Chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa : Một hôm, Đức Giêsu nói với mấy người Pharisêu : “Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mc 10,6-8).
Theo Thánh Kinh, đôi hôn phối đầu tiên trong lịch sử loài người là hôn phối giữa chàng rể Adong và cô dâu Evà. Thiên Chúa đã tác hợp họ nên một. Họ yêu thương nhau, kết hợp với nhau rồi sinh con cái. Và sau này, con cái cũng theo gương cha mẹ mà cưới vợ gả chồng như chúng ta thấy ngày nay.
Như vậy, hôn nhân không những là một nhu cầu tự nhiên, một điều kiện để duy trì nòi giống mà còn là ý định của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta có thể nói rằng hôn nhân vừa là một hồng ân vừa là một ơn gọi.
Những người sống ơn gọi trong bậc vợ chồng phải thương yêu nhau tha thiết, hy sinh cho nhau như lời thánh Phaolô khuyên nhủ tín hữu Êphêsô : “Người làm chồng hãy yêu thương vợ như Đức Kitô yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh… Mầu nhiệm này thật là cao cả, tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội thánh” (Ep 5,25.32).
I. BIẾT YÊU LÀ ĐAU KHỔ, NHƯNG…
Tình yêu là nền tảng của hôn nhân, là điều kiện thiết yếu không có không được vì như người ta ví von : “Hôn nhân không có tình yêu thì như một ngày không có rạng đông” (Alphonse Karr). Nhiều người cũng công nhận rằng : “Yêu là đau khổ, nhưng không yêu thì chết” (H. Taine). Cũng có người khẳng định rằng : “Yêu, tức là đã ký kết với đau khổ” (M. De Cohin).
Khi nói đến tình yêu, người ta liên tưởng ngay đến mặt trái của nó, đó là sự đau khổ. Dường như đau khổ là “người bạn đời” của tình yêu vậy. Nhất là “người bạn đời” ấy lại hết mực sống chung thuỷ trong bất kỳ cuộc hôn nhân nào trên trái đất này.
Đó là một “bi kịch” ngàn đời, nhưng đó cũng là nét tự nhiên của tình yêu hôn nhân gia đình chúng ta. Một lý do rất đơn giản là như một danh nhân đã nói : “Tình yêu chỉ sống được nhờ đau khổ, sống trong hạnh phúc, tình yêu sẽ chết dần chết mòn”. Tình yêu sẽ chết trong một ảo tưởng trong thiên đường tình yêu : người ta không còn phải hy sinh, phải đấu tranh, phải nỗ lực, phải mất mát gì.
Hãy suy nghĩ về kinh nghiệm mà nhà văn hào Montesquieu đã chia sẻ như sau : “Tình yêu là liều thuốc đắng, nhưng không một ai có can đảm từ chối”.
Vẫn là liều thuốc đắng. Vẫn là đắng cay, chua chát. Tình yêu như thế đó ! Điều quan trọng là không từ chối, và phải hiểu được nó như nó là… Ít ra, chúng ta cũng có thể nhận ngay được thực tế này : “Yêu là chết trong lòng một ít” (Xuân Diệu).
II. VỊ ĐẮNG TÌNH YÊU
Chúng ta có thể đặt ra một dấu hỏi : Tình yêu đắng cay hay ngọt ngào ? Qua kinh nghiệm thường ngày, chúng ta phải nói rằng : tình yêu vừa có hương vị đắng cay lại cũng có hương vị ngọt ngào, bởi vì bất cứ việc gì trên đời cũng có mặt trái của nó. Phải biết dung hoà cả hai mặt thì mới sống được.
Theo như ông Trần Cao Khải nói thì khi bước vào “con đường tình yêu”, người ta sẽ hiểu được tất cả sự thật huyền diệu của tình yêu.
Hương vị đầu tiên của nó là sự ngọt ngào, dịu êm, bởi vì “Nếu cuộc đời là bông hoa, thì tình yêu là mật hoa” (Victor Hugo). Nó có khả năng “Biến những kẻ đang yêu thành thi sĩ” (Shakespeare). Nhưng yêu không mãi mãi là ngọt ngào và thi vị. Cũng như cuộc sống con người, vừa là cuộc đấu tranh vừa là niềm vui của gian khổ, mồ hôi và nước mắt.
Chúng ta phải nói lại một lần nữa : “Tình yêu là liều thuốc đắng, nhưng không ai có can đảm từ chối” (Montesquieu).
Nói về tình yêu, người ta vẫn dùng hình ảnh quen thuộc của một đoá hồng có gai. Không ai phủ nhận nhưng cái gai nhởn nhơ trong một cành hồng. Nhưng hoa hồng vẫn đẹp, vẫn dễ thương, vẫn mãi mãi là biểu tượng của tình yêu.
Khi yêu, người ta phải dũng cảm hưởng nếm vị đắng cay và tiếp xúc với gai nhọn của tình yêu. Khi yêu, người ta phải chấp nhận một qui luật. Đó là : “Tình yêu chỉ sống được nhờ đau khổ, cứ sống trong hạnh phúc, tình yêu sẽ chết dần chết mòn” (H. Taine).
