Chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc của hôn nhân

0

Ts. Trần Mỹ Duyệt

Hôn nhân là một đời sống, một dòng chảy. Nó theo ta mọi ngày trong suốt cuộc đời. Nó được dệt bằng một chuỗi dài nối tiếp giữa những vui buồn, sung sướng, vất vả, hạnh phúc và thử thách. Nó không phải là một cái gì mà con người có thể mua bán, đổi chác, hoặc sở hữu. Nó luôn luôn ở trong thể động, và tùy thuộc vào người sống với những giây phút ấy của cuộc đời họ.

Bằng một cái nhìn tâm lý, hôn nhân là một nối kết, một sự hòa nhập, và tan biến giữa hai con người, mà hai người ấy lại đến từ hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Tiến sỹ John Gray đã trình bày hai thế giới ấy trong tác phẩm nổi tiếng của ông, nhan đề: “Men are from Mars, Women are from Venus (Đàn ông đến từ Hỏa Tinh, đàn bà đến từ Kim Tinh). Khoảng cách giữa hai hành tinh này là 74,4 triệu miles tương đương với 119.740.000 Km. Nếu đem so sánh khoảng cách giữa chúng với những khác biệt giữa người đàn ông và người đàn bà thì không chỉ trong cấu trúc cơ thể, mà còn tiềm ẩn qua những khác nhau về di truyền, giáo dục, văn hóa, kiến thức, tâm lý, xã hội và tâm linh nữa. Tóm lại, đây là hai thế giới hoàn toàn riêng biệt, khác nhau và chỉ có thể đến với nhau được bằng con đường tình yêu.

Một điểm khác nữa khiến cho hạnh phúc hôn nhân luôn gặp thử thách, đó là trong hôn nhân không có thứ hạnh phúc một mình. Chồng không thể chỉ nghĩ đến hạnh phúc của chồng, và vợ cũng không thể nghĩ đến hạnh phúc của vợ. Hạnh phúc là hạnh phúc của cả hai. Điều này không chỉ là cảm nghiệm từ tâm lý, mà nó đã được tìm thấy trong Thánh Kinh: “Bởi thế người nam sẽ từ bỏ cha mẹ mà luyến ái với vợ, và cả hai trở nên một.” (Khởi Nguyên 2:24) Sự liên kết nên một sẽ làm cho tình yêu và hạnh phúc hôn nhân trở thành viên mãn, nhưng nó cũng là điều kiện khó lòng thực hiện.  

Thống kê năm 2021 tại Hoa Kỳ, 6 trong số 1.000 người sống đời hôn nhân, mặc dù con số này có phần giảm tính từ năm 1990, khi đó mực độ là 9,8 trong số 1.000 người sống đời hôn nhân. [1] Trong một thống kê khác thì mỗi năm riêng tại Hoa Kỳ có 2,3 triệu đôi tình nhân trao lời hẹn ước, và trung bình mỗi ngày có khoảng 6.200 đám cưới. [2] Chỉ tiếc rằng, một nửa trong số những đôi tân hôn ấy bằng cách này hay cách khác đã không đi trọn hành trình với nhau. Có cặp chỉ mới ba tháng, sáu tháng, một năm, năm năm, mười năm, cũng có cặp đã đi với nhau được ba chục, bốn chục và năm chục năm rồi lại chia tay. Số còn lại hàng ngày vẫn trải qua những cuộc cãi vã, bất hòa, và gây đau khổ cho nhau, “vui ít, buồn nhiều!”

Nếu hôn nhân ngày nay theo nhận xét tiêu cực của một số người bi quan “là mồ chôn hạnh phúc”, thì tại sao Thượng Đế lại thiết lập đời sống hôn nhân, và trao cho nó trách nhiệm bảo tồn nòi giống, xây dựng một xã hội mà trong đó con người được sống trong tình yêu và cùng nhau vui hưởng hạnh phúc? Câu trả lời là tại do con người. Vì tự ái, vì muốn sống theo những dục vọng và đam mê bất chính nên đã tự phá hủy nền tảng gia đình, kiếm tìm và xây dựng một hình ảnh hôn nhân theo ý mình, theo với những gì mình muốn. Những nguyên tắc sau đây, do đó, được nêu lên như những ứng dụng thực hành nhằm bồi bổ và làm sống lại tương quan lành mạnh hầu xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Chúng không phải là chiếc đũa thần được đặt vào tay những kẻ lười biếng, ỷ lại, và thiếu nỗ lực cố gắng. Đây là những kinh nghiệm thực hành được trao đổi, chia sẻ và đúc kết từ những khóa học, những buổi thuyết trình, hồi tâm và hội thảo trong lãnh vực tình yêu, hôn nhân, gia đình. Và chúng bao gồm 3 nguyên tắc, cũng là 3 chìa khóa mở ra những cánh cửa hạnh phúc của hôn nhân:

1- Chấp nhận nhau: “Ngài dựng nên họ có nam, có nữ.” (Khởi Nguyên 5:2). Đây là sự chấp nhận căn bản và đầu tiên trong tương quan hôn nhân. Khi bước vào đời sống hôn nhân, cả hai đều bị  thu hút một cách mãnh liệt. Theo tự nhiên, đó là sự hấp dẫn của con người khác phái (physical attraction). Lực hấp dẫn này cho thấy cả nam lẫn nữ đều bị thu hút bởi nhau để từ đó, những nẩy sinh tình cảm, tình yêu, và tình dục phát triển theo một chiều hướng tích cực đưa hai người lại với nhau, gần nhau, và cho nhau.

