“Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a” – Suy niệm ngày 08.9.2022

0

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

TIN MỪNG: (Mt 1, 1-16.18-23)

1 Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham:

2 Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này;3 Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram;4 A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn;5 Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê;6 ông Gie-sê sinh Đa-vít.

Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn7 Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa;8 A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia;9 Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia;10 Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia;11 Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.

12 Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven;13 Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do;14 A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút;15 Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp;16 Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

17 Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.

18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

+++++++++++++++

Các ngày lễ về Đức Maria trong năm Phụng Vụ được Giáo Hội xác định từ từ trong dòng lịch sử. Chẳng hạn, tước hiệu Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, được tuyên bố bởi công đồng Ê-phê-sô, vào năm 431.

Cũng vậy, Giáo Hội bắt đầu mừng lễ Sinh Nhật của Đức Maria vào TK VI. Ngày sinh nhật Đức Mẹ được Giáo Hội chọn là ngày 8/09, bởi vì ngày này cách đúng chín tháng, so với ngày lễ Vô Nhiễm của Đức Mẹ, ngày 8/12.

Mọi ngày lễ của Đức Maria, trong đó có lễ Sinh Nhật, đều có liên quan đến Đức Ki-tô, chuẩn bị cho Đức Ki-tô, đến từ Đức Ki-tô, hay nói theo ngôn ngữ thần học, đều có nền tảng Ki-tô học: Đức Giê-su được sinh ra từ một người mẹ; Giái Hội đã cử hành trọng thể, trong niềm vui và trong tâm tình tạ ơn, ngày sinh của Đức Giê-su-Lễ Giáng Sinh, thì hôm nay chúng ta hiệp thông với Giáo Hội, cũng trong niềm vui và trong tâm tình tạ ơn mừng sinh nhật Mẹ của Người.

Lễ Sinh Nhật của Đức Mẹ, cũng làm cũng ta cũng nhớ tới sinh nhật của chúng ta, nghĩa là nhớ tới ƠN HUỆ SỰ SỐNG, mà chúng ta bắt đầu cầu nguyện sáng nay với Tv 139: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo; dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con” (c.13). Xin Mẹ Maria cầu bầu cho chúng ta được ơn tái sinh:

  • Tái sinh là nhận ra tình thương bao dung của Chúa: “Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng”; “Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con”…
  • Tái sinh là thái độ nội tâm, đoạn tuyệt với sự dữ: “Ước gì bọn khát máu, đi cho khuất mắt con” (c. Tv 139, 19-22).
  • Và tái sinh là ước ao để cho Chúa dẫn đưa, bởi Đức Giê-su, Con của Người: “Xin dẫn con theo chính lộ ngàn đời” (c. 24).

 1. “Bà là Mẹ Đức Giê-su”

Với Thánh Lễ kính nhớ biến cố Đức Mẹ sinh ra, Giáo Hội muốn nói với chúng ta rằng để chuẩn bị cho Đức Maria trở thành Mẹ Đức Giêsu, và qua Đức Giêsu, Người trở Mẹ của chúng ta, Thiên Chúa đã chuẩn bị từ rất lâu trước đó, nghĩa là từ lúc được hình thành trong dạ mẫu thân, như Tv 139 nói:

Tạng phủ con chính tay Ngài cấu tạo,
dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.
(Tv 139, 13)

Và Thánh Phaolô cũng nói trong thư tín hữu Galát: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong bụng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người” (Ga 1, 15).

Tuy nhiên bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta khám phá rằng sự chuẩn bị của Thiên Chúa có tầm mức rộng lớn và lâu dài hơn nhiều, hơn rất nhiều biến cố sinh ra.

 2. Đức Maria và thánh Giuse

Đức Maria có sứ mạng sinh ra Đức Giêsu-Ki-tô, Con Thiên Chúa. Đó là một sự sinh ra cách lạ lùng, nghĩa là không cần người nam. Tuy nhiên về mặt xã hội, một em bé không thể sống và lớn lên bình thường nếu không có bố. Do đó, Thiên Chúa cũng phải chuẩn bị phía “Đàng Trai” nữa, nghĩa là phía gia tộc của Thánh Giuse, như bài Tin Mừng kể lại cho chúng ta.

