Tác giả: Đức Giám mục Paul Loverde
Nguồn: WAU, Advent Issue 2022
Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương chuyển ngữ
Một bức tường đổ nát và một Thiên Chúa tình yêu
Chúa đã thuyết phục tôi rằng có thể có một tình yêu cá vị với Người
Trong suốt những năm làm linh mục và giám mục, tôi đã có nhiều cuộc gặp gỡ với những người đang gặp khó khăn. Khi chúng tôi nói chuyện, tôi có thể cảm nhận được một câu hỏi dường như luôn luôn là trọng tâm trong những cuộc đấu tranh của họ: “Tôi, một người tín hữu bình thường, có thể thực sự cảm nghiệm được mối tương quan cá vị và yêu thương với Chúa không?”.
Câu trả lời đang vang lên là “Có!”
Đáp Lại Thiên Chúa Yêu Thương. Chúng ta cần nhớ rằng Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,16). Ngay cả khi chúng ta lầm lạc trong tội lỗi, Người vẫn yêu thương và tìm kiếm chúng ta. Bởi vì tình yêu của Người luôn luôn trung tín, Người vẫn mong chúng ta đáp lại tình yêu của Người.
Chúng ta chỉ cần đọc dụ ngôn về Người Con Hoang Đàng để thấy Thiên Chúa ước ao một mối tương quan với chúng ta cách sâu sắc thế nào (x. Lc 15,11-32). Hãy nhớ lại rằng người cha của đứa con hoang đàng đã tan nát cõi lòng vì đứa con thứ đã vội vã bỏ nhà đi. Ngày qua ngày, người cha vẫn nhìn xuống đường, hy vọng thấy con trở về. Cuối cùng, khi nhìn thấy con trai mình, ăn mặc tồi tàn và gầy ốm quá đỗi, ông chạy thật nhanh để đón cậu trở về. Không quan tâm đến việc con trai mình thú nhận lỗi lầm, ông vòng tay ôm lấy cậu và hôn cậu. Đây là cách Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết bao! Một khi chúng ta thống hối trở về với Người – không quan trọng chúng ta đã làm gì sai trái – Người sẽ ôm lấy chúng ta với một tình yêu tha thứ, chữa lành và củng cố, làm cho chúng ta nên mạnh mẽ.
Cách đáp trả duy nhất đối với một tình yêu mạnh mẽ như thế chỉ có thể là yêu Chúa lại. Đó là bước vào một mối tương quan cá vị với Người. Chúa Giêsu đã làm cho mối tương quan đó thành có thể qua cái chết và sự phục sinh của Người, và giờ đây Người mời gọi chúng ta cảm nghiệm mối tương quan đó trong cộng đoàn của các môn đệ của Người, là Giáo Hội.
Tôi muốn chia sẻ với các bạn cách tôi đã nhận thức được chân lý này – và sự nhận thức đó đã làm thay đổi cuộc sống của tôi như thế nào.
Bạn Không Hiểu Được Điều Đó sao? Từ khi còn là một cậu bé, tôi đã hiểu và cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Giêsu dành cho tôi. Tuy nhiên, dường như luôn có một bức tường bằng kính ngăn cản tôi cảm nghiệm tình yêu của Người theo cách cá vị và thân mật. Tôi có thể cảm nhận rằng nó chỉ ở bên kia bức tường đó, nhưng tôi không thể với tới nó – ít nhất không đạt tới mức độ mà tôi đã mong muốn được trải nghiệm. Dĩ nhiên, đó không phải là lỗi của Chúa Giêsu, nhưng là do lỗi của tôi. Tôi hầu như không mở lòng ra đủ để lãnh nhận món quà này.
Sau đó, vào năm 2010, trong suốt kỳ tĩnh tâm tám ngày với một nhóm anh em giám mục, vị hướng dẫn tĩnh tâm đã đề nghị tôi nên cầu nguyện với đoạn này trong sách ngôn sứ Isaia: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta… Vì trước mắt Ta, ngươi thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương… Ta ở với ngươi” (Is 43,1.4.5).
Cúi đầu xuống, tôi bắt đầu nghĩ mình thật bất xứng để được yêu thương quá sâu đậm như thế. Tôi nghĩ: “Được yêu như vậy ngay bây giờ. Có lẽ tôi sẽ nhận biết điều đó sau này”. Rồi trong thâm tâm, tôi nghe Chúa nói: “Hãy ngước nhìn lên Ta! Con không hiểu điều đó sao? Con quý giá trong mắt Ta. Đúng vậy, con là một kẻ tội lỗi, nhưng con là một kẻ tội lỗi đã được cứu chuộc bởi chính tình yêu của Ta dành cho con. Ta yêu con ngay bây giờ, ngay lúc này!”
