Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (16,21-27)
Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, sẽ bị giết và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”.
Bấy giờ Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình? Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm”.
***
Trong bài Tin Mừng Chúa nhật tuần trước, Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Và Chúa đã chọn ông là đá tảng mà trên đó Người sẽ xây Giáo Hội của Người.
Thế nhưng, trong đoạn Tin Mừng hôm nay, bối cảnh hoàn toàn thay đổi. Vừa khi nghe Chúa Giêsu loan báo cái chết và sự phục sinh của Người, Phêrô liền ngăn cản: “Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu!” Đây là phản ứng rất tự nhiên của Phêrô! Vì như biết bao người cùng thời, Phêrô cũng mong đợi một Đấng Cứu Tinh của chiến thắng, vinh quang và quyền thế. Một Đấng Cứu Thế đến để đuổi quân xâm lăng La Mã ra khỏi xứ sở mình. Nhưng đó chỉ là cái nhìn của loài người, như Chúa Giêsu nói.
Từ tảng đá để xây nền móng Giáo hội, Phêrô trở thành đá làm cớ vấp ngã, làm cản trở chương trình của Chúa. Và Chúa Giêsu gọi ông là “Satan”: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người.” Để hiểu rõ từ Satan mà Chúa Giêsu nói với Phêrô ở đây, chúng ta cần biết là ban đầu, từ này không được viết hoa, mà được viết thường nhằm chỉ một đồ vật hoặc một người nào đó là chướng ngại trên đường đi, cản trở không cho người khác đi xa hơn. Như vậy Chúa Giêsu muốn nói rằng Phêrô đang cản trở Người đi con đường đau khổ để cứu chuộc nhân loại.
Vấn nạn của Phêrô cũng là vấn nạn của mỗi tín hữu mọi thời: tất cả chúng ta đều được hấp dẫn bởi một Đấng Kitô chiến thắng các quyền lực Sự Dữ. Nhưng chúng ta lại khó chấp nhận cách thức Thiên Chúa thể hiện trong lịch sử ngang qua Đức Giêsu: Người chiến thắng quyền lực sự dữ bằng con đường đau khổ. Không thể có hai Đức Kitô tách biệt: một Đức Kitô chiến thắng và một Đức Kitô tôi tớ-đau khổ. Chúng ta chỉ có thể biểu dương Đức Kitô chiến thắng sau khi đã gặp và sống với Đức Kitô tôi tớ-đau khổ. Chúng ta không thể và tránh con đường thập giá, là con đường đưa Chúa Giêsu tới vinh quang. Hai môn đệ trên đường Em-mau cũng sẽ vấp phải khó khăn này như Phêrô. Và Chúa Giêsu, khi cùng đi với họ trên con đường tuyệt vọng, đã giải thích cho họ rằng: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người hay sao?” (Lc 24,25-26).
Sự kết nối giữa Tin Mừng của Chúa nhật trước và Chúa nhật hôm nay rất quan trọng để chúng ta hiểu rõ vai trò của Phêrô và những người kế vị ông, là các Đức Giáo Hoàng, trong Giáo Hội. Thật là một bài học đắt giá cho Phêrô! Chúa Giêsu không khen ông vì những đức tính tốt hay trực giác tuyệt vời của ông. Lời tuyên xưng đức tin của ông “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” không phải do phàm nhân mặc khải, nhưng đến từ Thiên Chúa. Và Giáo Hội sẽ do chính Chúa Kitô xây dựng, chứ không phải do Phêrô.
Trong thông điệp “Ut unum sint” (Xin cho họ nên một), xuất bản năm 1995, thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II khi suy gẫm hai bài Tin Mừng trên cho việc phục vụ của ngài đã nhấn mạnh: “Như thế, từ sự yếu hèn của Phêrô, biểu lộ rõ rằng thừa tác vụ chuyên biệt của người trong Giáo Hội là hoàn toàn do ân sủng.” (số 91). Ân sủng tỏa rạng trong sự yếu đuối, nhưng không phải vì thế mà miễn trừ cho chúng ta lòng hoán cải.
Lòng sám hối triệt để này được diễn tả trong Tin Mừng hôm nay qua việc dám từ bỏ và chấp nhận mất mát. Ai muốn theo Chúa “phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Thái độ này không có gì là tiêu cực, trái lại, khi chúng ta từ bỏ chính mình và vác thập giá mình vì Chúa Kitô, đời sống chúng ta mới đạt được mọi giá trị. Mất mạng sống vì Chúa, thì sẽ tìm được mạng sống ấy cho sự sống đời đời. Cho đi để làm cho sống. Những ai sống bậc hôn nhân sẽ hiểu rõ điều này: mỗi người phải chết cho chính mình để người kia được hiện hữu.
“Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Sự giàu có duy nhất không bị mất là giàu có của tình yêu, của sự tự hiến và lòng quảng đại. Nhờ cách sống này, chúng ta sẽ tích cóp những kho tàng vô giá trên Trời.
Chúng ta hãy học sống yêu thương mỗi ngày như Chúa Giêsu đã dạy. Dù để sống yêu thương đôi khi đòi hỏi chúng ta phải dám hy sinh, dám từ bỏ và có lúc phải chấp nhận chịu mất mát, thiệt thòi. Nhưng chúng ta hãy tin rằng, với ơn Chúa thì không gì chúng ta không thể làm được. Amen.