Thánh Giuse – Người Cha Trong Bóng Tối

0

Thánh Giuse là người cha thay mặt cho Chúa Cha đối với Chúa Giêsu: người cha đích thực là: bảo đảm cho người con, nâng đỡ để con phát huy; không vì mình mà chỉ nhằm làm bệ đỡ để người con phát triển; khác với khuynh hướng “chiếm hữu” độc đoán.

I. Phần Dẫn Ý

1. Thánh Giuse là “hình bóng của Chúa Cha” trên cuộc đời Chúa Giêsu

Nhà văn Ba Lan Jan Dobraczyński, trong tác phẩm “Hình bóng của Chúa Cha”, đã kể câu chuyện về cuộc đời của Thánh Giuse theo hình thức tiểu thuyết. Ông dùng hình ảnh gợi liên tưởng của một cái bóng để nói về Thánh Giuse. Trong mối tương quan với Chúa Giêsu, Thánh Giuse là hình bóng trần gian của Cha trên trời: Ngài trông nom và bảo vệ Chúa Giêsu, không bao giờ để Chúa Giêsu đi một mình. Chúng ta có thể nghĩ đến những lời của Môsê nói với Israel: “Trong sa mạc … ngươi đã thấy Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi bồng bế ngươi như người ta bồng bế con mình, trên mọi nẻo đường các ngươi đi” (Đnl 1,31). Tương tự như vậy, Thánh Giuse đã đóng vai trò một người cha trong suốt cuộc đời của Ngài.

Chúng ta không sinh ra là cha, nhưng trở thành người cha. Một người không trở thành cha đơn giản chỉ vì sinh ra một đứa con, nhưng vì đảm nhận trách nhiệm chăm sóc đứa con ấy. Bất cứ khi nào một người nhận trách nhiệm về cuộc sống của một người khác, thì một cách nào đó, họ trở thành cha của người ấy.

2. Phẩm trật trong Hội Thánh nên xử với nhau bằng “tâm tình người cha”: Nâng đỡ, không chiếm hữu

Trẻ em ngày nay dường như mồ côi cha. Hội Thánh cũng cần có những người cha. Lời Thánh Phaolô nói với các tín hữu Côrintô vẫn còn hợp thời: “Dù anh em có vô số người hướng dẫn trong Đức Kitô, nhưng anh em không có nhiều người cha đâu!” (1 Cr 4,15). Mỗi linh mục hay giám mục đều có thể nói thêm, cùng với vị Tông đồ rằng: “Tôi đã trở thành cha của anh em trong Chúa Giêsu Kitô nhờ Phúc âm” (1 Cr 4,15). Thánh Phaolô cũng nói tương tự như vậy với các tín hữu Galata: “Hỡi các con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Đức Kitô được thành hình nơi anh em!” (4,19).

Làm cha có nghĩa là đưa con cái đến với cuộc sống và với thực tế. Không giữ chúng lại, không bảo bọc chúng quá đáng hay sở hữu chúng; mà là giúp cho chúng có khả năng tự quyết định, tận hưởng tự do và khám phá những khả năng mới. Có lẽ vì thế mà ngoài danh hiệu cha, truyền thống còn gọi Thánh Giuse là Đấng “cực thanh cực tịnh”. Tước hiệu đó không đơn thuần là một dấu chỉ của lòng yêu mến, mà còn là tóm lược một thái độ đối lập với tính chiếm hữu. Thanh khiết là sự tự do thoát khỏi thái độ chiếm hữu trong mọi lĩnh vực đời sống của mình. Chỉ khi nào tình yêu thanh khiết, đó mới là tình yêu thực sự. Một tình yêu chiếm hữu cuối cùng sẽ trở nên nguy hiểm: nó giam hãm, bóp nghẹt và gây đau khổ. Chính Thiên Chúa đã yêu nhân loại bằng một tình yêu thanh khiết; Ngài để chúng ta được tự do, thậm chí phạm tội và chống lại Ngài. Luận lý của tình yêu luôn là luận lý của tự do, và Thánh Giuse biết cách yêu thương với thái độ tự do phi thường. Ngài không bao giờ biến mình thành trung tâm của mọi sự. Ngài không nghĩ về mình, mà luôn nghĩ về cuộc đời của Mẹ Maria và Chúa Giêsu.

