Tác giả: MARK HART
Nguồn WAU, Personal Spirituality Resources
Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương chuyển ngữ
Thiên Chúa mong muốn sự thân mật với chúng ta
Nhiều người trong chúng ta xem Thiên Chúa Cha là Thiên Chúa “Cựu Ước”, đầy phẫn nộ và giận dữ, trừng phạt con người bằng cách lật từng trang Kinh Thánh cổ xưa.
Dường như Người không phải là người cha trong phạm vi gia đình mà là thẩm phán trong tòa án, người đưa ra những bản án mà bạn phải tôn trọng và chắc chắn là người mà bạn không muốn đối diện. Thiên Chúa Cha có vẻ phản động và khó gần, là một “người cung cấp” khó tiếp cận với bàn tay cương quyết và có những kỳ vọng cao về sự vâng phục và nhân đức.
Cuộc gặp gỡ thánh thiêng. Đó chắc chắn là nhận thức ở trường giáo xứ của tôi về Thiên Chúa Cha. Hãy nhận biết các điều răn của bạn. Hãy tuân theo các giới luật. Hãy đi tham dự Thánh Lễ. Hãy dâng lời cầu nguyện. Hãy tránh xa hỏa ngục. Thiên Chúa đáng được kính sợ; Người thường được nói đến nhưng hiếm khi được nói chuyện. Nhưng tôi đã bắt gặp một câu làm đảo ngược câu chuyện về “Thiên Chúa trong Cựu Ước nổi giận” ngay từ đầu:
Và họ nghe thấy tiếng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa (St 3,8, RSVCE).
Ngay trước cảnh này, tội lỗi đã xảy đến cho Vườn Eden. Con rắn bước vào bức tranh. Adam và Eva chọn chính nó và bỏ Thiên Chúa Đấng thực sự đã ban thiên đàng cho họ.
Khi chúng ta vô tình đọc được câu trên thì ân sủng vẫn còn đang tuôn chảy xuống trên họ.
Một trong những chi tiết chúng ta thường bỏ qua là Thiên Chúa đang di dạo trong vườn. Bạn đã nắm bắt điều đó chưa? Người không phải là một Thiên Chúa xa xôi, mông lung, không thể tiếp cận, Người là Đấng đã thổi hơi vào vũ trụ và biến thế giới từ một nơi xa xôi, không thể tiếp cận được đi vào sự tồn tại. Không, Người ở rất gần với họ đến nỗi thực sự họ đã có thể nghe thấy tiếng Người đi dạo lúc chiều tối (“lúc trời mát trong ngày”) trong Vườn Địa Đàng. Thiên Chúa Cha quá gần gũi đến nỗi con cái Người không chỉ nghe thấy tiếng Người đang đi dạo mà còn trốn tránh Người. Đấng Tạo Hóa đã đến gần, và thọ tạo của Người đã xấu hổ. Sợ hãi, họ đã chơi trò chơi trốn tìm đầu tiên trên thế giới.
Chúa Cha đã mong muốn sự thân mật. Con cái đã ước ao chạy trốn. Chúng ta biết rõ câu chuyện và nó đã kết thúc thế nào. Ông bà nguyên tổ của chúng ta đã được ban cho mọi thứ và đã đánh mất tất cả. Chúng ta thường không tập trung vào phần đầu tiên đó. Bạn có thể đã đọc trong Kinh Thánh hoặc đã nghe trong một bài giảng rằng Thiên Chúa đã lập “giao ước” với Adam và Eva, như Người đã ký kết với ông Noe, Ápraham, Môsê, Đavít và các vị khác. Chúng ta có hiểu điều đó có ý nghĩa gì không?
Một giao ước là một món quà hoàn toàn và trọn vẹn của chính mình. Trong và qua một giao ước, về căn bản Thiên Chúa phán: “Ta sẽ ban cho con tất cả của Ta và sẽ không giữ lại điều gì”. Rồi chúng ta cũng được hỏi và được mời gọi đáp trả bằng cách làm điều tương tự.
