Bố tôi

0

Mỗi lần nhắc đến Bố, mọi cảm xúc trong tôi lại ùa về. Trong NGÀY CỦA CHA hôm nay, tự dưng tôi thấy nhớ Bố quá!

Gia đình tôi không khá giả, Bố tôi phải lên Sài Gòn làm để kiếm tiền nuôi chị em chúng tôi ăn học. Bố không về nhà thường xuyên, một năm chỉ về khoảng hai, ba lần.

Năm 2011, tôi kết thúc lớp 12 và chuẩn bị bước vào kì thi đại học. Thế là tôi có cơ hội để lên thăm Bố vì trường tôi thi ở Sài Gòn. Khi xe dừng lại tại siêu thị Coop-Mart, gần chiếc cầu đen Lê Văn Sĩ, Bố gọi điện bảo tôi đợi ở đấy, Bố đi làm ngang qua sẽ đón. Ngồi ở rìa siêu thị tôi tha hồ chiêm ngắm vẻ đẹp của phố đêm. Hàng ngàn ánh đèn cùng hòa với sự nhộn nhịp của thành phố. Những cô gái chân dài cứ ra vào siêu thị với đủ loại thời trang “teen” nhất, “hot” nhất, trông xinh đẹp và sành điệu quá! Thành phố buổi tối đẹp thật! Khác hẳn với buổi tối êm đềm ở quê tôi.

Đang mơ màng, ngây ngất, tôi bỗng nghe một tiếng gọi lớn: “Thúy ơi!” Tôi giật mình quay lại. Trước mắt tôi là một người đàn ông mặc chiếc quần jean cũ bị thủng một mảng to ở đầu gối, cái áo bạc phếch, rách ở chỗ vai, chân tay quần áo lấm lem, bên cạnh là chiếc xe ba gác đạp cà tàng. Một thoáng định hình tôi mới nhận ra Bố mình. Thấy tôi cứ đứng thần người ra, Bố cười bảo: “Tao mới đi chở xà bần về! Người lao động mà, phải như vậy đấy con ạ!” Nói rồi Bố dẫn tôi đi ăn. Một cảm giác xấu hổ len lỏi trong tôi, sao Bố tôi trông thảm thế này? Vậy mà tôi cứ tưởng Bố sống ở thành phố thì phải ra dáng người thành phố lắm chứ? Bình thường ở bên Bố, tôi nói nhiều lắm, nhưng hôm ấy tôi im bặt. Tôi ngại vì Bố tôi ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu, vừa gầy vừa đen, trông quê mùa chẳng giống ai. Đã thế, khi gặp mấy người quen của Bố, họ lại cứ thích chọc ghẹo: “Hôm nay ông Dương dắt ai theo đấy?” Bố hồ hởi giới thiệu con gái và càng tự hào khi được họ trầm trồ khen: “Trông vậy mà cũng có con gái xinh đấy nhỉ!” Điều đó khiến tôi càng ngại ngùng.

Trở về phòng trọ của Bố, một căn phòng nhỏ xíu ở trên gác, xung quanh dán đầy những giấy báo, giấy lịch. Ngoài vài cái xoong nồi móp méo, dúm dó, có mấy cái bát ăn cơm, mấy bộ quần áo sờn cũ, thêm cái gương, cái lược. Hết! Tôi nhìn Bố rồi lại nhìn căn phòng trọ, lòng trĩu nặng, xót xa. Bố thì cứ vui vẻ: “Tao đi làm suốt ngày chỉ tối mới về phòng thôi, chủ yếu là có chỗ tắm rửa, ngủ nghỉ ấy mà. Phòng nhỏ thế mà cũng một triệu một tháng đấy con ạ!” Tôi vâng- dạ rồi vội vã đi tắm và đi ngủ. Tưởng tôi mệt, muốn đi ngủ sớm, Bố tắt điện để tôi ngủ, nhưng bố đâu có biết, đi ngủ sớm chỉ là cái cớ để tôi che giấu những giọt nước mắt đang trực trào ra. Lúc này tôi không còn xấu hổ về Bố nữa, thay vào đó là lòng thương Bố khôn tả. Chưa bao giờ tôi thương bố như lúc ấy. Tận lúc ấy, tôi mới hiểu ra Bố đã vì tôi, vì gia đình mà phải cực khổ đến thế!

Vì hoàn cảnh mẹ tôi mất sớm, Bố chỉ có mỗi mình tôi. Bố đi thêm bước nữa, nên tôi có thêm một gia đình mới. Mẹ kế của tôi cũng có một người con riêng sấp sít tuổi tôi. Chị ấy hơn tôi một tuổi nên tôi gọi bằng chị. Chị đã học hết lớp 12, thi đại học bị rớt nên phải nghỉ học. Chính vì thế, mẹ kế không muốn tôi học cao hơn. Nhớ lại năm học lớp 12, gia đình tôi thực sự “chìm trong chiến tranh”, đó là khoảng thời gian thật kinh khủng đối với tôi. Mẹ bảo: “Phải công bằng, con tôi nghỉ thì con ông cũng không được đi học nữa.” Thế là mỗi lần đi học về, mẹ bày đủ việc ra cho tôi làm. Tôi đòi đi học thêm, mẹ không cho. Tôi ấm ức xin Bố cho đi ở trọ. Chỉ cần Bố gật đầu một cái, mặc cho phản ứng của mẹ và của chị, tôi cứ xếp đồ rồi lên đường.

Năm ấy Điều bị mất mùa, thế là Bố lên Sài Gòn để kiếm việc làm, thêm thu nhập cho gia đình. Tôi có hỏi đến thì Bố bảo: “Tao không đi làm thì lấy tiền đâu nuôi chúng mày ăn học.” Mà xét cho cùng thì chỉ có một mình tôi ăn học thôi, chị tôi thì đã nghỉ học rồi, em tôi thì bé xíu… Như vậy, Bố vất vả, lam lũ thế này chủ yếu là vì tôi, Bố đã hy sinh tất cả cho tôi, để tôi được tiếp tục học hành bằng chúng bạn. Vậy mà lúc nãy tôi đã xấu hổ vì Bố. Tôi nằm suy nghĩ, cảm thấy hối hận và thương Bố quá! Càng thương Bố bao nhiêu tôi lại càng cảm thấy có lỗi với Bố bấy nhiêu. Tôi lặng im, mặc cho những dòng nước mắt cứ thế tuôn rơi.

Tận lúc ấy tôi mới nhận ra bố tôi thật tuyệt vời, Bố rất đáng để tôi tự hào, dù Bố làm nghề chạy xe ba gác; ai thuê gì chở nấy, thậm chí cả rác rưởi. Có những buổi trưa trời nắng chang chang, mồ hôi như tắm, Bố vẫn đều đều từng xẻng xà bần nặng trĩu hất lên xe, rồi còng lưng đạp tới bãi rác. Vất vả là thế nhưng chưa bao giờ Bố than vãn nửa lời. Chỉ có câu nói quen thuộc mà tôi vẫn thường được nghe: “Mày ráng mà học nghe con. Bố đi làm kiếm tiền cho mà học. Tao đây cuốc đất còn được, chứ mày bóng mương lắm chẳng làm được đâu.” Câu nói ấy thỉnh thoảng lại vẳng bên tai tôi, khiến tôi luôn luôn cố gắng và không bao giờ cho phép mình chùn bước, dù có lúc chán nản, khó khăn.

Bố tôi trông quê mùa vậy mà lãng mạn và tâm lí lắm. Chính vì thế chuyện gì tôi cũng thích kể cho Bố nghe, kể cả chuyện mấy thằng con trai viết thư cho tôi nữa. Bố khuyên điều gì tôi cũng tâm đắc cả. Bố mà kể chuyện ngày xưa của bố thì mê li, bởi thế mà tôi rất thích trò chuyện với Bố.

Cứ như thế, Bố đã làm tròn cả hai thiên chức: làm cha và làm mẹ của đứa con bé nhỏ chính là tôi. Bố thực sự là bóng mát, là lá chắn che chở cuộc đời tôi. Càng lớn lên tôi càng hiểu và thấm thía tình thương yêu, sự hi sinh của Bố thật là cao cả, lớn lao. Mất mẹ sớm là một sự thiệt thòi, nhưng bù lại, Chúa đã ban cho tôi có một ông Bố thật tuyệt vời. Tôi rất tự hào về Bố!

Maria Thúy Đinh (Thỉnh Sinh)

Comments are closed.

phone-icon