3. Nhân loại cũng cần ứng xử với nhau bằng “tâm tình người cha”

Thánh Giuse tìm được hạnh phúc không phải ở sự hy sinh bản thân mà là ở sự tự hiến. Nơi ngài, chúng ta không bao giờ thấy nỗi thất vọng, mà chỉ thấy niềm tin tưởng. Sự thinh lặng kiên nhẫn của ngài dẫn tới những thể hiện cụ thể của lòng tin tưởng. Thế giới của chúng ta ngày nay cần những người cha. Nó không chấp nhận những bạo chúa, những kẻ hà hiếp người khác như một phương tiện để bù đắp cho nhu cầu của chính họ. Nó từ chối những người nhầm lẫn quyền hành với độc đoán, phục vụ với tùng phục, thảo luận với áp bức, bác ái với trợ giúp, sức mạnh với hủy diệt. Mọi ơn gọi đích thực đều được sinh ra từ việc tự hiến, là hoa trái của sự hy sinh chín chắn. Chức linh mục và đời sống thánh hiến cũng đòi hỏi phải có sự chín chắn như vậy. Dù ơn gọi của chúng ta là gì, kết hôn, độc thân hay sống trinh khiết, việc cho đi chính mình sẽ không thành toàn nếu nó chỉ dừng lại ở sự hy sinh; nếu thế, thay vì trở thành một dấu chỉ của vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu, việc cho đi chính mình sẽ có nguy cơ trở thành biểu hiện của bất hạnh, buồn bã và thất vọng.

Mỗi khi thi hành thiên chức làm cha, chúng ta phải luôn nhớ rằng thiên chức ấy không liên quan gì đến sự chiếm hữu, mà là một “dấu chỉ” hướng đến một tình phụ tử lớn hơn. Một cách nào đó, tất cả chúng ta đều giống như Thánh Giuse: là cái bóng của Cha trên trời, Đấng “làm cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ cũng như người lành, và làm mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5,45). Và là cái bóng bước theo Con của Ngài.
(Trích Tông Thư Patris Corde, Bản dịch của HĐGM – Việt Nam)

II. Gợi Ý Suy Niệm

1. “Trong mối tương quan với Chúa Giêsu, Thánh Giuse là hình bóng trần gian của Cha trên trời”. Trong yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng vũ hoàn và tiếp tục chăm sóc (x. Kn 11:24-26). Vì vâng lời và góp phần vào chương trình cứu độ, Thánh Giuse đã hoàn thành xuất sắc vai trò người “Cha” với Chúa Giêsu: tất cả vì Hài Nhi và cho Hài Nhi. Hãy xác định vị trí của mình trong gia đình, trong tập thể và sống với nhau bằng sự quan tâm tế nhị, xây dựng.

2. “Tôi đã trở thành Cha của anh em trong Chúa Giêsu Kitô nhờ Phúc Âm” (1Cr 4,15). Giám mục, linh mục, bề trên, lớp trưởng, trưởng cộng đoàn… hãy ứng xử với những người liên quan bằng tâm tình người cha (thực sự quan tâm đến cấp dưới); và ngược lại, là bề dưới chúng ta cũng ứng xử sự quan tâm, trưởng thành, xây dựng … nghĩa là vì Chúa, vì ích chung chứ không vì mình.

3. “Thế giới và chúng ta ngày nay cần những người cha”. “Người cha phủ bóng” ở đây là sự quan tâm, cố gắng hết tâm hết sức đối với những người liên hệ với chúng ta. Đặc biệt cần cho những người chủ trong gia đình biết thực sự hy sinh và tự hiến cho vợ cho con; cho những người mà chúng ta có trách nhiệm hoặc cùng chung sống.

III. Quyết Tâm

Lm. Giuse Trần Đình Thụy

Comments are closed.

phone-icon