Chính vì thế, chúng ta mừng sinh nhật Đức Maria, nhưng Bài Tin Mừng lại nói về sự sinh ra của Thánh Giuse: “

Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a,
bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.
(c. 16)

Và đàng sau bố Giacóp là cả một gia tộc, gia tộc của Lời Hứa, là cả một Dân Tộc, Dân Tộc được Thiên Chúa chọn mà chính Đức Maria và Đức Giêsu cũng thuộc về.

Bản Gia Phả trong Tin Mừng theo thánh Luca còn đẩy dân tộc của thánh Giuse, Đức Mẹ và Đức Giêsu đi xa hơn, tới ông tổ Adam, nghĩa là đến thời điểm Sáng Tạo:

Khi Đức Giê-su khởi sự rao giảng, Người trạc ba mươi tuổi. Thiên hạ vẫn coi Người là con ông Giu-se. Giu-se là con Ê-li, Ê-li con Mát-tát… E-nốt con Sết, Sết con A-đam và A-đam là con Thiên Chúa. (Lc 3, 23-38)

Và Sáng Tạo cũng là gốc gác của mỗi người chúng ta. Nghĩa là, ở mức độ sáng tạo, chúng ta có cùng một nguồn gốc với Thánh Gia.

3. Lịch sử cứu độ

Và nếu chúng ta đọc kĩ gia phả của dân tộc mà Thánh Gia thuộc về, thì dân tộc này cũng có một lịch sử thanh trầm như bao dân tộc khác: thời hoàng kim, thời lưu đày bi đát, và có cả một thời thinh lặng, vì chẳng còn gì để viết để kể.

Hơn nữa dân tộc này cũng đầy tội lỗi như bao dân tộc khác: Các ông tội lỗi đương nhiên rồi, như vua Đa-vít, một khuôn mặt tượng trưng cho lời hứa, và Đức Giê-su sau này sẽ mang tước hiệu là “Con Vua Đa-vít”. Nhưng có cả các bà, đầy bất toàn. Thật vậy, trong bản gia phả, tuy chủ yếu nói về việc bố sinh con, nhưng cũng có sự hiện diện của bốn người phụ nữ:

  • bà Tamar, phạm tội loạn luân với bố chồng,
  • bà Rahab, là cô gái đứng đường đất Canaan,
  • bà Ruth gốc Moab, nghĩa là dân ngoại
  • và bà Bátseva, vợ của tướng Uria, phạm tội ngoại tình với vua Đa-vít.

Khám phá này làm cho chúng ta thật an ủi, bởi vì ngang qua sự sinh ra và lời xin vâng của Đức Maria và Thánh Giuse, Đức Giêsu đến mang lấy tội của dân tộc Ngài và tội của cả loài người chúng ta, như sứ thần nói với thánh Giuse:

Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ. (Mt 1, 20-21)

Giống như Đức Maria, ơn gọi của chúng ta cũng được Thiên Chúa chuẩn bị từ  rất xa, nhưng không phải chỉ bằng những cách thức ngoại thường, nhưng cũng bằng những nẻo đường rất bình thường và cũng rất đời thường, và với cả những thăng trầm, những yếu đuối, sai lầm và tội lỗi nữa.

Ghi nhớ những ân huệ nhưng không Thiên Chúa ban cho cuộc đời chúng ta, nhất là ơn sinh ra, chúng ta sẽ có sự hiểu biết sâu sa để yêu mến và dấn thân bền vững hơn trong bình an và niềm vui, ơn gọi làm người và nhất là ơn gọi đi theo Đức Ki-tô theo gương của Đức Maria, Mẹ của chúng ta.

Comments are closed.

phone-icon