Chúa Ba Ngôi
Suy niệm: Ga 3, 16 – 18
Khi dạy giáo cho anh em dự tòng, nhất là những anh em chưa một lần nghe biết về Chúa và nhất nữa là các anh em đã thấm nhuần giáo pháp đạo phật lâu năm. Tôi cảm thấy thật lúng túng khi dạy về Chúa Ba Ngôi, một Mầu nhiệm mà chính tôi đã được học hỏi nhiều, nhưng tại sao tôi lại rất bối rối khi nói về chân lý này với những người chưa có ý niệm gì về Thiên Chúa? Vì Thiên Chúa, Đấng vượt quá trí của tôi, tôi không thể đong đếm Ngài, nắm bắt Ngài bằng mớ hiểu biết rất giới hạn của tôi. Dù có cố gắng hết sức học hỏi về mầu nhiệm cao cả chính yếu này thì cuối cùng tôi cũng phải thừa nhận: Tôi chỉ có thể bập bẹ về Ngài hay chỉ tiến đến gần Mầu nhiệm này thôi.
Sự hiểu biết của tôi về mầu nhiệm này không khá hơn các anh em tôi, những người tuy ít học nhưng đã sống thường hằng Mầu Nhiệm này. Cái kinh nghiệm thất bại khi dạy giáo lý các giáo điều cho anh em, khiến tôi phải nghĩ ra một sáng kiến khác khi chia sẻ niềm tin. Lần kia, khi dạy cho một bà đã sùng đạo phật bốn mươi lăm năm về Màu Nhiệm này. Tôi đã dạy rất kỹ qua việc tuyên xưng Đức tin khi làm dấu bắt đầu giờ học hay đầu mỗi giờ cầu nguyện và cả trong Thánh lễ nữa. Tôi cẩn trọng dạy nhiều giờ và lặp đi lặp lại công thức Một Chúa có Ba Ngôi. Tôi dạy từng Ngôi cách rất kỹ càng. Nhưng đến khi trả bài, bà trả lời có ba Đức Chúa Trời. Tôi hỏi tiếp: Đức Chúa Trời có mấy Ngôi? Bà trả lời không cần suy nghĩ: Có hai hay ba gì đó. Rồi bà tiếp: Khó quá! Con không nhớ được! Tuy trí bà không nhớ Ba Ngôi như một công thức nhưng bà cầu nguyện sốt sắng. Bà giữ giờ kinh tối đều đặn. Giờ kinh tối của bà bao gồm lời cầu nguyện với Ba Ngôi Thiên Chúa. Ai dám quả quyết bà không biết gì về Thiên Chúa. Bà không biết Ngài bằng trí khôn nhưng bà biết Ngài qua cuộc sống cảm nghiệm và qua những giờ cầu nguyện. Bà cầu nguyện với Chúa Cha, và bà hiểu đó là Đấng dựng nên trời đất muôn vật và mọi thụ tạo trong đó có bà. Bà cầu nguyện với Chúa Con, Bà cảm nghiệm tình yêu tự hiến của Ngài trên thập giá để cứu chuộc nhân loại và bà là đối tượng của tình yêu đó. Bà cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, Đấng Thánh Hóa, ban sức mạnh, giúp bà bỏ đạo phật để theo đạo Chúa.
Viết đến đây tôi lại nhớ lại cách hiểu về Chúa Ba Ngôi của các anh em phiêu lưu nơi rừng xanh núi thẳm. Họ sống với thiên nhiên, cách hiểu của họ cũng thiên nhiên và thực tế như hoa rừng, như cây rừng, như suối rừng. Cả ba rất khác nhau nhưng rất cần cho cuộc sống của họ. Thiếu nó họ sẽ chết. Cái hiểu biết của con người mộc mạc đó diễn tả về Chúa Ba Ngôi làm chúng ta chưng hửng nhưng không thể kết án. Họ nói theo ngôn ngữ của họ: Có Ba Thằng: Một Thằng bị bắn chết, một Thằng bay đi và Một Thằng ở trên trời. Rất đơn sơ, rất nôm na, và rất bất kính đối với ngôn ngữ của chúng ta. Nhưng đối với họ, đấy là Đấng họ tôn thờ, tin kính và mến yêu. Chỉ cần nhìn họ cầu nguyện chúng ta mới hiểu được niềm tin của họ.
