Nghệ thuật ứng xử – Chiếc áo giáp của con

0

Trong thời gian gần đây, tình trạng bắt nạt, bạo lực học đường gia tăng và gây không ít lo lắng cho các bậc cha mẹ đang có con ở độ tuổi đến trường. Phụ huynh không biết nên làm gì và làm thế nào để con em mình được an toàn và an tâm vào lớp học. BTT xin giới thiệu bài viết của ông Phan Thúc XánGiám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp tâm lý giáo dục trẻ TP.HCM đăng trên báo Phụ nữ, số ra ngày 16.3.2015 về vấn đề này để quí phụ huynh tham khảo :

Trước những vấn nạn xâm hại trẻ, trẻ bị bắt nạt, bạo lực học đường, rất nhiều phụ huynh (PH) lo lắng, tìm cách phòng chống cho con. Với câu hỏi được nhiều PH đặt ra “tính cách trẻ như thế nào thì dễ gặp rắc rối trong mối quan hệ bạn bè?”, tôi trả lời rằng, trẻ thích chơi trội, không hòa đồng với tập thể, có những lời nói khó nghe, nói xấu người khác… hoặc trẻ quá hiền, giao tiếp kém đều bị thiệt thòi. “Còn trẻ như thế nào thì không trở thành nạn nhân (hay thủ phạm)?” tôi khẳng định ngay: trẻ tự tin, có nghệ thuật ứng xử.

Việc PH lo lắng, tìm nhiều chiêu thức bảo vệ con trước “bão táp” bạo lực học đường nghe có vẻ như họ rất chủ động, thực ra là thụ động, đối phó. Khuyên con chọn bạn tốt mà chơi, đừng chơi với bạn xấu cũng không là giải pháp, vì con trẻ đâu biết ai tốt ai xấu để chọn và thực ra cũng không có ai tốt hoặc xấu hoàn toàn. Khuyên con đừng tham gia những chuyện lùm xùm, lôi thôi, nhưng thực tế có những tình huống bất ngờ, “trên trời rơi xuống” – chẳng hạn có “đại bàng” xuất hiện đòi tiền và nếu không đưa thì đánh; trong giờ kiểm tra, không cho bạn xem bài cũng ăn đòn; có tính hào hiệp, ra tay can ngăn các bạn thì vô tình bị khép tội “theo hùa”… Cha mẹ không phải là nhà biên kịch thiên tài để có thể vẽ trước tất cả những tình huống và chỉ cho con cách ứng phó. Mặt khác, nếu cứ suốt ngày cung cấp cho con những thông tin về bạo lực, học đường khốc liệt, xã hội phức tạp hòng cảnh báo trẻ những tình huống nguy cơ, thì sự răn đe, cảnh báo ấy coi chừng tác dụng ngược. Nó có thể khiến trẻ suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực, nhìn thế giới với một màu xám, từ đó ứng xử tự ti, rụt người vào vỏ ốc, yếu đuối và càng dễ bị bắt nạt, xâm hại. Dạy trẻ tin vào cái tốt là rất quan trọng, tạo nên sức mạnh ở trẻ.

Để trẻ bảo vệ mình, PH hãy giúp trẻ xây dựng khả năng làm chủ bản thân, tự lập, tự chủ trên nhiều phương diện. Bài học đầu đời là dạy trẻ cẩn thận, không trèo leo cao, hay biết cách cầm dao sao cho không bị đứt tay. Khi vào nhà trẻ, mầm non, trẻ biết bảo vệ đồ đạc của mình, biết phản ứng thế nào khi bạn sắp tấn công … Trẻ em hiếu động, đùa nghịch, chọc phá nhau, dễ phát sinh mâu thuẫn. Cha mẹ nên trò chuyện để hiểu con hơn. Cần phải biết và thường xuyên gặp gỡ ít nhất là ba bạn thân của con để biết những vấn đề con đang gặp phải và đang che giấu (vì sợ cha mẹ sẽ la mắng hay chuyện bé xé to).

Từ 1 -5 tuổi là thời kỳ vàng để trẻ hình thành tính cách. Dạy con nghệ thuật ứng xử từ đấy chứ không phải đợi khi trẻ lớn hẳn. Nhưng, nhiều PH lại bỏ phí, cho rằng trẻ chưa biết gì để dạy, không tập cho con thói quen tốt: vui cười, chào hỏi khi gặp nhau, làm sai thì xin lỗi, khi được nhận thì cảm ơn… vốn là những ứng xử tối thiểu đi suốt cuộc đời mỗi người. Tuổi từ 10-15 là giai đoạn dậy thì, trẻ bị rối loạn (tâm lý) và nổi loạn (hành vi). Ứng xử (đặc biệt trong mối quan hệ bạn bè) là một thử thách, cha mẹ phải hiểu từng giai đoạn phát triển của con để dạy bảo phù hợp.

Có giai thoại rằng nhà văn Nguyễn Tuân khi xếp hàng đợi mua hàng, bất ngờ bị một anh to cao chen vào trước, lại giẫm lên chân thật đau. Câu nói của nhà văn: “Anh giẫm lên chân tôi đau quá! Tôi xin lỗi anh nhé!” khiến mọi người cười xòa và anh kia có chút xấu hổ nhẹ với hành động của mình. Đặt trường hợp nhà văn không nói vui thế mà la mắng, chỉ trích, lên lớp hoặc choảng anh kia thì sự thể đã trầm trọng. Nghệ thuật ứng xử là sức mạnh của lời nói, nụ cười, của sự khéo léo, của chữ nhẫn. Nghệ thuật ứng xử không phải là nhịn nhục, cho qua mà là giải quyết vấn đề một cách nhẹ nhàng nhất.

Cha mẹ nên dạy trẻ lối ứng xử ôn hòa, không gây kích động. Trường hợp thấy bạn bè cô lập, có thể đánh mình, trẻ phải tìm hiểu lý do, xét xem mình có lỗi với họ chăng. Hãy cố gắng cùng con tìm hiểu cặn kẽ và dùng ứng xử giải hòa. Nếu cha mẹ bảo con “thôi kệ, bạn A giận thì chơi với bạn B, thiếu gì bạn …”, tình trạng “chiến tranh lạnh” im im như không ấy có thể bùng ra thành trận đánh bất cứ lúc nào. Con chơi với bạn đừng sợ bị thua thiệt, mà phải chơi với tinh thần tự trọng và tôn trọng. Tránh xa nguy cơ không có nghĩa là nghỉ chơi hay quay lưng với bạn (nhiều khi đó lại là nguyên nhân của bạo lực). Khi thấy bạn định gây gổ, có những hành vi hung hăng, không phù hợp, con vẫn chơi nhưng dãn ra, lui dần dần, kiên trì tìm hiểu bạn, nói những lời để bạn hiểu mình thêm, bớt giận dữ. Trường hợp xấu nhất có va chạm xảy ra thì lúc ấy mình đã tránh ra rồi, ít nhận hậu quả. Đồng thời, khi có vấn đề, nên hỏi ý kiến cha mẹ hoặc báo cho người lớn khác can thiệp, hòa giải. Tâm lý “bầy đàn” lôi kéo nhất là ở tuổi dậy thì khiến trẻ không muốn làm cũng phải làm. Sự tự tin, tự chủ và kỹ năng từ chối sẽ là mấu chốt giúp trẻ không thỏa hiệp với cái xấu, cái ác mà vẫn an toàn, vô hại.

Vấn đề không ở dạy con kỹ năng tự bảo vệ mà là kỹ năng sống nói chung, vì cuộc sống không cứ là một cuộc tự vệ. Chuyện đánh đập nhau xuất phát từ tính nóng nảy, tăng động ở trẻ. Cha mẹ với hai bửu bối tình thương và nêu gương, có ưu thế rất lớn trong việc giáo dục trẻ, phòng tránh các nguy cơ. Khi dạy con, đừng trừng phạt, răn đe, áp đặt, “bủn xỉn lời khen, phung phí tiếng chê”, khiến con sợ, từ đó khó gần gũi, chia sẻ. Hãy là một điểm tựa của con, không bênh vực nhưng nâng đỡ tinh thần cho con, vun xới mặt tốt của con. Cha mẹ đừng bỏ quên chữ “mỹ” trong giáo dục đức – trí – thể – mỹ, giúp con có lời nói đẹp, ứng xử đẹp, lối sống mạnh mẽ, chan hòa.

PHAN THÚC XÁN

Comments are closed.

phone-icon