Đạo Kitô là đạo lịch sử

0

Khi mùa đông về, như nhiều người khác, các Ki-tô hữu biết rằng sắp đến lễ Chúa Giáng Sinh với bao hứa hẹn vui tươi và đẹp đẽ. So với ngày lễ ấy và Mùa Giáng Sinh sau đó thì hơn 3 tuần chờ đợi, quen gọi là Mùa Vọng, chẳng đáng kể gì. Thế nhưng, theo lời dạy của Giáo Hội từ xa xưa, Mùa Vọng không chỉ giản dị là mùa chuẩn bị mừng lễ Chúa giáng Sinh, mà còn là thời gian cho các Ki-tô hữu sống lại cả một lịch sử dài của dân Do-thái, thậm chí của cả nhân loại, trước khi Chúa Giê-su xuất hiện.

Thật vậy, theo cái nhìn của những người ưa thắc mắc về nguyên nhân sự việc, để giải thích tình trạng tội lỗi không ngừng gia tăng, song song với sự khát khao giải thoát cũng dâng cao không ngừng, người ta tin rằng những con người đầu tiên vào một lúc nào đó đã làm hỏng bản thân mình và các sự vật chung quanh (tội nguyên tổ), đẩy nhân loại vào chỗ vừa cố gắng mưu sinh vừa luôn luôn tìm kiếm sự giải thoát. Nỗ lực này ngày càng trở nên quyết liệt và hứng thú, khi người ta biết được ngay sau khi những con người đầu tiên phạm tội, Thiên Chúa đã quyết định cứu độ con người (sách Sáng Thế chương 13, câu 15).

Đối với người Do-thái, lời hứa ấy càng trở nên cụ thể hơn khi vào khoảng 3000 năm trước Đức Ki-tô (cộng với hơn 2000 năm kể từ Đức Ki-tô đến chúng ta hôm nay, cả thảy là khoảng 5000 năm), Thiên Chúa đã kí kết một giao ước với ông Áp-ra-ham, mời gọi ông nhìn nhận Ngài là Chúa của ông và dòng họ ông, ngược lại Ngài sẽ ban cho ông không những một lãnh thổ riêng mà cả một dân tộc đông đảo (sách Sáng Thế chương 12, câu 1-3).

Lời hứa này nhiều lần tưởng chừng như sẽ không bao giờ thực hiện được, như khi các vua Ai-cập không những ra lệnh giết các trẻ nam sơ sinh của người Do-thái, mà còn bắt mọi người không trừ ai phải làm nô dịch cho Ai-cập (khoảng 5 thế kỉ sau ông Áp-ra-ham). Nhưng dưới sự dẫn dắt của ông Mô-sê, Thiên Chúa không những giải thoát người Do-thái, mà còn qui tụ họ thành một dân tộc duy nhất trong một lãnh thổ riêng của họ, có lề luật và lãnh đạo hẳn hoi. Ban đầu là các thủ lãnh, sau đó là các vua, bên cạnh hai thành phần lãnh đạo khác là các tư tế chuyên lo việc tế tự và các ngôn sứ (còn gọi là các tiên tri) chuyên lo dạy dỗ dân chúng dựa vào luật Chúa và nhất là dựa vào những sự soi sáng của Chúa (còn gọi là “mặc khải”) để giúp dân hiểu biết ý Chúa xuyên qua các sự kiện và biến cố trong lịch sử. Các vị này thỉnh thoảng còn nhân danh Chúa báo trước một sự kiện nào đó sắp xảy ra. Những lời báo trước này thường mang một ý nghĩa rộng lớn hơn nhiều so với sự kiện sẽ xảy ra sau đó, gọi là “lời sấm” hay là “lời tiên tri”. Trong thời gian này, có những vua nổi tiếng như vua Sa-un, vua Sa-lô-môn, nhưng đặc biệt nhất là vua Đa-vít, có những ngôn sứ tiếng tăm như Sa-mu-en, Ê-li-a, I-sai-a.

