Con người này đã không quay đi

0

Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
Theo Word Among Us

Hành trình đến với Chúa Giêsu của Thánh Vincent de Paul.

Bạn nhớ người thanh niên giàu có trong Tin Mừng chứ? Anh ta đã vội vã đến với Chúa Giêsu, hỏi Người làm thế nào để có sự sống đời đời?

Khi Chúa Giêsu mời anh ta từ bỏ của cải của và trở thành một môn đệ, anh đã buồn rầu bỏ đi. Nhưng giả như anh ta chấp nhận lời mời của Chúa Giêsu để bán hết tài sản của mình, đem cho người nghèo rồi đi theo Người thì sao? Có lẽ anh đã trở thành một Thánh Vincent de Paul khác rồi.

Kỷ Luật của Sự Thất Bại. Không giống như người thanh niên giàu có, Vincent không được sinh ra để có một cuộc sống thoải mái. Cha mẹ ngài là những người nông dân nghèo ở miền tây nam nước Pháp đang phải cố gắng để nuôi gia đình sáu miệng ăn. Để giúp họ – và để thăng tiến nghề nghiệp của mình – Vincent đã quyết định trở thành một linh mục.

Khi đã lớn khôn hơn, Vincent thú nhận rằng nếu ngài đã hiểu những gì mà ơn gọi đòi hỏi, ngài sẽ không bao giờ bước vào. Ngài thú nhận “tôi đã hấp tấp”. Nhưng đó không phải là một động thái hoài nghi. Đối với một anh nông dân thông minh vào thời đó, tiến chức linh mục là một sự lựa chọn có thể chấp nhận được, (đó là) con đường duy nhất để tiến lên bậc thang xã hội. Với tư cách là một linh mục, ngài có thể hy vọng đạt được những danh hiệu và chức vụ có lợi với những thu nhập, lợi tức từ những mảnh đất do nhà thờ hoặc tu viện sở hữu.

Vincent đã được phong chức linh mục vào năm 1600, khi ngài mười chín hay hai mươi tuổi, ngay cả trước khi hoàn thành việc học thần học tại Đại học Toulouse. Ngài đã nhanh chóng đi tìm vận may của mình. Ngài lấy lòng các nhà bảo trợ, thực hiện những cuộc liên lạc ở Roma, và theo đuổi tài sản thừa kế. Mặc dù ngài là ứng cử viên cho hai giáo xứ và thậm chí cho chức giám mục, thì các nỗ lực của ngài cũng chẳng mang lại kết quả gì.

Cha Vincent cũng mất tích hai năm, mất tích một cách bí ẩn khi cha hai bốn tuổi. Trong một lá thư được viết sau đó, ngài nói rằng ngài đã bị bọn cướp biển bắt và bán làm nô lệ, đã phục vụ cho ba ông chủ ở Tunisia trước khi trốn thoát. Đó có phải là sự thật, một trò đùa hay đúng hơn chỉ là một sự che đậy cho việc tránh những món nợ thời sinh viên của ngài? Không có cách nào biết được. Cha Vincent không bao giờ nói lại vụ việc đã xảy ra nữa. Gần cuối đời, cha buồn sầu khi thấy lá thư đó lại xuất hiện và ngài đã cố gắng huỷ hết tất cả các bản phôtô.

Khi Vincent tái xuất hiện, ngài đã chuyển đến Paris. Hai năm sau đó, ngài đã viết cho mẹ mình rằng ngài vẫn đang cố gắng để “đạt được các cơ hội thăng tiến của mình”. Bấy giờ đã ba mươi tuổi, ngài vẫn chưa đảm bảo được tương lai tài chính cho bản thân và gia đình mình.

Nhưng không có gì tựa như một tia hy vọng khiến một người phải suy nghĩ lại các mối ưu tiên. Và lúc đó, có điều gì đó bên cạnh mối tham vọng cá nhân đang khuấy động tâm hồn Vincent.

Một Bức Tranh Pha trộn. Ở Paris, Vincent được lôi cuốn vào trong quỹ đạo những phong trào mới về việc canh tân tinh thần. Cuối cùng, một số vị hướng dẫn – bao gồm cả Thánh Phanxicô de Sales – đã trở thành vị hướng dẫn tinh thần của ngài. Không từ bỏ việc tìm kiếm lợi ích, Vincent bắt đầu được Phúc Âm hoá hướng đến khả năng thăng tiến dẫn đưa tới thiên đàng.

Có lẽ dấu hiệu bên ngoài đầu tiên về cuộc hoán cải của ngài là cách ngài phản ứng với sự cáo buộc của người bạn cùng phòng rằng ngài đã ăn cắp một số tiền. Vincent được cho là vô tội. Nhưng sau đó ngài đã cho qua vấn đề thay vì cố gắng bào chữa cho mình. Ngài đã được minh oan sáu năm sau đó, khi tên trộm thực sự đã thú nhận. Vincent xem tình tiết này như dụ ngôn về cách Chúa Cha đã cứu chúng ta như thế nào khi chúng ta ngừng cố gắng tự cứu mình: “Hãy xem cách Thiên Chúa chăm sóc những kẻ phó mặc chính mình cho sự quan phòng của Người!” Điều này trở thành một trong những đề tài ưa thích của ngài.

Tuy nhiên, vẫn chưa hoàn toàn, cho đến khi các bổ nhiệm được mong đợi từ lâu bắt đầu thành hiện thực: trước hết, một sự bổ nhiệm là nhân viên giáo sĩ của cựu nữ hoàng, Marguerite Valois và sau đó, khi ngài ba mươi hai tuổi, giáo xứ đầu tiên của ngài – ở nơi nghèo khổ, vùng thôn quê Clicthy, ngay ngoại ô Paris.

Có lẽ trước sự ngạc nhiên của mình, Cha Vincent đã khám phá ra rằng ngài có một khả năng về mục vụ. Ngài cũng khám phá ra rằng ngài đã học được điều gì đó từ các giáo dân của mình. Chẳng hạn, ngài đã xúc động trước cách họ hát thánh vịnh. “Tôi tự nói với chính mình: ‘Tôi, người cha tinh thần của họ, thậm chí còn không biết cách làm điều đó’. Điều đó khiến tôi rất đau đớn”. Ngài đã cảm phục những con người miền quê này và nhận ra họ “quá tốt và quá nhiệt tình” đến nỗi ngài không thể tưởng tượng ra bất cứ giáo hoàng hay giám mục nào hạnh phúc hơn trong công việc của ngài.

Dẫu vậy, mười sáu tháng sau, cha Vincent đã rời Clichy để đảm nhận một vị trí danh giá hơn với vai trò là tuyên uý cho gia đình Gondi quyền lực. Ngoài ra, ngài còn đạt được bốn danh hiệu và vị trí, có thu nhập kèm theo.

Những Người Thanh Niên Giàu Có. Liệu cha Vincent có đang bắt đầu cảm thấy giống như người thanh niên giàu có đã hỏi Chúa Giêsu không? Cha Vincent cũng đã tuân giữ các điều răn và đã sống một cuộc sống tốt lành và ngay thẳng. Và giờ đây, với một công việc có vị thế cao, một nguồn thu nhập ổn định và các tham vọng đã đạt được, ngài cũng đã có “nhiều của cải” (Mc 10,22).

Nhưng các khát vọng khác đang khuấy động. Nhờ những kinh nghiệm và các tình bằng hữu của mình, cha Vincent đã thay đổi. Cha tiến triển về đàng nhân đức và khám phá ra điều gì thực sự có ý nghĩa để trở thành một linh mục. Cha cũng cảm thấy rõ ràng hơn về sự yếu đuối của chính mình, trong một giai đoạn tối tăm về tâm linh và trong những cuộc chiến đấu với “tâm trạng đen tối và sôi sục” đôi khi ập xuống trên cha. Tuy nhiên, những lần xảy ra như thế đã được cân bằng bởi những cảm nghiệm sâu sắc về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Người thanh niên trẻ đó trong Tin Mừng chắc chắn đã nghe Chúa Giêsu nói và đã được thu hút bởi những lời của Người. Giờ đây có điều gì đó tương tự đã xảy ra với cha Vincent. Sau khi chuyển đến gia đình Gondi, cha có nhiều thời gian hơn để cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Nghiền gẫm cuốn Tân Ước của mình, cha Vincent đã trở nên say mê bởi những lời và gương của Chúa Giêsu. Sau này, cha thường nói: “Không có gì làm hài lòng tôi ngoại trừ Chúa Giêsu Kitô”.

Khi ngày càng được Chúa Giêsu lôi cuốn, thật dễ dàng để tưởng tượng cha Vincent hoà điệu giống người thanh niên: “Tôi phải làm gì? Điều gì tôi vẫn còn thiếu?”

Hai ơn gọi song song. Chúa Giêsu đã nói “Hãy đến, hãy theo Ta” với cha Vincent qua hai biến cố vào năm 1617, khi cha ba mươi bảy tuổi.

Biến cố đầu tiên đã xảy ra khi cha Vincent giải tội ở đồn điền Gondi cho một người nông dân sắp chết. Người này đã bày tỏ những tội ông đã giấu nhiều năm và cảm thấy được giải thoát tuyệt vời sau đó đến độ ông nhất định phải kể cho gia đình mình và cả bà Gondi nữa! Bị sốc khi biết người đàn ông này suýt sa hoả ngục, bà đã khuyến khích cha Vincent đến giảng về sự hoán cải và xưng thú tội. Khi cha Vincent làm điều đó vào ngày 25 tháng giêng, có rất nhiều người đến xếp hàng để lãnh bí tích hoà giải đến nỗi phải mời thêm các linh mục nơi khác đến.

Qua sự kiện này, cha Vincent đã cảm nhận rằng Chúa Giêsu đang mời gọi ngài mang Tin Mừng đến cho những người dân nghèo vùng quê bị bỏ quên. Và mặc dù phải mất một số năm để sắp xếp một nhóm các linh mục đảm nhận công tác này, nhưng đây chính là ngày Hội dòng Truyền Giáo của ngài được khai sinh.

Biến  cố thứ hai đã xảy ra vào tháng Tám năm 1617. Ngay trước Thánh lễ Chúa Nhật, cha Vincent được biết một gia đình nghèo nàn, đau yếu đang trong hoàn cảnh thiếu thốn cùng cực. Chạnh lòng trước tình trạng khó khăn của họ, cha đã nêu lên vấn đề của họ trong bài giảng của mình, với kết quả mà bất cứ nhà lạc quyên nào cũng phải ghen tỵ. Buổi chiều hôm đó, gia đình đầy khách viếng thăm và lương thực trợ cấp.

Nhận thấy cần phải có phương pháp tổ chức tốt hơn, cha Vincent đã giúp các giáo dân phát triển một tổ chức trợ giúp, đó chính là Hiệp Hội Bác Ái đầu tiên. Và như thế cha Vincent đã bắt đầu bước đi đầu tiên trên hành trình trở thành vị tông đồ bác ái cho hàng trăm ngàn người đói khổ cần được giúp đỡ.

Trong các hướng dẫn của mình cho những nhóm bác ái này, động cơ của cha thật rõ ràng. Chúng ta nên nhìn mỗi người túng thiếu “như Chúa Giêsu, hơn là chỉ như một con người, vì Chúa Giêsu đã nói rằng Người xem bất cứ việc phục vụ nào được thực hiện cho một người bé mọn như thế là đang làm cho chính Người”. Rõ ràng, tình yêu của Chúa Kitô là sức mạnh điều khiển cha Vincent.

Một Từ Vâng Có Thể Làm Được Gì. Cha Vincent đã dấn thân hết mình cho Chúa Giêsu và cho người nghèo. Cha đã từ bỏ các chức vụ và danh hiệu của mình cùng với tất cả các thu nhập mà cha đã làm việc rất chăm chỉ để có được. Cha đã sống rất đơn giản. Và khi một số nhân vật giàu có và quyền lực nhất trong triều Louis XIII xin cha cố vấn, cha đã động viên họ dùng thời gian và tài sản của họ mà giúp đỡ những người túng thiếu.

Cho đến khi qua đời ở tuổi bảy mươi chín, cha Vincent đã cống hiến hết mình cho hàng loạt những công việc thiện nguyện và các dự án truyền giáo. Cha đã trở thành một “người cha nhân hậu của những người nghèo”, giống như Mẹ Têrêsa trong thời của cha. Với những người nô lệ, trẻ em bị bỏ rơi, bệnh nhân và những người nghèo túng ở Galley, cha Vincent đều tìm ra những phương cách sáng tạo để xoa dịu cảnh khốn khổ của họ. Hội dòng các linh mục của cha (hiện nay được biết đến là Dòng Vinh Sơn) đã mang Chúa Kitô đến cho những người nông dân bị tàn phá bởi chiến tranh, nạn đói và dịch bệnh. Cùng với Thánh Louise Marillac, cha Vincent đã thành lập một cộng đoàn nữ tu bên-ngoài-tu-viện đầu tiên. Các sơ Dòng Nữ Tử Bác Ái này gặp gỡ những người nghèo nơi họ sống – ở các khu ổ chuột, bệnh viện và các trại tù.

Cha Vincent cũng trở thành một bậc thầy giảng thuyết. Phong cách giản dị, độc đáo của cha đã mở các tâm hồn ra với Tin Mừng và đã giúp đảo ngược thuật hùng biện hào nhoáng phổ biến lúc bấy giờ. Cha cũng là một người đứng đầu về việc cải cách hàng giáo sĩ, phát triển các cuộc tĩnh tâm và những buổi quy tụ hàng tuần đã thu hút ngàn linh mục và các chủng sinh.

Cái Nhìn Tình Yêu Đó. Theo Thánh Máccô, có một điều Chúa Giêsu đã làm trước khi mời người thanh niên trẻ bán tài sản, cho người nghèo và đi theo Người: “Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (Mc 10,21). Người thanh niên trẻ có nhận ra cái nhìn tình yêu đó không? Nếu có, có lẽ anh ta đã không chú ý đến nó.  
Nhưng nếu anh ấy để ánh nhìn của mình dừng lại trên khuôn mặt của Thầy lâu hơn một chút nữa, liệu anh có tìm thấy can đảm để đi theo Người không?

Cha Vincent đã để ánh mắt của mình dừng lại. Nhận ra cái nhìn yêu thương của Chúa Giêsu, cha đã lãnh nhận nó, đã sống trong nó và để nó biến đổi mình. Sau đó, cha có thể vui vẻ phó thác không chỉ các tham vọng và những gì đã đạt được, mà còn toàn bộ cuộc đời của mình.

Đối với cha Vincent đó là một chặng đường dài và gập ghềnh xuống đường băng dẫn tới sự thánh thiện. Nhưng một khi ngài nói: “Tôi sẽ đi theo”, ngài khám phá ra điều Thiên Chúa đã tạo dựng nên mình để trở thành và thực hiện. Và rồi ngài đã soải cánh bay cao.

Louise Perrotta là cựu biên tập của Tạp chí The Word Among Us.

Comments are closed.

phone-icon