Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
Theo Word Among Us
Công Việc Biến Đổi của Thiên Chúa nơi Chúng Ta.
Khi Chúa Giêsu gần kết thúc sứ vụ công khai, Người đã tiên báo về cuộc khổ nạn và cái chết sắp xảy ra cho Người.
“Khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32).
Những lời này thì đầy hứa hẹn và hy vọng, cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu đã không chỉ đến để tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Người còn đến để mang chúng ta vào trong mối tương quan với Người. Người đã đến để chúng ta có thể được
“kéo” đến với Người và “được nâng lên” với Người trước sự hiện diện của Cha trên trời.
Được nâng lên với Chúa Giêsu có nghĩa là gì? Điều gì xảy ra khi chúng ta được nâng lên? Đối với chúng ta nâng chính tâm hồn mình lên Chúa có nghĩa là gì? Khi chúng ta xem xét những câu hỏi này, chúng ta sẽ khám phá ra rằng khi Thiên Chúa nâng chúng ta lên, Người làm cho chúng ta được hưởng nếm chính sự sống và tình yêu của Người. Chúng ta cũng sẽ khám phá ra những kinh nghiệm này có thể mang lại sự biến đổi thực sự và bền vững như thế nào trong cuộc sống của chúng ta.
Lời Hứa về “Sự Báo Trước”. Câu hỏi đầu tiên chúng ta cần hỏi là chúng ta được nâng lên từ đâu, và chúng ta được nâng lên tới đâu? Câu trả lời đơn giản là Thiên Chúa nâng chúng ta từ đất lên tới thiên đàng. Nhưng ở đây chúng ta phải cẩn thận. Chúng tôi không ngụ ý nói rằng mọi sự trong thế gian này đều xấu và rằng Thiên Chúa muốn tách chúng ta ra khỏi thế gian. Trái lại, Người nâng chúng ta lên thiên đàng để, được đổ đầy ân sủng của Người, chúng ta có thể trở nên một lực lượng hiệu quả hơn cho những điều tốt lành và thánh thiện trên trần gian.
Khi chúng ta nói rằng Thiên Chúa nâng chúng ta lên từ đất, chúng ta thực sự nói rằng Người đưa chúng ta ra khỏi những triết lý hạn hẹp thường thấy trên thế giới. Người nâng chúng ta ra khỏi những mối quan tâm hẹp hòi, ích kỷ và cho chúng ta một cảm thức về sự vĩ đại, quyền năng và tình yêu của Người. Người nâng chúng ta lên trên những ước mong giới hạn của chúng ta cho cuộc sống của mình và cho chúng ta thấy rằng chúng ta thực sự có thể chiến thắng tội lỗi và rằng chúng ta có thể thực sự sống thánh thiện, đạo đức trong thế giới này.
Theo thời gian, khi chúng ta kinh nghiệm được việc Thiên Chúa nâng chúng ta lên ngày càng thường xuyên hơn, chúng ta sẽ nhận thấy bản thân được biến đổi. Chúng ta nhận ra Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nên giống Chúa Giêsu hơn. Chúng ta nhận thấy Người giải thoát chúng ta ra khỏi tầm nhìn hạn hẹp và những con đường cũ tội lỗi để chúng ta có thể sống trong sự kết hiệp mật thiết hơn với Chúa. Một số các vị thánh đã tiến xa đến độ gọi tiến trình biến đổi này là “thần hóa”, nơi mà Thiên Chúa định hình chúng ta theo hình ảnh và giống Người cách trọn vẹn đến độ chúng ta bắt đầu biết suy nghĩ và hành động giống như Chúa Giêsu.
Tiến trình này bắt đầu nơi Bí tích Rửa Tội, nhưng nó không xảy ra cách tự động. Chúng ta cần cộng tác với Thánh Thần. Thiên Chúa muốn chúng ta quy phục Người và đường lối của Người, và để làm được điều đó chúng ta cần có thái độ đúng đắn, một thái độ phụ thuộc vào Thiên Chúa. Sự phụ thuộc này như thế nào? Vâng, trẻ con và bé sơ sinh thì phụ thuộc vào cha mẹ và những người chăm sóc chúng – nhưng đặc biệt trong trường hợp các trẻ sơ sinh, chúng thực sự không ý thức được điều này, và vì thế chúng không đưa ra bất cứ quyết định nào để ở lại trong sự lệ thuộc.
