Cánh Cửa Hy Vọng Bên Kia Covid-19 (Kỳ I- Kỳ IV)

0

Nhật ký sứ vụ

CÁNH CỬA HY VỌNG BÊN KIA COVID 19 (Kỳ II)

BA…

Gần một tuần lễ trôi qua êm đềm, không bé nào trở bệnh phải cấp cứu, tiếng khóc cũng thưa dần. Hình như trong căn nhà rộng rãi thoáng mát, các bé cũng cảm thấy thoải mái chịu ăn chịu chơi hơn. Bé Y khin A đrơng hôm trước nhất định không chịu đứng xuống đất, cứ hết trên tay mẹ lại qua tay bố, nay chạy nhảy nói cười, bò lên bò xuống chiếc cầu thang nhanh như sóc. Hạnh phúc vì thấy con vui vẻ chơi đùa, nhưng trên mặt mẹ của Y khin lại thoáng nét buồn “Cháu ung thư máu, nhìn vậy nhưng chẳng biết lúc nào”. Nói rồi người mẹ trẻ vội quay mặt giấu dòng lệ đang chảy dài.

Bé Uy Vũ cùng phòng thấy bạn chơi vui cũng trườn từ chiếc võng xuống, nhưng ngay lập tức em khóc òa, nhăn nhó  vì  mấy cái bướu to cấn vào thành bụng gây đau đớn. ánh mắt hớn hở vụt tắt, em buồn bã nằm xuống lại chiếc võng. Cứ thế, trong  thế giới của các thiên thần bé nhỏ này, niềm vui và nỗi buồn, tin tưởng và hy vọng, chán nản… nhưng rồi cả gia đình bố mẹ con cái lại tiếp tục chiến đấu. Có gia đình đã ở bệnh viện 3 tháng rồi, có ba mẹ đành mất công ăn việc làm, ở với con 5 tháng, 7 tháng, hoặc dài hơn cả năm rồi. “Còn nước còn tát” ai cũng mong manh chờ đợi… tin tưởng một phép màu sẽ đến cho con mình

Cùng là bệnh nhân khoa Ung của Bệnh viện Nhi Đồng 2, nên vào đến đây dường như ai cũng quen nhau, và nếu chưa quen thì cùng hoàn cảnh cũng dễ nên thân.  Lịch sinh hoạt của một ngày sống ở đây  luôn bắt đầu từ sự khua khắng rộn ràng của các ông bố trẻ, là  thành viên của 2 nhóm: nấu ăn và lau dọn nhà cửa. Mọi chuyện đâu vào đấy, xuôi xắn nhịp nhàng, siêng năng, nghiêm túc. Tuy nhiên thỉnh thoảng có lúc các bà cũng la toáng lên vì chẳng thấy bóng dáng một ông bố nào khi cần phải nhờ vả. Các ông đã “hô biến” và ở hết trên sân thượng ‘Hội nghị bàn tròn” với nhau rồi. Đàn ông mà không có chút gì đó lai rai, tin tức thời sự sao được, trong khi ở đây rượu bia không có, thuốc lá thì tối kỵ, đi ra ngoài cũng không được phép, vì vậy chỉ còn cái khoảng không gian sân thượng thôi.

Riêng sáng nay sự bận rộn là vì 2 em bé mới đến hôm qua, trong đó bé Nguyễn Ngọc Yến Thương 4 tuổi bị bại não và viêm phổi nặng, phải ăn uống qua đường ống, lúc xuống xe bị tuột ra, nên giờ phải nhờ đến chị Ngọc – điều dưỡng của Bệnh viện, đến đặt ống ăn cho bé sớm trước khi chị vào ca trực.  Người ta nói cái nghề đi với cái nghiệp. Đúng, nhưng với chị Ngọc cái nghề còn đi với cái duyên. Mấy chục năm trong nghề Chị rất có duyên với những đứa trẻ, chị hiểu được ngôn ngữ của bé, và các bé cũng thế. Bé Thương bại não chân tay xuội đơ, cặp mắt vô cảm như không biết gì, thế mà chị có cách hỏi han, làm hiệu và giao tiếp được với bé. Lần đầu tiên từ lúc đến thấy bé mỉm cười và cố khua khua cái tay yếu ớt của mình theo nhịp gõ của chị. Cũng thế bé một tháng tuổi con của Thạch Sôphia, phải cầu cứu vì mẹ dỗ mãi không nín, chị đưa tay ẵm chút xíu là bé nín khe. Thế mới thấy ngôn ngữ của tình yêu tuyệt thật, đó là thứ ngôn ngữ không lời.

Cũng là thứ ngôn ngữ không lời ấy, chiều nay Anh Thắng đến với chiếc xe con chở lỉnh kỉnh đủ thứ: Bánh cho các em trên 6 tháng, sữa cho em bé sơ sinh, giấy vệ sinh, nước rửa tay khử khuẩn, bột giặt và những chiếc ghế bố to dài như những chiếc giường. Anh biết bệnh của từng bé và dặn Sơ bé này phải nằm giường vải bố cho thoáng khỏi bị nấm, và bé kia có thể nằm chiếu. Các loại đồ dùng cũng thế, phải đúng theo yêu cầu của Bác sĩ.

Trên chiếc xe riêng nhưng vào cùng với Anh Thắng nãy giờ, Chị Thoa lắng nghe từng câu chuyện hoàn cảnh, rồi theo Sơ đến từng phòng của các gia đình, Chị không nói nhiều, chỉ đôi câu với nụ cười thật hiền nhưng ấm áp và đầy khích lệ. Cảm ơn Chị về sự hiện diện yêu thương, và cả món quà vật chất Chị trao tặng nữa.

Cũng một thông điệp yêu thương đó, tối nay chị Ngân với nick name Kelly Tran đến, ngoài bánh sữa, Chocolate, còn thêm những con thú và búp bê đủ loại để các bé giải khuây tạm quên cơn đau. Đúng là khi  yêu thương người ta có nhiều sáng kiến.

BỐN….

Hôm nay thứ Bảy Tuần thánh, như mọi ngày Sơ vẫn đi chợ rồi xách qua lưu xá từ sáng sớm. Thit, cá và trứng đã đầy tủ lạnh, nhưng các bé cần phải có thêm canxi từ đồ biển, và ba mẹ thì cần có rau cho những bữa ăn. Đang loay hoay vì tìm khắp chợ mà không thấy cua biển, bỗng chiếc điện thoại trong túi  tít tít

Hello, Sơ Trang

Chào chị Trân

Bánh Flan hôm qua em gởi ăn được không?

Ngon lắm

Bánh đó nhỏ bạn em tự tay làm cẩn thận sạch sẽ, Sơ cứ cất dùng từ từ

Sơ cần gì nữa thì cứ nói nhé! Em rất muốn giúp mà không biết Sơ cần gì.

Mấy ngày nay Sơ tìm mua cua biển mà không có.

Em mua được, trưa em mang qua cho.

Từ giáo xứ Tân Phước, quận 11, xa quá. Trân lại phải đi làm?

Không sao đâu, không đến được thì em Ship

Uh… thế đấy, “kẻ được Chúa thương dù có ngủ, người vẫn ban cho đủ tiêu dùng” (x Tv 127,2)

Sau một buổi sáng tất bật với công việc, chị trở về cộng đoàn khi đã quá trưa và mọi người đã đi nghỉ hết. Lặng lẽ bước vào nhà khách, không gian tạm coi là cách biệt, để tránh đụng chạm và tiếp xúc gần với mọi người trong nhà.

Khay cơm của người cách ly hôm nay có canh rau, cá, và một phần tráng miệng, đều là những món yêu thích mà sao nuốt không nổi. Chị nhớ những bữa cơm của cộng đoàn, lúc nào cũng vui và đầy ắp tiếng cười. Chị nghĩ  đến vọng Phục sinh đêm nay. …. Đã mấy chục năm trong đời tu, có lẽ đây là lần đầu tiên Chị phải “ở một mình”. Chị thích được cùng chị em sống tuyệt đối bầu khí thinh lặng sốt sắng Tuần thánh, để cùng òa vỡ niềm vui Alleluia ngày Chúa phục sinh. Thế mà đêm nay…

Không, Chúa đã sống lại…. hình ảnh “chị Đan sĩ ngồi ôm cây đàn hát dưới ánh nến phục sinh” đang khơi dây nơi Chị niềm hy vọng . Giữa bóng đêm của dịch bệnh, của một đại lễ không có tiếng chuông nhà thờ, của từng hoàn cảnh khổ đau, thất vọng nơi những người nghèo này, Chị phải hiện diện cách vui tươi, để đem lại cho họ bình an và niềm hoan lạc tràn đầy của Đấng Phục sinh.

Quay trở lại Lưu xá, Chị treo một thông báo ngắn gọn trên bảng ở phòng ăn: gia đình nào đạo công giáo 8g30 tối nay tập trung ở phòng khách dự lễ vọng Phục sinh với Sơ.

8g15 Chị chuẩn bị máy tính, gắn thêm loa âm thanh rồi ngồi trước màn hình. Tưởng chỉ mấy gia đình có đạo, nhưng ai ngờ tất cả kéo xuống, ngồi xếp nếp chen chúc quanh màn hình nghiêm trang dự lễ. Đêm Canh thức vượt qua với các bài đọc dài, các nghi thức phải liên tục đứng lên ngồi xuống. Sơ ra hiệu để các bà mẹ bế con có thể ngồi không cần phải đứng, nhưng “những đứa con ngoại đạo” lần đầu dự lễ này không dám, cứ nhất cử nhất động bắt chước làm y như Sơ. Mấy đứa trẻ, ngoại trừ bé Uy Vũ đau quá về phòng với mẹ, còn lại ngồi im trong lòng ba mẹ không quấy phá gì, cho đến khi đi vào giấc ngủ.

Sau Thánh lễ, một chút gọi là tiệc trà được bày ra, cùng nhau mừng Chúa sống lại. Sự kết nối và niềm vui lan tỏa giữa những con người xa lạ mà cũng rất gần gũi này mới thấy diệu kỳ làm sao! Đúng, Chúa sống lại không chỉ cho riêng tôi, đó là một cảm nhận rất thật. Alleluia. 

Nt. Lucia Xuân Trang

(Tiếp theo trang 3)

1 2 3 4

Comments are closed.

phone-icon