của chúng ta, vốn ngày nay vẫn còn đánh liều mạng sống của mình, vì bị chi phối bởi những tai họa và nghèo đói.

Theo nghĩa này, tôi tin rằng Thánh Giuse quả thực là Đấng bảo trợ đặc biệt cho tất cả những người phải rời bỏ quê hương của mình, vì chiến tranh, hận thù, đàn áp và nghèo đói.

3. “Can đảm sáng tạo” và sứ mạng bất khả thi “mang theo Hài Nhi và Mẹ Người”

(a) Thánh Giuse, “Hài Nhi và Mẹ Người

Ở cuối mỗi biến cố, có Thánh Giuse là nhân vật chính, Tin Mừng ghi nhận rằng, ngài trỗi dậy, mang lấy Hài nhi và Mẹ Người, và làm điều Thiên Chúa đã thông truyền (x. Mt 1, 24; 2, 14.21). Quả thật, Đức Giêsu và Đức Maria Mẹ của Người là kho tàng quý giá nhất thuộc đức tin của chúng ta.[21]

Trong kế hoạch cứu độ, người ta không thể tách rời Người Con ra khỏi Người Mẹ, Đấng “đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, gìn giữ cách trung thành tương quan hợp nhất với Con của người, đến tận chân Thập giá”.[22]

Chúng ta phải luôn tự hỏi, chúng ta có bảo vệ, bằng tất cả sức lực của mình, Đức Giêsu và Mẹ Maria, vốn được trao phó cách nhiệm mầu cho trách nhiệm của chúng ta, cho sự săn sóc của chúng ta, cho sự gìn giữ của chúng ta, hay không?

(b) Thánh Giuse, “Hài Nhi và Mẹ Người”, Hội Thánh

Con của Đấng Toàn Năng đến trong trần gian, đảm nhận thân phận thật yếu ớt. Ngài làm cho mình phụ thuộc vào Thánh Giuse, để được bảo vệ, che chở, chăm sóc, nuôi nấng. Thiên Chúa tin tưởng nơi người này, như Đức Maria cũng làm điều đó, khi Mẹ tìm thấy nơi Thánh Giuse một người không chỉ muốn cứu sống mình, nhưng sẽ luôn chăm sóc cho mình và cho Hài Nhi.

Theo nghĩa này, Thánh Giuse không thể không là Đấng Gìn Giữ Hội Thánh, bởi vì Hội Thánh là sự nối dài của Thân Thể Đức Kitô trong lịch sử, và đồng thời bởi vì, tư cách làm mẹ của Đức Maria được phác họa trong tư cách làm mẹ của Hội Thánh.[23] Khi tiếp tục bảo vệ Hội Thánh, Thánh Giuse tiếp tục bảo vệ Hài Nhi và mẹ Người, và chúng ta cũng vậy, khi yêu mến Giáo hội, chúng ta tiếp tục yêu mến Hài Nhi và mẹ Người.

(c) Thánh Giuse, “Hài Nhi và Mẹ Người”, những người chót hết

Hài Nhi là Đấng sẽ nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Như thế, mỗi người thiếu thốn, mỗi người nghèo khó, mỗi người đau khổ, mỗi người hấp hối, mỗi ngoại kiều, mỗi tù nhân, mỗi bệnh nhân đều là “Hài Nhi” mà Thánh Giuse tiếp tục bảo vệ.

Chính vì thế, Thánh Giuse được kêu cầu như Đấng che chở những người cùng khốn, những người túng thiếu, những người bị lưu đày, những người sầu khổ, những người nghèo đói, những người hấp hối. Và chính vì thế, Hội Thánh không thể không yêu thương trước tiên những người chót hết, bởi vì Đức Giêsu đã đặt để nơi họ sự ưu tiên, Người đồng hóa với họ một cách đích thân.

“Chúng ta phải học từ Thánh Giuse chính sự chăm sóc và trách nhiệm đó : yêu mến Hài nhi và mẹ Người, yêu mến các Bí Tích và đức bác ái, yêu mến Giáo hội và những người nghèo. Từng điều trong những thực tại đó, luôn luôn là Hài nhi và mẹ Người.”

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Comments are closed.

phone-icon