Tuy nhiên, lịch sử không dừng lại ở đó. Lịch sử ấy luôn được đẩy lên trước. Một đàng, vì người Do-thái phải liên tục đấu tranh bảo vệ sự độc lập về chính trị và tôn giáo trước nhiều nước lớn chung quanh. Đàng khác, vì theo như hứa hẹn ban đầu của Chúa với Áp-ra-ham và các tổ phụ sau đó, lịch sử dân Do-thái phải mở rộng ra để trở thành lịch sử của nhân loại, sự cứu độ của dân Do-thái phải được nhân lên cho toàn thể nhân loại. Chính vì thế, khi nước Do-thái bị chia đôi và khi dân Do-thái bị lưu đày sang các nước chung quanh, các ngôn sứ như Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en, đã hướng dẫn họ hiểu rằng đó vừa là hậu quả của sự thất trận vừa là tiền đề để quảng bá niềm tin vào Thiên Chúa cho hết mọi dân tộc.

Suốt trong thời gian ấy, dưới sự giải thích của các ngôn sứ, người Do-thái luôn được nâng đỡ để sống và làm việc bởi niềm tin và sự hi vọng vào một sự cứu độ toàn diện do Thiên Chúa thực hiện hay do đấng Thiên Chúa xức dầu tấn phong để làm việc ấy (gọi là đấng Mê-si-a nếu đọc theo tiếng híp-ri của người Do-thái và phiên âm theo tiếng Việt hay là đấng Ki-tô nếu đọc theo tiếng hi-lạp và phiên âm theo tiếng Việt).

Lời hứa này xem ra gặp khủng hoảng nặng nhất là khoảng 3 thế kỉ trước Đức Ki-tô, khi nước Do-thái bị đế quốc Hi-lạp, rồi Rô-ma xâm chiếm. Gọi là gặp khủng hoảng nặng nhất không phải vì văn hóa và tín ngưỡng của các đề quốc này quá khác với văn hóa và niềm tin Do-thái, nhưng nhất là vì suốt trong thời gian này không có ngôn sứ nào xuất hiện để đọc giúp dân chúng các sự kiện và biến cố lịch sử, nhờ đó được nâng đỡ và nuôi hi vọng.

Chính vì thế, khi nghe Gio-an, mệnh danh là người làm phép rửa hay “Tẩy Giả”, loan báo đấng Cứu Độ sắp đến, bà con Do-thái hết sức phấn khởi và nôn nóng. Họ sẵn sàng làm những gì Gio-an yêu cầu đề chuẩn bị đón Đấng Cứu Độ, từ việc thú tội và tỏ lòng sám hối bằng cách để Gio-an làm phép thanh tẩy, đến việc cải thiện đời sống.

Như thế, Mùa Vọng với hơn ba tuần lễ trước lễ Chúa Giáng Sinh đã trở nên quan trọng hơn chúng ta tưởng : không chỉ là thời gian cho chúng ta dọn dẹp nhà cửa và thanh tẩy tâm hồn chuẩn bị mừng lễ, mà chủ yếu là thời gian cho chúng ta sống lại cả một lịch sử dài với bao thăng trầm của dân Do-thái và của cả nhân loại chờ đợi Đấng Cứu Độ. Chính lời Chúa hứa ban ơn cứu độ và chính sự khát khao mong mỏi ơn thánh ấy làm cho dòng lịch sử này trở nên có ý nghĩa thật sâu sắc và có giá trị thật cao cả.

Còn bạn đã có bao giờ trải qua một thời gian tương tự như thế chưa ? Nếu có, bạn chờ đợi điều gì và nhờ đâu, bạn có thể bền bỉ đợi chờ tới ngày hôm nay ? Hiện nay, bạn đã đạt được điều mình mong mỏi chờ đợi chưa ?

Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành

Comments are closed.

phone-icon