Màu nhiệm này không những khó với các anh em dự tòng và khó cả với tôi nữa. Chính điểm khó này đã khiến tôi tìm tòi các cách giải thích để học hỏi nơi các bậc thầy, các bậc đàn anh giàu kinh nghiệm hầu cắt nghĩa cho người nghe thỏa đáng. Tôi cũng rơi vào trường hợp của thánh Augustinô lang thang trên biển lúc chiều tà nghiêng đổ để hưởng gió mát, phong cảnh hữu tình của hoàng hôn, hy vọng sẽ tìm được cách giải nghĩa về màu nhiệm này. Như Thánh Augustinô, tôi cũng được Chúa dạy bảo qua các anh em của tôi: Lý trí của con làm sao đong nổi mầu nhiệm cao siêu của Đấng muôn trùng Siêu Việt.
Biết giới hạn của mình, biết lỗ ngao của trí óc mình không thể đong nổi hết nước biển nên tôi đã tìm một phương pháp nhẹ nhàng, dễ dàng khi chia sẻ là giúp anh em sống và cầu nguyện với Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta đều có cái cảm nghiệm đơn sơ này khi ăn một quả cam. Chúng ta không biết diễn ta thế nào về nó nhưng khi ăn nó chúng ta biết được mùi vị thơm ngon, ngọt ngào của trái mà chúng ta vừa ăn. Cảm nghiệm này giống nhau đối với mọi người, không phân biệt màu da sắc tộc, văn hóa, người bình dân hay người trí thức …
Ông bà tôi ngày xưa cũng vậy, các Ngài không hiểu biết như tôi ngày nay nhưng các Ngài đã sống Mầu nhiệm này sâu hơn tôi, đã cảm nghiệm tình yêu Ba Ngôi đậm hơn tôi. Cuộc đời của các Ngài là thần học sống. Tôi luôn muốn tìm hiểu để định nghĩa về cái ghế còn các Ngài chỉ biết một điều rất thiết thực không kém phần sâu sắc: Cái ghế để ngồi. Ai hay hơn ai? Tôi lo tìm mọi cách để hiểu về Màu Nhiệm ấy và Mầu Nhiệm đó vẫn ở ngoài tôi. Còn các Ngài không tìm điều tôi tìm, nhưng các Ngài đã sống điều cần thiết nhất. Không khéo tôi lại rơi vào chính đối tượng mà Chúa Giê-su cầu nguyện: “Lạy Cha, Con cảm tạ Cha, vì Cha đã giấu mầu nhiệm Nước Trời đối với kẻ khôn ngoan nhưng lại mạc khải cho những người bé nhỏ!”
Nói thế không phải để buông xuôi tất cả. Không phải khi dạy về Màu Nhiệm quan trọng này tôi bỏ lửng và kết luận một câu xanh rờn cho nhẹ nhàng: Mầu Nhiệm không thể hiểu chỉ phải tin thôi…Rồi xoa tay xong một bài khó nuốt này. Nếu làm thế, tôi sẽ không thuyết phục được những người tôi dạy dỗ. Tôi phải dạy cho họ biết như tôi biết, rồi mời họ cầu nguyện và sống tương quan với mỗi Ngôi trong đời sống thường ngày.
Có nhiều điều chúng ta không hiểu nhưng chúng ta vẫn sống. Chúng ta không hiểu được tại sao chúng ta yêu nhưng chúng ta vẫn sống yêu thương.
