Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
Theo Word Among Us
Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ chúng ta.
Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan tòa. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. Trong thành đó, cũng có một bà góa. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: “Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.” Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: “Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ góa này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.”
Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan tòa bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”
Mục đích dụ ngôn của Chúa Giêsu được chỉ rõ trong câu đầu tiên của đoạn này: sự cần thiết phải cầu nguyện luôn luôn. Không quan trọng hoàn cảnh của chúng ta ngặt nghèo thế nào, chúng ta đừng bao giờ từ bỏ việc cầu nguyện. Cho dù chúng ta đã cầu nguyện một lần, hai lần hay vô số lần, và ngay cả nếu chúng ta cảm thấy bản thân chán nản, chúng ta cần một thái độ kiên nhẫn, được bao bọc bởi sự vâng phục, để cầu nguyện và tiếp tục cầu nguyện.
Người đàn bà trong dụ ngôn này có ba khó khăn cản trở bà dành được sự công bằng. Thứ nhất, bà nghèo và không có khả năng nộp tiền hối lộ cho ông quan tòa tham nhũng. Thứ hai, bà là một phụ nữ. Ở Palestin vào thế kỷ thứ nhất, phụ nữ là những công dân hạng hai, chỉ cao hơn những người nô lệ một chút và không có quyền lực, thẩm quyền hay ảnh hưởng gì. Thứ ba, bà là một góa phụ. Trong những vấn đề về pháp lý và công cộng, chồng của người phụ nữ đã lập gia đình phải là người nói thay cho bà; một góa phụ không thể hành động với tư cách là người bào chữa cho chính mình
Bị mờ mắt bởi thói tham nhũng, ông quan tòa đã lạnh nhạt, tính toán và từ chối thừa nhận cảnh ngộ của người phụ nữ. Xét trong hoàn cảnh khó khăn của bà, hoàn toàn hợp lý để kết luận rằng việc đạt được công lý trong trường hợp này là gần như không thể. Nhưng Chúa Giêsu thách thức người nghe rằng logic hoàn hảo có thể che dấu niềm tin không hoàn hảo. Đức tin vượt xa những gì được nhìn và được nghe thấy, và kiên trì với một lòng khao khát những gì có thể. Sau đó, Chúa Giêsu đưa ra phương thuốc hy vọng khi phải đối diện với sự lưỡng nan vô vọng. Khi chúng ta đã cố gắng hết sức trong năng lực của mình để thay đổi một tình huống vượt quá khả năng giải quyết của chúng ta, chúng ta có thể phó thác và trao gánh nặng ấy cho Thiên Chúa qua việc cầu nguyện kiên trì.
Thói quen cầu nguyện kiên trì đặt trọng tâm không phải là trở ngại (trong trường hợp này, là ông quan tòa bất chính) và mà đặt nó vào giải pháp (Thiên Chúa công minh của chúng ta). Ông quan tòa tham nhũng và Thiên Chúa công minh hoàn toàn tương phản nhau. Ông quan tòa bất khả tín, bất chính, không có lòng thương xót cảm thương, và phải bị ép buộc hoặc đe dọa mới hành động. Thiên Chúa thì đáng tin cậy (x. Tv 62,8); công chính (x. Is 45,21), giàu lòng thương xót (x. Ac 3,22-23) và yêu thương chúng ta cách vô điều kiện (x. Ga 3,16).
Câu chuyện cũng ngụ ý tiến trình trưởng thành tâm linh dưới đây: nhu cầu khiến chúng ta cầu nguyện, sự kiên trì trong cầu nguyện củng cố mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, và sự thân mật với Thiên Chúa dẫn tới gia tăng đức tin, là một điều thường xảy ra như là một kết quả tốt đẹp cho lời cầu nguyện của chúng ta.
Nhu cầu là động lực chính thúc đẩy chúng ta đến với Thiên Chúa, cho dù đó là bệnh tật, các mối tương quan rối ren, sự ổn định trong công việc, vấn đề tài chánh hoặc điều gì khác. Chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa và diễn đạt nhu cầu của chúng ta qua cầu nguyện cá nhân và cầu nguyện cộng đồng. Sự kiên trì trong cầu nguyện phá bỏ bức tường mà đôi khi chính chúng ta xây lên để tách mình ra khỏi Thiên Chúa, đồng thời khơi lên lòng khao khát được gần gũi sâu xa hơn với Đấng Tạo Hóa. Gần gũi với Thiên Chúa là sự đáp trả yêu thương của chúng ta với sáng kiến yêu thương của Người và xây dựng lòng tự tin, sự tín thác và củng cố đức tin. Lời cầu nguyện được nhận lời là cảm hứng để chúng ta tiếp tục cầu nguyện khi có nhu cầu mới nảy sinh.
Những câu cuối cùng bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa sẽ là Đấng bào chữa của chúng ta khi không có ai bênh vực cho trường hợp của chúng ta. Người sẽ lắng nghe và trả lời cách chắc chắn và nhanh chóng mọi lời cầu nguyện, vì ích lợi của chúng ta, theo mục đích và kế hoạch của Người dành cho cuộc đời của chúng ta. Chúng ta có thể cậy dựa vào một vị Thiên Chúa yêu thương, Đấng có đôi tai sẵn sàng lắng nghe và một trái tim từ bi nhân ái.