Mặt khác, những người trưởng thành biết khi nào họ cần sự giúp đỡ của người khác. Có thể đó là những lúc đau bệnh hoặc gặp khó khăn về tài chánh. Đó có thể là khi họ lớn tuổi và trở nên ốm yếu. Hoặc đó có thể đơn giản là trường hợp một người đàn ông thừa nhận rằng ông cần tình yêu của vợ mình bởi vì ông không muốn cô đơn một mình. Tất cả những thí dụ này đều cho chúng ta một dấu hiệu về cách Thiên Chúa muốn chúng ta đến với Người. Người muốn chúng ta biết rằng chúng ta cần ân sủng của Người. Người muốn chúng ta thú nhận rằng chúng ta cần được nâng lên để không bị kéo xuống một lối sống hoàn toàn thế gian.
Con Đường của Ápraham. Hãy nhìn vào Ápraham, một trong những nhân vật đầu tiên trong Thánh Kinh để trải nghiệm việc Thiên Chúa nâng ông lên và biến đổi cuộc sống của ông. Khi Thiên Chúa gọi ông lần đầu tiên, Ápraham là một người giàu có nhưng không con cái, sống du mục ở Mesopotamia. Ápraham cảm thấy không cần gì cả. Ông đơn giản làm những gì ông nghĩ ông nên làm với cuộc sống của mình. Nhưng tất cả đã thay đổi khi Thiên Chúa mạc khải chính mình và phán: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi… Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn” (St 12,1.2).
Bất cứ điều gì xảy ra khi ấy giữa Thiên Chúa và Ápraham hẳn phải mang đầy ý nghĩa. Ápraham đã rời đến Hépron. Thiên Chúa rất hài lòng với sự đáp trả này của ông đến nỗi Người đã hứa với Ápraham: “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không” (St 15,5). Bấy giờ, nếu Ápraham không đáp lại cuộc gặp gỡ ban đầu, bạn nghĩ ông có nghe được lời hứa này không? Có lẽ không.
Khi Thiên Chúa muốn xác nhận những lời hứa của Người, Người chỉ yêu cầu ông giữ giao ước bằng cách tách mình ra cho Thiên Chúa và trung thành với Người (St 17,9-14). Tuy nhiên, Ápraham nhận thấy thật khó để tin rằng Thiên Chúa sẽ ban cho ông và vợ ông là Sara một người con. Thậm chí ông đã cười khi nghĩ điều đó (x. St 17,17). Nhưng có điều gì đó trong cuộc gặp gỡ này với Thiên Chúa đã đánh động Ápraham và ông đã quyết định đi theo con đường mà Thiên Chúa đã hoạch định cho ông, mặc dù logic của con người nói với ông rằng điều đó là không thể. Sara cũng chẳng khác gì ông. Bà cũng cười về viễn tượng mang thai một người con – và khi được Thiên Chúa yêu cầu giải thích về điều đó, bà thậm chí đã nói dối (x. St 18,12-15).
Những năm sau đó, khi Thiên Chúa nói với Ápraham về kế hoạch thiêu huỷ thành Sôđôm và Gômôra, Ápraham đã cảm thấy thân tình đủ với Thiên Chúa để cố ngăn cản một thảm hoạ như thế xảy ra. Với sự khiêm nhường và kiên trì, Ápraham đã khẩn cầu lên Chúa và cách nào đó đã thay đổi kế hoạch của Thiên Chúa. Cháu họ của Ápraham là ông Lót, được phép trốn thoát mà không bị hại gì (x. St 18,17-19.23).
Sau đó đến lúc Thiên Chúa thử thách Ápraham bằng cách yêu cầu ông hiến tế Isaác, người con trai duy nhất của ông. Ápraham hẳn đã phải bối rối, vì Thiên Chúa đã nói với ông rằng chính nhờ Isaác mà tất cả lời hứa của Người nên hoàn trọn (x. St 21,12). Làm sao Ápraham có thể giết người con trai mà ông rất mực yêu thương này – và vẫn còn thấy tương lai mở ra như Thiên Chúa đã hứa? Cho dẫu bối rối và đau lòng, Ápraham vẫn sẵn sàng vâng phục. Thấy Ápraham trung thành và tin tưởng biết chừng nào, Thiên Chúa đã can thiệp vào giây phút cuối cùng và Người đã hứa với ông: “Bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta” (St 22,16-18).
