Ơn huệ “đôi mắt” – Suy niệm ngày 13.09.2024

0

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Tin Mừng (Lc 6, 39-42)

39 Đức Giê-su còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? 40 Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi.

41 Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?42 Sao anh lại có thể nói với người anh em: “Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra”, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

****

1. Ơn gọi của đôi mắt

Đôi mắt là một điều kì diệu Chúa ban cho con người; vì thế đôi mắt được nhắc đến nhiều nhất (hơn tai, mũi, miệng…) trong ngôn ngữ của con người, nhất là trong âm nhạc và thơ ca. Nhưng cả trên bình diện tâm sinh lí, đôi mắt cũng là nơi nhạy cảm nhất: đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, vì qua đó, người ta đọc được những xúc cảm tinh tế: vui/buồn; tin tưởng/nghi ngờ; thật tình/giả dối; ghen ghét/yêu thương…

Và trong đời sống thiêng liêng, nhất là trong cầu nguyện theo phương pháp chiêm niệm, đôi mắt được nhắc tới đầu tiên: hãy nhìn các nhân vật, hãy nghe các nhân vật nói và hãy quan sát các nhân vật hành động. Và khi chiêm ngắm, chúng ta không nhìn mọi sự như các sự vật để hưởng thụ, không nhìn những con người như những đối tưởng để thỏa mãn, thống trị hay khai thác; nhưng chúng ta nhìn các sự vật như những dấu chỉ nói cho chúng ta về sự hiện diện, về tình thương, tình thương của người khác, nhất là của những người thân yêu, tình thương của Chúa; và chúng ta nhìn người khác như những ngôi vị, có tự do, có ơn gọi, có những “gánh nặng”, và là con Thiên Chúa như chúng ta; vì thế, là anh chị em của chúng ta.

Như thế, ơn gọi đích thực của đôi mắt, không phải là nhìn thấy những điều hữu hình, nhưng là nhìn ra những điều vô hình (sự hiện diện, tình bạn, tình yêu….) và nhất là nhận ra Đấng Vô Hình, ngang các dấu chỉ, nhất là dấu chỉ ơn huệ sự sống và tất cả nhưng gì liên quan đến sự sống (x. Tv 8; 19; 104 và 139). Ơn gọi của đôi mắt, cũng chính là ơn gọi của các giác quan, Chúa ban cho chúng ta.

*  *  *

Đôi mắt của chúng ta được dựng nên, có ơn gọi không phải là nhìn thấy những điều hữu hình, nhưng là nhận ra những thực tại vô hình: ngôi vị, tình yêu, tình bạn, sự hiện diện qua các dấu chỉ, quà tặng, ân huệ Thiên Chúa, sự hiện diện sáng tạo của Thiên Chúa nơi mọi sự:

Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,
Lẫy lừng thay Danh Chúa trên khắp cả địa cầu (Tv 8, 2).

Đôi tai của chúng ta được ban cho, có ơn gọi không phải là nghe âm thanh, nhưng là nghe ra ý nghĩa, sự hài hòa của âm thanh, giai điệu, kết cấu của âm thanh, nghe ra Ngôi Lời trong mọi sự, vì “Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành” (Ga 1, 3 và St 1):

Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm (Tv 19, 2).

Trên đời này có một điều vô hình, nhưng ngũ quan có thể tri nhận được, nghĩa là nhìn, nghe, ngửi, nếm và đụng. Đó là Tình Yêu; và Thiên Chúa là Tình Yêu; tình yêu con người phản ánh tình yêu Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong tình yêu của con người, Vì “ở đâu có tình yêu, ở đó có Thiên Chúa hiện diện” (Ubi caritas et amor, Deus ibi est).

Như thế, đối tượng đích thật của Ngũ Quan là những thực tại vô hình; chính vì vậy, chúng ta có thể “áp dụng ngũ quan” vào việc cầu nguyện với Lời Chúa, vì trong cách cầu nguyện này, chúng ta cũng được mời gọi hiểu và cảm nếm “những thực tại vô hình”. Và điều chúng ta cảm nhận là thực tại, là sự thật nhưng thuộc bình diện vô hình, chứ không phải là ảo tưởng hay là sản phẩm của trí tưởng tưởng. Như thế, chúng ta cũng có thể chiêm ngắm mầu nhiệm Thánh Thể bằng ngũ quan. Tương tự như Sáng Tạo, bản văn Kinh Thánh ẩn chứa Ngôi-Lời; vì thế, mỗi người chúng ta được mời gọi đích thân “thưởng nếm”, nghĩa là “áp dụng ngũ quan” khi cầu nguyện[1].

2. Cái xà trong mắt tôi

Trong bài Tin Mừng hôm nay, từ đầu đến cuối, Đức Giêsu cũng nói tới đôi mắt:

Mù mà lại dắt mù được sao? (c. 39)

Lấy cái xà trong mắt ngươi trước đã,
rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong mắt người anh em. 
(c. 42)

Nhưng Ngài không chỉ nói về đôi mắt, mà còn chữa lành đôi mắt. Ngài chữa lành đôi mắt thể lí, chẳng hạn cho người mù bẩm sinh (x. Ga 9), nhưng đó là dấu chỉ của ơn huệ lớn hơn, đó là ơn huệ làm cho tất cả mọi người sáng mắt, trong đó có chúng ta, được chữa lành khỏi bệnh mù quáng, mù lòa với những điều sâu xa và cao quí, với anh chị em, với Thiên Chúa.

Thật vậy, trong bài Tin Mừng, Người nói tới đôi mắt sáng, có khả năng dẫn đường cho người khác. Nhưng Ngài không chỉ nói tới đôi mắt sáng, mà còn nói tới đôi mắt trong nữa, trong như hồ nước trong, không vẩn đục, không có rác, không có cái xà (hình ảnh “cái xà” rất mạnh, vì cái xà là nguyên cái thanh gỗ!). Người nói phải làm trong đôi mắt mình trước, rồi mới đi chữa mắt người khác. Nhưng xét cho cùng, bao giờ mắt chúng ta mới thực sự trong được, và như thế nào mới là trong thực sự?

3. “Xin cho con đôi mắt của Chúa”

Vì thế, tất cả chúng ta được mời gọi đến học với Đức Giêsu, bởi vì chính Lời, hành động và ngôi vị của Ngài sẽ chữa lành đôi mắt của chúng ta, chứ chúng ta không chữa cho mình và cho nhau được.

Thật vậy, chính Ngài, nơi mầu nhiệm Thập Giá, sẽ làm cho đôi mắt của chúng ta trong dần lên, trong dần lên ngay cả khi đôi mắt thể lí của chúng ta dần dần bị lão hóa với tuổi tác (vì thế, phải đeo kính lão!) và một ngày kia sẽ khép lại mãi mãi, để được chữa lành khỏi mọi sự dữ và để nhận ra tình yêu đến cùng của Người, tình yêu mạnh hơn tội lỗi và sự chết, và để hi vọng đón nhận chính đôi mắt rạng người của Chúa, trong sự sống muôn đời với Chúa và những người thân yêu. Bởi lẽ, đôi mắt là hình ảnh của sự sống.

[1] Có thể đọc bài “Ơn Gọi của Ngũ Quan”.

Comments are closed.

phone-icon