“Người ta không thể mua được Đức Tin” – bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 15.01.2016

0

“Người ta không thể mua được Đức Tin”

bài giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô ngày 15.01.2016

Để hiểu được Chúa Giê-su, người ta phải đi theo Ngài – trên con đường tha thứ và khiêm nhượng. Nhưng với “con tim khép kín”, người ta không thể tiến xa. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng thứ Năm vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican.

Đức Thánh Cha đã khởi đi từ bài Tin Mừng trong ngày, tức bài Tin Mừng theo Thánh Mác-cô thuật lại việc Chúa Giê-su chữa lành một người bị bại liệt tại Ca-pha-na-um. Trước tiên, những người khênh người bệnh nhân này đã không đến được với Chúa Giê-su. Vì thế, sau cùng họ đã buộc phải mang bệnh nhân lên mái nhà, khoét một chiếc lỗ trên đó, rồi thả bệnh nhân xuống trước mặt Chúa Giê-su qua chiếc lỗ này (Mc 2,1-12). “Họ có Đức Tin” – Đức Thánh Cha giải thích. Đó “chính là Đức Tin giống hệt như Đức Tin của người phụ nữ bị băng huyết, người đã đến sờ vào gấu áo chùng của Chúa Giê-su để được chữa lành.” Đức Tin ấy giống hệt như Đức Tin của viên đại đội trưởng quân đội Rô-ma, người đã xin Chúa Giê-su đến chữa lành tên đầy tớ của ông. “Một Đức Tin mạnh mẽ, can đảm. Đức Tin ấy tiến về phía trước.”

Với con tim khép kín, chúng ta không thể hiểu được Chúa Giê-su:

Điều liên quan tới ca chữa lành cho người bại liệt tại Ca-pha-na-um đã làm cho Chúa Giê-su “tiến thêm một bước” – Đức Thánh Cha cho biết. Tại Nazareth, trước tiên, Chúa Giê-su đã vào trong Hội Đường để nói. Ngài được “sai đến để ban lại thị giác cho người mù, ban sự tự do cho các tù nhân, công bố một năm Hồng Ân”. Đó là một “năm của sự tha thứ, của sự xích lại gần Thiên Chúa”. “Mở ra một con đường dẫn tới Thiên Chúa.” Và như vậy, ở đây là một bước tiến tiếp theo: Chúa Giê-su không chỉ chữa lành một cơn bệnh, nhưng cũng còn tha thư tội lỗi cho cả bệnh nhân nữa.

“Vì cũng có những người đang đứng chung quanh anh ta, đó là những con người với con tim khép kín. Họ vẫn còn có thể chịu đựng được việc Chúa Giê-su chữa bệnh cho tới một mức độ nào đó. Nhưng việc Ngài tha tội, đó là điều quá quắt! Người ta bực bội và nghĩ bụng, ông Giê-su này không được phép nói như thế, vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể tha tội! Nhưng Chúa Giê-su biết họ đang nghĩ gì. Và Ngài cảm thấy cần phải nói rõ với họ. Nhưng phải chăng Ngài nói rằng, tôi là Thiên Chúa? Không! Ngài không nói thế. Ngài chỉ nói: Các ông đang nghĩ gì trong lòng vậy? Các ông không biết rằng Con Người có quyền tha tội hay sao? – Đó là một bước tiến. Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà! Ở đây, Chúa Giê-su bắt đầu nói thứ ngôn ngữ này. Đó là thứ ngôn ngữ đã từng gây thất vọng cho nhiều người, trong đó có một số môn đệ của Ngài… Đó là một ngôn ngữ chói tai, giống như sau này Ngài sẽ nói, người ta nên ăn thịt Ngài để đạt tới được ơn cứu độ.”

Chúng ta hãy tự hỏi, liệu Đức Tin vào Chúa Giê-su có thực sự biến đổi cuộc sống chúng ta hay không?

Còn chúng ta thì sao? Thực ra thì chúng ta cũng chấp nhận Chúa Giê-su như một người nào đó mà người ấy “nên cứu chúng ta khỏi những bệnh tật của chúng ta” – Đức Thánh Cha nói. Nhưng trước tiên, Chúa Giê-su muốn cứu chúng ta “khỏi mọi tội lỗi của chúng ta và mang chúng ta tới cùng Thiên Chúa Cha”: “Ngài được sai đến để thực hiện điều đó! Để hiến trao mạng sống của Ngài vì ơn cứu độ của chúng ta. Và đó là một điểm khó có thể hiểu được.” Không phải chỉ có các luật sĩ không hiểu được điểm đó, mà ngay cả các môn đệ của Ngài cũng không, kể cả hồi đó lẫn bây giờ.

“Tin vào Chúa Giê-su có nghĩa là gì? Đức Tin của tôi vào Chúa Giê-su đang thế nào? Tôi có tin rằng Ngài là Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa không? Và Đức Tin này có biến đổi cuộc sống của tôi không? Đức Tin ấy có dẫn tôi tới việc là: trong Năm Thánh này, trong Năm Tha Thứ này, sự xích lại gần với Thiên Chúa sẽ bắt đầu từ trong con tim của tôi không? Đức Tin là một ân ban. Không có bất cứ ai xứng đáng để có được Đức Tin. Không có người nào có thể mua được Đức Tin. Đức Tin là một ân ban. Đức Tin của tôi vào Chúa Giê-su có dẫn tôi tới chỗ chịu sỉ nhục không? Cha không nói: sự khiêm nhượng. Nhưng Cha nói: sự chịu sỉ nhục, thống hối. Đó là một lời cầu nguyện rằng: Lạy chúa, xin tha thứ cho con. Chúa là Thiên Chúa. Chúa có thể tha thứ cho con!”

Viên đá thử Đức Tin chúng ta chính là khả năng của chúng ta trong việc ca tụng Chúa:

Ước gì Thiên Chúa “làm cho chúng ta được lớn lên trong Đức Tin” – Đức Thánh Cha khẩn xin. Những con người hồi đó đi theo Chúa Giê-su, “vì Ngài nói với quyền năng, không giống như những người luật sĩ”, và cũng “vì Ngài thực hiện các phép lạ”. Nhưng để kết thúc, “sau khi họ đã thấy tất cả những điều đó”, người ta đã “ca ngợi Thiên Chúa.”

“Việc ca ngợi Thiên Chúa chính là viên đá thử để biết xem liệu tôi có tin rằng Chúa Giê-su là Thiên Chúa trong cuộc sống của tôi hay không; liệu tôi có tin rằng, Ngài được sai đến để tha thứ cho tôi hay không. Đó là sự ca ngợi: liệu tôi có khả năng trong việc ca ngợi Thiên Chúa hay không. Ca ngợi Thiên Chúa là điều miễn phí; ca ngợi là điều nhưng không. Nó chính là một cảm nhận mà Chúa Thánh Thần ban cho bạn. Nó đưa bạn tới chỗ phải nói rằng: Chúa là Thiên Chúa duy nhất. Ước chi Thiên Chúa làm cho chúng ta được lớn lên trong Đức Tin ấy vào Chúa Giê-su Ki-tô – Thiên Chúa, Đấng tha thứ cho chúng ta, Đấng giới thiệu cho chúng ta Năm Hồng Ân. Và Đức Tin này sẽ dẫn chúng ta tới việc ca ngợi.”

Theo de.rv 15.01.2016 sk

Linh mục Đa-minh Thiệu – chuyển ngữ

Comments are closed.

phone-icon