Cánh Cửa Hy Vọng Bên Kia Covid-19 (Kỳ I- Kỳ IV)

0

Nhật ký sứ vụ

CÁNH CỬA HY VỌNG BÊN KIA COVID 19 (Kỳ I)

MỘT…

Con hẻm nhỏ vốn im ắng ngày thường, nay lại càng vắng hơn khi đại dịch Corona với lệnh cách ly toàn xã hội của thủ tướng chính phủ.. Bỗng đâu chiều nay mấy chiếc taxi nối đuôi nhau xuất hiện, một vài con mắt tò mò hé cửa ngó xem. Taxi dừng sát chiếc cổng có cái bảng hiệu Tu Viện Fatima, Dòng Đa Minh Tam Hiệp. tấm bảng của căn nhà thuê các Sơ vừa dời đi chưa kịp gỡ, hay đúng hơn chưa gỡ ngay vì muốn kéo dài một hoạt động sứ vụ qua Lưu xá dành cho các em sinh viên. Đó chính là nội dung mở đầu cho những câu chuyện của trang nhật ký này,  câu chuyện sứ vụ mùa đại dịch.

Rất nhanh, mới mấy tiếng đồng hồ đây thôi, từ cú điện thoại của Anh Thắng, vị ân nhân của lưu xá sinh viên, kèm theo tin nhắn ảnh chụp các em bé bệnh viện Nhi Đồng qua Zalo với chú thích: “Biết đi đâu về đâu đây Sơ ơi, khi không có chuyến xe nào được ra vào thành phố”.

Tiếp nhận những người đến từ khắp nơi ngay lúc dịch bệnh đang bùng phát dữ dội này ư? thông tin về sự lây lan ở Bệnh viện Bạch Mai và lây nhiễm chéo ở vài nơi, đủ để ai nghe cũng hoảng sợ rồi.

Nhưng Họ là những người nghèo, hình ảnh Đức Mẹ và Thánh Giuse lang thang không tìm được chỗ trọ cứ như đang đâu đây. Ngày xưa còn có hang súc vật bỏ hoang ngoài đồng để trú tạm, còn nay giữa phố  thị như vậy, nhà nhà sợ bệnh, ai dám cho trú, ngay cả vỉa hè cũng sợ thành ổ dịch, những lữ khách này lại không có tiền, biết dắt díu nhau đi đâu về đâu?

Một thoáng chần chừ, nhưng rồi lòng thương cảm thắng nỗi sợ hãi.

Cuộc điện đàm diễn ra ngay sau đó. “Thưa Chị nếu được…nếu cần …. và nếu…xin cho phép em… và cho em cách ly để tránh lây nhiễm cho công đoàn.”

 “Chi X. Tr cứ đón họ vào nhà sinh viên đi nhé”

Câu trả lời nhanh, gọn, dứt khoát của Sơ Bề trên như một sự chấp thuận, và cũng đầy khích lệ làm tan mọi nỗi lo lắng.

Chỉ hơn tiếng đồng hồ sau, căn nhà ba tầng của các em sinh viên bỏ trống mấy tháng nay đã được sắp xếp gọn gàng, lau dọn sạch sẽ.

Căn lầu rộng mở cửa …mấy anh tài xế áo sơ mi trắng, cà vạt lịch sự bước xuống xe, đỡ từng bà mẹ với những em bé ốm nhom, em thì đầu trọc, em thì dây rợ chằng chịt trên người, bên cạnh là các ông bố với một vài chiếc giỏ cũ và những bọc nylon với đủ thứ lỉnh kỉnh. Thoạt trông có cảm giác của một cái gì đó sai sai, chênh lệch, tương phản. Cho đến khi anh tài xế tiến đến với nụ cười rạng rỡ, anh thân thiện giới thiệu…. thì ra họ là những nhân viên của một hoạt động thiện nguyện, được phép chở bệnh nhân miễn phí trong nội thành. Có thế chứ! với “tấm lòng” thì dù sang hèn thứ bậc nào trong xã hội, người ta vẫn có thể gần nhau. Đẹp biết bao những chuyến xe nghĩa tình!

Không dừng ở nhà khách lâu, các gia đình được hướng dẫn lên ngay các phòng của mình.

Em bé Y khin  Adrơng và ba mẹ: Y Cường Ksơ. H’ Phiat Adrơng (Dân tộc Ê đê)

Em bé Thạch Lâm và ba mẹ: Thạch Hùng. Thạch Thị Sôphia (Dân tộc Khơ me)

Em bé A Minh Khai  và ba mẹ: A kha.  Y Vết (Dân tộc Ba na)

Em bé Y Vu và ba mẹ  H  Vinh. Y Nguyện. (Dân tộc H’ Lăng)

Chuyến đầu tiên với những cái tên được viết trên giấy (sổ khám bệnh) đã thấy là thử thách rồi, còn thêm ngày mai, ngày mốt nữa với danh sách dài hơn, liệu có thể nhớ?

Giai đoạn dịch bệnh, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, Chiếc khẩu trang N95 và khoảng cách an toàn xa 2m như dự tính ban đầu tưởng là đã khá ổn, nhưng lúc này chẳng còn có tác dụng, vì mỗi bên đều cần phải tiến đến gần hơn, nhìn miệng nhau rõ hơn để hiểu bên kia nói gì. Không biết do ngơ ngác từ trên xe mới xuống, hay chưa quen người quen tiếng, mà Sơ đã cố gắng nói chậm, khuôn mặt các ông bố bà mẹ trẻ vẫn rất căng thẳng, mắt tròn lên như để đoán ý.