Khi chấp nhận nhau theo phái tính, người nam cũng như người nữ đều hiểu rằng sự khác biệt căn bản đã có sẵn, và chúng ta không thể làm gì khác hơn, ngoài việc tìm kiếm những cách thức hiểu biết để ngày càng trở nên bị thu hút và chinh phục từ những khác biệt ấy.

Những lý thuyết và trào lưu tư tưởng hiện nay về bình quyền nam nữ, đồng tính, hôn nhân đồng tính, và chuyển giới chỉ là những tư tưởng lệch lạc, nếu không muốn nói là bệnh hoạn đang làm sụp đổ nền tảng về gia đình của thế hệ trẻ. Có thể những lý thuyết này chỉ hấp dẫn và bùng phát trong chiều hướng suy tư và quan niệm xã hội nhất thời, nhưng tự căn bản chúng hoàn toàn đi ngược lại với căn tính và chủ đích tạo dựng ban đầu của Thượng Đế. 

2- Lắng nghe nhau: “Cảm thông là chìa khóa của hạnh phúc.” Trong tâm lý hôn nhân, ngoài việc vợ chồng chấp nhận nhau về thể lý, tâm lý, và tâm linh, thì việc sống chung với nhau giữa những khác biệt ấy đòi hỏi phải có sự cảm thông và chia sẻ. Đây là chìa khóa thứ hai để mở cửa lòng nhau, và là phương thuốc hóa giải mọi bất hòa, đổ vỡ. Chính trị ngoại giao cũng là một phần trong học thuyết điều hành quốc gia và thế giới hiện nay. Bởi đó mới có những cuộc hội họp thượng đỉnh, những buổi gặp gỡ cấp quốc gia, quốc tế, hoặc những buổi hội thảo, trao đổi trong mọi ngành nghề, mọi cấp độ.

Hạnh phúc hôn nhân được xây dựng trên khả năng lắng nghe và chia sẻ. Nó không liên quan gì đến tuổi tác, ngày giờ cưới hỏi. Và nó cũng không phải là lý do dựa vào hai chữ khắc khẩu. Tất cả những cái đó chỉ nói lên rằng, hai vợ chồng có những bất hòa, tranh chấp, cãi vã chỉ vì không hiểu nhau, hoặc do cái tôi, do tự ái đã dẫn đến những đổ vỡ ấy. Cảm thông và chia sẻ (communication) là một phần trong khoa tâm lý hôn nhân, là một chìa khóa được dùng để mở ra con đường hòa giải, tha thứ và hiểu nhau.

Nhưng làm sao để hai người có thể hiểu nhau và thông cảm được với nhau? Một cách tổng quát họ phải biết cách nói, cách chia sẻ, và cách lắng nghe nhau. Đây là những đề tài cần phải được khai triển rộng rãi hơn. Nhưng tóm lại, thì người ta có thể nói với nhau bằng lời, bằng hành động, và bằng biểu cảm. Không nhất thiết phải gào lên, phải la lối, phải tranh luận. Để lắng nghe nhau, thì tiên vàn chúng ta phải đặt mình vào vài trò người nói. “Hãy xỏ chân vào đôi giầy của người khác”, như vậy mình sẽ có cảm giác thế nào là phù hợp. Và sau cùng là không phỏng đoán, giả định (assume) chuyện này, chuyện khác về nhau hoặc cho nhau. Cái gì không biết hoặc không nắm chắc thì không quả quyết hoặc gán ghép cho nhau.

3- Đồng hành trong niềm tin: Chìa khóa thứ ba là tình yêu xây trên nền tảng tôn giáo. Niềm tin vào Thượng Đế là món quà tinh thần mà Ngài ban tặng cho con người. Nó được ghi khắc trong lòng của mỗi người. Nó không phân biệt chủng tộc, văn hóa, hay tôn giáo. Chính trong niềm tin tôn giáo mà con người tìm được ý nghĩa của cuộc sống, được nâng đỡ và cảm thấy an tâm trên hành trình cuộc sống. Xây dựng tình yêu của mình trên căn bản niềm tin là tin rằng: “Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Gioan 4:8). Từ niềm tin ấy, chúng ta mới trả lời được câu hỏi: “Con người được sinh ra để làm gì?”  Đó là, để yêu và được yêu.

Hấp dẫn, mời gọi, thơ mộng, lãng mạn và cuốn hút như tình yêu nam nữ. Hy sinh, quên mình, xả thân như tình yêu cha mẹ dành cho con cái. Tình yêu anh chị em, bè bạn, quê hương… Tất cả đều phát xuất từ tình yêu Thượng Đế chia sẻ với con người.

Nếu đi tìm một thứ tình yêu nào ngoài ý nghĩa của tình yêu ấy là con người đang đi vào con đường dẫn tới hủy diệt, ích kỷ, đam mê, và dục vọng. Bởi vì tình yêu rất mù quáng, nhưng lại mãnh liệt: “Tình yêu mạnh như sự chết.” (Diễm ca 8:6)

Xây dựng một niềm tin tôn giáo vững mạnh cũng chính là tìm được chìa khóa mở cánh cửa dẫn vào một tình yêu bền vững, chung thủy và hạnh phúc của hôn nhân.   

_______

1.  https://www.statista.com › Society › Demographics

2. United States Wedding Statistics – Joshua Harrison Photography

Comments are closed.

phone-icon