Dĩ nhiên, tất cả các vị tổ tiên trong Kinh Thánh của chúng ta đều đã không thể duy trì được kết cục của mình. Cho đến khi Chúa Giêsu Kitô làm người và thực hiện những gì chúng ta không thể tự mình làm được – trở nên giao ước cuối cùng, hoàn hảo và một lần cho tất cả – thì chúng ta mới được trở lại mối tương quan đúng đắn với Thiên Chúa. Hãy nhớ những lời của Chúa Giêsu tại Bữa Tiệc Ly:
“Bấy giờ khi họ đang dùng bữa, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: ‘Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy’. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: ‘Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội’” (Mt 26,26-28, RSVCE).
Thánh Thể. Trong bữa Tiệc Ly và trên thập giá – Chúa Giêsu thực sự đã ban mọi thứ mà Người có và đã có. Người đã không chỉ duy trì cùng đích giao ước của chúng ta mà còn thể hiện và trở thành giao ước. Chúa Giêsu không giữ lại điều gì. Sự hiện diện lâu dài của Người trong các bí tích, đặc biệt nhất là Bí tích Thánh Thể, trao mang đến sự tự hiến và từ bỏ liều lĩnh đó.
Bây giờ, hãy hình dung Bí tích Thánh Thể. Thiên Chúa không chỉ hiện diện mà còn sẵn có trên mọi bàn thờ và trong mọi nhà tạm, trong mọi ngôn ngữ, và cùng một lúc hiện diện ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Phải chăng Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa xa xôi, là Đấng đã tạo ra sự tồn tại của vũ trụ và cai trị bằng nắm đấm sắt từ một miền đất xa xôi? Hay Thiên Chúa gần gũi, thân tình và hiện diện, luôn sẵn sàng cho chúng ta?
Thánh Thể là cách Thiên Chúa hoàn thành lời hứa của Chúa Giêsu trong Tin Mừng theo Thánh Mátthêu chương 28,20 là ở với chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế”. Đây là một lý do khác mà Chúa Giêsu Kitô là Đấng Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23). Thiên Chúa là một Người Cha luôn giữ lời bằng cách ban chúng ta được tiếp cận với Ngôi Lời, Chúa Giêsu Kitô. Nói rộng ra, cây đèn nhà tạm là cách nói của Chúa Cha: “Ta sẽ giữ ánh sáng cho các con”.
Thiên Chúa, trong sự khôn ngoan vô hạn và hoàn hảo của Người, đã có kế hoạch này ngay từ khởi đầu, khi Người sẵn sàng cho những kẻ tội lỗi trong vườn. Nếu án phạt đã đến với chúng ta qua những gì chúng ta ăn, thì tại sao ơn cứu độ lại không đến với chúng ta qua bánh bởi trời?
Chúng ta thấy rõ ràng trong Kinh Thánh rằng Thánh Thể không phải là một ý tưởng “phản động” hay “vào phút trót” của Thiên Chúa. Điều đó không chỉ “đến với Chúa Giêsu” ở phòng trên vào đêm thánh đó. Không, đây là kế hoạch của Thiên Chúa từ ban đầu: để ban sự thân mật luôn sẵn có và dễ tiếp cận, đồng thời biến đổi con cái Người từ trong ra ngoài.
Lần tới, khi bạn dừng lại để cầu nguyện, hoặc tiến lên để Chầu Thánh Thể, hãy suy gẫm hay viết nhật ký về những cách Thiên Chúa cho bạn nhận biết sự hiện diện của Người. Bạn có xem Người là người Cha yêu thương hay một quan tòa nghiêm khắc? Người là ai đó mà bạn có thể biết, yêu mến và tin tưởng! Hãy xin Chúa Thánh Thần chỉ cho bạn cách làm thế nào bạn có thể đặt chính mình vào một vị trí để nghe Thiên Chúa cách rõ ràng hơn và ở trong mối tương quan sâu sắc hơn với Người.
Đây là một đoạn trích từ cuốn sách có tựa đề Cuộc Gặp Gỡ Thánh Thiêng, tác giả Mark Hart (The Word Among Us Press, 2022), có thể truy cập bookstore.wau.org.