Đau khổ là vẻ đẹp tự nhiên và hương vị đặc thù của tình yêu. Lý do đơn giản là yêu không chỉ là tận hưởng mà còn là cho đi, là ban phát, là mất mát… Chính đau khổ nuôi dưỡng và làm phát triển tình yêu. Bởi vậy, “Yêu là hạnh phúc của chính mình trong hạnh phúc của kẻ khác” (Leibnitz). Và nói theo nhà văn hào Nga, ông Leon Tolstoi thì “Yêu sâu sắc – điều đó có nghĩa là quên bản thân mình”.
III. TÌNH LÀ DÂY THUNG
Khi nói về hôn nhân, có nhiều nhà tâm lý chia hôn nhân thành ba thời kỳ : trước, liền sau và lâu sau khi kết hôn để nói về tình yêu vợ chồng, với những hình ảnh ví von bay bướm nhưng rất thực tế.
– Với những người thích mầu sắc, thì trước khi cưới là một màu hồng rực rỡ, liền sau khi cưới là một màu trắng nhàn nhạt, còn lâu sau khi cưới là một màu xám ảm đạm.
– Với những người thích nghiên cứu về thời tiết, thì trước khi cưới là những ngày mùa xuân nắng ấm, liền sau khi cưới là những ngày hè thu oi bức, hay mưa dông, còn lâu sau khi cưới là những ngày dài mùa đông lạnh giá.
– Với những người thích âm thanh, trước khi cưới anh nói thì em nghe và em nói thì anh nghe, liền sau khi cưới, anh nói thì anh nghe và em nói thì em nghe, còn lâu sau khi cưới, thì cả hai cùng nói, nhưng hàng xóm phải nghe.
– Với những người có tinh thần ăn uống, trước khi cưới thì nhìn nhau mà no, liền sau khi cưới thì nhìn nhau mà ngáp, còn lâu sau khi cưới thì thỉnh thoảng nồi niêu xoong chảo lại bay ra ngoài sân.
– Với những người vốn mang dòng máu ga lăng, trước khi cưới thì chiếc dù lệch hẳn về phía nàng và chàng sẵn sàng chịu ướt, liền sau khi cưới thì chếc dù nằm ở chính giữa và mỗi người chịu ướt một nửa, còn lâu sau khi cưới thì chiếc dù lệch hẳn về phía chàng và nàng đành cam chịu ướt.
Qua những câu ví von như vậy, chúng ta thấy tình yêu giảm sút đi theo từng thời kỳ. Nhưng có phải tình yêu lúc nào cũng giảm sút như thế chăng ? Và như vậy chúng ta nghĩ thế nào về câu nói cường điệu của ông Chamfort : “Hôn nhân là mồ chôn tình yêu” !
Thực ra, ông Chamfort chỉ có ý nói là chúng ta phải đề phòng, đừng để cho tình yêu hôn nhân bị nhạt nhoà đi theo năm tháng. Phải luôn đổi mới tình yêu để tình yêu được bền chặt qua qua thời gian, nhất là qua những gian nan thử thách.
Truyện : Kết hôn là khổ lắm
Có lần đi thăm mục vụ các gia đình, cha xứ được nghe một ông bố tâm sự :
– Đi tu như các cha, các thầy, các dì thế mà sướng, chứ còn đèo bòng như tụi con, khổ lắm cha ơi !
Có lần gặp các bà mẹ, ngài hỏi các bà mẹ nên khuyên nhủ các đôi tân hôn như thế nào. Một bà mẹ đã hung hăng phát biểu :
– Xin cha bảo chúng nó là đừng lấy nhau nữa. Khổ lắm ! Khổ lắm !
Dĩ nhiên lời phát biểu này có phần thái quá, bởi vì cho đến ngày hôm nay bàn dân thiên hạ vẫn cứ lấy nhau rầm rầm. Không lấy nhau thì làm sao nòi giống con người tồn tại được. Tuy nhiên, câu nói ấy cũng phảng phất một sự thật nào đó.
Có lẽ cũng chính vì vậy mà cụ thi sĩ Nguyễn Du, trong truyện “Đoạn trường tân thanh” đã phát biểu một câu xanh rờn : “Tu là cõi phúc, tình là dây oan”.
Trong văn học Việt nam thời trước, “Đoạn trường tân thanh” (truyện Kiều) là một tuyệt tác phẩm, ai cũng đã đọc và được nhiều người nghiên cứu sâu sắc cả về văn chương lẫn tư tưởng. Về phương diện văn chương thì tuyệt vời rồi, còn tư tưởng thì có nhiều điều hay, nhất là những tâm sự mà ông gửi gắm trong đó.
Nhưng, ông Gã Siêu, một tay viết hài hước có hạng không nhận câu nói của Nguyễn Du. Thay vì nói : “Tu là cõi phúc, tình là dây oan” thì ông lại đổi thành : “Tu là cõi phúc, tình là dây thung”.
