Lòng tin của Thánh Tôma

0

Đức Giêsu bảo ông Tôma “ Vì đã thấy thầy nên anh mới tin, phúc thay những người không thấy mà tin”.

Những hoài nghi của ông Tôma quả có làm cho một số người đạo đức thoạt nghe Tin Mừng khó chịu. Ông theo Chúa, nghe Chúa, sống với Chúa… vậy mà kém tin. Tuy nhiên, khi gẫm suy Lời Chúa, chúng ta mới thấy được giá trị tuyệt vời nơi những hoài nghi ban đầu ấy, nó giúp ích cho việc xác tín của những người sẽ tin vào Chúa sau này. Thánh Giêrônimô đặt câu hỏi: “Anh em thân mến, anh em rút ra được kết luận nào? Có phải do ngẫu nhiên mà người môn đệ được chọn này lại vắng mặt trong lần đầu tiên không? Hay có phải do ngẫu nhiên mà ông trở về và được nghe kể lại, nghe kể rồi nghi ngờ, nghi ngờ rồi sờ mó, sờ mó rồi tin tưởng? Chính là do thánh ý Thiên Chúa chứ chẳng là do ngẫu nhiên mà sự việc diễn ra như thế đâu. Lòng thương xót của Chúa thật là kì diệu, vì khi người môn đệ đa nghi đưa tay chạm vào vết thương của Thầy mình, là lúc ông chữa lành vết thương của sự chai lì nơi chúng ta”.

Nhờ đó vị tông đồ đa nghi này trở thành một nhân chứng cho thực tại phục sinh.

Một triết gia vô thần có tham vọng chứng minh cho mọi người rằng không có Thiên Chúa.

Để thực hiện ước vọng đó, ông nhận nuôi một trẻ mồ côi từ thuở bé. Ông cho nó ở riêng trong một căn phòng và cấm không ai được nói với nó về Thiên Chúa hay tôn giáo. Năm tháng trôi qua, bé ngày càng khôn lớn.

Một ngày đại lễ, triết gia mở tiệc thiết đãi bạn bè, khách dự tiệc tò mò muốn biết hiện tình về đứa trẻ mà ông nuôi dưỡng.

Ông bảo họ: “Hãy đến mà xem, rồi các bạn sẽ thấy tận mắt, Thiên Chúa chính là sự bịa đặt của con người, là một điều ngu dại của các linh mục Công giáo muốn nhồi sọ kẻ ngu dại”.

Nói xong ông dẫn khách đến khu vườn mà ông cho là thiên đàng của đứa con nuôi của ông. Nhưng ông hết sức ngạc nhiên thấy đứa con này qùi trên bãi cỏ, mắt hướng về phía mặt trời, hai tay giang rộng và lớn tiếng nói:- Ông mặt trời ơi, ông đẹp quá, xin cho tôi nhắn với Đấng đã tạo nên ông và tôi là tôi yêu mến Người.Chứng kiến cảnh tượng đó, vị triết gia vô thần quá tức giận, quát mắng đứa trẻ trước mặt quan khách. Nhưng đứa trẻ nói: “Thưa ba, tất cả mọi sự tốt đẹp chung quanh con đều nói lên có Đấng quyến phép đã tạo dựng mọi sự trên trời dưới đất. Con có bổn phận phải thờ lạy và cảm tạ Đấng ấy”.

Câu trả lời của em bé thơ ngây đã nói lên sự thật, tuy có vẻ điên rồ với triết gia vô thần, nhưng rất chí lí đối với mọi người. Chân lí đó đã ghi khắc trong tâm hồn con người.

Người ta không thể bảo: “Phải thấy mới tin” trên đời biết bao điều chúng ta không thấy mà vẫn phải tin. Chẳng ai rõ lòng dạ con người, nhưng họ vẫn tin vào tình yêu, tình vợ chồng, tình bạn hữu, tình xóm làng. Cũng không thể nói : “Tôi chỉ tin Chúa nếu có bằng chứng”

Phaul Misraki bảo : “Nếu bạn chỉ đợi có bằng chứng mới tin, thì đức tin đã thành khoa học rồi”.

Khủng hoảng lớn nhất ngày nay là khủng hoảng đức tin, nhưng “phúc cho ai không thấy mà tin”

Ông Tôma cũng như các Tông đồ bị tác động sâu sắc bởi điều đã chứng kiến tận mắt. Ông không thể nào quên được hình ảnh Thầy bị đóng đinh và cái chết đau đớn, và ông cũng không hề để tâm đến điều các tông đồ khác nói với mình nên ông không ngần ngại đặt điều kiện: “Nếu tôi không thấy dấu đinh nơi tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh ở tay và đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”

Tất cả chúng ta đều mong ước niềm tin của mình phải có bảo chứng. Song, tin là chấp nhận cậy dựa vào Đấng mình tin, là ngoan thảo thân thưa với Người : “Con tin cậy vào Chúa”

Tại sao tôi khó tin Chúa? Phải chăng tôi đòi thấy Chúa, đòi thọc bàn tay vào cạnh sườn Chúa, tôi mới tin? Nhưng “phúc cho ai không thấy mà tin”.

Chúng ta hãy nhìn vào Thày Chí Thánh một lần nữa. Lúc này hình như chúng ta cũng đang nghe lời trách móc dịu dàng của Chúa “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thày. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin” (Ga 20, 27)

Chúng ta có nhớ những lần nhờ niềm tin mà chúng ta có sức mạnh vượt qua được bao nỗi khốn khổ không ? Và ngày nay, khi chúng ta tin dù không được thấy, liệu chúng ta đã nhận ra cái phúc mà Đức Giêsu đề cập đến hay không? Có thể chúng ta chưa nhớ cũng chẳng nhận ra, nhưng phúc lộc thì vẫn có đó. Mỗi lần chúng ta tiếp tục yêu thương dù bị từ chối. Mỗi lần thất bại mà vẫn cố gắng. Mỗi lần lau khô dòng lệ và khởi sự lại chính là lúc chúng ta đang hưởng phúc vì được tham dự vào mầu nhiệm Phục sinh. Đức Kitô đã chinh phục tất cả thì chúng ta cũng sẽ chinh phục tất cả, nếu chúng ta biết đặt niềm tin nơi Người..

Cùng với thánh Tông Đồ Tôma, hãy nói lên một lời thống hối chân thành từ trong sâu thẳm nơi mỗi tâm hồn chúng ta: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga, 20, 28). Con từng nhìn nhận Chúa là Thầy là Chúa của con và mãi mãi vẫn thế. Từ bây giờ trở đi, với ơn nâng đỡ của Chúa, con sẽ luôn luôn trân trọng giáo huấn của Chúa và trung thành theo đuổi đến cùng.

Sr. Anna Hoàng Thị Hóa

 

 

Comments are closed.

phone-icon