Khởi Đầu của Một Dòng Dõi Dài Lâu. Đây là một câu chuyện nổi bật về một con người đặc biệt đã được dẫn dắt trên con đường đức tin ngày càng sâu sắc. Theo thời gian, Ápraham đã được nâng lên và kéo đến gần Thiên Chúa hơn. Và mỗi lần như thế, ông hiểu rõ hơn những gì Thiên Chúa đang thực hiện – và điều đó tùy thuộc vào đức tin của ông. Toàn bộ cuộc đời của Ápraham là một mẫu gương cho chúng ta về những gì xảy ra khi Thiên Chúa hoạt động nơi tâm hồn một người – và khi người đó đáp lại lời Thiên Chúa trong đức tin, sự phó thác và tin tưởng.
Chúng ta cần biết rằng ngay cả khi chúng ta chất vấn Thiên Chúa như Ápraham, Người vẫn làm việc với chúng ta. Ngay cả khi chúng ta nói dối hay phạm tội nào khác, như Sara đã phạm, Người vẫn đến với chúng ta. Ngay cả khi chúng ta cố gắng thương lượng với Thiên Chúa, như Ápraham đã làm cho ông Lót, Người vẫn ở đó với chúng ta. Ngay cả khi chúng ta cười nhạo kế hoạch của Thiên Chúa, Người không bỏ rơi chúng ta. Và cuối cùng khi chúng ta phó thác mọi sự cho Thiên Chúa như Ápraham đã làm với Isaác, chúng ta nhận ra Thiên Chúa trung tín và chúng ta nhận ra chính chúng ta được thưởng công thật hậu hĩnh.
Ápraham đứng đầu trong dãy dài danh sách các tộc trưởng và các mẫu hệ, các nam và nữ ngôn sứ, các vua chúa và các nữ hoàng, cũng như những con người bình thường trong suốt sách Thánh Kinh Do Thái – các nam và nữ anh hùng, những người đã được Thiên Chúa chạm đến và nâng lên một lối sống mới. Hơn thế nữa, với sự xuất hiện của Chúa Kitô và quà tặng Thánh Thần của Người, ân sủng này không còn chỉ giới hạn cho một số được chọn. Vô số các thánh của Giáo Hội – cả những vị được công nhận lẫn ẩn danh – đã được nâng lên và được biến đổi. Từ thế hệ này đến thế hệ khác, hàng triệu người tín hữu đã cảm nghiệm được ân sủng của Thiên Chúa!
Hãy Nâng Tâm Hồn Bạn Lên! Câu chuyện về Ápraham và Isaác có thể giúp chúng ta hiểu Thiên Chúa muốn nâng chúng ta lên biết chừng nào. Hơn hai ngàn năm sau khi Thiên Chúa tha cho Isaác, con trai duy nhất của Ápraham, Người đã chọn không tha cho Chúa Giêsu, Người Con Duy Nhất của mình – ngay cả sau khi Chúa Giêsu đã cầu xin để không phải uống “chén này” (Mt 26,39). Chắc chắn, Thiên Chúa yêu Con của Người thậm chí sâu sắc hơn cả Ápraham yêu Isaác. Nhưng Người yêu chúng ta quá nhiều – và Con của Người cũng yêu chúng ta như vậy – đến nỗi Người đã tự ý ban Người Con ấy cho chúng ta. Sự sẵn sàng dâng hiến Người Con duy nhất của mình cho chúng ta chứng tỏ Người sẽ đi xa đến mức độ nào để cứu độ chúng ta, để dạy chúng ta và để nâng chúng ta lên với Người.
Mỗi lần tham dự Thánh Lễ, chúng ta được mời gọi: “Hãy nâng tâm hồn lên” và chúng ta đáp lại bằng cách nói: “Chúng con đang hướng về Chúa”. Bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu mỗi người chúng ta dùng giây phút này chỉ để thực hiện điều đó? Giáo Hội sẽ như thế nào nếu tất cả chúng ta đặt mình vào Thánh Thể, để thưa lên: “Lạy Chúa Giêsu, con muốn được đến gần Chúa hơn. Con không muốn bất cứ thứ gì cản trở con. Lạy Chúa, xin hãy đến và nâng tất cả chúng con lên để chúng con có thể biết Chúa rõ hơn và yêu Chúa nhiều hơn”.