Trong giây phút đó, bức tường kính vỡ tan và tôi òa khóc vì sung sướng – cách nhẹ nhàng nhưng ôi, thật biết ơn biết bao! Bạn có thể tưởng tượng tôi đã cảm nhận thế nào không? Tình yêu đang tuôn trào quá dạt dào trong trái tim tôi!
“Hãy Ở Lại trong Thầy”. Giờ đây, kinh nghiệm đó không xảy ra mỗi lần tôi cầu nguyện hoặc cử hành Thánh Thể. Nhưng tôi không thể và sẽ không bao giờ quên giây phút đó đã biến đổi cuộc đời của tôi như thế nào. Nhờ lòng thương xót tuyệt vời của Chúa, giờ đây tôi đang sống một cách thức mới – không hoàn hảo, nhưng với một sự nhận thức nội tâm mà tôi không thể phủ nhận.
Giờ đây, khi tôi giơ cao Mình Thánh và Chén Thánh đã được truyền phép lên, tôi nhớ lại câu mở đầu thư thứ nhất của Thánh Gioan: ‘Điều chúng tôi đã nghe… điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến… giờ đây chúng tôi xin loan báo cho cả anh em nữa’ (1Ga,1.3). Hoặc một câu trong Sách Diễm Ca xuất hiện trong tâm trí tôi: “Tôi vội níu lấy chàng và chẳng chịu buông ra” (Dc 3,4). Trong khoảnh khắc quý giá đó, tôi đang ôm chính Chúa Giêsu, Đấng đã tuôn tràn tình yêu của Người trên tôi – và Người đang ôm lấy tôi!
Tôi xác tín rằng loại kinh nghiệm này không chỉ dành cho một vài người đặc biệt. Chúa Giêsu muốn mọi tín hữu đều nhận biết mình được yêu thương cách sâu sắc như thế nào. Người đã chỉ ra mối tương quan này trong Bữa Tiệc Ly, khi Người nói với các môn đệ của Người rằng: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15,4). Từ “remain (ở lại)” cũng có thể được dịch là “ở bên (abide)” hay “ở trong (dwell in)”. Mỗi động từ trong số ba động từ này rõ ràng đề cập đến mối tương quan mật thiết mà Chúa kêu gọi chúng ta.
Vậy làm cách nào chúng ta luôn kết hiệp với Chúa Giêsu? Bằng cách nuôi dưỡng mối tương quan đó và bảo vệ nó mỗi ngày.
Đối Với Suy Tư của Bạn. Một trong những cách tốt nhất chúng ta có thể làm được điều này là cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể. Ở đó, theo một cách duy nhất, trái tim của Ngài có thể nói với chúng ta. Khi chúng ta nhìn lên Ngài thực sự hiện diện trong tấm Bánh Thánh đã được thánh hiến, Người đang nhìn chúng ta với tất cả tình yêu.
Hãy để tôi gợi ý một vài đoạn bạn có thể suy niệm khi thờ lạy Chúa Kitô Thánh Thể: Is 43,1-5; Ga 1,35-39, trình thuật việc các môn đệ hỏi Chúa Giêsu: “Thầy ở đâu?” và Người trả lời: “Đến mà xem”; đoạn Mc 10,17-22 nói về việc Chúa Giêsu nhìn chúng ta với tình yêu thương; đoạn Ga 15,4-10 kể lại việc Chúa Giêsu mời gọi chúng ta ở lại trong Người; và Ga 21,15-17 trình thuật việc Chúa Giêsu hỏi Phêrô ba lần “Con có yêu mến Thầy không?”
Tôi hy vọng rằng chia sẻ này của tôi sẽ củng cố thêm niềm xác tín của bạn rằng Thiên Chúa yêu thương bạn rất sâu sắc. Tôi hy vọng nó sẽ giúp bạn mở lòng ra để Chúa Giêsu ôm lấy bạn với tình yêu không gì diễn tả được – và điều đó sẽ thúc đẩy bạn yêu mến Người với tất cả con người của bạn. Vâng, hãy để Chúa Giêsu tiếp tục củng cố mối tương quan cá vị này của bạn với Người vốn đã bắt đầu khi bạn chịu phép rửa tội. Khi chúng ta làm điều này, mối dây tình yêu của chúng ta với Người sẽ sâu đậm hơn theo những cách thấy được và không thấy được cho đến khi chúng ta về đến nhà của Cha mình. Ở đó mối tương quan ấy sẽ trở nên viên mãn và chúng ta sẽ sống mãi với Cha của chúng ta, Đấng là tình yêu!
Paul Loverde – Giám mục Danh Dự của Giáo phận Arlington, Virginia.
Bạn có câu chuyện nào về cách Thiên Chúa đã hành động trong cuộc đời của bạn không? Hãy gửi câu chuyện đó tới editor@wau.org.