Cộng đoàn sửa lỗi cho nhau thế nào?

0

I. LỜI CHÚA: Mt 18, 15-20

15 “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. 16 Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. 17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế. 

18 “Thầy bảo thật anh em : dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy ; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy. 

19 “Thầy còn bảo thật anh em : nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. 20 Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”

II. SUY NIỆM:

I. Bố cục: Bài Tin Mừng này có thể chia theo hai cách

Cách thứ nhất chia làm hai đoạn

– Sửa lỗi trong cộng đoàn (cc. 15-17)

– Tương quan giữa đất và trời (cc. 18-20)

Cách thứ hai chia làm ba đoạn

– Sửa lỗi trong cộng đoàn (cc. 15-17)

– Tháo gỡ và cầm buộc (c. 18)

– Cầu nguyện (cc. 19-20)

II. Tìm hiểu bản văn

1. Sửa lỗi cho nhau (cc. 15-17)

Ta phải sửa lỗi cho ai? Cho anh em, những người ngang hàng trong cộng đoàn, là những người trong Giáo hội. Chúa Giêsu muốn chúng ta sửa lỗi trong tương quan huynh đệ cộng đoàn, và tương quan này được xây dựng trong tương quan với Chúa Giêsu đặt trên cơ sở là làm theo ý của Cha. Tình huynh đệ này phát sinh do việc sinh lại và mối quan hệ Cha – Con đối với Thiên Chúa.

Sửa lỗi cho anh em là một cách đi tìm con chiên lạc (cc. 12-14). Vì thế, buộc phải sửa lỗi cho anh em trong tình thương. Điều này cho thấy phải thương nhau đủ mới làm được việc này, bao lâu không sửa được là do ta còn để cho người có lỗi cho đó là việc cáo tội. Muốn sửa được thì phải cảm thấy xót xa khi mất một người anh em, phải cảm thấy có cái gì liên quan đến mình. Xây dựng trên tương quan giữa mình với người anh em có nghĩa là muốn cho người tốt hơn thì cũng chính là muốn cho mình tốt hơn.

2. Phải sửa lỗi thế nào? Theo những bước sau

– Nói riêng với họ. Lý do:

Giữ thể diện cho người có lỗi để họ cễ cảm được tình thương.

Duy trì danh dự cho người đó để họ dễ dàng sống tốt hơn.

Đừng để họ bị đè bẹp và thất vọng vì dự luận, định kiến

– Kèm theo hai hay ba nhân chứng: có thể họ chưa nhận ra họ có lỗi vì nếu một người có thể nói do chủ quan, nhưng đây có ý kiến của hai hay ba người sẽ giúp họ suy nghĩ lại, giúp họ nhận lỗi dễ hơn và cố gắng sửa.

– Cộng đoàn Giáo hội: cả cộng đoàn góp ý mà họ không nghe thì coi như là người ngoại và người thu thuế, nghĩa là như người chưa hoán cải, chưa có một cách sống của các môn đệ của Chúa Kitô (x. 4:56-57). Đây là một công thức nói lên sự dứt khoát chứ không phải làm một sự khinh miệt hoặc kết án. Cộng đoàn bất lực đối với họ nhưng cộng đoàn vẫn thương họ cho dù họ không còn thuộc cộng đoàn nữa cũng như Đức Giêsu đã trở nên bạn bè với những người thu thuế.

Qua tiến trình sửa lỗi cách tiệm tiến cho thấy Chúa Giêsu muốn chinh phục người anh em lầm lạc trở về.

3. Đây là loại tội nào? Có phải bất cứ tội nào cũng đem ra sửa như thế hay không? Bản văn không nói đến tính chất của tội.

Theo một số nhà chú giải, đây là tội riêng vì những lý do sau:

– Bản văn này không nói đến những scandales công khai vì theo 1Co 5, 13 thì loại tội này đã có kỷ luật của Giáo hội giải quyết rồi.

– Tiến trình sửa lỗi ở giai đoạn đầu tiên là nói chuyện riêng, xem ra việc đảm bảo việc mất trật tự được giữ kín tối đa và danh dự của họ vẫn không bị chạm đến. Tội ở đây xét về mặt bản tính rất trầm trọng vì sẽ đưa đến việc loại trừ khỏi Hội thánh nếu không sửa chữa.