Hôm nay phụng vụ cho chúng ta dừng lại để chiêm ngắm một biến cố vượt trên mọi biến cố, một thực tại cho ý nghĩa cho mọi thực tại: Thiên Chúa của tổ phụ Abraham và Giacóp, Ngài đã chọn một dân, đã mạc khải mình cho họ và qua họ Ngài mạc khải cho mọi dân. Thiên Chúa mà không ai thấy bao giờ đó, đã nói cách rõ ràng cho chúng ta trong thời gian sau hết này( Dt 1,2). Đó là một Thiên Chúa, trong một thực tại duy nhất và màu nhiệm. Chúa Cha đã cho mọi sự hiện hữu và nhờ Ngôi Lời, Con Một của Chúa Cha mà mọi sự được tạo thành. Và Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con. Ngài là tình yêu và sức mạnh của Thiên Chúa. Ngài được ban dồi dào cho nhân loại để nuôi dưỡng sự sống đời đời cho họ
Chính nhờ Ngôi Lời và Thánh Thần của Cha mà chúng ta được tham dự vào sự sống của của Thiên Chúa, vì Ba Ngôi Thiên Chúa đến làm nhà của Người nơi chúng ta. (Ga 14,23).
Chúng ta tin Thiên Chúa là nguồn gốc thế gian, Đấng hướng dẫn thế giới về cùng đích mà chỉ mình Ngài biết. Chúng ta tin Thiên Chúa, Đấng không thể diễn tả bằng lời vì Ngài Siêu Việt. Thiên Chúa ấy chúng ta không thể hiểu nhưng Ngài vào trong cuộc đời của chúng ta để đảo lộn, để biến đổi: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian, để tất cả những ai tin vào người đều được sự sống đời đời”.
Ở chiều sâu màu nhiệm, có một tình yêu vô cùng, tình yêu của Cha và Con và Chúa Thánh Thần tự hiến cho nhau và cả Ba quyết định cứu độ chúng ta. Đó là Thiên Chúa thật, Ngài tuyệt đối yêu thương, Ngài đặt mình dưới chân chúng ta. Ngài đến với chúng ta như Đấng Toàn Năng nhưng toàn năng trong sự yếu đuối của tình yêu. Tình yêu luôn luôn là yếu đuối. Tình yêu chỉ có thể van xin và chờ đợi. Ngài chờ đợi chúng ta nhưng chúng ta cũng phải phóng mình vào bàn tay yêu thương của Ngài, phóng mình vào đại dương lòng thương xót của Ngài để Ngài thiêu đốt chúng ta bằng ngọn lửa tình yêu của Ngài. Chúng ta sẽ khám phá ra những điều kỳ diệu của tình yêu Thiên Chúa.
Tin Thiên Chúa không phải là tin những điều trừu tượng nhưng là dấn toàn thân, trao phó toàn thân cho màu nhiệm này. Đó là khám phá ra một ai đó yêu chúng ta cách cá vị, gọi chúng ta bằng tên riêng của mình. Ngài dìm chúng ta trong đại dương tình yêu và Ngài đòi chúng ta đáp lại tình yêu đó cách vô điều kiện. Vì Ngài là tình yêu. Bản tính của Ngài là thế! Đời đời Ngài là tình yêu. Tình yêu thì hoàn hảo, tình yêu thì đời đời.
Thiên Chúa tự bộc lộ cho chúng ta như một người Cha: “Khi các con cầu nguyện hãy nói: Lạy Cha chúng con…” Người là nguồn gốc mọi sự, Đấng dựng nên chúng ta giống hình ảnh Người. Người muốn thiết lập với chúng ta một sự liên hệ bền vững. Chúng ta thuộc về Ngài, thuộc dòng dõi Ngài nhưng chúng ta được tự do đón nhận Ngài hay từ chối Ngài.
Chúng ta hãy tin và tuyên xưng Thiên Chúa duy nhất là Cha, là Con và Thánh Thần trong lòng và trong cuộc sống. Thiên Chúa ấy thật lạ lùng, Ngài đã bộc lộ tình yêu trong sự điên rồ của Thập Giá. Chúng ta là những thụ tạo nghèo nàn, chúng ta cần tình yêu của Ngài để được hạnh phúc và được sống dồi dào. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta hãy đặt mình trong bàn tay của Thiên Chúa để nhờ ơn của Chúa Ki-Tô, tình yêu của Chúa Cha và sự thông hiệp của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ được hiệp nhất với Ba Ngôi Chí Thánh trong tình yêu viên mãn.
Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu