Uy quyền – Suy niệm CN IV Thường niên, năm B

0

CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN B
UY QUYỀN

LỜI CHÚA: Mc 1, 21 – 28

Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Giê-su để khám phá ra Ngài là ai. Trong Tin Mừng Mac-Cô, dân chúng trong hội trường sửng sốt về lời dạy của Ngài: “Người dạy như một Đấng có quyền chứ không như các kinh sư.” Chúa Giê-su không dựa vào lời dạy của ai nhưng chính Ngài nói như Đấng có uy quyền. Uy quyền này đã làm cho quỉ dữ phải câm miệng vì nó biết Ngài là ai. Và nó là người đầu tiên tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Messia. Quỉ biết rõ lời rao giảng của Ngài đe dọa trực tiếp quyền lực của nó. Đó không phải là một triết lý mới hay một luân lý thuần túy nhưng là sức mạnh thiêng liêng đánh thẳng vào ma quỉ, kẻ chi phối thế gian này. Ngôn ngữ này thật mới mẻ, ngôn ngữ của con người thời đại, ngôn ngữ uy quyền này có sức mạnh khai trừ sự dữ đang hoành hành trong thế gian.

Sống trong môi trường nhà chùa lấn át nhà thờ bằng vẻ hoành tráng của đền miếu, của con số, của sức mạnh phô diễn và của truyền thống, nhiều lần tôi cảm thấy lẻ loi, thấp bé và vô vọng giữa một biển người chưa để cho Lời quyền năng Chúa chữa lành và biến đổi. Tôi tự hỏi bao giờ Nước Chúa mới trị đến trên mảnh đất khô cằn này. Nhìn những con người vô tư trước định mệnh không thể trốn thoát của mình, tôi thương họ. Nhất là khi cảm nghiệm được niềm hạnh phúc của những người tin Chúa, tôi càng thương xót họ hơn. Họ sẽ rất bàng hoàng sợ hãi trước cái chết ư? Họ sẽ thất vọng khi biết mình đang chết dần về sinh lý ư? Nhìn khuôn mặt không mấy bình an khi tiễn đưa một người anh em của mình về lòng đất, tôi thương xót họ vô cùng. Nhưng tôi sẽ làm gì đây với những con người không chấp nhận để Lời quyền năng biến đổi mình.

Trên đường sứ vụ tôi gặp rất nhiều người đi bộ, đi xe đạp, đi xe máy vội vã tiến vào các chùa chiền với những cà- mên thức ăn dâng cho các thày trong chùa. Tôi nghĩ họ vất vả lắm khi nấu bữa cơm chay ngon cho các thày của mình. Họ cũng phải hy sinh lắm khi nhường phần ăn của mình cho người tu hành.Tôi rất thương họ và cảm phục sự hy sinh quên mình của họ. Nhưng tôi vẫn không yên với những cật vấn trong lòng: Tại sao họ kiên trì theo đuổi lòng tin của họ như vậy? Còn tôi, người được ưu đãi, người ăn ngày nay không lo ngày mai; Người được sống trong sự quan phòng của Cha trên trời, tôi đã sống niềm tin của mình thế nào?

Tôi thương hại những con người tự gồng mình để giác ngộ, còn tôi được quyền năng của Cha nâng đỡ khi yếu đuối, khi mỏng dòn… tôi đã khiêm tốn để cậy dựa vào lời quyền năng của Cha chưa? Chính Thiên Chúa sẽ giúp tôi làm được những gì tôi không thể. Những biến cố liên tiếp xẩy ra chung quanh tôi đã dạy tôi nhiều bài học quí giá, nhưng không biết tôi đã nhiệt thành cộng tác với quyền năng Chúa để dẫn anh em về với Chúa chưa? Một trong những biến cố đã làm tôi suy nghĩ nhiều: Tôi chỉ là dụng cụ của Chúa. Chúa xử dụng tôi theo ý Ngài. Nhưng Chúa cũng không cần tôi, Chúa có thể biến đổi một người, một gia đình, một họ đạo… vào thời điểm Chúa muốn. Số là có một người giáo dân đạo đức ở gần nhà thờ, chồng chị vô đạo, không cho hai người con học giáo lý và theo đạo. Bà rất buồn, bà thường đến với Chúa với tâm hồn buồn đau này. Một buổi sáng nọ bà bị một hiện tượng lạ là nói lung tung như quỉ nhập, bà chửi chồng, chửi em và tự xưng mình là Giê-su. Chồng bà không tin Chúa nhưng sợ hãi chạy vào gặp cha xứ để được giúp đỡ. Con trai bà đang học đại học ở thành phố Hồ Chí Minh hôm đó về nhà chơi, em sợ hãi đứng trước tượng Thánh Giá cầu nguyện.  Không biết em đã cầu nguyện như thế nào nhưng chỉ biết là sau khi cầu nguyện thì mẹ em tỉnh dần và em ngửi thấy một mùi rất thơm của hoa huệ. Từ giây phút đó em quyết định khi lên thành phố, em sẽ lén học giáo lý và theo đạo không cho bố biết. Cũng gần nhà em, một bà theo đạo Hòa Hảo, chị em chúng tôi đến thăm bà nhiều lần, nhưng bà vẫn giữ lập trường của mình  mặc dù chồng và con gái của bà, cô giáo dạy cấp hai, đã theo đạo. Khi thấy hiện tượng lạ, bà tò mò sang xem, bà cũng ngửi thấy mùi thơm phức của hoa huệ. Về đến nhà bà vẫn còn ngửi thấy mùi thơm đó phảng phất trong căn nhà của bà. Cô giáo, con bà nói với tôi: từ biến cố lạ đó, mẹ con trầm lặng hơn.