Nếu là tội công khai thì hiểu thế nào về biện pháp nói riêng? Cho dù là tội công khai nhưng khi được nói riêng thì vẫn dễ cảm được do tình thương của người sửa lỗi.

Tất cả việc sửa lỗi đều xuất phát do động lực tình yêu, coi người khác là cùng thân thể với mình, lỗi người cũng là lỗi mình. Thiên Chúa ghét tội lỗi, nhưng thương tội nhân. Ngài muốn cứu chúng ta ra khỏi tình trạng lầm lỗi, chúng ta phải tham gia vào cuộc chiến này. Đây là cuộc chiến đấu huynh đệ, giành giật lại người anh em. Tình huynh đệ chân chính đòi hỏi các môn đệ của Đức Giêsu không được bỏ mặc một người anh em đi vào cuộc phiêu lưu nguy hiểm “phạm tội”, nhưng phải hết sức cố gắng đưa họ trở lại với đường ngay nẻo chính.

4. Những dấu hiệu cho thấy việc sửa lỗi người khác do ích kỷ:

– Sửa lỗi trong lúc nóng giận, đổ vào người khác tính nóng nảy của mình.

– Nói điều xấu người khác để làm nổi mình, ném đá người khác để khẳng định sự thánh thiện của mình.

– Hoặc hèn nhát, sợ bị đụng chạm đến mình do thiếu tình yêu.

Về phía người có lỗi: nếu họ thấy không được sửa lỗi vì tình yêu thì khó chấp nhận.

5. Tương quan giữa đất và trời (cc. 18-20)

Các nhà chú giải cho rằng những câu này tập trung những lời nói của Chúa Giêsu vào những hoàn cảnh khác nhau của Chúa Giêsu chứ không liên quan đến chỗ việc sửa lỗi. Dầu vậy tất cả đều nhấn mạnh vào sự liên đới của các Kitô hữu và sự thống nhất sâu xa của họ với Đức Kitô: bất cứ khi nào họ thực sự hợp nhất trong việc sử dụng quyền hành hay cầu nguyện thì Đức Kitô ở giữa họ.

Tại sao cc. 15-17 dùng từ “anh”, còn cc. 18-20 dùng từ “anh em”? Việc sửa lỗi là trách nhiệm của từng người, còn quyền tháo buộc là quyền được trao cho cộng đoàn. Mạch văn yêu cầu chúng ta phải coi chữ “anh em” là toàn thể các môn đệ có bổn phận mục vụ trong cộng đoàn, chúng ta cũng có một từ “anh em” tương tự ở cc. 3.10.12.13 và hơn nữa câu nói này song song với lời hứa Chúa đã nói với Phêrô ở Mt 16,19. Vại trò “cầm buộc và tháo cởi” mà Đức Giệsu đã ban cho cá nhân Phêrô một vài ngày trước đó (Mt 16,19), cũng được ban cho toàn thể cộng đoàn, trong cùng những từ ngữ (Mt 18,18). Giáo hội là môi trường của lòng thương xót, nhân hậu.

cc. 19-20 cho thấy sửa lỗi người anh em phạm lỗi là việc phải làm. Nhưng cầu nguyện cho người ấy thì có sức mạnh và hiệu quả hơn cả việc sửa lỗi, vì lúc ấy chính Thiên Chúa hành động.

Sr. Anna Hoàng Thị Kim Oanh

Suy thêm

1. Chúng ta có thực hiện lời dạy của Chúa Giê su không? Tại sao?

2. Chúng ta có quyền làm ngơ trước lỗi của anh chị em hay không? Tại sao?

3. Nếu bạn là người có lỗi, bạn có thái độ nào khi được người khác sửa lỗi?

Tài liệu tham khảo

Phêrô Phạm Hữu Lai, Chia sẻ Tin Mừng Chúa Nhật năm A, tr. 192-195

Fx. Vũ Phan Long, Kỷ luật của Giáo Hội và sự hiện diện của Đức Kitô

Comments are closed.

phone-icon