Biết sao được, không chỉ ngôn ngữ, lần đầu lên thành phố, các hướng dẫn về đường xá, địa điểm mua bán đã khó, các sinh hoạt trong nhà còn vất vả hơn. Những người con của đại ngàn thoăn thoắt lúc trên nương lúc dưới suối, thênh thang với căn chòi bạt gió, giờ đây phải ngồi im trong nhà, tập quen với những quy tắc ra vào đóng cửa, khóa cổng, cẩn thận nhẹ nhàng với các van khóa, nút vặn, hệ thống điện nước…quả không đơn giản chút nào …

HAI…

Trong xóm nhỏ đêm qua chắc là nhiều người không ngủ? Nhìn đứa bé 6 tháng tuổi đang khóc ngặt nghẽo trên tay mẹ, đằng kia thằng bé lên ba vừa cắt khối u, cứ chốc chốc lại hét lên ‘đau, đau quá” … Chị giật mình nghĩ tới những người hàng xóm xung quanh. Đúng, lâu lắm rồi trong cái xóm nhỏ này không có tiếng trẻ con la hét, xe cộ hoặc động đạc gì, ngoài tiếng gáy của chú gà trống trong chiếc lồng chim ở lầu bốn nhà bên cạnh, tiếng mõ đều đều từ ngôi chùa, và lời kinh trầm bổng của các Sơ mỗi sớm chiều.

Cảm giác có lỗi, chị đi đến gõ cửa từng nhà xin thông cảm vì sự phiền toái này. Thoạt đầu ai cũng ngạc nhiên không hiểu từ đâu ra những chuyến xe và  sự có mặt của những đứa trẻ….nhưng khi nghe biết chuyện, hầu hết mọi người đều cảm thông, đặc biệt hơn nữa là ai cũng muốn gởi chút gì đó chia sẻ, trao tặng, bù đắp cho các cháu. Đặc tính của người Việt là thế: gần gũi, thân thiện, sống tình làng nghĩa xóm, và sự chia sẻ đùm bọc nhau trong những lúc khó khăn.

Được sự ủng hộ của ông tổ trưởng dân phố ngay từ lúc đầu tiên đón các cháu, giờ Chị lại ra nhà nhờ ông dẫn đến công an khu vực để khai báo. Vì dù tất cả những bệnh nhân đến tá túc ở đây đều từ Bệnh viện Nhi Đồng. Các cháu có giấy xuất viện và ba mẹ có tờ khai Y Tế đã đóng mộc, nhưng trong hoàn cảnh dịch bệnh này, việc trình báo cẩn thận vẫn là điều cần phải làm. Dĩ nhiên với lệnh giới nghiêm “giãn cách xã hội”, căn nhà cho bệnh nhân của Sơ phải là nơi được tuân giữ cẩn thận nhất các quy định của Bộ Y tế, vì sức khỏe các cháu mỏng manh lắm, vừa bé yếu sức lại vừa mới phẫu thuật, lỡ có chuyện gì các cháu là người phải hứng chịu  trước. Vì vậy việc đeo khẩu trang, rửa tay sát trùng, khử khuẩn, và ở trong nhà là điều bắt buộc, chỉ một người được giao tiếp bên ngoài.

An tâm trở về với công việc của mình, Chị đến thăm phòng đầu tiên lầu I: Hai vợ chồng với thằng bé dây rợ quanh người đang ngồi đó với bát mì tôm:

  • Ủa, hôm qua Sơ đã chỉ một vài chỗ gần đây có thể mua cơm, cháo, bánh mì… ăn gì cứ nhờ Y Cường Ksơr mua cho?.
  • Cái này chỉ có 3 ngàn, cái cơm nó tới 30 ngàn cơ.

Căn phòng thứ 2: bà mẹ người Khơme mới sinh con được hơn một tháng cũng đang ăn miếng mì tôm sống.

  • Nè, sao tối qua ăn mì tôm rồi nay lại ăn nữa?
  • Cái này… họ phát cho.

Cũng thế với căn phòng thứ 3:

  • Sáng giờ ăn gì chưa?
  • Chưa.
  • Sao vậy?
  • Chỉ còn có 75 ngàn thôi. Hai vợ chồng cúi đầu lí nhí: để còn mua cái sữa cho con nó.

Chị thấy cổ họng mình nghẹn nghẹn. Nhấc điện thoại Chị liều gọi cho chủ quán cơm O Đồng: Alo Chi Phượng, hiện Sơ cần nhu yếu phẩm nấu cho 18 phần ăn. Các em Sinh viên mới lên hả Sơ? Không, là bệnh nhân. Vậy mang đến Bệnh viện? Không, mang đến nhà Sinh viên. Uh, nghĩa là sao?…nhưng….Vâng, khoảng hơn tiếng nữa con cho người mang tới.

Bữa cơm trưa nay có đủ rau củ thịt cá. Người hàng xóm lại vừa bấm chuông mang sang con cua biển cho các bé mới mổ cần bổ sung canxi và làm thịt đầy lên, cùng một ít tôm hấp cho người lớn nữa. Mọi người cùng xúm xít quanh bát muối tiêu chanh, thấy vui làm sao. Chưa bao giờ Chị cảm nghiệm lời Thánh vịnh ý nghĩa như thế “Muôn loài để mắt cậy trông vào Chúa, và Ngài ban lương thực cho chúng đúng theo giờ. Chúa mở rộng bàn tay ra, là bao sinh vật muôn vàn thỏa thuê” (Tv 145,15-16 ), Ngài đã làm thế qua bàn tay những nhà hảo tâm. Thiên Chúa thật tốt lành và các con cái người cũng thế! 

Nt. Lucia Xuân Trang

(Tiếp theo trang 2)

1 2 3 4

Comments are closed.

phone-icon