Câu nói có vẻ dí dỏm, mang tính cách bông đùa cho vui, nhưng xét ra cũng thấy có đúng phần nào. Chúng ta thấy : đặc tính của dây thung là có thể kéo dài và thu ngắn, có thể giãn ra và co vào. Chính đặc tính co giãn này đã tạo nên những khổ đau và hạnh phúc cho cuộc sống gia đình và làm cho cuộc sống ấy trở thành một bức hoạ có những khoảng đậm và những khoảng nhạt, một bản nhạc có những nốt trầm và những nốt bổng.
Qua kinh nghiệm này, ông David Sarnoff đã nói một cách ví von thơ mộng : “Trong hôn nhân, nụ cười và nước mắt làm nên khúc nhạc cuộc đời”.
Nói đến đây tôi lại liên tưởng đến loài nhím. Thực vậy, nhím có nhiều loại. Loại sống ở nhiệt đới xứ nóng. Loại sống ở hàn đới xứ lạnh. Nhưng dù loại nhím nào thì cũng có một bộ lông thật cứng và thật nhọn, mà người xưa dùng làm tên bắn.
Ở xứ lạnh, mùa đông tuyết phủ, những con nhím phải nằm gần sát nhau cho ấm. Tuy nhiên có cái phiền là khi nằm gần sát nhau như vậy, thì bộ lông cứng và nhọn đó lại đâm vào nhau, làm cho nhau đau đớn khó chịu. Vì vậy, chúng lại giăng ra xa.
Nhưng cũng chỉ được một lúc, vì lạnh quá, chúng lại bò sát gần nhau. Dù đâm nhau, dù phải xa nhau, chúng vẫn cứ đến cùng nhau. Càng xa nhau, chúng lại càng tới gần sát nhau hơn, bởi vì chúng cần đến nhau.
Phải chăng đó cũng chính là câu chuyện của những cặp vợ chồng đang sống trong bậc gia đình ?
IV. HÃY SỐNG MÃI VỚI TÌNH YÊU
Tình yêu là người bạn đồng hành thân tình đưa ta đến cuộc hôn nhân bền vững, vì “Nếu tình yêu là hoa thì kết thành quả là hôn nhân “(Molière), và : “Tình yêu chân chính là tình yêu dẫn tới hôn nhân”(Engels).
Với tất cả mọi người, hôn nhân khởi đầu một cuộc sống hoàn toàn mới. Đó không phải là một cuộc chơi nhất thời, mà là một đời sống có cam kết và được nuôi dưỡng lâu dài.
Trong hôn nhân, người ta hướng đến nhau và cùng chia sẻ tình yêu và hạnh phúc cho nhau. Nét đặc thù nhất của tình yêu là sự dâng hiến. Lãnh tụ Gandhi của Ấn Độ đã nói : “Tình yêu bao giờ cũng hiến tặng, không bao giờ đòi đền đáp. Tình yêu luôn luôn giầy vò, khắc khoải nhưng không bao giờ phản kháng và trả thù”.
Vậy, phải chăng yêu và hy sinh là một ? Thánh nữ Têrêsa thành Lisieux đã nói thế : “Yêu và hy sinh là một. Không hy sinh thì chưa gọi là yêu”.
Trong hôn nhân, sống là chết cho người mình yêu như Chúa Giêsu đã nói : “Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13). Yêu là hy sinh. Hy sinh để chấp nhận sự khác biệt của nhau. Có muôn vàn những cái khác nhau giữa hai vợ chồng.
Cái đẹp của sự hoà điệu không phải là đồng điệu mà là kết hợp những tương khắc (variance) để tìm ra sự tương thích (compability) độc đáo nhất. Quá trình “hội nhập” giữa hai cá thể khác biệt nhau sẽ giúp cho hôn nhân càng ngày càng thắm thiết, sâu đậm hơn.
Triết gia hiện sinh người Pháp, ông J.P. Sartre, đã nói : “Người ta thường nói đến mối tình đầu là mối tình đẹp nhất, nhưng chính mối tình cuối mới thực sự là mối tình bất diệt”. Bởi lý do đơn giản là mối tình về sau đã được tôi luyện trong hy sinh gian khổ. Nó đã thực sự “chín” và “cứng cáp”.
Sau cùng, chúng ta phải nhận ra rằng hôn nhân là một ân huệ của Thiên Chúa ban cho chúng ta và cũng là một ơn gọi đối với chúng ta, nên người Kitô hữu trong đời sống vợ chồng sẽ phải trung tín với nhau suốt đời theo lời dạy của Chúa Kitô : “Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly” (Mt 19,6).
Ngoài ra, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn về những bổn phận của gia đình Kitô hữu đã viết : “Nhờ tính cách bí tích của hôn nhân, đôi bạn được liên kết với nhau một cách chặt chẽ không thể tháo gỡ được. Khi người này thuộc về người kia, họ thực sự biểu lộ tương quan giữa Đức Kitô với Hội thánh Ngài, qua dấu chỉ bí tích” (Familiaris consortio, số 13).
Lm Giuse Đinh Lập Liễm