Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
Tin Mừng (Lc 9, 18-22)
18 Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai? “19 Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.”
20 Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? ” Ông Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.
22 Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
****
1. Đức Giêsu cầu nguyện
“Khi ấy Đức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người”. Như vậy, chính trong bầu khí cầu nguyện, mà Đức Giêsu hỏi các môn đệ về căn tính của mình: “Dân chúng nói Thầy là ai?”, “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”, và loan báo cuộc Thương Khó sẽ đến: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều”. Tại sao vậy? Có lẽ đó là vì, chỉ trong cầu nguyện Đức Giêsu mới từ từ khám phá ra mình là ai, trong tương quan với Thiên Chúa Cha, và trong tương quan với loài người chúng ta; và cũng chính trong cầu nguyện, mà Ngài khám phá ra con đường Ngài phải đi để bày tỏ căn tính thần linh của mình, theo ý muốn của Chúa Cha. Đó là con đường được bày tỏ trong Kinh Thánh, nghĩa là trong lịch sử cứu độ đầy thử thách, thăng trầm và chi phối nặng nề bởi tội và sự dữ. Con đường Người phải đi là mang lấy mọi “mọi bệnh hoạn tật nguyền” của loài người chúng ta, là “con đường của hạt lúa mì”, là “con đường của tấm bánh”.
Chúng ta được mời gọi noi theo gương của Đức Giêsu: cầu nguyện thân mật với Chúa, để khám phá ra căn tính của mình, ơn gọi của mình, con đường mình phải đi cho suốt đời, và cho từng giai đoạn và cho từng ngày sống.
2. Đức Giêsu là ai?
a. “Dân chúng nói Thầy là ai”?
Với câu hỏi thứ nhất này của Đức Giêsu, các môn đệ đồng thanh trả lời: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại”. Câu trả lời tuy chưa đúng với điều Người thực sự là trong tương quan với Thiên Chúa và với loài người, nhưng lại diễn tả một cách thật khách quan cách sống của Người, và nhất là phù hợp với con đường qua đó Người bày tỏ căn tính đích thật của mình.
Thật vậy, Đức Giêsu đã chọn lựa ứng xử giống như những người đi trước Ngài, mỗi người một chút: một chút của Gioan, một chút của ngôn sứ Elia hay của một ngôn sứ thời xưa; Ngài hòa nhập vào một truyền thống, hay đúng hơn, Ngài xuất phát từ một truyền thống, từ lịch sử, văn hóa, tôn giáo của dân tộc Ngài. Ngài không từ trên trời nhảy xuống cách ngoạn mục, để mọi người thán phục, như ma quỉ gợi ý. Nếu làm thế Ngài, chắc hẳn Ngài cũng sẽ được nhìn nhận là Con Thiên Chúa, nhưng là Con Thiên Chúa theo kiểu của ma quỉ. Ngài đến để mang lấy và làm cho hoàn tất, chứ không phải hủy bỏ.
Ngài ứng xử giống với nhiều người đi trước Ngài, như Gioan, như Elia, như Giêrêmia…; và tất cả đều là ngôn sứ. Như chính Ngài đã nói về mình: “Không một ngôn sứ nào được đón nhận nơi quê của mình”. Số phận của các ngôn sứ loan báo số phận của Đức Giêsu, mà gần Ngài nhất là số phận của Gioan. Và theo mặc khải Cựu Ước, Người Tôi Tớ đau khổ là hình ảnh thâu tóm thân phận của tất các các ngôn sứ thuộc mọi thời đại. Đức Giêsu đến để hoàn tất cách trọn vẹn và duy nhất thân phận của Người Tôi Tớ đau khổ và cả niềm hi vọng được Thiên Chúa tôn vinh nữa, nơi chính cuộc đời hướng tới mầu nhiệm Vượt Qua của mình. Và chỉ một mình Đức Giêsu mới có thể hoàn tất như thế. Chính vì thế, ngay khi ông Phêrô trả lời đúng về căn tính của Người, Đức Giêsu nói về mầu nhiệm Vượt Qua và mời gọi Phêrô và tất cả mọi người đi con đường của mầu nhiệm Vượt Qua.
b. “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?”
Tuy nhiên, trong tương quan thiết thân với Người, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ, và đến lượt chúng ta hôm nay, vượt qua điều “người ta” nói về Ngài đến đi đến điều chính “tôi” nói về Ngài. “Người ta” có thể hiểu là những người nói không đúng hay không đủ về Chúa, nhưng cả những người nói đúng nữa. Nghĩa là chúng ta được mời gọi vượt những công thức có sẵn, hay đúng hơn, đi vào kinh nghiệm thiêng liêng và đích thân, từ đó các công thức được phát biểu. Tương tự như khi chúng ta hát bài tán tụng Magnificat, chúng ta được mời gọi có cùng một kinh nghiệm của Đức Maria, người “Nữ Tì hèn mọn”, về Thiên Chúa và về ân huệ lớn lao và nhưng không của Người.
Vì thế, khi Đức Giêsu đặt câu hỏi thứ hai, cũng cho tất cả các môn đệ, nhưng chỉ có một mình Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Trong khi, với câu hỏi thứ nhất, các môn đệ đã đồng thanh trả lời. Như thế, với câu hỏi này, ai cũng cảm thấy mình phải trả lời một cách đích thân; mỗi người được mời gọi đến một lúc nào đó, không nói theo người khác (cho dù là rất đúng, rất hay), không nói theo công thức có sẵn (cho dù đó là giáo lý, tín lý, là truyền thống), nhưng đích thân công bố Đức Giêsu là ai đối với mình; và khi công bố bằng lời Đức Giêsu là ai đối với mình, mỗi người được mời gọi cư ngụ trong câu trả lời của mình, dấn thân trong điều mình nói, đến độ mình và điều mình nói là một; bởi vì câu hỏi của Đức Giêsu không liên quan đến kiến thức chúng ta có về Ngài, nhưng liên quan đến tương quan thuộc về: “Thầy là ai đối với con, đối với con tim con, đối với cuộc đời, đối với ơn gọi của con?”, “Khi trả lời Thầy là ai, con có đi theo Thầy không, có sẵn sàng thuộc về Thầy suốt đời không?”
Sau bằng đó năm đi theo Chúa, trong ơn gọi Kitô hữu hay trong ơn gọi dâng hiến, chúng ta đã nghe Chúa đặt ra câu hỏi này cho mình chưa? Và tôi đã trả lời thực sự và dứt khoát cho Chúa chưa? Hay tôi mới chỉ nghe và trả lời giống như mọi người mà thôi, chứ chưa đích thân nghe được tiếng Chúa và đích thân trả lời cho Chúa như một người lớn. Và nếu như tôi nghe được tiếng Chúa hỏi hôm nay, ở đây và lúc này, tôi, tôi trả lời làm sao cho Chúa. Hay tôi chưa sẵn sàng, và muốn khất lại sau này? Dĩ nhiên, mỗi người chúng ta có thể trả lời như Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”; nhưng những lời ngày có nghĩa gì đối với tôi? Đâu là cách thức hay con đường Ngài trở nên Đấng Kitô?
3. “Con Người phải chịu đau khổ nhiều…”
Đấng Kitô là ai và đâu là cách thức ngài bày tỏ “căn tính Kitô” của Ngài? Cách Đức Giêsu hiểu và muốn và cách các môn đệ hiểu và muốn, chắc chắn không giống nhau. Và cũng vậy đối với mỗi người chúng ta. Vì thế, ngay sau lời tuyên xưng của Phêrô, Đức Giêsu nghiêm giọng truyền cho các môn đệ không được nói với ai, và Ngài nói cho các môn đệ biết con đường Ngài phải đi: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”.
Theo Tin Mừng Máccô, thì Đức Giêsu dạy các môn đệ: “Con người phải chịu đau khổ…” (x. Mc 8, 31); . Chúng ta hãy dừng lại thật lâu ở động từ “dạy”: Ngài giảng dạy, chứ không chỉ loan báo, hay báo trước. Chúng ta có thể tự hỏi: tại sao Ngài còn giảng dạy, chứ không chỉ loan báo? Đức Giêsu giảng dạy, điều này có nghĩa là những gì sẽ xẩy ra cho Ngài không chỉ thuộc bình diện số phận phải đón nhận, nhưng còn là một mặc khải tuyệt đỉnh của Thiên Chúa, hoàn tất mọi sự, sáng tạo và lịch sử:
– Mặc khải sự dữ đang hoành hành nơi con người và cách Thiên Chúa chiến thắng sự dữ.
– Mặc khải lòng thương cảm của Thiên Chúa đối với thân phận con người và nhất là lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi.
– Mặc khải thân phận con người, từ thủa tạo thiên lập địa, không phải là hình phạt và cũng không phải là con đường dẫn đến sự chết, nhưng là đến sự sống, ngang qua sự chết.
– Và mặc khải, vì tình yêu nhưng không, Thiên Chúa muốn thông truyền sự sống cho con người, sự sống giới hạn đời này và sự sống viên mãn đời sau; và muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, cho dù, trong lịch sử, con người lại phải trải qua đầy thăng trầm, phải sống thân phận chóng qua của mình, số phận bi đát, đầy tai họa, đầy thử thách, tội lỗi, và nhất là một lịch sử bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ.
Thập Giá thường được hiểu tách biệt khỏi Mầu Nhiệm Vượt Qua, nên bị giản lược vào những đau khổ (những điều xẩy ra cho mình) hay vào những hi sinh, khổ chế, hãm mình và “đền tội” (những điều tự tạo cho mình), hoặc như là bài “kiểm tra, kiểm nghiệm, trắc nghiệm” sự xứng đáng hay khả năng chịu đựng, chịu “sỉ nhục và khiêm nhường”, để được thưởng “vinh quang” (những điều mình bị áp đặt).
Trong khi đó, Đức Giêsu nói về Thập Giá của mình là mặc khải tuyệt đỉnh của Thiên Chúa: Khi các ông dương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu. (c. 28)
Chính vì thế, theo lời kể của Thánh Sử Mác-cô, Đức Giêsu dạy, chứ không chỉ báo trước; điều này có nghĩa là những gì sẽ xẩy ra cho Ngài không chỉ thuộc bình diện số phận phải đón nhận, hay “phải chịu đau khổ, mới đạt tới vinh quang”, nhưng còn là một lựa chọn, một kế hoạch, một mặc khải, một sự hoàn tất liên quan đến lịch sử cứu độ:
Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. (Mc 8, 31)
(a) Nơi Thập Giá, Đức Giêsu bày tỏ căn tính đích thật của Người, là “Đấng Hằng Hữu”, vì Người là Sự Thiện tuyệt đối, đối lập với sự dữ và tất cả những gì liên quan đến sự dữ: bạo lực, tố cáo, lên án… Chúng ta thường hình dung cách dễ dãi Sự Thiện và Sự Dữ “tố cáo” lẫn nhau; trong khi “tố cáo” tự nó là điều dữ, là hành động đặc trưng của Sự Dữ.
Thập Giá cũng mặc khải cách thức Người mạnh hơn sự dữ và sự chết. Sự Thiện chiến thắng Sự Dữ, không chỉ là khi vượt qua sự chết đi vào sự sống, nhưng còn là sự tự do, không để mình rơi vào vòng xoáy của bánh răng cưa Sự Dữ, theo quy luật sòng phẳng “mắt đền mắt, răng đền răng”, “ác giả ác báo”.
(b) Thập Giá là cách thức Đức Kitô bày tỏ “TÌNH YÊU ĐẾN CÙNG” (x. Ga 13, 1) dành cho loài người và từng người chúng ta. “Tình yệu đến cùng” của Người tha thứ, chữa lành và giải thoát chúng ta. Như Thánh Phao-lô xác tin: “Không có gì Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta (Rm 8, 39).
(c) Thập Giá không phải là “ngỏ cụt”, chỉ để thưởng phạt hay thi thố khả năng hãm mình, hi sinh, chịu đựng và các “nhân đức”, nhưng là con đường “vượt qua” dẫn đến sự sống. Sự sống mai sau, nhưng đã hiện diện và sinh hoa kết quả đồi dào, ngay trong sự sống này.
Như thế, điều tồi tệ nhất loài người dành cho Đức Giêsu, nhưng lại được Ngài dùng để bày tỏ căn tính đích thật của mình trong tương quan với Thiên Chúa và với con người. Bài đọc I của Thánh Lễ Suy Tôn Thánh Giá (ngày 14/09), trích sách Dân Số, ngang qua hình ảnh Con Rắn, còn giúp chúng ta hiểu sâu rộng hơn về mầu nhiệm “Con Người được giương cao” trên Thập Giá trong tương quan toàn bộ lịch sử cứu độ.
* * *
Đức Kitô đã hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua theo “Ý Muốn của Chúa Cha” được thể hiện trong Kinh Thánh. Nhưng Kinh Thánh là gì?
MẦU NHIỆM VƯỢT QUA |
|
KINH THÁNH (Lc 24)Sáng Tạo: ơn huệ sự sống và tất cả những gì cần cho sự sống. Lịch sử: lịch sử của một dân tộc, của những cuộc đời cụ thể, giống như chúng ta: đầy thăng trầm, đau khổ, tội lỗi… – Lề Luật. – Ngôn Sứ. – Thánh Vịnh. Sau khi ĐKT Chị Đóng Đinh và Phục Sinh giải thích KT cho hai môn đệ trên đường Emmau, “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” |
TẤM BÁNH “Người ban BÁNH…” (Tv 136) BÁNH đến từ Sáng Tạo (Tv 136, 4-9): “Lạy Chúa, là Chúa cả trời đất. Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa mầu của ruộng đất…” và từ Lịch Sử (Tv 136, 10-24): “… và công lao của con người…” Nơi bí tích Thánh Thể và mầu nhiệm VQ, mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ, bánh hằng ngày trở thành chính Chúa, “Tấm Bánh Hằng Sống” vượt qua sự chết: “Cũng đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh… và nói: “ANH EM HÃY CẦM LẤY, ĐÂY LÀ MÌNH THẦY”. |
“CON TIM BỪNG CHÁY” |
Kinh Thánh tương hợp với Mầu nhiệm Vượt Qua và với Tấm Bánh; Mầu nhiệm Vượt Qua tương hợp với Tấm Bánh. Nhận ra những tương hợp này sẽ làm cho “con tim chúng ta bừng cháy” (x. Lc 24, 13-35), vì đụng chạm đến chốn thâm sâu của hữu thể chúng ta (à la profondeur de notre être).
- Kinh Thánh tương hợp Mầu nhiệm Vượt Qua (x. Chúa Hiển Dung; Lc 24, 13-35 và 44-46; Ga 13, 18; 15, 25; 19, 24.28.36; 1Cr 15, 3-4; v. v.).
- Kinh Thánh (sáng tạo và lịch sử) tương hợp Tấm Bánh (Tv 136; Lc 24, 13-35).
- Như thế, Tấm Bánh/Bánh Thánh Thể hướng đến Mầu nhiệm Vượt Qua:
– Qua trung gian Kinh Thánh (Tv 136: tấm bánh là điểm tới của sáng tạo và lịch sử, vốn là hai chiều kích căn bản làm nên Kinh Thánh, và Kinh Thánh hướng tới Mầu nhiệm Vượt Qua);
– Qua Phụng Vụ Thánh Thể: “Đây là Mầu nhiệm Đức Tin” – “Lạy Chúa, con loan truyền…”;
– Và qua “con đường” của chính Tấm Bánh (để trở thành sự sống, tấm bánh phải được bẻ ra…).
Như thế, tầm mức mầu nhiệm “Đức Kitô hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua theo Ý Muốn của Chúa Cha” không chỉ là làm cho ứng nghiệm một vài câu được lọc lựa trong Kinh Thánh, hay không chỉ dừng lại ở mức độ: thử luyện đau khổ-xứng đáng-ban vinh quang theo qui trình thưởng/phạt hay tương quan “sòng phẳng” của Lề Luật (Lề Luật thì “tốt và thánh”, nhưng bị Sự Dữ sử dụng như phương tiện để phát huy hết sức mạnh hủy diệt !), hoặc ý định thử thách, kiểm chứng hay kiểm nghiệm lòng kiên trì, chịu khổ, chịu thương chịu khó của người đi theo Chúa (Lề Luật thì “tốt và thánh”, tuy nhiên Sự Dữ gieo vào lòng con người thái độ chết chóc: “nghi ngờ, không tin, nên thử để biết”).
Mầu nhiệm “Đức Kitô hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua theo Ý Muốn của Chúa Cha” có tầm mức TOÀN BỘ KINH THÁNH[1].
* * *
Cả cuộc đời của Đức Giêsu hướng về mầu nhiệm Vượt Qua. Ba lần vừa loan báo và vừa giảng dạy cho các môn đệ cho thấy rõ chân lí này. Nhưng tương quan giữa cuộc đời của Người và mầu nhiệm Vượt Qua còn hiện diện ở chiều sâu, như chúng ta đã nhận ra khi chiêm ngắm cuộc đời của Người từ “nguồn gốc”. Đặc biệt, mầu nhiệm Vượt Qua được bừng sáng, khi Người đối diện với Lề Luật, và chân lí lề luật “loan báo” Đức Kitô chỉ tỏ hiện dưới áng sáng của mầu nhiệm Vượt Qua.
Tại sao cuộc đời của Người hướng về mầu nhiệm Vượt Qua? Đó là bởi vì công trình sáng tạo của Thiên Chúa và lịch sử cứu độ được Thiên Chúa dẫn dắt, mà Kinh Thánh kể lại cho chúng ta, loan báo mầu nhiệm Vượt Qua và được mầu nhiệm Vượt Qua hoàn tất. Như Thánh Phao-lô tuyên bố (1Cr 15, 3-4).
Vì thế, khi chiêm ngắm mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta sẽ nhận ra Chân Dung Rạng Ngời của chính Thiên Chúa, được tỏ hiện nơi Đức Kitô chịu thương khó và phục sinh. Và chính chân dung rạng ngời của Chúa sẽ chinh phục con tim của chúng ta. Bởi lẽ, nếu trong lịch sử cứu độ, khuôn mặt của Thiên Chúa vẫn chưa được tỏ hiện tuyệt đối, vì ánh sáng và bóng tối, sự thiện và sự dữ, sự sống và sự chết lẫn lộn với nhau, thì nơi mầu nhiệm Vượt Qua, hai nguyên lí trái ngược này hoàn toàn tách rời nhau, vì thế, chân dung Thiên Chúa trở nên rạng ngời nhất.
* * *
Mầu nhiệm Vượt Qua tương hợp với Kinh Thánh và với Tấm Bánh; Kinh Thánh tương hợp với Tấm Bánh. Nhận ra những tương hợp thâm sâu này sẽ làm cho “con tim chúng ta bừng cháy” (x. Lc 24, 13-35), vì đụng chạm đến chốn thâm sâu của hữu thể chúng ta (à la profondeur de notre être).
Xin cho chúng ta, như thánh Phao-lô, nhận ra và cảm nếm sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô.
[1] Có thể đọc bài “Đức Giêsu và Con Đường của Tấm Bánh”.