Thiên Chúa ở cùng chúng ta – Chúng ta ở cùng Thiên Chúa

0

Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy Thánh Thần. Bà Ê-li-sa-bét kêu lớn tiếng và nói rằng : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

Bài giảng

Câu chuyện Ðức Ma-ri-a viếng thăm bà Ê-li-sa-bét mà chúng ta vừa nghe, hướng chúng ta đến niềm vui Giáng Sinh, mừng Ngôi Hai Thiên Chúa đến ở giữa chúng ta cách đây hơn 2000 năm. Từ giây phút một thiếu nữ thành Na-da-rét tên là Ma-ri-a thưa tiếng “xin vâng”, lịch sử loài người đã mở sang một trang sử mới : Thiên Chúa làm người và đến ở với con người. Người là Em-ma-nu-en, có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Người đến dựng xây Vương Quốc Tình Yêu. Và Vương quốc này sẽ vô cùng vô tận.

Đức Ma-ri-a đã tin vào lời của sứ thần Gáp-ri-en. Và Mẹ vội vã lên đường, vượt núi băng đồi trên hành trình hơn 120 km với bao hiểm nguy rình rập để chia sẻ tin mừng trọng đại này. Mẹ đến nhà người chị họ là Ê-li-sa-bét, để chăm sóc và giúp đỡ chị mình sắp đến ngày sinh. Một cử chỉ đơn sơ, tế nhị đầy tình cảm gia đình đủ để làm nẩy sinh một hành động đức tin. Ngay trước khi được sinh ra, hài nhi Gio-an đã làm người tiên báo và chào Ðấng phải đến. Chính mẹ của Gio-an đã nói thay khi nhận ra Đức Ma-ri-a là Thân Mẫu Chúa tôi”.

Em thật có phúc vì đã tin”. Qua câu nói này, bà Ê-li-sa-bét đưa ra một mối phúc mới và khám phá điều bí mật của Ma-ri-a, đó là đức tin của Ma-ri-a. Mẹ đã tin và tất cả có thể được thực hiện. Sau khi nói tiếng « vâng », Mẹ trở thành thân mẫu của Chúa, người nữ được chúc phúc hơn mọi người nữ.”

Nếu lòng tin và lòng mến thúc đẩy chúng ta đến với những người khác, như bà Ê-li-sa-bét, chúng ta sẽ thấy thân mẫu của Chúa và chính Thiên Chúa đến với chúng ta. Lúc nào cũng thế : qua mọi hành vi bác ái, dù có đơn sơ, tầm thường đến đâu cũng đều biểu lộ dung mạo của Ðức Giêsu. Sống bác ái là cách đẹp nhất và chắc chắn nhất để chúng ta nói về Chúa.

Lễ Giáng Sinh sắp đến, lễ của Chúa Cha dâng Con Một mình để cứu chuộc nhân loại, lễ của con người trong niềm vui và hy vọng. Còn chúng ta, chúng ta sẽ dâng gì cho Chúa ? Món quà cao quý nhất dâng cho Người, phải chăng là đón nhận Người và đón nhận anh chị em mình, nhất là những ai đang cần đến chúng ta ?

Bà Ê-li-sa-bét không chỉ đại diện cho những người mẹ tương lai mong chờ một cuộc thăm viếng thân tình mang đến sự hiện diện, niềm an ủi và sự nâng đỡ trong thời điểm quyết định, mà còn đại diện vô số những bệnh nhân, những người già yếu, bị bỏ rơi, cô đơn trong các viện dưỡng lão, các trẻ em đường phố, những tù nhân bị lãng quên. Tất cả những người đó đang chờ một cuộc thăm viếng, một cuộc gặp gỡ. Và chúng ta cũng vậy, cách này hay cách khác, tất cả đều cần một ánh mắt cảm thông của người khác, chúng ta mong chờ một cuộc gặp gỡ có thể biến đổi một điều nào đó trong cuộc đời chúng ta.

Cuộc viếng thăm của Mẹ Ma-ri-a không chỉ là một gương mẫu của sự tận tụy sẵn sàng phục vụ, mà còn mở ra một viễn cảnh hoàn toàn mới. Từ nay, qua con người, qua Ðức Kitô xuống thế làm người, Thiên Chúa viếng thăm nhân loại. Và khi thăm viếng anh chị em mình chính là lúc chúng ta thăm viếng chính Thiên Chúa. Trong cuộc viếng thăm cuối cùng, họ sẽ ngạc nhiên kêu lên : “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã đến thăm Chúa ? ” Và Chúa sẽ trả lời họ : “Khi các ngươi thăm người đau yếu, tù nhân, người nghèo… và tất vả những người khác, là các ngươi đã viếng thăm chính ta.” (xem Mt 24, 31-46).

Chúa đến với chúng ta, nhưng Người chờ tiếng « xin vâng » của chúng ta, Người chờ đợi lời đáp trả đón nhận hoặc khước từ Người. Trong sách Khải Huyền, cuốn sách cuối cùng của Kinh Thánh, Chúa nói với mọi người : Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3, 20).

Kìa, Chúa đến ! Chúng ta hãy mở cửa ! Ước gì lễ Giáng Sinh là lễ của “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, và cũng là lễ của “Chúng ta ở cùng Thiên Chúa” !

Comments are closed.

phone-icon