Đúng thật, Lời quyền năng của Chúa đã xua đuổi quỉ dữ và đã đụng chạm đến em Đại học và bà. Chúa đã trừ quỉ cho em và cho bà. Và nhờ biến cố này Chúa đã lôi kéo được hai người về với Chúa. Tin mừng hôm nay kể: Lời uy quyền của Chúa đã đánh đuổi quỉ ô uế ra khỏi một người. Và khi chứng kiến sự lạ này mọi người đều sửng sốt bàn tán với nhau về con người Chúa Giê-su: “Giáo lý mới mẻ, Lời dạy thì quyền uy.”

Chúa Giê-su không chỉ thuyết phục chúng ta theo Ngài, nhưng Ngài cho chúng ta biết chúng ta bị đe dọa và chỉ có Ngài mới có thể cứu chúng ta: “ Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” Qua việc truyền lệnh cho thần dữ, Ngài chỉ cho chúng ta thấy Ngài đã nghênh chiến bằng sức mạnh nào. Ngài cho chúng ta biết Nước Thiên Chúa đã khai mào trong chính Ngài. Ngài chữa bệnh, Ngài trừ quỉ, lời tiên báo trong sách Đệ nhị luật đã ứng nghiệm: “Ta sẽ làm chỗi dạy ở giữa anh em họ một tiên tri như ngươi; Ta sẽ đặt lời Ta trong miệng Người, và Người sẽ nói tất cả những gì Ta truyền…” Điều này dẫn chúng ta đến màu nhiệm của Chúa Ki-Tô. Người dạy với uy quyền: “Anh em đã nghe người xưa dạy: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Ta, Ta dạy các ngươi đừng chống cự với điều ác, nhưng trái lại, bất cứ ai vả má phải, ngươi hãy chìa má bên kia nữa. Nếu ai kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài”(Mt 5,38-42). Những lời dạy này rất mới mẻ. Đấng nói lời này đã khẳng định: “Trước khi có Abraham đã có Ta”(Ga 8,58). Ngài cũng khẳng định giáo lý của Ngài là của một Đấng khác: “Giáo lý của Ta không phải của Ta nhưng là của Đấng đã sai Ta”(Ga 7, 16). Ngài dạy với uy quyền cao cả vì Ngài làm những công việc mà Ngài thấy Cha làm. Tất cả màu nhiệm của Chúa Giê-su là bộc lộ tính cách làm con  và Ngài giúp chúng ta đi vào trong tương quan này.

Chúa Giê-su cũng là con người như chúng ta, người mệt lử bên miệng giếng Giacop, Người ngủ say trên thuyền Phê-rô trong cơn sóng dập dồn. Người khóc khi thấy người ta đưa xác con bà góa thành Naim… Tuy nhiên con người này tự bộc lộ hoàn toàn khác. Người có thể nó với người bất toại khi Ngài chữa: “ Này con, tội con đã được tha”.

Chúng ta phải khám phá ra khuôn mặt của Chúa Giê-su, Đấng qui chiếu đến chính mình: “Ta là đường,là chân lý và là sự sống”(Ga 14,60. Nhưng đồng thời Chúa Giê-su cũng nói đến một Đấng khác lớn hơn Người. Đó là màu nhiệm lạ lùng của chân lý trong cấu trúc nền tảng. Chúa Giê-su nói về mình để dẫn chúng ta đến với Cha, Đấng là nguồn gốc mọi sự.

Nếu Bí Tích Thánh Thể không hữu hiệu trong đời sống chúng ta đó là vì chúng ta chưa lắng nghe lời quyền năng của Chúa. Chúng ta phải lắng nghe Lời quyền năng của Chúa  trước khi ăn BánhThánh Thể. Phải mang Lời, suy niệm lời như Đức Maria. Đó là điều Chúa muốn. Chính Lời quyền năng đã làm cho ma quỉ phải im tiếng và ngừng mọi hoạt động của chúng, chúng nhận ra mình xấu xa: “ Ông Giê-su Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”Đó là tiếng kêu của người biết mình bị quỉ ám, họ van nài Người đừng can thiệp, hãy để họ yên, đừng thay đổi họ.

Trong cuộc sống đôi khi chúng ta cũng rơi vào trong trường hợp này, chúng ta không để cho Lời quyền năng của Chúa biến đổi, chữa lành chúng ta. Chúng ta sợ sự can thiệp của Chúa làm cho chúng ta đau đớn. Chúng ta muốn ở lì trong tình trạng khốn khổ của mình.

Chúng ta hãy xin Lời quyền năng của Chúa mở trí chúng ta. Xin Lời biến đổi và tháo cởi xiềng xích nơi chúng ta. Xin Lời mở mắt chúng ta và xin cho chúng ta thấy Đấng yêu chúng ta và Đấng muốn dẫn chúng ta mãi mãi đến hạnh phúc và chân lý vững bền. Amen!

Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon